KĨ NĂNG BÁM ĐỀ TRONG BÀI NGHỊ LUẬN: SỐNG HAY CHẾT TRẢ LỜI NGAY!

Đi đường nào đây để không "Lạc trôi giữa đề"?


LẠC. ĐỀ. Đó là cơn ác mộng của bất kì giáo viên Văn nào. Có một sự thật rõ như ban ngày và nghiệt ngã vô cùng: một khi bạn lạc đề thì mọi công sức bạn đổ vào bài viết sẽ đổ sông đổ bể. Đi thi văn cũng như nhảy lên một chuyến tàu không khứ hồi, đích đến thiên đường hay địa ngục là do từ đầu bạn chọn đúng hay sai. Lạc đề là cơn ác mộng thành hiện thực, khi đó bạn “tạch” ngay từ bước chân đầu tiên.

Những suy nghĩ cường điệu trên đến trong đầu tôi sau một tuần chấm bài với đầy rẫy bài lạc đề. Tại sao học sinh, ngay cả học sinh giỏi Văn, lại hay lạc đề đến thế nhỉ? Làm thế nào để chấm dứt cơn ác mộng này?

Hãy đọc đề như nó là chính nó…

“Tình yêu là tài năng. Ai yêu là người đó có tài”(Lev Tolstoy)
Anh chị hãy bàn luận về quan niệm trên.

Đây là đề tôi cho các em đội tuyển làm tại chỗ trong thời gian 60 phút. Lạ lùng là tất cả những học sinh giỏi nhất đều triển khai theo hướng: Niềm đam mê sẽ là hạt giống thúc đẩy tài năng. Không hiểu chúng lấy ý niệm “niềm đam mê” ở đâu mà ra. Đề có nhắc đến đâu.  Khi hỏi lại, tất cả đều tự tin khẳng định rằng “tình yêu chính là đam mê”. Ở đây đã xuất hiện một lỗi tư duy do đồng nhất các khái niệm khác nhau.

Để rõ hơn, ta có thể xem sơ đồ sau:



Rõ ràng “tình yêu”“đam mê” không phải là một đối tượng. “Đam mê” là một biểu hiện của tình yêu. Cho nên nếu đồng nhất hai khái niệm này ta sẽ lạc đề. Nói cách khác, nếu đề yêu cầu ta nói về “tình yêu” mà ta nói về “đam mê”, thì ta sẽ bỏ sót “những phần là tình yêu nhưng không phải đam mê”.

Lỗi trên là do đâu? Có thể kể đến mấy lí do: Do sự nhầm lẫn giữa các khái niệm, do đồng nhất đối tượng với biểu hiện. Cũng có thể do quán tính, các em đã từng giải đề văn về mối quan hệ giữa đam mê và tài năng, từ đó bị chi phối khi đọc đề.

Vậy bài học xương máu là:


HÃY ĐỌC ĐỀ NHƯ NÓ LÀ CHÍNH NÓ.


Có nghĩa là:

Phải đọc tất cả mọi thứ trong đề, đừng bỏ sót, đọc cả phần trích dẫn lẫn mệnh lệnh.

Phải chú ý nhận thức đúng nội dung đề truyền đạt, phải nhận ra những gì đề thực sự nói, chứ không phải là những gì ta tưởng rằng hay đoán rằng đề nói.

Phải bao quát được tất cả mọi yêu cầu của đề.

Trước đây, tôi đã từng chia sẻ về những lỗi cần tránh khi xác định vấn đề nghị luận trong bài Nghị luận xã hội (Xem ở đây). Giờ tôi chỉ muốn bổ sung thêm: để tránh được các lỗi này, thì cần chú tâm và tỉnh táo. Nói như ngôn ngữ nhà Phật, là phải có chánh niệm (tập trung chú ý vào đối tượng) và chánh kiến (tỉnh táo nhìn nhận bản chất của đối tượng). Ta có thể bị chi phối bởi thói quen, bởi óc phán đoán, có khi bởi những lời đồn đoán đề năm nay sẽ ra cái này, sẽ ra cái khác, cũng có thể bị chi phối bởi tâm lý hoảng sợ, hồi hộp khi đọc đề…. Nhưng thực ra, tất cả những gì bạn cần chỉ là cái đề và bản thân bạn. Ngoài hai điều cực kì quan trọng đó ra, không gì là quan trọng.  Hãy tin tôi, bạn luôn được trang bị kĩ năng cần thiết để nhìn ra sự thật. Hãy nhớ: ngoài bản thân bạn và cái đề, chẳng có gì là quan trọng.

Đề bài là tấm bản đồ theo ta trong suốt cuộc hành trình…

Hãy hình dung, não bộ của bạn phải hoạt động liên tục trong 2 tiếng để viết thành một bài văn. Đó thực sự là một cuộc hành trình rất gian khổ trong một ma trận kiến thức và ý tưởng. Bạn chỉ có một kim chỉ nam duy nhất để đến đích thành công: đó chính là cái đề bài.

Sự thật là nhiều khi chúng ta viết mà quên luôn cái đề, sau khi ta nghĩ ta nhận diện được đề, ta cắm cúi viết và viết. Ta để quán tính cảm xúc và những gì mình nhớ lôi đi. Đây chính là chỗ chết người: Kể từ lúc ta quên cái đề, ta bắt đầu đi xa khỏi con đường cần đi.

Bạn sẽ luôn luôn phải ghi nhớ đề bài trong suốt quá trình viết - đó là kim chỉ nam của bạn. Tôi sẽ minh chứng điều này bằng một trong những đề rắc rối nhất từng ra trong kì thi Olympic 30/4.

Đề bài:

Cái đẹp mà văn học đem lại không phải cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật” (GS. Hà Minh Đức)

Anh/chị hiểu thế nào về nhận định trên? Hãy làm sáng tỏ nhận định bằng việc phân tích sơ đồ không gian trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao:

 Cái lò gạch bỏ không – Nhà tù – Túp lều Chí Phèo – Cái lò gạch bỏ không

Hãy thử đọc đề một lần nữa và xác định những yêu cầu của đề một cách bình tĩnh.

Và đây là những yêu cầu của đề:



Như vậy, đề yêu cầu ta làm 3 nhiệm vụ: Trình bày cách hiểu về nhận định (I),  phân tích sơ đồ không gian (II) để làm sáng tỏ nhận định (III).

Với mỗi nhiệm vụ, đều phải gắn với 3 nội dung: cho thấy cái đẹp mà văn học đem lại (1) phải bắt nguồn từ sự thật đời sống (2) và được khám phá một cách nghệ thuật (3).

Để dễ chú ý, có thể thu gọn vào bảng như sau:

Thao tác
Nhiệm vụ
Nội dung cần viết
Bản chất của thao tác
Giải thích
Trình bày cách hiểu về nhận định
-Cái đẹp mà văn học đem lại là gì?
-Sự thật đời sống là gì?
-Khám phá một cách nghệ thuật được hiểu như thế nào?
Đưa ra khái niệm, cách hiểu về đề.
Bàn luận
Lí giải cơ sở của nhận định
-Tại sao văn học phải gắn với cái đẹp?
-Tại sao cái đẹp mà văn học đem lại phải bắt nguồn từ sự thực đời sống?
-Tại sao cái đẹp ấy phải được khám phá một cách nghệ thuật? (Chú ý từ khóa “khám phá” và “một cách nghệ thuật).
Sử dụng kiến thức lí luận văn học để lí giải về các nội dung đề đưa ra.
Chứng minh
Làm sáng tỏ nhận định qua việc phân tích sơ đồ không gian
-Từ sơ đồ không gian vừa phân tích, sự thật đời sống được khám phá là gì?
-Từ sự thực đời sống ấy, những cái đẹp nào đã được phát hiện?
-Những nét đặc sắc nghệ thuật Nam Cao sử dụng để làm bật lên cái đẹp ấy?
Chỉ ra cụ thể các biểu hiện của vấn đề trong một hiện tượng văn học cụ thể (trường hợp này là sơ đồ không gian trong tác phẩm Chí Phèo)

Như vậy, đề bài sẽ theo ta trong suốt quá trình viết. Nó phải luôn ở trong tâm trí của ta. Theo kinh nghiệm của tôi, việc nắm chắc đề bài sẽ giúp bạn luôn biết được mình sẽ kết thúc những gì mình đang viết như thế nào. Tức là bạn đang đi trên một con đường mình luôn biết đích đến. Còn bỗng nhiên cảm thấy “sao viết mãi mà không hết”, thì khả năng cao ta đã bắt đầu lạc đề.

Đề bài theo ta từ mở bài cho đến kết bài. Không bao giờ được quên điều này.



Còn dàn ý chính là tấm vé đến thiên đường…

Tới đây, đương nhiên ta phải đi đến kết luận không thể khác được: Phải lập dàn ý trước khi viết bài. Một số học sinh không coi trọng điều này. Nhiều học sinh tôi dạy tin vào bản năng của mình nhiều hơn là yêu cầu từ chính thực tế. Và đứng trước một đề văn đầy rắc rối như cái đề “sơ đồ không gian…” ở trên, chúng tiêu tùng, như một hệ quả tất yếu.

Dàn ý đúng quyết định bài văn đúng. Trong một thời gian giới hạn với một áp lực giải quyết một khối lượng yêu cầu lớn đòi hỏi cả kiến thức lẫn kĩ năng ở mức độ thành thục, ta phải quản lý được bài viết ở cấp độ tổng thể và chi tiết. Dàn ý là một công cụ không thể thếu để quản lý hệ thống ý.

Tôi thường khuyến khích học sinh lập dàn ý dưới dạng sơ đồ, chỉ mất 5 phút để tập trung làm một dàn ý đúng hướng. Có thể hình dung như thế này:








Không tốn thời gian để phác thảo dàn ý như thế này, nhưng có rất nhiều lợi ích:

+Giúp ta quản lý được hệ thống ý, để đảm bảo không bỏ quên yêu cầu nào trong đề bài.

+Giúp ta biết được đâu là ý lớn, đâu là ý nhỏ. Câu luận điểm phải bao quát ý lớn (màu đỏ), các phần phân tích để chứng minh (màu xanh) đều phải hướng về luận điểm.

+Giúp ta quản lý được thời gian. Khi viết tôi luôn để đồng hồ trước mặt và canh giờ xem mỗi ý viết trong bao nhiêu lâu. Hết thời gian tôi sẽ chốt ý và gạch bỏ ý đó trong dàn bài.

+Giúp ta cân đối được bố cục bài viết. Nếu cứ viết từ trên xuống dưới ta sẽ có xu hướng dồn sức cho phần đầu và đuối sức ở phần sau. Nhưng thực tế không phải như vậy, có những ý cần đi sâu hơn những ý khác mà điều đó không hề phụ thuộc vào trình tự bài viết. Dàn ý này giúp chúng ta biết khi nào cần phân tích đậm và khi nào cần phân tích nhạt.

Một dàn ý thành công quyết định 60% sự thành công của bài viết. Năm phút tĩnh tâm không nhiều, nhưng nếu bỏ qua 5 phút quý giá đó, ta có thể phải trả giá bằng cả một quá trình cố gắng nỗ lực. Đó là một sự thật đầy nghiệt ngã.


Vài suy nghĩ thay lời kết

Ngay từ lớp dưới học sinh đã được học về kĩ năng nhận diện đề. Tôi còn nhớ rõ cô giáo của tôi khi đó chỉ rõ đâu là phần nội dung, đâu là phần mệnh lệnh, đâu là vấn đề cần phải giải quyết. Cho nên điều khiến tôi  bất nhẫn nhất là khi dạy đến lớp 11 rồi vẫn phải quay trở lại dạy học sinh những bài học căn bản đầu tiên về việc xác định đề. Vậy suốt thời gian qua cái gì ở trong đầu chúng? Và làm thế nào chúng vượt qua quá nhiều kì thi khi chểnh mảng với kĩ năng này đến như vậy?

Tôi lờ mờ nhận ra câu trả lời: Những đề quen nhàm và thói quen học thuộc đã giết chết tư duy. Có một sự thật rất trái khoáy: Học sinh không cần lập dàn ý, không cần thực sự tư duy mà vẫn có thể viết ro ro những gì chúng thuộc và được điểm cao. Rốt cuộc thì chúng ta đã làm gì với môn Văn vậy?

Có lẽ trước khi dạy làm sao bình cho hay, làm sao viết cho thật hùng hồn, làm sao văn thật bay bổng, thì ta nên bắt đầu bằng bài học đơn giản thế này: tư duy về đề. Đó là thao tác logic đầu tiên đặt nền móng cho học sinh, nếu các em thực sự muốn đào sâu nghiên cứu sau này (cả trong cuộc sống và trong học thuật). Có lẽ đã đến lúc, cần bớt cảm xúc lại, cần bớt bay đi, các thầy cô Văn, hãy để học trò chân chạm đất và đầu óc bắt đầu biết tư duy.