GAMESHOW ĐƯỜNG LÊN ĐỈNH OLYMPIA (ÔN TẬP VĂN HỌC DÂN GIAN)


THÔNG TIN BÀI DẠY
Giáo viên thiết kế: Cô Hồ Thị Kiều Trinh
Học sinh tham gia: Lớp 10.3 trường THTH ĐHSP TP.HCM (năm học 2017 – 2018)
Mô tả bài dạy: Sau khi học xong nhóm bài về văn học dân gian trong chương trình Ngữ văn 10, giáo viên tổ chức 1 tiết ôn tập dưới hình thức cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” với bốn vòng chơi: Khởi động – vượt chướng ngại vật – tăng tốc – về đích.


Một tiết dạy nghiên cứu bài học vô cùng thành công của cô Kiều Trinh Hồ
Có thể ghi nhận các ưu điểm lớn:
+ Hệ thống câu hỏi bao quát được chiều rộng và chiều sâu của nội dung bài học, vừa hỏi được đặc trưng, thể loại vừa đi sâu vào tác phẩm. Các cấp độ tư duy đa dạng, hợp lý.
+Hệ thống luật chơi vô cùng hấp dẫn và có tính thử thách cao
+ Sự tương tác giữa thầy và trò, giữa trò với trò được nâng cao và do đó tiết học vô cùng hào hứng
+Kết hợp diễn xướng và hùng biện tạo sự hấp dẫn
+Thời gian chuẩn 2 tiết
+ Quan trọng nhất là khách mời tham dự được một buổi vui nổ trời ~


MỘT SỐ HÌNH ẢNH TIẾT HỌC



















































GIỚI THIỆU GIÁO ÁN

TRƯỜNG ĐHSP TP.HCM
TRƯỜNG TRUNG HỌC THỰC HÀNH

KẾ HOẠCH TIẾT DẠY NGHIÊN CỨU BÀI HỌC
ỨNG DỤNG PHƯƠNG PHÁP TRÒ CHƠI
VÀO BÀI ÔN TẬP VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM

THÔNG TIN TIẾT DẠY NGHIÊN CỨU BÀI HỌC
GHI CHÚ
LỚP
10.3 Trường THTH ĐHSP

Thời lượng bài học
2 tiết
Dự kiến thời gian thực hiện
Tiết 4-5, ngày 26/10/2017

I.                   MỤC TIÊU BÀI HỌC
Giúp HS:
- Củng cố, hệ thống lại những kiến thức cơ bản đã học về bộ phận văn học dân gian (VHDG).
- Vận dụng những kiến thức về đặc trưng thể loại để đọc hiểu các tác phẩm VHDG khác ngoài chương trình.
- Rèn luyện kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng hợp tác, kĩ năng giải quyết và phản ứng nhanh với những vấn đề được đặt ra.
- Tạo sân chơi lành mạnh, giúp học sinh tiếp cận kiến thức theo hướng phát triển năng lực của học sinh.
- Có thái độ trân trọng các di sản tinh thần của dân tộc.

II.               CHUẨN BỊ
-         Đối với giáo viên:
+ Thiết kế kế hoạch tổ chức bài học theo hình thức mô tả Gameshow Đường lên đỉnh Olympia gồm 4 phần thi: Khởi động, vượt chướng ngại vật, tăng tốc, về đích.
+ Thế kế hệ thống câu hỏi và trò chơi theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
+ Chuẩn bị các dụng cụ cần thiết cho tiết học: cờ, giấy có dán sẵn nam châm,…  
+ Một vài dụng cụ âm nhạc: đàn ghita, sáo,…
+ Máy chiếu, hệ thống âm thanh,…
-         Đối với học sinh:
+ Ôn tập những kiến thức về thể loại VHDG
+ Tinh thần tham gia tiết học theo phương pháp trò chơi vận động.
+ Sách giáo khoa và một số tài liệu liên quan, một số tác phẩm văn học dân gian, các bài hát dân ca,…

III.            CHUẨN KIẾN THỨC
NỘI DUNG
KIẾN THỨC CẦN NẮM
Đặc trưng cơ bản của VHDG Việt Nam
- VHDG là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ  truyền miệng
- VHDG là sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể
- Nhờ lưu truyền theo phương thức truyền miệng nên VHDG có tính dị bản
12 thể loại VHDG Việt Nam
- Thần thoại, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, câu đố, ca dao, vè, truyện thơ, chèo.
- Đặc trưng cơ bản của 12 thể loại VHDG
Những giá trị cơ bản của VHDG Việt Nam
- Là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc.
- Có giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người.
- Giá trị thẩm mĩ to lớn, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học dân tộc.

IV.             NHỮNG NĂNG LỰC HƯỚNG ĐẾN
-         Năng lực hợp tác làm việc nhóm
-         Năng lực sáng tạo
-         Năng lực sử dụng ngôn ngữ - năng lực trình bày trước đám đông
-         Năng lực tự học
-         Năng lực giải quyết vấn đề




V.                KẾ HOẠCH TIẾT DẠY NGHIÊN CỨU BÀI HỌC

Trước khi bắt đầu tiết học:
- Giáo viên chia lớp thành 4 nhóm (chia lớp theo cách ghép tranh: tác phẩm VHDG)
Bài học được tổ chức theo hình thức mô tả Gameshow Đường lên đỉnh Olympia gồm 3 phần thi:
- Phần khởi động
- Phần vượt chướng ngại vật
- Phần tăng tốc
- Phần về đích
TIẾN TRÌNH BÀI HỌC
GIẢI THÍCH – MỞ RỘNG KIẾN THỨC
KẾT QUẢ
CẦN ĐẠT

PHẦN I: KHỞI ĐỘNG (Khoảng 10 – 15 phút)
- Có tất cả 12 câu hỏi. Mỗi nhóm sẽ có 3 lượt trả lời.
- Trả lời đúng nhóm sẽ được chọn một lá thăm bên trong có chữ:
+ Gun: Bị trừ 10 điểm.
+ Boom: Được quyền  trừ 10 điểm của nhóm khác
+ Angel: Được cộng 10 điểm.
+ Tornado: Chuyển sang cho nhóm khác 10 điểm. Đồng thời nhóm sẽ không bị trừ điểm.
- Trả lời sai không bị trừ đồng thời nhóm khác sẽ giành quyền trả lời câu hỏi bằng cách giơ nhanh nhất lá cờ của nhóm mình lên.

1. Đâu là đặc trưng cơ bản của VHDG ?
a. Tính truyền miệng
b. Tính cá nhân
c. Tính bản quyền
d. Tính trữ tình
2. Theo biên soạn của SGK Ngữ văn 10, tập 1, VHDG có mấy đặc trưng cơ bản ? Đó là những đặc trưng nào ?
a. Có 2 đặc trưng cơ bản: Tính truyền miệng, tính tập thể.
b. Có 3 đặc trưng cơ bản: Tính truyền miệng, tính tập thể, tính dị bản.
c. Có 2 đặc trưng cơ bản: Tính truyền miệng, tính dị bản.
d. Có 3 đặc trưng cơ bản: Tính truyền miệng, tính tập thể, tính diễn xướng dân gian.
3. VHDG gồm bao nhiêu thể loại ? Được chia thành bao nhiêu nhóm cơ bản ?
a. 12 thể loại, 3 nhóm cơ bản
b. 12 thể loại, 4 nhóm cơ bản
c. 14 thể loại, 3 nhóm cơ bản
d. 14 thể loại,  nhóm cơ bản
4. Nhóm TRUYỆN DÂN GIAN gồm những thể loại nào ?
a. Thần thoại; sử thi; truyền thuyết; truyện cổ tích; truyện ngụ ngôn; truyện cười; truyện thơ.
b. Thần thoại; sử thi; truyền thuyết; truyện cổ tích; truyện ngụ ngôn; truyện cười.
c. Thần thoại; sử thi; truyền thuyết; truyện cổ tích; truyện ngụ ngôn, truyện thơ.
d. Thần thoại; sử thi; truyền thuyết; truyện cổ tích; truyện ngụ ngôn; truyện cười; truyện thơ; vè.
5. Xác định thể loại của tác phẩm VHDG sau ? (Sau khi trả lời à GV giới thiệu bài ca dao Hà Nội 36 phố phường với HS)
“Quanh đi đến phố Hàng Da
Trải xem phường phố thật là cũng xinh
Phồn hoa thứ nhất Long Thành
Phố Giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ
Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền.”
a. Truyện thơ
b. Ca dao
a. Câu đố
d. Câu đối
6. VHDG có những giá trị cơ bản nào ?
a. Là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc, giá trị giáo dục sâu sắc và giá trị thẩm mĩ to lớn.
b. a. Là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc, giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người.
a. Là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc, giá trị thẩm mĩ to lớn.
a. Là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc, giá trị giáo dục sâu sắc và mang đậm dấu ấn tập thể.
7. VHDG được lưu truyền và sáng tác chủ yếu theo phương thức nào ?
a. Chữ viết cổ
b. Từ địa phương này sang địa phương khác
c. Từ thế hệ này sang thế hệ kia
d. Truyền miệng
8. Đâu là tên của các tác phẩm VHDG Việt Nam ?
a. Chú bé trái đào, Đăm Săn, Cây nêu thần, Anh chàng Chao Chu
b. Con rồng cháu tiên, Bánh chưng bánh giầy, Đăm Săn, Tum Tiêu.
c. Ẩm ệt luông, Hoa đại, Thần trụ trời, Nữ thần mặt trăng.
d. Tháp lên trời, Ramayana, Cây nêu thần, Nữ thần mặt trăng.






9. Đâu là tên các tác phẩm VHDG thuộc thể loại thần thoại của Việt Nam ?
a. Nữ thần mặt trăng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Thần Trụ Trời.
b. Sơn Tinh Thủy Tinh, Thần Trụ Trời, Đăm Săn.
c. Thần Trụ Trời, Đẻ đất đẻ nước, Nữ thần mặt trăng.
d. Sơn Tinh Thủy Tinh, Ô-đi-xê, Mười hai bà mụ.
10. Nội dung của truyền thuyết là gì ?
a. Thường kể về các vị thần, thể hiện khát vọng chinh phục thiên nhiên của con người.
b. Xây dựng hình tượng nghệ thuật hoành tráng nhằm kể về biến cố lớn trong đời sống cộng đồng.
c. Kể về sự kiện và nhân vật lịch sử hoặc liên quan đến lịch sử thể hiện sự ngưỡng mộ của nhân dân về nhân vật đó.
d. Kể về số phận của những con người bình thường và thể hiện sự lạc quan, nhân đạo của nhân dân.
11. Trống cơm là một bài dân ca quan họ rất quen thuộc của Bắc Bộ, hãy hát theo nhạc và cho biết nội dung của bài dân ca này ? (Có thể đệm ghita hoặc hát theo karaoke)
à Dân ca Bắc Bộ à GV mở rộng: kể cho HS nghe về nguồn gốc ra đời của cái trống cơm và bài ca dao.
12. Những hình ảnh sau gợi nhắc đến tác phẩm VHDG nào ? (GV chọn những hình ảnh liên quan đến Sử thi Đăm Săn)
a. Sử thi Đăm Săn
b. Chiến thắng Mtao Mxay
c. Nữ thần Mặt trời
d. Cuộc chiến giữa các tù trưởng.
è Giáo viên giải thích các đáp án sau khi học sinh trả lời. Kết hợp liên hệ mở rộng kiến thức cho học sinh.































- Tác phẩm thuộc thể loại ca dao: Đây là bài ca dao Hà Nội ba sáu phố phường ra đời vào thế kỉ XIX. Bài ca dao nói về vẻ đẹp của Hà Nội với hơn 36 phố bắt đầu bằng chữ Hàng như Hàng Da, Hàng Tre, Hàng Muối, Hàng Nón, Hàng Thùng, …

















- Tác phẩm:
+ Anh chàng Chao Chu là truyện cổ tích Thái Lan
+ Tum Tiêu là tác phẩm truyện thơ của Campuchia
+ Ẩm ệt luông là bộ sử thi thần thoại của người Mường nói về sự hình thành trời đất.
+ Ramayana là tác phẩm sử thi nổi tiếng của Ấn độ

- Tác phẩm:
+ Đăm Săn: sử thi Tây Nguyên
+ Đẻ đất đẻ nước: sử thi Mường
+ Ô-đi-xê: sử thi Hy Lạp của tác giả Homer











- Trống cơm là một bài dân ca Bắc Bộ.
- GV kể cho HS nghe nguồn gốc ra đời của trống cơm và ý nghĩa của nó.

- GV mời HS tóm tắt lại tác phẩm Đăm Săn và nêu ý nghĩa đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxay mà HS đã học

- VHDG có 3 đặc trưng cơ bản:
+ Tính truyền miệng
+ Tính tập thể
+ Tính dị bản
à Ngoài 3 đặc trưng cơ bản trên, VHDG còn có những đặc trưng khác như tính diễn xướng, tính nguyên hợp, tính đa chức năng,…




- VHDG có 12 thể loại và được chia thành 4 nhóm cơ bản:
+ Truyện dân gian: Thần thọai, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện  cười, truyện ngụ ngôn, truyện thơ.
+ Câu nói dân gian: tục ngữ, câu đố.
+ Thơ ca dân gian: ca dao – dân ca, vè.
+ Sân khấu dân gian: chèo, tuồng hài.


















- VHDG có những giá trị ca bản sau:
+ Là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc,
+ VHDG có giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lí làm người.
+ VHDG có giá trị thẩm mĩ to lớn.






PHẦN II: VƯỢT CHƯỚNG NGẠI VẬT (Khoảng 10 – 15 phút)
Thể lệ vòng thi:
- Mỗi nhóm sẽ cử 1 đại diện, trong khoảng thời gian 1 phút, dùng ngôn ngữ hình thể diễn tả từ khóa (không sử dụng lời nói). Các thành viên còn lại sẽ đoán từ khóa. Sau khi xác nhận đúng từ khóa đó nhóm sẽ đọc một hoặc một vài tác phẩm VHDG (thơ, ca dao, hát một câu ca dân gian) có sự xuất hiện từ khóa đó
- Nhóm được quyền sử dụng lá cờ hy vọng:
+ Nếu đọc đúng thì sẽ được cộng 10 điểm (Có chọn LCHV sẽ được cộng 20 điểm).
+ Nếu chỉ đoán đúng mà không đọc được tác phẩm sẽ không được cộng cũng không bị trừ điểm. (Trường hợp có chọn LCHV sẽ bị trừ 10 điểm)

Nhóm 1: Cái lược, cái khăn tay, củ gừng, trái bần, cây lúa.
Nhóm 2: Cái bát, cái gương, cây sáo, quả ớt, hạt tiêu.
Nhóm 3: Cái cột đình, nụ tầm xuân, sợi chỉ, cái nón, cây dừa.
Nhóm 4: Cây chổi, cái răng, củ ấu gai, tấm lụa đào, cái quạt.
Dự bị: Cái chợ, quả bí, bờ sông, đi cấy đi cày, lá sung.
Ví dụ một vài tác phẩm liên quan:
- Cây chổi:
Thân em như chổi đầu hè
Phòng khi mưa gió đi về chùi chân
Chùi rồi lại vứt ra sân
Gọi người hàng xóm có chân thì chùi
- Cái lược:
Có răng chẳng cắn
Cái ngắn cái dài
Để chải tóc ai
Mượt mà thêm mãi
Là cái gì?
- Cái nón:
Nón nầy che nắng che mưa
Nón nầy để đội cho vừa đôi ta











GV cho học sinh lấy ví dụ một vài tác phẩm liên quan đến từ khóa, có thê gợi mở để HS nắm được nội dung các tác phẩm đó.










- HS lấy được ví dụ một vài tác phẩm có xuất hiện các hình ảnh quen thuộc trong ca dao như cái chổi, khăn tay, củ gừng, cây sáo, nụ tầm xuân,…
- HS nắm được nội dung cơ bản của một vài tác phẩm dân gian và nêu được ý nghĩa của các hình ảnh xuất hiện trong tác phẩm đó.


PHẦN III: TĂNG TỐC (Khoảng 10 – 15 phút)
Thể lệ vòng thi:
- Mỗi nhóm sẽ được cung cấp một số lượng các từ ngữ (nhóm cao điểm nhất được quyền chọn gói từ ngữ trước) đã bị cắt rời thành các mảnh ghép từ các tác phẩm hoặc tên tác phẩm VHDG.
- Trong vòng 1 phút các nhóm sẽ sử dụng số lượng từ có sẵn để ghép lại thành tác phẩm VHDG đúng theo đáp án của GV. (GV đính sẵn nam châm lá để HS có thể dán lên bảng trong quá trình ghép từ)
- Hết 1 phút, mỗi đáp án đúng sẽ được cộng 10 điểm, sai không bị trừ điểm. Không bắt buộc học sinh giải thích nội dung.
- Những đáp án khác với ban tổ chức chỉ được chấp nhận nếu học sinh có thể giải thích được nội dung cơ bản của tác phẩm đó, đồng thời số lượng từ ngữ còn dư lại không được vượt quá 3 mảnh ghép. Trường hợp được chấp nhận sẽ được cộng 20 điểm. Sai không bị trừ điểm.


GV CẮT RỜI CÁC TỪ NGỮ TRONG CÁC TÁC PHẨM VHDG SAU:
Nhóm 1:
- Con gà/ tốt mã/ vì lông
Răng/ đen /vì thuốc,/ rượu nồng /vì men
- Thân em /như// trong lờ
Hết phương /vùng vẫy/ biết nhờ/ nơi đâu.
- Ba /lưỡi/ rìu
Nhóm 2:
- Người /khôn/ ăn miếng/ thịt gà
Tuy rằng /ăn ít, /nhưng mà/ no lâu
- Thân em/ như/ cột đình /trung
Tay dơ/ cũng quẹt, /tay phung /cũng chùi.
- Lưu /Bình /Dương Lễ
Nhóm 3:
- Ai đi /bờ đắp /một mình
Phất phơ /chiếc áo /giống hình/ phu quân
- Ai /làm /Nam Bắc /phân kì
Cho hai/ dòng lệ/ đầm đìa / nhớ/ thương
- Ai /mua/ hành tôi
Nhóm 4:
- Những /người /đi biển /làm nghề,
Thấy/ dòng nước nóng /thì về /đừng đi.
- Thân em /như thể/ bình vôi
Bỏ lăn/ bỏ lóc/ mồ côi/ một mình
- Quả /bầu /tiên
è GV kết hợp câu hỏi phụ để HS có thể hiểu được nội dung, chủ đề của một số bài ca dao, tác phẩm trên.


- HS cần ghép được những tác phẩm VHDG cơ bản.
 - HS nắm được nội dung chính và chủ đề của các tác phẩm văn học dân gian đã ghép từ việc tìm hiểu những hình ảnh xuất hiện trong tác phẩm.

PHẦN IV: VỀ ĐÍCH (Khoảng 10 – 15 phút)
Thể lệ vòng thi hùng biện:
-         Mỗi nhóm sẽ bốc thăm 1 chủ đề, có thời gian 2 phút để chuẩn bị và 1 phút hùng biện cho chủ đề của nhóm mình.
-         Sau đó sẽ tiến hành vote bằng lá cờ được cung cấp sẵn (học sinh và giáo viên đều được quyền vote; mỗi người chỉ được 1 lượt vote).
-         Mỗi một lá cờ (xanh, tím, cam, hồng: dành cho học sinh) tương đương với 10 điểm, riêng lá cờ màu vàng (dành cho giáo viên) sẽ được 20 điểm.

Phần hùng biện ngắn với chủ để như sau:
- Chủ đề 1: Trước hiện tượng ngày nay các bà mẹ trẻ thường hay mở đĩa nhạc giao hưởng cho con nghe, phải chăng khúc hát ru đang dần chết đi ?
- Chủ đề 2: Có người phản đối việc đọc truyện cổ tích cho trẻ vì cho rằng trẻ em sẽ mơ mộng hão huyền và xa rời thực tế. Trình bày suy nghĩ của anh chị về vấn đề trên ?
- Chủ đề 3: Nếu được thay đổi kết thúc một tác phẩm truyện dân gian, em sẽ thay đổi truyện nào và thay đổi như thế nào ?
- Chủ đề 4: Trước kết thúc truyện Tấm Cám, có ý kiến cho rằng nếu tác phẩm văn học dân gian không phù hợp  với trẻ nhỏ thì có thể thay đổi, viết lại. Nhưng lại có ý kiến cho rằng cần phải đảm bảo nguyên vẹn tác phẩm. Em có suy nghĩ gì ?


- Trong 2 phút thảo luận nhóm, HS cần viết được dàn ý cơ bản của chủ đề mà nhóm mình hùng biện.
è GV không đánh giá chi tiết từng nội dung mà cần nhìn vào tổng thể bài hùng biện của nhóm và cách HS thể hiện bài hùng biện của mình trước lớp. Sau khi HS hùng biện xong, GV cần trao đổi với với HS mặt đã làm tốt và góp ý những nội dung HS chưa làm được

- HS rèn luyện năng lực hùng biện.
- Khi hùng biện, HS cần bám sát vào chủ đề của nhóm mình, có phần giới thiệu trước khi trình bày, diễn đạt sao cho trôi chảy, sinh động, trang nhã và đầy sức thuyết phục, thể hiện sức mạnh biểu cảm được bộc lộ qua vẻ đẹp của ngôn ngữ, nhờ đó mà thu hút và thuyết phục người nghe.

PHẦN ÂM NHẠC MỞ RỘNG:
è Trong quá trình GV cùng đại diện 4 nhóm tổng kết trò chơi. Lớp sẽ trình bày một tiết mục văn nghệ để gửi tặng các GV tham dự và cả lớp à Bài dân ca Scarborough Fair - GIÀN THIÊN LÝ ĐÃ XA (nhạc dân ca Ireland):
+ GV giải thích nội dung cơ bản của bài dân ca: Scarborough Fair là một bài cổ ca (Ballad) của xứ Ireland xuất hiện vào khoảng năm 1670-1680, không ai biết tác giả, đã lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế kỷ, và vào thế kỷ thứ XX bài cổ ca này vượt ra khỏi phạm vi các đảo quốc của United Kingdoms để đi đến tận cùng thế giới, trở thành một trong 10 bài cổ ca đuợc ưa chuộng nhất. Đến năm 1966 bài hát được du nhập vào Việt Nam. Bài Scarborough Fair được nhạc sĩ Phạm Duy dựa trên bản tiếng Pháp mà chuyển sang phiên âm tiếng Việt là bài Giàn thiên lý đã xa.
+ Nội dung bài hát Scarborough Fair: được viết từ dân gian, nên tình yêu là một nghịch lý trái ngược hẳn giới thượng lưu và xã hội thời đó. Chàng trai trong bài hát đã đặt vấn đề một cách lãng mạn, tình tứ, đầy chất thơ. Chàng đề nghị nàng làm nhiều điều thật khó khăn, khó thực hiện, như dệt áo cho chàng, vải lấy từ gỗ của cây phong, và may thật khéo léo để chứng tỏ nàng thực là người yêu chàng vì lúc trước nàng đã đường đột từ bỏ chàng ra đi.
+ Sự khác biệt về dân ca giữa phương Tây với Việt Nam qua các hình ảnh xuất hiện trong bài dân ca gốc của Ireland và bản lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy: Mỗi đoạn của bài hát Scarborough Fair đều có lặp lại bốn cây thảo mộc: Parsley (ngò tây – tình yêu), sage (xô thơm – sức mạnh ngàn năm), rosemary (hương thảo – lòng trung thành, tình yêu và trí nhớ), thyme (húng tây – sự can đảm). Ngày nay các loại thảo mộc này chỉ có ý nghĩa đối với các đầu bếp thôi, họ dùng chúng như là gia vị vì tất cả đều có mùi thơm. Vào thời Trung Cổ các thảo mộc này có nghĩa giống như hoa hồng của ngày nay, nghĩa là các thảo mộc này tượng trưng cho tình yêu. Trở lại bài hát được Nhạc sĩ Phạm Duy chuyển lời Việt với tựa Giàn thiên lý đã xa: Tại sao lại dùng Hoa Thiên lý, mà không phải loại hoa cao sang nào khác ? Bởi vì giới trẻ thành thị miền Nam lớn lên trong thời chiến trước 1975, được biết đến giàn Thiên lý qua các mẩu chuyện của nhà văn Duyên Anh. Giàn Thiên lý xanh trong trí nhớ tác giả, đẹp như tuổi thơ êm đềm với hoa Thiên lý màu xanh ngọc, be bé xinh xinh sau nhà và hơn hết đây là một loài hoa vô cùng gần gũi với chúng ta. Có lẽ vì tính cách gần gũi với dân gian của giàn Thiên lý, mà nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã mượn hình ảnh giàn cây mát mắt, nở vào mùa hè ấy để kể một chuyện tình xanh màu tuổi thơ, với thằng bé con mới lớn đã lỡ yêu cô em ngày xưa, và nó cứ nhớ mãi giàn thiên lý êm đềm. Trong bài hát có thấp thoáng hình ảnh thằng Vũ, con Thúy của nhà văn tuổi thơ Duyên Anh, và thoang thoảng mùi hương của bốn loài thảo mộc ở tận trời Âu xa xôi kia...


PHẦN TỔNG KẾT TRÒ CHƠI:
- Giáo viên tổng kết, hệ thống lại kiến thức một cách ngắn gọn, đồng thời rút kinh nghiệm qua tiết học.
- Công bố giải thưởng và kết quả trò chơi:
+ Nhà vô địch:          + Mỗi thành viên được cộng 1.5 điểm trong cột 15 phút
                                    + Nhận một phần quà từ ban tổ chức (bánh, kẹo,…)
+ Đội về nhì:             + Mỗi thành viên được cộng 1 điểm trong cột 15 phút
                                    + Nhận một phần quà từ ban tổ chức (bánh, kẹo,…)
+ Đội về ba:              + Mỗi thành viên được cộng 0.5 điểm trong cột 15 phút
                                    + Nhận một phần quà từ ban tổ chức (bánh, kẹo,…)
+ Đội về cuối:           + Mỗi thành viên không được cộng điểm.
                                    + Nhận một phần quà từ ban tổ chức (bánh, kẹo,…)