Đây là băn khoăn chung đó em. Nhưng đôi khi mình phải thỏa hiệp vì đi thi là chấm theo đáp án, nếu mình phá cách thì đó là mình tự hại mình (Đáng buồn làm sao, đây là sự thật!). Về cơ bản, một bài văn hay trước hết là một bài văn đúng (theo quan điểm bây giờ), cho nên em cần tập viết 1 bài văn đúng (đủ ý và giống dàn ý của cô) sau đó sẽ nâng lên bài văn hay. Theo kinh nghiệm của ad, trong bài viết em có thể thêm thắt một vài điểm nhấn để tạo dấu ấn riêng của mình, cụ thể:
1. Phần dẫn dắt trong mở bài. Ở mở bài thì phần trích dẫn đề và nêu vấn đề nghị luận là giống hệt nhau, cho nên sự sáng tạo và điểm nhấn là ở phần dẫn dắt. Em có thể dẫn dắt theo cách riêng của mình sao cho hợp lý, kể một câu chuyện, dẫn vào bằng một hình tượng, nêu ấn tượng cá nhân... Tuy nhiên phần dẫn dắt này cần ngắn, gọn để dành thời gian cho các phần khác và vì mở bài không cho phép quá dài dòng. Em nên tập viết làm sao trong khoảng tối đa 3 câu có thể diễn đạt tối đa ý mình muốn.
2. Phần liên hệ bản thân của nghị luận xã hội. Mặc dù phần này nhìn chung cần nêu đủ 2 ý: bài học nhận thức và phương hướng hành động, nhưng đây chính xác là phần em có thể tạo dấu ấn riêng cho mình. Hãy nêu suy nghĩ, trải nghiệm của bản thân em về vấn đề nghị luận, hãy chân thành bày tỏ phương hướng hành động của mình sao cho khả thi, thiết thực. Khi viết bài, đa số học sinh xem nhẹ phần này vì nó ở cuối thân bài gần chuyển sang kết bài và viết rất hời hợt, sáo rỗng, chỉ cần bỏ công một chút thì bài của mình sẽ có điểm nhấn. Nhưng chú ý, có điểm nhấn không phải là dài dòng, mà là ta thay những câu văn nhợt nhạt bằng những câu văn đặc sắc hơn, nội dung có chiều sâu hơn mà thôi.
3.Phần bàn luận của bản thân khi phân tích đoạn thơ, đoạn truyện, nhân vật. Thường thì chúng ta sẽ phải đi từ nghệ thuật đến nội dung, gọi tên biện pháp nghệ thuật, tác dụng của nó, nội dung mà nó biểu hiện. Tuy vậy sau đó, vẫn có một khoảng dung lượng đủ để em bày tỏ thái độ, cảm nhận riêng của mình với hình ảnh thơ, với câu văn, với nhân vật mà mình phân tích. Tuy nhiên cảm nhận cá nhân này cần hợp lý và phù hợp với văn cảnh, không phải là sự tùy tiện suy diễn. Em cũng có thể nâng cao bàn sâu thêm vấn đề bằng cách so sánh với đoạn thơ, nhân vật, chi tiết có tính chất tương tự và bàn sâu hơn. Đây là quá trình đòi hòi cần sự rèn luyện, em cần đọc kĩ và nghĩ nhiều về các tác phẩm được học, đào sâu suy nghĩ về các chi tiết, mở rộng vốn văn học bằng cách đọc các tác phẩm có sự tương đồng, liên hệ các chi tiết, tác phẩm văn học với trải nghiệm thực tế, kết nối văn học với vốn sống bản thân... Đó là quá trình cả một năm học đọc và tích lũy, không phải là một phút đột xuất trong bài kiểm tra hay trong bài thi, nên tốt nhất em hãy tập viết từng đoạn văn nhỏ về những ý tưởng để làm vốn, rồi tùy trường hợp tùy thời gian có thể thêm thắt vào bài viết, gia giảm dung lượng sao cho phù hợp với đề bài và với thời gian làm bài.
Chúc em thành công.
Mọi câu hỏi cần admin giải đáp xin gửi về fanpage: www.facebook.com/blogchuyenvan