HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO


Hôm bữa dự lớp "Khơi nguồn sáng tạo", cô giáo có nhắc đến từ khóa "Trải nghiệm sáng tạo". Tự nhiên nghĩ ra ý định ghi lại những gì mình biết về từ khóa này lưu lại để không quên. Mình sẽ ghi lại những gì mình biết dưới góc độ giáo viên phổ thông - dưới dạng các câu hỏi ngắn gọn cho dễ hình dung.
1. Trải nghiệm sáng tạo là gì?

+ Trải nghiệm: là tiến trình hay là quá trình hoạt động năng động để thu thập kinh nghiệm. Ở đây nhấn mạnh hai yếu tố: tổ chức hoạt động, và thu thập kinh nghiệm.
+ sáng tạo: đối với học sinh phổ thông, sự sáng tạo được hiểu theo các cấp độ khác nhau. Cấp độ thấp nhất là các em thu nhận được những điều mới mà trước đây mình chưa có. Cấp cao nhất là có thể tạo ra những sáng kiến, phát minh. Mức độ sáng tạo có thể đo được bằng các bài kiểm tra, thông qua sản phẩm học sinh làm được, thông qua thang đo chỉ số hành vi....
==> trải nghiệm sáng tạo là thông qua quá trình tổ chức hoạt động, thu thập kinh nghiệm để kích thích, bộc lộ, phát triển khả năng sáng tạo của người học.

2. Trong chương trình phổ thông, khái niệm "trải nghiệm sáng tạo" được hiểu theo những cấp độ nào?
+Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một môn học: Sẽ chiếm một phần trong chương trình học với tư cách là một môn học có đánh giá. Giáo viên dạy môn này có thể thuộc bất kì bộ môn nào.
+Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một phương pháp trong bộ môn: Thông qua việc trải nghiệm sáng tạo để đạt được mục tiêu bài học.
+Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một tiêu chí định hướng phương pháp trong bộ môn: ví dụ khi tổ chức phương pháp dạy học theo dự án, phương pháp dạy học qua trò chơi, phương pháp trực quan... thì giáo viên chú ý thiết kế đến các yếu tố trải nghiệm, sáng tạo.

3. Quy trình tổ chức một hoạt động trải nghiệm sáng tạo?
Bao gồm bốn bước.
+Tổ chức hoạt động trải nghiệm
+ Phân tích hoạt động trải nghiệm (có thể đặt ra một số câu hỏi: trải nghiệm vừa rồi có ý nghĩa gì?, vì sao trong quá trình trải nghiệm em lại phản ứng như vậy?, kết quả của trải nghiệm gợi cho em suy nghĩ gì...)
+Khái quát thành các bài học kinh nghiệm cụ thể
+Từ những kinh nghiệm có được trong hoạt động trải nghiệm, học sinh tiếp tục vận dụng vào các tình huống trong thực tế.
Quá trình vận dụng vào thực tế thực chất cũng là một quá trình trải nghiệm, cho nên 4 bước ở trên có thể xem là một sự phát triển theo hình xoắn ốc.

4. Có những hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo nào?
Có rất nhiều hình thức tổ chức, thể hiện sự sáng tạo của giáo viên. Một số từ khóa cần chú ý: hoạt động, kinh nghiệm, sáng tạo.
Có thể kể tới các hình thức: tổ chức trò chơi, tổ chức gameshow, xem phim, làm nghiên cứu, làm triển lãm, sân khấu hóa, trải nghiệm nghề nghiệp, tuần lễ giao lưu văn hóa, phiên tòa giả định, buổi tranh luận học thuật....

5. Trong chương trình phổ thông trước đây của ta có hoạt động trải nghiệm sáng tạo chưa? Định hướng sắp tới là gì?
-Trước đây trong các phương pháp dạy học tích cực (như dạy học theo dự án, dạy học qua trò chơi...) đã xuất hiện hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Tuy nhiên yếu tố trải nghiệm sáng tạo chưa được giáo viên lưu tâm đúng mức. Các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại, tham quan cũng đã xuất hiện yếu tố trải nghiệm, nhưng yếu tố sáng tạo chưa rõ.
-Định hướng sắp tới với chương trình giáo dục phát triển năng lực (thay vì chương trình chuẩn kiến thức kĩ năng) thì hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ là một tiêu chí quan trọng xuyên suốt đối với tất cả các môn học.

KĨ NĂNG PHÂN TÍCH TÁC PHẨM ĐỂ LÀM RÕ VẤN ĐỀ NGHỊ LUẬN


Kĩ năng phân tích tác phẩm luôn chiếm phần quan trọng nhất trong bài nghị luận văn học. Có hai dạng phân tích: Phân tích để làm rõ vẻ đẹp của tác phẩmphân tích để làm rõ một vấn đề nghị luận. Kinh nghiệm giảng dạy của người viết cho thấy, trong các bài thi học sinh giỏi sở dĩ học trò viết không thành công là do các em chưa phân biệt được hai dạng phân tích ở trên, chưa biết cách khai thác tác phẩm để làm rõ yêu cầu đề bài. Bài viết này sẽ trình bày rõ hơn về thao tác phân tích và giải quyết vấn đề trên.