TP.Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 01 năm 2018,
“…Cái chết của bất cứ con người nào sẽ làm chính tôi bé đi, vì tôi là một thể thống nhất với toàn nhân loại; do đó anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn anh đấy.”
_ John Donne
Có những quyển sách không mang đến sự lôi cuốn bằng ngôn từ hoa mĩ hay lối dẫn truyện cuốn hút người đọc nhưng đến khi đóng trang sách cuối cùng, mở ra cho chúng ta là một thứ xúc cảm mang tên “không thể thở nổi”. Cái cảm xúc “khó thở” khi lần đầu tôi biết thế nào là chiến tranh thực sự, là sự tàn khốc mà nó đem lại, là ngày cuối cùng của cuộc đời, là khi một con người ngã xuống đồng nghĩa bao mộng ước của họ cũng như sợi chỉ sinh mạng mỏng manh một khi đã đứt không thể nối lại được nữa. Cái chết của anh, Robert Jordan, dẫu biết là một cái chết không có thật bởi chính anh cũng là giả tưởng nhưng lại bóp nghẹn trái tim tôi, cảm giác như phần tâm hồn còn lại của tôi đang khóc thương cho một mảnh tâm hồn đã chết theo anh.
“Chuông nguyện hồn ai” thật sự là một tác phẩm khó đọc nếu như không nói là khô khan, nhưng lại không hề nhạt nhẽo. Mà ngược lại, nó lôi cuốn tôi bằng thứ ngôn ngữ chắc gọn, xúc tích đặc trưng của Ernest Hemingway. Thời gian của tác phẩm kéo dài chỉ hơn 3 ngày, chỉ trong khoảng thời gian ít ỏi cuối cùng của cuộc đời người lính trẻ đã trải dài trong hơn 500 trang giấy. Từ đó tôi nhận ra một điều quan trọng: “Cuộc đời dù ngắn ngủi nhưng nếu chúng ta sống hết mình thì nó vẫn quý giá hơn sống một cuộc sống dài đằng đẵng mà tẻ nhạt, vô vị”. Tôi nghĩ Jordan cũng đồng ý với suy nghĩ của mình, bởi lẽ chính anh cũng đã sống, yêu, và chiến đấu hết mình trong những ngày còn lại của cuộc đời.
Khi đọc tác phẩm, tôi nhiều lần không khỏi rùng mình vì những hình ảnh trần trụi thực tế và đầy bi kịch của chiến tranh. Chiến tranh trong thời bình không hơn những câu chuyện được kể lại. Nhưng sức ảnh hưởng của nó, nói giảm đi là ác mộng, vì ít ra ác mộng không có thực. Chiến tranh trong “Chuông nguyện hồn ai” tàn khốc và ám ảnh chứ không phải lúc nào cũng bi tráng hào hùng. Những câu chửi rủa dung tục, những tên sĩ quan quan liêu không phải chiến đấu, những chiếc máy bay, xe tăng và đạn dược tối tân,… và kết quả là những con người bị bắn, bị giết, bị chặt đầu. Nhưng tất cả những hậu quả mà con người phải gánh chịu lại do chính con người gây ra. Con người là sinh vật luôn làm tổn thương lẫn nhau. Xung đột chỉ có thể giải quyết bằng đấu tranh, xung đột càng lớn, đấu tranh sẽ trở thành chiến tranh. Mà chiến tranh từ trước đến nay đã luôn là tội ác, một chân lý không thể chối cải. Ernest Hemingway đã phản ánh thành công bộ mặt trần trụi tàn khốc của “nó”. Biến ông lão Anselmo vốn ghê tởm việc giết người phải cầm súng. Khiến Pablo phải “bội thực” vì máu của những kẻ hắn đã giết để dần dà bị nhu nhược hóa mà trở thành con sâu nát rượu trong đầu chỉ có những con ngựa của hắn. Để lại cho một cô gái ngây thơ như Maria những kí ức và nỗi đau đớn tột cùng vào cái ngày cha mẹ cô bị giết và chính cô đã trở thành “miếng mồi” cho “những con linh cẩu đói khát”… Như một sự thật hiển nhiên mà ta phải chấp nhận, có chiến tranh ắt sẽ có đổ máu, nhưng tự ý tước đoạt sinh mạng của người khác, căm ghét và xả súng vào một người mà chính mình còn không biết tên phải chăng là điều đúng đắn? Sẵn sàng giết chết ai đó vì lý tưởng độc đoán của bản thân là cao đẹp? Liệu ai có đủ đức hạnh và bao dung, liệu vị Đấng toàn năng nào sẽ dung thứ cho những kẻ đó?
Cái Chết là một thứ đáng sợ, trong chiến tranh, con người phải chuẩn bị tin thần để chết, “ngày mai” là tương lai xa. Nhưng khi Ernest Hemingway đặt nhân vật của mình vào nghịch cảnh, họ lại hiện lên với vẻ đẹp rất riêng của mỗi người. Đối với ông lão Anselmo, ông “phản đối mọi sự giết người”, dù cho có là kẻ thù đi nữa, ông xem việc giết người là tội lỗi. Maria dù trải qua nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần vẫn luôn là cô gái mộng mơ, lạc quan, dũng cảm yêu đương. Pablo, tôi không hẳng gọi đây là vẻ đẹp nhưng ban đầu hắn là nhân vật dược xây dựng với hình tượng một kẻ nguy hiểm đáng khinh ghét có thể phá hỏng kế hoạch với sự nhu nhược và hèn nhát nhưng lại là người có tin thần chiến đấu gai góc khi cầm súng. Càng đọc về sau tác phẩm, Pablo lại trở về chính con người và chính con đường là “một chỉ huy du kích giỏi” trước kia, một con người khó hiểu. Đôi khi sự khó hiểu của con người lại có sự thu hút đầy bí ẩn đến kì lạ. Dẫu vậy, khi Cái Chết đến gõ cửa nhà bạn, nỗi sợ hãi từ giã cuộc sống luôn là cảm xúc mãnh liệt nhất khi phải xa rời những thứ thuộc về mình, những thứ tưởng chừng như đã nắm bắt trong tay thật chặt bỗng vuột mất quá nhanh, tàn nhẫn và khốc liệt .Dù cho tâm lý đã sẵn sàng đón nhận kết cục đã vạch ra trước mắt. Nhưng nỗi đau đớn cho một con người không còn hiện hữu trên cõi đời này nữa lại không đớn đau bằng những gì mà những người chưa bị nó cưỡng đoạt sự sống phải chịu đựng trước sự ra đi của người thân. Nhưng con người chỉ “chết hẳn” khi không còn được nhớ đến. Ngược lại, cái chết lúc này chỉ giống như khi bạn “chuyển nhà”, từ cuộc sống thực tại vào trái tim những người thân yêu. Như sự ra đi của Robert Jordan sẽ không bao giờ bị lãng quên, người đọc qua các thế hệ vẫn sẽ khóc thương cho người lính trẻ dũng cảm và cao thượng. Đó là điều tôi có thể chắc chắn về “Chuông nguyện hồn ai”.
Nhân vật của Ernest Hemingway là những con người bình thường trong lát cắt của cuộc sống này. Họ Không ánh lên một vẻ đẹp phi thường nào, không được xây dựng hình tượng để với mục đích nhận sự ca ngợi mà họ được kì công khắc họa để tự viết tiếp cuộc đời của mình, không nhận lấy sự thiên vị của tác giả, để rồi đi vào lòng bạn đọc với những triết lý sâu sắc và cảm quan về nhân sinh mới mẻ. Với bản thân tôi, mỗi quyển sách không chỉ ở khía cạnh giải trí hay mở mang trí lực mà nó giúp tôi có cái nhìn thẳng vào cuộc đời, với trái tim đa cảm trước những con người dù bình dị, thầm lặng. Cuộc sống có hai dạng người: con người cho đi và con người nhận lại. Robert Jordan không phải là nhân vật được xây dựng để được tôn vinh mà như “một người thân thiết”dạy chúng ta về cách sống. Anh là con người của hành động, đồng thời cũng là con người của nhận thức, nghĩ nhiều và hành động nhanh. Con người này là bằng chứng cho những con người bình thường trên thế giới. Ban đầu là giáo viên dạy tiếng Tây Ban Nha sau đó tham gia kháng chiến chống Phát Xít. Tất cả những cảm xúc mà anh có cũng là những cảm xúc mà tất cả những con người bình thường nào cũng có thể có được. Nhưng hành động, cách con người đó suy nghĩ và cảm nhận về thế giới thì không hề tầm thường. Một giáo viên người Anh cớ gì phải cầm súng bảo vệ cho đất nước khác? Đơn giản là tình yêu của anh dành cho Tây Ban Nha, khi con người đã yêu một điều gì đó, một ai đó, họ sẽ muốn hiểu và bảo vệ những gì mà trái tim họ hướng đến. Dù bình dị nhưng Jordan chính là mẫu người ánh lên sự anh dũng trong thời chiến. Bên cạnh vẻ đẹp của lý tưởng hòa bình cao đẹp và những tính cách ánh lên chủ nghĩa anh hùng, Jordan còn là “Một kẻ mộng mơ”. Quá khứ đẹp đẽ về những con phố Madrid thân thuộc gần gũi, Khách sạn Gaylord hào nhoáng nơi anh và những người bạn của mình từng cùng nhau kể đủ chuyện trên đời. Và đặc biệt hơn chính là tình yêu của anh và Maria luôn hiện hữu dù ngắn ngủi nhưng nồng cháy và sâu đậm. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, anh hiểu được tình yêu đích thực, hiểu được cảm xúc của mình. Anh đã thừa nhận với Maria: “…Quả thực, những tham vọng của anh trước đây rất trong trắng. Anh đã làm việc nhiều và bây giờ anh yêu em,” anh nói như muốn ôm lấy tất cả những gì không bao giờ có được”. Trong cuộc chiến mà sự thất bại đã được báo trước dù con người đã cố ra sức ngăn cản, mơ ước về những điều tươi đẹp vẫn chính đáng vì ước mơ chẳng ai đánh thuế cả, cũng chẳng ai đo lường độ vĩ đại của ước mơ. Cho phép bản thân thả mình theo những mơ ước và tình yêu khi thực tại tàn khốc mà Cái Chết ở phía trước không phải là hèn nhát yếu đuối, mà càng chứng minh rằng con người khát sống, khát yêu mãnh liệt. Kể từ khoảng khắc chúng ta được sinh ra là lúc thời gian đếm ngược đến cái chết vì vậy mà cả đời đứng trên cao không quan trọng, quan trọng là khi đứng trước Cái Chết bạn có nuối tiếc hay không? Theo tôi, con người nên thành thật với bản thân, với cảm xúc của chính mình nhiều hơn, yêu nói yêu ghét nói ghét, đừng tự áp đặt hay lừa dối bản thân, đừng nên để định kiến áp bức tâm hồn.
Xuyên suốt cả câu chuyện là bi thương mất mát và một kết thúc buồn khi bao mộng ước dang dở và đường tình duyên cũng đoạn tuyệt khi anh xa rời cuộc sống. Có điều, kết thúc tuy buồn nhưng lại bi tráng. “Trung úy Berrendo có bộ mặt gầy gò, đượm vẻ trầm mặc, khẩu tiểu liên trong tay không có vẻ sẵn sàng nhả đạn vì được đặt ngang yên ngựa. Jordan nằm sau gốc thông, cố giữ cho tay khỏi run, thận trọng và nhẹ nhàng rê mũi súng theo hắn. Anh chờ cho Berrendo tới chỗ có ánh mặt trời chiếu sáng, nơi những cây thông đầu tiên của cánh rừng gặp vạt cỏ xanh rờn trên sườn núi, và nghe thấy tim mình đập dồn dập xuống mặt đất phủ đầy lá thông.” Dù trong hoàn cảnh mà lúc này anh có thể “nghỉ ngơi” sau khi đã hoàn thành “cuộc hành trình” của mình, con người ấy đã chọn chiến đấu đến giây phút hơi thở cuối cùng được trút ra, nhịp đập cuối cùng của sự sống vang lên trong lồng ngực. Trong cái thời khắc anh nghe thấy trái tim mình đập, tôi nhận ra anh đã thực sự sống, sống không nuối tiếc. Con người sống không hoài phí đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, dù ngắn ngủi nhưng xứng đáng, xứng đáng với từng dòng máu nóng đang chảy trong huyết quản, từng hơi thở cuối cùng. Cái chết đẹp dành cho người sống hết mình. Những đoạn cuối cùng của cuốn sách ngôn ngữ bình thản đến lạ thường, Cái Chết đem đến đau đớn xác thịt còn tâm hồn hướng về mũi súng.
Mỗi tác phẩm là một lát cắt của cuộc sống, phản ánh cuộc sống. Vì thế mà nó mang nhiều nuối tiếc, mang nhiều mơ ước, mang nhiều tâm tư của người đọc, tác giả và chính những nhân vật trong câu chuyện cuộc đời của họ. Sự thật trần trụi của chiến tranh, tình yêu nồng cháy chân thực, tính cách đa dạng trong mỗi con người,… đã rung lên tiếng chuông xúc động mãnh liệt trong tôi. Tiếng chuông ngân lên xót thương cho những số phận con người đã sống, chiến đấu và ngã xuống trong thời đại đầy biến động, ghê ghớ và ác liệt của thế giới khi phải chống lại một thế lực đang ngày càng bành trướng. Hiện thực đang xen giữa những giá trị nghệ thuật tạo nên một tác phẩm với chiều sâu mà yêu cầu người đọc phải biết thưởng thức, chiêm nghiệm.
Tác phẩm kết thúc là bắt đầu cho chuỗi cảm xúc dâng trào. Cảm xúc đau buồn xót xa khi con tim thắt lại trước cái chết của Jordan, xen lẫn hảo cảm của một người đọc được tác phẩm rất hay, để rồi hụt hẫn khi khép lại trang sách và thấm thía khi đọc bài thơ của John Donne:
“Không người nào là một hòn đảo
Không tự bản thân ai là một thể hoàn chỉnh
Mỗi người đều là một mảnh của đại lục
Một phần của đất liền
Và nếu sóng cuốn xuống biển một mỏm đá ven bờ
Thì châu Âu sẽ bé đi
Cũng như là nếu nó cuốn mất một mũi đất
hay phá đổ nhà bạn anh hoặc nhà anh
Cái chết của bất cứ con người nào sẽ làm chính tôi bé đi
vì tôi là một thể thống nhất với toàn nhân loại
do đó anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai
chuông nguyện hồn anh đấy”
(Nguyễn Kha - học sinh lớp 12.5 trường THTH ĐHSP niên khóa 2015 -2018)
EmoticonEmoticon