Đề bài:
“Có lẽ chưa bao giờ trên thế giới mà sự phá vỡ những nguyên tắc, trật tự, ngành nghề truyền thống lại mạnh mẽ như bây giờ, trong sự chuyển biến của cái gọi là “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Bạn cứ thử ngẫm nghĩ xem? Uber, công ty taxi lớn nhất thế giới, không sở hữu chiếc taxi nào. Facebook, công ty truyền thông lớn nhất thế giới, không sản xuất bất kỳ nội dung nào. Alibaba, công ty bán lẻ lớn nhất thế giới, không sở hữu bất kỳ hàng hóa nào.
Báo cáo mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giớivề thị trường lao động và việc làm tương lai công bố tháng 1-2017 cho thấy 10 ngành nghề hay chuyên môn cần thiết nhất hiện nay không hề tồn tại 5 hay 10 năm trước! Tương tự, 65% trẻ em đang bước vào cấp I sẽ làm việc trong những ngành nghề tương lai mà hiện tại chưa ai biết là gì.”
(Theo Nguyễn Phi Vân, Tôi của tương lai , Báo Tuổi trẻ online, ngày 02/02/2017)
Trước những biến đổi không ngừng về nghề nghiệp trong xã hội, một người trẻ cần chuẩn bị những hành trang gì cho tương lai? Hãy viết một bài văn trả lời câu hỏi trên, qua đó cho thấy hình dung của em về “Tôi của tương lai”.
GỢI Ý LÀM BÀI
1. Yêu cầu về kĩ năng
Đây là kiểu bài nghị luận xã hội về một vấn đề tư tưởng đạo lý, học sinh cần nắm bắt kĩ năng xác định vấn đề nghị luận và xây dựng hệ thống luận điểm một cách chặt chẽ, logic. Học sinh cần biết kết hợp giữa lí lẽ và dẫn chứng để tăng sức thuyết phục cho bài viết.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Đây là dạng đề mở, học sinh có quyền đưa ra ý kiến, suy nghĩ riêng dựa trên hiểu biết, trải nghiệm của bản thân, giám khảo chấm dựa trên suy nghĩ riêng của học sinh. Sau đây là một hướng triển khai:
2.1.Những hành trang tương lai người trẻ cần chuẩn bị để đối mặt với sự biến đổi nghề nghiệp của xã hội:
- Người trẻ cần chuẩn bị cho mình một nền tảng kiến thức vững vàng, nhất là kiến thức thuộc về lĩnh vực chuyên môn. Nền tảng tri thức vững sẽ giúp người trẻ dễ thích nghi với những đòi hỏi, yêu cầu của công việc trong tương lai. Đồng thời, nền tảng tri thức cũng là điều kiện quan trọng để người trẻ tiếp tục học hỏi, trau dồi.
- Sự xuất hiện của công việc mới sẽ dẫn đến những đòi hỏi về các loại kĩ năng mới. Mỗi công việc khác nhau sẽ cần những kĩ năng đặc thù riêng. Để thành công trong tương lai, việc trau đồi kĩ các kĩ năng là điều cần thiết.
- Một hành trang không kém quan trọng đó chính là thái độ của người trẻ trước sự biến đổi không ngừng về thị trường nghề nghiệp trong xã hội. Chính bối cảnh xã hội không ngừng phát triển đòi hỏi người trẻ không được dậm chân tại chỗ, mà phải tích cực làm mới mình, cởi mở với cái mới, luôn sẵn sàng tiếp thu học hỏi, không ngại dấn thân, không ngại trải nghiệm. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mỗi người cần nhận thức rõ ràng vị thế của bản thân mình trong mối quan hệ với những người xung quanh, vừa là một công dân của đất nước mình vừa là một công dân toàn cầu, phải biết phát triển cá nhân nhưng cũng cần biết hợp tác, làm việc nhóm.
- Mỗi người cần nghiêm túc lên một kế hoạch phát triển cho chính bản thân mình. Kế hoạch lấy định hướng là sự phát triển ở tương lai, nhưng cần được đầu tư hợp lý ngay từ hiện tại. Để làm được điều ấy, đòi hỏi người trẻ phải không ngừng trăn trở về cuộc sống, về chính bản thân mình. Người trẻ cần hiểu rõ năng lực, sở trường và nguyện vọng trong tương lai của mình.
2.2.Hình dung về “Tôi của tương lai” (Liên hệ bản thân)
- Trên cơ sở quan niệm của bản thân về những hành trang người trẻ cần chuẩn bị cho tương lai, học sinh nêu khái quát hình dung về chính bản thân mình trong tương lai. Đó có thể là tương lai gần khi các em sắp trở thành học sinh Trung học phổ thông – một cột mốc trưởng thành quan trọng. Đó có thể là tương lai xa với ước mơ, nguyện vọng về nghề nghiệp trong tương lai. Các em có thể trình bày suy nghĩ của mình về con người mà các em muốn trở thành (về phẩm chất, về năng lực, về nhân cách…). Khuyến khích các bài viết thể hiện suy nghĩ riêng, chín chắn, trưởng thành.
EmoticonEmoticon