[NLVH] BÀI THƠ ANH, ANH LÀM MỘT NỬA MÀ THÔI...


Đề bài:
Nhà thơ Chế Lan Viên có viết trong sổ tay thơ:
“Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa cho mùa thu làm lấy.”
Anh (chị) hiểu nhận định trên như thế nào? Bằng việc phân tích bài thơ “Thu điếu” (Nguyễn Khuyến), hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

BÀI LÀM


Thơ ca đối với con người, có lẽ cũng giống như bản nhạc mà người soạn nhạc Eduardo đã tặng Danhi nhân ngày cô tròn mười tám tuổi trong “Lẵng quả thông” của Paustopsky. Bản nhạc ấy khiến cô nghe thấy tiếng động của quê hương, của tiếng tù và lưng núi,… nó khiến cô khao khát thét lên rằng “Hỡi cuộc sống ta yêu người”. Một tác phẩm nghệ thuật cũng vậy chăng? Nó tưới mát tâm hồn người bằng ngọn gió trong lành của chính cuộc sống mà ta đang sống, như khi ta đọc một vần thơ hay ta cảm thấy cuộc sống tràn đầy trong trái tim mình. Một tác phẩm văn học ra đời đều sinh ra từ cái nôi hiện thực, phảng phất hơi thở của thời đại cùng sự rung động tinh tế của nhà văn, như Chế Lan Viên đã nói:

“Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa cho mùa thu làm lấy”

Thơ ca vốn bắt nguồn từ cuộc sống mà tâmđiểm là hướng về con người, chúng ta luôn tìm được sợi dây liên kết vô hình giữa tiếng nói cất lên từ thơ ca hòa cùng tiếng nói tâm hồn mỗi con người. Thế giới trong trang thơ mở ra đâu đó luôn tồn tại những hình ảnh gần gũi từ thế giới hiện thực mà ta đang sống, có điều mới mẻ và đặc biệt hơn. Chất thơ vốn có trong hiện thực, bởi nếu không có mùa thu đẹp đẽ của cuộc đời, không thể có mùa thu của thi ca.  Đối với Chế Lan Viên, bản thân hiện thực đã là “một nửa” của bài thơ – đó chính là vẻ đẹp “mùa thu” vốn có trong cuộc sống, và một nửa còn lại nằm ở tâm hồn người nghệ sĩ. Để cho “mùa thu làm lấy” nửa kia của hồn thơ là việc người nghệ sĩ cần có, đặt trang thơ vào cuộc sống và làm sao cho hơi thở cuộc đời tràn đầy trong từng câu chữ. Đó là đặc trưng của thơ ca, phải luôn hướng về hiện thực và từ đó đi sâu vào thế giới nội tâm của con người.

Chế Lan Viên đã cho ta thấy được cái cốt lõi của văn học chính là phản ánh hiện thực cuộc sống, cùng với đó là mối quan hệ giữa nhà thơ và cuộc đời. Vẻ đẹp của thơ bắt nguồn từ cuộc sống và khả năng cảm nhận tinh tế, nhạy cảm của nhà thơ. Tố Hữu từng nói: “Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã tràn đầy”, khi những cảm xúc mãnh liệt đè nặng trái tim nhà thơ không thể nói thành lời, thì khi ấy thơ lại là nơi để giãi bày. Những vần thơ viết ra từ chính sự xúc động tâm hồn của nhà thơ trước cuộc đời là những vần thơ có giá trị hơn bao giờ hết. Nếu nhà thơ tồn tại trên cuộc đời chỉ giống như “một bông hoa điếc và không truyền đạt hết mình cho đồng loại tất cả phong phú của tư tưởng và tình cảm” đang tràn ngập trong chính tâm hồn người nghệ sĩ trước những tiếng vang vọng của cuộc đời, thì đó không phải là người nghệ sĩ chân chính. Sứ mệnh nhà văn  là như một “người nghệ sĩ trung thành của thời đại” (Balzac), anh phải giúp cho người đọc hình dung những gì đang diễn ra trong cuộc sống chúng ta tồn tại, nơi đó gây cho người đọc lòng trắc ẩn, tình yêu thương và ý thức phản khác lại cái xấu xa, tàn ác. Con người cần nhìn thấy những gì chưa bao giờ thấy, hiểu những gì chưa bao giờ biết, tất cả những câu trả lời mà độc giả muốn có mà tác giả mang lại đều phải xoay quanh chính cuộc sống hiện tại. Không ai muốn đọc một tác phẩm mà ở đó, ta không tìm thấy sự đồng điệu và chia sẻ hay qua xa lạ, như Chế Lan Viên cũng cho rằng:

“Đừng làm những câu thơ đi tìm kiếm sao Kim
Thứ vàng ấy loài người chưa biết đến”

Tài năng và tâm hồn nhà thơ là một yếu tố hết sức quan trọng nhưng công việc của nhà thơ không phải chỉ dừng lại ở đó, anh phải là người đi tìm kiếm “hạt thơ trên luống đất của những người dân cày” (Pautopsky) từ mảnh đất hiện thực và ấp ủ chúng trong trái tim mình, để lại cho đời những “đóa hoa thơ” thật đẹp. Những đóa hoa ấy sẽ trở lại tô điểm cho cuộc đời và cho loài người niềm an ủi, đồng cảm mãnh liệt nhất.

Trong nền văn học Việt Nam từ bao đời nay, có không ít những thi nhân tìm kiếm nguồn cảm hứng sáng tác từ trong thiên nhiên cuộc sống, đó là những bức tranh đầy kì vĩ, lộng lẫy cho đến những gì gần gũi và bình dị nhất. Đó có thể là một mùa hè êm đềm tràn đầy sức sống của Nguyễn Trãi trong “Cảnh ngày hè”, một mùa xuân quá đỗi yên bình và đầy tâm trạng trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hay đối với với Nguyễn Khuyến ông đã miêu tả nên một bức tranh thiên nhiên mùa thu mang đậm chất làng quê Việt Nam, rất giản dị nhưng đầy tính nhân văn sâu sắc. “Thu điếu” nằm trong bộ ba bài thơ đặc sắc về mùa thu của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Bài thơ của ông đúng là bức tranh mùa thu hết sức sinh động, mà trong đó một nửa là mùa thu của thiên nhiên và một nửa còn lại là mùa thu của chính tâm hồn nhà thơ, cả hai đã hòa quyện vào nhau, tạo nên một tác phẩm bất diệt với thời gian.

Mở đầu  bài thơ “Thu điếu”, nhà thơ đưa người đọc đến với cảnh trời thu tĩnh lặng đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẹo teo”.

Những chất liệu dân dã đã đi vào câu thơ trong sự quan sát tinh tế và cảm xúc gần gũi của tác giả. Đó là “ao thu” trong tiết trời thu đến “lạnh lão” mang theo làn nước “trong veo” không gợi đục và tĩnh lặng vô cùng. Nước ao thu nay đến độ “lạnh lẽo” chứ không phải cái se lạnh thường thấy trong cơn gió mùa thu, sự “lạnh lẽo” qua cảm nhận của nhà thơ trong bức tranh mùa thu quê hương, hay phải chăng đó là sự “lạnh lẽo” của lòng người trước thời cuộc đổi thay? Từ giữa ao thu, điểm nhìn của nhà thơ mở rộng ra bao quát xung quanh, cảm nhận được chiều kích rộng lớn của khung cảnh thiên nhiên. Ở đó, mùa thu như rộng hơn, cao hơn và sâu hơn. Và càng mênh mông, rộng lớn thì con người trong khung cảnh thiên nhiên ấy càng thu lại nhỏ bé hơn, thu hẹp mình lại để hướng vào chiều sâu nội tâm cá nhân.  Con người đứng nhỏ bé trên “một chiếc thuyền câu bé tẹo teo”, chính vì ao nhỏ nên thuyền cũng nhỏ, không gian của bản thân con người thu hẹp lại và thế giới nội tâm cũng được mở ra, rộng mở giữa thiên nhiên. Nhan đề của bài thơ là “Thu điếu”, tức là câu cá mùa thu nhưng thực chất ở đây Nguyễn Khuyến chỉ tả cảnh thu mà không tả người, tả việc câu cá, phải chăng người ở đây đã tan vào cảnh, hòa vào nước thu trời thu? Hay ta có thể nhận ra, việc tả mùa thu câu cá chỉ là cái cớ, mà thực chất qua đó, nhà thơ gửi gắm những tâm tư tình cảm của mình trước thời đai. Sự giãi bày ấy gián tiếp bộc lộ qua cảnh làng quê thân thuộc, trong tiết trời mùa thu, mùa gợi cho người ta liên tưởng đến vẻ yên tĩnh, đến cái buồn man mác, mùa mà với thi nhân đó là nguồn cảm hứng bất tận:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

Ở bốn câu thơ trên, Nguyễn Khuyến đưa tầm nhìn từ xa đến gần, miêu tả từ cảnh gần ở hai câu thực và đưa ra xa hơn ở hai câu luận. Cảnh vật có sóng biếc “gợn” thành hình và lá vàng “đưa” thành tiếng nhưng cả tiếng và hình ấy đều rất nhẹ, rất khẽ trong cái tĩnh lặng của toàn bài thơ. Qua đó, ta nhận ra cái cảm nhận hết sức tinh tế của nhà thơ trước cảnh vật thiên nhiên, không chỉ quan sát mà còn lắng nghe, không chỉ miêu tả mà còn cảm nhận, đó chính là cái tâm, cái tài của nhà thơ thể hiện rõ nét. Chỉ những tâm hồn tinh tế, nhạy cảm trước sự biến động của thiên nhiên mới có thể làm nên những câu thơ như chụp lại từng khoảnh khắc “theo làn hơi gợn tí”, “khẽ đưa vèo” theo thời gian và đóng khung vào ngôn từ vĩnh cửu. Trong ngôn từ ấy, tâm hồn nhà thơ vẫn được gửi gắm vào đó một cách tinh tế, “khẽ đưa” như gợi sắc thái nhẹ nhàng nhưng “vèo” lại chỉ tốc độ rất nhanh, đó là tâm trạng ngỡ ngàng của nhà thơ trước thời cuộc biến đổi nhanh chóng. Ở hai câu luận, cảnh thu như xa hơn một chút, cảnh bên ngoài giới hạn của ao thu, nhưng vẫn được nhìn từ ao thu, phía trên là bầu trời thu “lơ lửng trời xanh ngắt”, trước mắt là làng xóm mùa thu xung quanh có “ngõ trúc quanh co”. Cái màu trời “xanh ngắt” ấy là màu xanh khơi gợi vẻ đặc trưng của trời thu trong thơ Nguyễn Khuyến. Màu xanh vô cùng xuất hiện trong cả ba bài thơ thu của tác giả với:

“Trời thu xanh ngắt mấy từng cao”
(Thu vịnh)
“Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”
(Thu ẩm)

Sắc “xanh ngắt” là màu đạt ở độ tinh khiết tuyệt đối, chỉ thuần một màu xanh không hề pha lẫn. Màu sắc của trời thu trong thơ Nguyễn Khuyến cũng trở thành nét đắc trưng ấn tượng trong bút pháp của ông. Sự sáng tạo trong nét chấm phá bầu trời mùa thu đã tạo nên “một nửa” hồn thơ trong tác phẩm hòa vào không gian rộng mở của mùa thư hiện thực ở nửa còn lại. Chẳng mùa thu nào mang cái biếc xanh đến tuyệt đối như mùa thu trong thơ Nguyễn Khuyến.

Ý thơ lại tiếp tục là sự đan xen giữa hồn thu của thiên nhiên, của hiện thực cùng với cái hồn thu trong lòng người đầy tâm trạng:

“Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”

Tầm nhìn của nhà thơ đi từ gần ra xa, từ thấp đến cao nay lại trở về nơi quan sát ban đầu, nơi “ao thu” với “chiếc thuyền câu bé tẹo teo” bỗng vang lên sự xao động giữa không gian yên tĩnh. Đó là sự “trở mình” phá vỡ cái tĩnh lặng và ngưng đọng của cảnh thu, tiếng “đơp động” ấy như thực như ảo, có phải là tiếng động khi cá căn câu hay chính là sự xoay động trong chính tâm hồn của chủ thể trữ tình, của tác giả? Một lời tâm sự kín đáo của nhà thơ, một nỗi băn khoăn và dằn vặt trước cảnh đất nước điêu tàn. Tiếng cá đớp “động”, động đến tâm trạng của nhà thơ, trong suy nghĩ của người đọc, người ta chợt nhận ra vẻ câu cá an nhàn ấy là một tâm trạng đầy suy tư, thậm chí đau đớn trước cảnh nước nhà lúc bấy giờ. Đau trước sự thay đổi không ngờ của thời cuộc, đau vì bản thân bất lực không làm gì được và trong sự dằn vặt nội tâm ấy, Nguyễn Khuyến đầy cô đơn và trơ trọi giữa trời thu “lạnh lẽo”. Từ mùa thu hiện thực với lá vàng, trời xanh, Nguyễn Khuyến đã vẽ nên bức tranh mùa thu chưa đựng suy tư cá nhân lên trang thơ, và khi đến tay người đọc, lại gợi lên những liên tưởng đầy ý vị. Ta cảm nhận được những vẻ đẹp bình dị nhưng tinh tế của làng cảnh quê hương, nghe vang dậy lời giãi bày, tâm tư kín đáo của tác giả tạo một sợi dây liên kết từ tâm hồn đến tâm hồn. Nói theo Chế Lan Viên, ta nhận thấy bài thơ của Nguyễn Khuyến là tiếng nói tâm trạng, cử sự suy tư và cảm xúc mà nhà thơ muốn bộc lộ, ấy là “một nửa” bài thơ do ông làm lấy. Thông qua khung cảnh chân thật của mùa thu vốn quen thuộc trong đời sống, trong hiện thực là “một nửa còn lại để cho mùa thu làm lấy”, giúp cho tiếng nói của nhà thơ được cất lên trọn vẹn và đầy đủ nhất. Từ hiện thực đến tâm hồn nhà thơ là sự kết hợp hoàn hảo trong công việc sáng tác, mà người ta gọi đó là “một thứ sản xuất đặc biệt và cá thể” giúp tạo nên tác phẩm nghệ thuật vĩ đại.

Như lời Chế Lan Viên đã nói, tác phẩm nghệ thuật tạo nên từ cái tài và cái tâm của người nghệ sĩ nhưng phải gắn liền với hiện thực. Không thể nào nhà thơ có thể khiến cho “nhãn quan con người tinh tường thêm”(Pautopsky), nếu tác phẩm của anh không phản ánh hiện thực cuộc sống, người đọc không thể cảm nhận được gì khi những gì người viết không có mặt cuộc sống của họ ở đấy. Quan sát và cảm nhận hiện thực là điều không thể thiếu trong nghề viết, bởi đối tượng văn học phản ánh chính là con người, khi “Văn học và cuộc đời là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người” (Nguyễn Minh Châu) thì chỉ có đi sâu vào đời sống của con người, của xã hội hiện thực, bản thân người nghệ sĩ mới lột tả sâu sắc nhất bức chân dung mang tên “con người”. Khi Chế Lan Viên nói:

“Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa cho mùa thu làm lấy
Cái xào xạc hồn anh là xào xạc lá
Nó không là anh nhưng nó là mùa”

Câu thơ nói lên sự song hành giữa hiện thực và bản thân tâm hồn của tác giả trong một tác phẩm văn học, hiện thực được phản ánh trong tác phẩm nhưng phải là hiện thực được rung động trên nhưng cung bậc cảm xúc chân thật. Một hiện thực vĩ đại không làm nên một tác phẩm vĩ đại. “Đừng cậy thời đại oai hùng nếu tâm hồn anh quá bé” (Chế Lan Viên), văn học cần có tài năng và cái tâm của người nghệ sĩ. Bản thân mỗi nhà văn, nhà thơ là những chủ thể sáng tạo, đi tìm những hạt mầm khác nhau trên nền mảnh đất hiện thực chung. Mỗi nghệ sĩ chân chính sẽ có cách diễn đạt và miêu tả khác nhau để truyền tư tưởng đến người đọc, chúng đa màu và đa dạng như những bông hoa khác nhau, tỏa ra hương sắc riêng trên mảnh đất hiện thực cuộc sống. Đối với Nguyễn Du, mùa thu hiện ra diễm lệ,long lanh như chính bút pháp trau chuốt đẹp đẽ của ông:

“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”
(Truyện Kiều)

Đối với Xuân Diệu lại là vẻ tiêu điều, u uất, buồn rầu như cái buồn khó đoán của người thiếu nữ:

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”
(Đây  mùa thu tới)

Hãy chính là buồn thu tĩnh lặng, bình dị đến cô đơn trong bài thơ “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến. Sự sáng tạo với các ngành khoa học phải lại trừ cái cá biệt để tìm đến quy luật chung, nhưng nghệ thuật là lĩnh vực của cái riêng, cái độc đáo: “Nghệ thuật là cái tôi, khoa học là chúng ta”. Người nghệ sĩ có thể tự do sáng tác theo cách riêng của mỗi người, mà mục tiêu chung là con người, là vì hiện thực cuộc sống

Lời nhận định của Chế Lan Viên có thể không phải là chân lý cuối cùng trong công việc sáng tác của nhà thơ, nhưng ý nghĩa và bài học mà nó để lại là vô giá. Nhà thơ phải đến với cuộc đời rộng lớn ngoài kia, bằng cảm xúc và tinh thần để nhận lấy những tinh chất của cuộc đời. Để rồi từ đó bằng tài năng và tâm hồn của mình, người nghệ sĩ để lại cho đời những tác phẩm sống mãi với thời gian.

Nhà thơ như chàng Samet đi nhặt những “hạt bụi” quý trong cuộc đời mênh mông vô tận để làm nên một “bông hồng vàng” giá trị, bông hồng đem lại niềm vui, cái đẹp cho tầm hồn người đọc thơ. Cái đẹp trong văn học là “cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật” (Thạch lam), từ chính ở hiện thực cuộc sống , nó phải đi qua một tâm hồn và trí tuệ, người làm thơ để cho người đọc một bài học “trông nhìn và thưởng thức”. Trước mắt là tâm hồn rộng mở của người làm thơ, cùng với đó là hơi thở thời đại mạnh mẽ vang dậy từ tác phẩm – đó là nghệ thuật đích thực.
LÊ XUÂN YẾN
11 CHUYÊN VĂN (NĂM HỌC 2016-2017)



EmoticonEmoticon