DẠNG BÀI LLVH: PHÂN TÍCH ĐẬM VÀ PHÂN TÍCH NHẠT




Bạn đã bao giờ xem một bức tranh thủy mặc và bị cuốn hút bởi những nét mực tàu bảng lảng trên trang giấy trắng? Điều gì làm nên sự lôi cuốn không thể rời mắt của những bức tranh ấy? Một trong những câu trả lời đó là: nhịp độ của đường nét, màu sắc, giữa nét vẽ và phông nền rất khác nhau tạo ra những nhịp điệu riêng của cảm xúc và ý nghĩa.

Đã bao giờ bạn chiêm ngưỡng những bức thư pháp tuyệt đẹp? Chắc hẳn bạn cũng nhận ra cái thần của con chữ nằm một phần ở những nét bút đậm, nhạt thể hiện tinh hoa của người viết.

Cũng như vậy với bài văn của bạn, một bài văn thu hút là một bài văn biết khai thác dẫn chứng một cách linh hoạt, biết kết hợp nét đậm và nét nhạt, kết hợp giữa bề rộng và bề sâu.

1.     Phân tích đậm và phân tích nhạt như những mô hình khác thác dẫn chứng

Việc phân tích đậm – nhạt đã được đề cập đến trong một số giáo trình, sách tham khảo hướng dẫn về kĩ năng viết bài văn hay. Trong sách “Tài liệu chuyên văn” (tập 2) của thầy Đỗ Ngọc Thống có viết: “Các chi tiết được chọn giảng cũng không nên phân tích bình giảng một cách bình quân, mà có đậm, có nhạt, có kĩ, có lướt tùy theo vị trí quan trọng của chi tiết ấy đối với cái tinh thần chung kia và những nét đặc sắc nghệ thuật lớn và cũng tùy theo yêu cầu đề bài.”

Ở đây, một số câu hỏi sẽ được đặt ra: Thế nào là phân tích đậm? Và thế nào là phân tích nhạt?

Nếu ta hình dung vấn đề theo kiểu thang độ (hãy hình dung đến những mảng màu đi từ sắc màu đậm nhất đến sắc màu nhạt nhất) và đối chiếu vào vấn đề dung lượng của bài viết (viết dài hay ngắn, nhiều hay ít) thì vấn đề sẽ rất khó giải quyết. Bởi thế nào là “đậm” và thế nào là “nhạt” tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người. “Đậm” thì sẽ có “đậm hơn”, “đậm nhất”.  Cũng tương tự như vậy với “nhạt”. Xét trên phương diện thao tác làm văn mà nói, cách hình dung này không mấy hiệu quả vì không tạo được cho ta phương hướng cụ thể để thực hành viết.
 
Phân tích đậm, nhạt không giống như một bảng màu có nhiều thang độ, mà thực chất là những mô hình khai thác dẫn chứng khác nhau.
Trong bài viết này, tôi đề xuất một hướng nhìn khác, tiếp cận phân tích đậm và phân tích nhạt như là những mô hình khác nhau khi phân tích tác phẩm.

Phân tích đậm: Đi sâu vào các tầng trong cấu trúc tác phẩm văn học (chi tiết, hình tượng, nhân vật, ngôn ngữ, các tầng hàm nghãi…) để từ đó làm bật lên vấn đề nghị luận mà đề yêu cầu. Cách viết này khai thác tác phẩm theo bề sâu.

Phân tích nhạt: Từ vấn đề đề bài yêu cầu soi chiếu vào một bình diện nội dung hoặc hình thức của nhiều tác phẩm để cho thấy các biểu hiện khác nhau vấn đề. Cách viết này khai thác tác phẩm theo bề rộng, chủ yếu trên bình diện nội dung.

Như vậy, từ đây trở về sau trong bài viết này, tôi sẽ đề cập đến việc phân tích đậm và phân tích nhạt như hai mô hình khác nhau để phân tích tác phẩm. Còn “đậm”, “nhạt” đến đâu và như thế nào, thì tùy thuộc vào từng yêu cầu đề bài cụ thể, từng tác phẩm cụ thể và tùy thuộc vào ý đồ của người viết trong những tình huống đa dạng của thực tế.

2.     Phân tích đậm (khai thác dẫn chứng theo bề sâu)



Phân tích đậm chính là dạng phân tích tác phẩm mà hiện nay học sinh vận được tiếp cận trong quá trình học tác phẩm văn học. Người viết sẽ bóc tách các khía cạnh hình thức nghệ thuật của tác phẩm, sau đó khái quát đến các vấn đề nội dung tư tưởng.

Nhưng khác với dạng bài phân tích để thấy được nét đặc sắc của tác phẩm, dạng bài LLVH bao giờ cũng yêu cầu phân tích để làm rõ vấn đề nghị luận. Cho nên, ở dạng bài LLVH, phân tích đậm vẫn cần sự chọn lọc, chỉ khai thác những gì đặc sắc nhất và liên quan trực tiếp đến vấn đề nghị luận. Đơn vị tác phẩm mà người viết cần quan tâm trong dạng bài này chính là chi tiết nghệ thuật. Chi tiết nghệ thuật là đơn vị nhỏ nhất trong tác phẩm văn học, đó có thể là một lời nói, một hành động, một cử chỉ, một nét mặt, một sự kiện, một đồ vật trong không gian, một thủ pháp nghệ thuật… Khi phân tích đậm, người viết cần chọn được những chi tiết đặc sắc nhất, phù hợp nhất để làm bật lên vấn đề nghị luận(tiêu chí lựa chọn: yêu cầu đề bài và chỉnh thể tác phẩm.

Ta có thể phân tích một số ví dụ để làm rõ hơn điều này.

Ví dụ 1: Phân tích tác phẩm Chí Phèo để làm bật lên “những tiếng đau khổ” thoát ra từ tác phẩm văn học.

Trong truyện ngắn nổi tiếng “Chí Phèo”, Nam Cao lại quay tấm gương cuộc sống, cho ta thấy một kiếp sống tủi nhục trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng. Ấy là Chí Phèo, một nạn nhân đau khổ của một xã hội cạn khô tình người với những ác quỷ mang bộ mặt người. Sinh ra không tình yêu thương của mẹ chan, Chí Phèo lớn lên trong sự đùm  bọc của những người như anh thả ông lươn, bà cụ mù lòa, bác phó cối nghèo nhưng tốt bụng. Nhưng những người năm ấy, như chính những câu văn tái hiện rất ngắn gọn của Nam Cao, lướt qua cuộc đời Chí như những cơn gió. Phần còn lại của cuộc đời, Chí đâu có gì ngoài những năm tháng tù tội, những lần rạch mặt ăn va, những khinh bỉ, miệt thị của người đời? Gặp Thị Nở, cứ tưởng cuộc đời Chí sẽ bừng sáng, sẽ ngời lên hồi chuông an lành nhưng hạnh phúc, tình yêu thoảng qua như hơi cháo hành, như ảo ảnh về nguồn nước giữa sa mạc khô tình người. Người nhen lên ngọn lửa lương tri, tình người cũng chính là người dập tắt hi vọng trở về với cuộc đời của Chí. Và khi “mất thiên thần, người đã chết”. Chí Phèo đã chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc đời. Chí đã chết khi miệng còn “ngáp ngáp” như muốn thanh minh, muốn bày tỏ với cuộc đời, với con người. Còn gì đau đớn hơn thân phận của con người ấy? Viết về những số phận bất hạnh ấy, ngòi bút Nam Cao đâu chỉ nhằm phản ánh chân xác thực trạng con người bị tha hóa trong xã hội cũ. Đằng sau câu chữ, cách xưng hô có vẻ lạnh lùng, dửng dưng, miệt thị ấy là một trái tim ấm nóng tình yêu thương con người. Nam Cao đã từng mong muốn viết lên những tác phẩm làm cho “người gần người hơn” thì với Chí Phèo, ông đã làm được điều đó. Bởi lẽ nhà văn đã “đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy những vang vọng của đời” cho nên những tác phẩm của ông, những “tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” sẽ còn sống mãi.

PHÂN TÍCH VÍ DỤ:

Các “tầng” phân tích
Nội dung trong bài viết
Vấn đề nghị luận
Văn học phải phản ánh “những tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”.
Các chi tiết lựa chọn trong tác phẩm “Chí Phèo”:
Thân phận đau khổ của Chí Phèo
+Sinh ra bị chối bỏ
+Bị xã hội khinh bỉ
+Bị thị Nở cự tuyệt
+Cái chết đau đớn
Ý nghĩa chi tiết
+Viết về những số phận bất hạnh ấy, ngòi bút Nam Cao đâu chỉ nhằm phản ánh chân xác thực trạng con người bị tha hóa trong xã hội cũ.
+Đằng sau câu chữ, cách xưng hô có vẻ lạnh lùng, dửng dưng, miệt thị ấy là một trái tim ấm nóng tình yêu thương con người.
+Nam Cao đã từng mong muốn viết lên những tác phẩm làm cho “người gần người hơn” thì với Chí Phèo, ông đã làm được điều đó.
Làm rõ vấn đề nghị luận
Bởi lẽ nhà văn đã “đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy những vang vọng của đời” cho nên những tác phẩm của ông, những “tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” sẽ còn sống mãi.

Sơ đồ: Hệ thống ý của ví dụ 1


Ví dụ 2: Phân tích bài thơ “Vội vàng” để cho thấy niềm vui trước vẻ đẹp của cuộc sống, vẻ đẹp của con người.

Mặt trời không chỉ có mấy đen mà còn có những tia nắng vàng, cuộc sống không chỉ có những nỗi khổ đau mà còn có những niềm vui sướng. Văn học phản ánh hiện thực, không chỉ là phản ánh những đau khổ mà còn ngợi ca những vẻ đẹp, những niềm vui của cuộc sống, của con người. Thơ Xuân Diệu là “bầu xuân”, là “bình chứa muôn hương” của tuổi trẻ, sức sống và tình yêu:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
(Vội vàng)

Người ta gọi thơ Xuân Diệu là “nguồn sống dào dạt chưa từng có ở chốn nước non lặng lẽ này” phải chăng bởi nhà thơ đã đốt cháy xúc cảm say mê mãnh liệt với cuộc đời. Cuộc sống muôn đời vẫn vậy. Thế nhưng những cảnh sắc của cuộc sống đi qua tâm hồn nồng nàn tình yêu cuộc đời của Xuân Diệu lại ánh lên những màu sắc diệu kì, lại ngân lên những thanh âm du dương. Thế giới, qua cặp mắt “xanh non biếc rờn” của thi sĩ họ Ngô là khu vườn tình ái, nơi ong bướm đang trong “tuần trăng mật”, nơi chim muôn ca lên “khúc tình si”, nơi tạo hóa đắm chìm trong “cặp môi gần” của tháng giêng. Đó còn là bữa tiệc thịnh soạn, phong phú của cuộc sống “nở hoa dâng tặng người muốn hái”. Đẹp làm sao! Làm sao Xuân Diệu có những cảm nhận tinh tế, diệu kì ấy nếu nhà thơ dửng dưng, vô cảm với cuộc đời. Chính niềm khao khát giao cảm với cuộc đời, chính niềm yêu sống đến cuồng si, mãnh liệt đã giúp thi sĩ phát hiện ra vẻ đẹp của cuộc sống. Những vần thơ như “lòng” Xuân Diệu  mở ra, như tay Xuân Diệu muốn chìa ra mời mọc, gợi mời con người. Sao có thể không nhớ, không yêu những vần thơ say đắm, thiết tha đến dường vậy! Thơ Xuân Diệu, tự bản thân nó không phải sự mô phỏng cuộc sống. Đó là lời tụng ca hân hoan, đắm đuối trước vẻ đẹp đích thực của cuộc sống.

PHÂN TÍCH VÍ DỤ


Các “tầng” phân tích
Nội dung trong bài viết
Vấn đề nghị luận
Văn học còn phản ánh những niềm vui của thi nhân trước vẻ đẹp của cuộc sống và con người.
Các chi tiết lựa chọn trong tác phẩm “Vội vàng”
Vẻ đẹp của cuộc sống nơi trần thế thể hiện trong đoạn thơ:
+khu vườn tình ái: “khúc tình si”, “tuần tháng mật”
+bữa tiệc thịnh soạn phong phú, tinh tế
Ý nghĩa chi tiết
+Những cảm nhận tinh tế cua Xuân Diệu
+Tình yêu cuộc sống thiết tha, mãnh liệt của thi nhân
Làm rõ vấn đề nghị luận
+Những vần thơ có sức lan tỏa, như “mời mọc mọi người”
+ Những vần thơ ấy có sức sống mãnh liệt, vì đó là “lời tụng ca hân hoan, đắm đuối trước vẻ đẹp đích thực của cuộc sống.

Sơ đồ: Hệ thống ý của ví dụ 2

Ví dụ 3: Phân tích “Chí Phèo” để làm bật lên vấn đề: văn học phải đặt ra những câu hỏi và trả lời những câu hỏi đó.

Độc giả tìm đến tác phẩm văn chương đâu phải chỉ để hiểu biết về hiện thực cuộc sống, mà còn muốn tìm hiểu ý nghĩa, gía trị, bất chất của cuộc sống, để tìm câu trả lời cho những băn khoăn, trăn trở, nghĩ suy của bản thân mình. Bởi vậy, tác phẩm nghệ thuật phải “đặt ra những câu hỏi” và có thể, còn cần phải “trả lời những câu hỏi đó”. Nam Cao, qua số phận bi kịch của Chí Phèo đã cất lên câu hỏi: Làm thế nào cứu vớt những con người đang đứng trên vực thẳm của sự tha hóa nhân tính và nhân hình? Làm thế nào để xã hội này không còn những Chí Phèo? Câu hỏi ấy vang vọng, văng vẳng suốt thiên truyện, đau đáu mãi không nguôi. Nó hiện hình trong lời kết án đau đớn tuỵệt vọng của Chí Phèo trước khi tự kết liễu đời mình: “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này?”. Nhà văn dẫu không trả lời trực tiếp, nhưng qua tác phẩm của mình, Nam Cao đã ngầm đưa ra câu trả lời cho bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí. Phải tiêu diệt xã hội đại ác, vạn ác này; phải tiêu diệt những con quỷ dữ Bá Kiến, Đội Tảo,…để cuộc đời này không còn những Chí Phèo. Và quan trọng hơn, để cứu rỗi những linh hồn tội lỗi như Chí Phèo, cần có một “lòng tốt bình thường”- tình người chân thành, mộc mạc như Thị Nở. Chỉ tình người mới cứu được tính người. Ấy là thông điệp nhân sinh, là câu trả lời sâu sắc, đúng đắn của Nam Cao cho những vấn đề bức xúc của xã hội.

PHÂN TÍCH VÍ DỤ

 Các “tầng” phân tích
Nội dung trong bài viết
Vấn đề nghị luận
Văn học phải đặt ra những câu hỏi và trả lời những câu  hỏi đó
Các chi tiết lựa chọn trong tác phẩm “Chí Phèo”
Ba câu nói cuối cùng của Chí Phèo trước khi chết.
Nêu ý nghĩa chi tiết kết hợp với bám đề
-Đặt ra những câu hỏi: Ba câu hỏi của CHí Phèo cũng chính là những câu hỏi nhà văn đặt ra về số phận và bản tính của con người.
-Trả lời những câu hỏi đó:
+Phải tiêu diệt xã hội vạn ác đẩy con người vào đường cùng
+Chỉ có tình thương mới có thể cứu rỗi tính người.


Sơ đồ phân tích ví dụ 3:

Như vậy, có thể hình dung ở thao tác phân tích đậm, mỗi chi tiết nghệ thuật giống như một hòn sỏi rơi xuống mặt hồ bằng phẳng, từ một điểm rơi ấy lan tỏa ra vô vàn vòng sóng, vòng sóng sau lại rộng hơn vòng sóng trước. Cũng như vậy, từ một chi tiết làm điểm tựa, ta có thể khai thác dần dần từng lớp nghĩa rộng hơn của tác phẩm, để cuối cùng hướng đến làm bật lên vấn đề nghị luận.

Thao tác phân tích đậm không thể thiếu được trong bài nghị luận văn học. Bởi vẻ đẹp đích thực của tác phẩm văn học không phải ở bề mặt ngôn từ, mà nó ở tầng sâu ý nghĩa, ở cái “chiều sâu chưa nói hết”. Phải khai thác sâu tác phẩm ta mới phát hiện ra những “điểm sáng” văn chương cần bình, và chính những điểm sáng đó làm nên rung động thẩm mỹ cho bài viết của chúng ta.

Nhược điểm của thao tác phân tích này, đó là trong giới hạn thời gian (Ví dụ bài thi quốc gia là 180 phút, ta chỉ có tối đa 120 phút để viết phần NLVH), các viết này khiến ta không thể bao quát được nhiều tác phẩm, nhiều phương diện, nhiều khía cạnh của vấn đề nghị luận. Mà có những đề nghị luận đòi hỏi phạm vi dẫn chứng rất rộng, từ văn học dân gian đến văn học đương đại.

3.     Phân tích nhạt (khai thác dẫn chứng theo bề rộng)


Ngược lại với thao tác phân tích đậm, thao tác phân tích nhạt giúp người viết bao quát dẫn chứng trong một phạm vi rộng lớn, soi chiếu được nhiều khía cạnh của vấn đề nghị luận. Ta có thể xét ví dụ sau.

Ví dụ 1: Tác phẩm văn học phải phản ánh được những nỗi đau của con người

Lại nhớ đến nhà lí luận, trong bài bàn về văn học và hiện thực có tâm sự: hình như mọi nỗi buồn dễ ở lại hơn hát ca xưng tụng. Và Nam Cao đã lấy hẳn hình tượng giọt nước mắt làm đầu cho thiên truyện của mình với lời đề từ “nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ”. Đâu phải ngẫu nhiên mà Đặng Thai mài đào lên “sâu sắc cảm nhận” chứ không phải logic thường thấy – và kế đó là cụm từ “nỗi đau của con người”. Đến đây có lẽ phải nói thêm: có một sự chuyển hóa trong nỗi đau của nhân tình vào trong nỗi đau của chủ thể người cầm bút. Đúng hơn đó là sự hòa nhập nỗi đau của đời và nỗi đau của ngòi bút nhà văn. Chỉ có thể từ nỗi đau cộng hưởng ấy mới có thể có được giọng thơ chua chát của Xuân Hương, mới có được nỗi đau nổi sóng, ngọn bút như có máu của Nguyễn Du. Phải đau đớn với nỗi đau của mọi người để giãi bày nó lên trang văn như một hành động chia sẻ, cảm thông với cuộc đời. Cái đau ngoài đời là cai đau của số phận; vào trong đấy là cái đau của thời đại. Nỗi đau với nhiều phương diện của nhân tình thế thái, của những thăng giáng lịch sử. Có thể là nỗi đau trước băng hoại của nhân phẩm trong thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Có khi là nỗi đau của nhân cách bị chà đạp. Ở phương diện thứ nhất, nỗi đau là sự cảnh tỉnh của nhà văn trước cuộc đời để con người tự soi lại mình, để sống đẹp hơn. Ở phương diện thứ hai, nó là sự cảm thông, đồng điệu của tác giả.

“Thời xa vắng” của Lê Lựu cũng là nỗi đau, nỗi đau về một thời cái “tôi” bị tỏa chiết, để từ đó rung lên một hồi chuông cấp báo với xã hội: hãy chú tâm đến cả cá nhân. Đó là chiều sâu nhân đạo và đó cũng là sự cảnh tình để con người tự nhận thức lại mình. Tố Hữu, Hồ Chí Minh đau với một tiếng rao đêm, một tiếng khóc trong nhà lao của một em nhỏ. Nỗi đau như một sự đồng cảm của một lực đỡ dìu. “Mùa lá rụng trong vườn” lại là nỗi đau của nhà văn trước sự băng hoại của nhân cách, của sựu ích kỉ đang phá tung mọi sợi dây gắn bó đồng loại đến từng cá nhân, đền từng gia đình nhỏ bé.

Nỗi đau trong trang văn vì thế là nỗi đau đầy nhân đạo, khi sẻ chia, khi vẫy gọi con người, vượt lên những mất mát, những gì xấu xa để vươn tới cái đẹp của chân, thiện, mỹ. Nó để người đọc đối diện với nỗi đau, làm trào ra những giọt nước mắt thanh lọc và nhân đạo hóa tâm hồn. (Trần Văn Toàn)

PHÂN TÍCH VÍ DỤ
Các thao tác làm bài
Những nội dung trong bài viết
Vấn đề nghị luận
Văn học phản ánh những nỗi đau
Các biểu  hiện của vấn đề nghị luận qua các tác phẩm
+Nỗi đau con người hòa vào nỗi đau nhà văn (Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương)
+Nỗi đau trước băng hoại nhân phẩm (thơ Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương)
+Nỗi đau của “cái tôi” bị tỏa chiết (“Thời xa vắng” – Lê Lựu)
+Nỗi đau của chiều sâu nhân đạo (Tố Hữu, Hồ Chí Minh)
+Nỗi đau trước sự băng hoại của nhân cách (“Mùa lá rụng trong vườn”)
Ý nghĩa + chốt ý bám đề
Nỗi đau trong trang văn vì thế là nỗi đau đầy nhân đạo, khi sẻ chia, khi vẫy gọi con người, vượt lên những mất mát, những gì xấu xa để vươn tới cái đẹp của chân, thiện, mỹ. Nó để người đọc đối diện với nỗi đau, làm trào ra những giọt nước mắt thanh lọc và nhân đạo hóa tâm hồn

Sơ đồ hệ thống ý của ví dụ 1:



Như vậy, rõ ràng để làm bật lên “những nỗi đau trong văn học”, người viết đã khảo sát rất nhiều các biểu hiện khác nhau của những nỗi đau ấy trong các hiện tượng văn học từ trung đại cho đến hiện đại. Tuy nhiên, với mỗi trường hợp chỉ điểm sơ chứ không phân tích vào cấu trúc tác phẩm cụ thể.

Cũng tương tự như vậy, với ví dụ tiếp theo.

Ví dụ 2: Phân tích các biểu hiện của chức năng nhận thức trong văn học.

Đối diện với văn học là đối diện với tất cả. Những điều mà văn học mang đến cho ta đồ sộ biết bao. Với văn học, một người Việt Nam biết tận nước Pháp xa xôi kia có một con người có trái tim nhân hậu, có tấm lòng yêu thương, nhưng đã phải chịu một kiếp sống khốn khổ (Những người khốn khổ - Victor Hugo). Xã hội tư sản Pháp đã đầu độc cuộc sống của con người, đã phủ lên nước Pháp phồn hoa tươi đẹp màn đêm u tối lạnh giá của nhà tù, đã làm cho những em bé như Codét chịu đọa đày từ trong bụng mẹ, đã làm những con người xinh đẹp như Phăngtin phải lìa bỏ cuộc đời giữa tuổi trẻ trung, đã làm cho Giăng Văn Giăng trở thành con người khốn khổ giữa biết bao “những người khốn khổ”. Tầm mắt ta lại hướng sang Nga, và trái tim ta lại cùng nhịp đập với nỗi niềm thổn thức, niềm đau vô tận của Anna Karenina (Lép-Tonxtoi) – Một người phụ nữ giàu sức sống và khát vọng nhưng lại bị hệ thống pháp luật, đạo đức, tôn giáo, dư luận khắc nghiệt của xã hội quý tộc giam hãm. Phải chăng xã hội Nga nửa cuối thế kỉ XIX như bánh xe tàn nhẫn cắt đứt cuộc đời tươi trẻ của Anna? Với văn học, ta có điều kiện ngoảnh lại nhìn quá khứ và vươn lên nghĩ tới tương lai. Ta như được hòa mình vào bầu không khí thần tiên, tươi mát của đỉnh Olempơ và nhìn thấy đâu đây hình ảnh kiên cường Promete bị xiềng, chàng trai quả cảm dám đấu với thần Zớt mang lửa xuống cho loài người (thần thoại Hy Lạp).

Mở rông tầm mắt ta theo không gian, văn chương còn giúp ta xâu chuỗi quá khứ hiện tại, tương lai. Văn học giúp ta hiểu biết thế giới vĩ mô (Chiến tranh và hòa bình – Lev Tônxtôi, Tấn trò đời – Banzắc), khám phá thế giới vi mô – đó là những gam những xao động thoáng qua, rung cảm tinh tế trong tâm hồn người (Bác ơi – Tố Hữu).

Các thao tác làm bài
Những nội dung trong bài viết
Vấn đề nghị luận
Văn học giúp con người hiểu biết thế giới rộng lớn
Các biểu  hiện của vấn đề nghị luận qua các tác phẩm
+Hiểu biết trên bình diện không gian: Từ Pháp (Những người khốn khổ) sang Nga (Anna Karenina)
+Hiểu biết trên bình diện thời gian: Từ thời kì thần thoại xa xôi
Bám đề
Văn chương mở rộng tầm mắt ta theo không gian, giúp ta xâu chuỗi quá khứ, hiện tại, tương lai, giúp ta hiểu biết thế giới ở cấp độ vĩ mô và vi mô.

Sơ đồ hệ thống ý của ví dụ 2:


Như vậy, việc phân tích nhạt giúp ta bao quát biểu hiện của vấn đề trên độ rộng, khiến cho bài viết uyên bác, phong phú hơn về kiến thức. Tuy vậy, khi thực hành thao tác này, cũng cần lưu ý một số điều:
+ Các tác phẩm được lựa chọn phải được khai thác trên cùng một bình diện, cùng một tiêu chí (ví dụ: cùng là các biểu  hiện của nỗi đau, cùng là các biểu hiện của quá trình nhận thức…).
+Các tác phẩm lựa chọn phải được sắp xếp theo trình tự logic hợp lý (trình tự thời gian, văn học Việt Nam – văn học nước ngoài, …)
+Soi chiếu từng khía cạnh xong (“phân”), ta phải có một kết luận tổng thể (“tích”).
Thao tác phân tích nhạt cũng bộc lộ nhược điểm lớn nhất của nó: Đó là ở mỗi tác phẩm ta chỉ có thể lướt qua, việc cho thấy được giá trị thẩm mỹ của tác phẩm rất hạn chế. Nếu bài viết chỉ toàn thao tác phân tích nhạt thì sẽ rất khô khan, thiếu điểm nhấn.

4.     Bài văn hay là bài văn biết kết hợp hài hòa phân tích đậm và phân tích nhạt

Trong một bài nghị luận văn học, việc kết hợp giữa phân tích đậm và phân tích nhạt sẽ giúp bố cục bài văn hài hòa, vừa bao quát được độ rộng của kiến thức vừa có những điểm nhấn, có chiều sâu, khai thác được những điểm sáng văn chương để tạo chất văn cho bài viết.

Ở cấp độ tổng thể bài viết, việc phân tích đậm và nhạt có thể phân bố ở các luận điểm khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu đề bài và ý đồ của người viết. Thường thì phần phân tích đậm sẽ triển khai ở dẫn chứng bắt buộc, và phân tích nhạt có thể triển khai ở phần dẫn chứng mở rộng.

Ở từng luận điểm, người viết có thể kết hợp vừa phân tích đậm vừa phân tích nhạt, có nghĩa là đào sâu vào từng dẫn chứng, nhưng giữa các dẫn chứng lại có sự so sánh đối chiếu với nhau để làm bật lên vấn đề nghị luận.

Có thể xét ví dụ sau, khi người viết phân tích nghệ thuật sử dụng từ ngữ của Nguyễn Du để làm bật lên yêu cầu về sáng tạo ngôn ngữ của nhà văn:

Ngôn ngữ của cuộc sống đời thường vào tác phẩm phải là những dòng ngôn ngữ văn chương giàu tình cảm, giàu sức biểu hiện. Có những từ là “nhãn tự” của thơ thì mới có những khổ thơ, bài thơ xuất thần, độc đáo. Nhà văn làm công việc chọn lựa ngôn từ phải làm sao chọn những từ đắc ý nhất, đặt vào đúng chỗ của nó nhất. Khi miêu tả Thúy Kiều, với đôi ba nét, Nguyễn Du đã báo trước số phận nàng:

“Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”

Những sinh vật vô tri làm sao có thể “ghen”, “hờn” trước nhan sắc của người? Hay phải chăng định mệnh trớ trêu đã để mắt tới người con gái tài sắc vẹn toàn ấy. Chỉ dùng một hai chữ thôi nhưng đủ sức diễn tả, dự báo cả cuộc đời nhân vật – thế chẳng là tài tình lắm sao! Thúy Kiều nhờ Thúy Vân nối duyên Kim Trọng thay mình, một câu chuyện khác thương như vậy không thể có cách nói nào hay hơn:

“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”

Tiếng “cậy” thân thương mà chưa đựng cả lòng tin, sự nhờ vả thiết tha nhất – không thể từ chối trước niềm mong mỏi của nàng. Quả thật Nguyễn Du đã đạt đến mức bậc thầy của ngôn ngữ, tiếng Việt trong tay tác giả được sử dụng khéo léo, điêu luyện và chính xác đến không cùng. Điều đó lí giải tại sao “Truyện Kiều” trường tồn trong lòng dân tộc hàng bao thế kỉ.

“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
(Độc Tiểu Thanh kí)

Tiếng “khấp” của người văn hào vĩ đại Việt Nam vẫn vang vọng hàng bao thế kỉ, đi giữa lòng người để nói về nỗi đau đời chất chứa trong tim. Nhà văn không sử dụng tiếp “khốc” mà lại là tiếng “khấp: tiếng nức nở trong tâm hồn, mặn xót, tái tê – nước mắt chảy ngược vào hồn nên ngàn năm còn thương, còn xót. Tố như đã để lại cho mai sau một di sản tinh thần đồ sộ và phong phú, đọc văn của ông, ta không thể lơi là khi sử dụng tiếng Việt. Ngôn ngữ làm nên văn chương và văn chương có sức mạnh xây dựng hay tàn phá con người – phải trân trọng và hãy biết sử dụng ngôn ngữ thì mới có thể sáng tác nên những tác phẩm hay, độc đáo

PHÂN TÍCH VÍ DỤ
Luận điểm
Sáng tạo nghệ thuật thực chất là quá trình sáng tạo ngôn ngữ
Phân tích nhạt (bề rộng)
+Bình diện thơ chữ Nôm: Truyện Kiều
+Bình diện thơ chữ Hán: “Độc tiểu thanh kí”.
Mỗi bình diện, người viết chỉ chọn những dẫn chứng tiêu biểu nhất.
Phân tích đậm
(bề sâu)
Với mỗi dẫn chứng, người viết đi sâu tô đậm những từ ngữ đặc sắc nhất mà Nguyễn Du sử dụng:
+Từ “ghen”, “hờn” (Truyện Kiều) è Chức năng dự báo số phận
+Từ “cậy” (Truyện Kiều) è Bộc lộ chuẩn xác tâm lý nhân vật
+Từ “khấp” (Độc Tiểu Thanh kí) è Khơi gợi sự đồng cảm sâu xa vượt qua không gian và thời gian.
Kết luận (Chốt ý)
Đánh giá về tác giả: Tố như đã để lại cho mai sau một di sản tinh thần đồ sộ và phong phú, đọc văn của ông, ta không thể lơi là khi sử dụng tiếng Việt.
Liên hệ, kết nối với vấn đề nghị luận: Ngôn ngữ làm nên văn chương và văn chương có sức mạnh xây dựng hay tàn phá con người – phải trân trọng và hãy biết sử dụng ngôn ngữ thì mới có thể sáng tác nên những tác phẩm hay, độc đáo

Kết lại, bài văn để thi học sinh giỏi không chỉ đơn giản là những bài tập làm văn, mà đó thực sự là sáng tác của người viết. Yêu cầu về sự sáng tạo, về cá tính riêng, về chất văn được đặt ra hàng đầu trong công tác tuyển chọn học sinh giỏi. Theo quan điểm của cá nhân tôi, người ta không sáng tạo từ hư không. Sự sáng tạo, tự thân nó, luôn là sự kết nối những chất liệu sẵn có theo những cách độc đáo, riêng biệt để giải quyết những đòi hỏi từ thực tế cuộc sống. Vậy thì phân tích đậm, hay phân tích nhạt chỉ là những công cụ cần thiết để tổ chức chất liệu sẵn có theo cách riêng của mình trong bài viết. Bạn đã có những mảng màu cần thiết trong tay mình, vậy hãy luyện tập thật nhiều để kiến tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn của chính mình.
THẦY DUY
(BLOG CHUYÊN VĂN)



TÓM TẮT BÀI VIẾT



Phân tích đậm
Phân tích nhạt
Giống

-Làm việc trên tác phẩm văn học, lấy tác phẩm làm lõi để soi chiếu, làm nổi bật các lí lẽ. Phân tích tác phẩm đi từ hình thức nghệ thuật đến nội dung.
-Đều chia nhỏ đối tượng để soi chiếu từng khía cạnh của các đối tượng đó. Có thể là chia nhỏ để soi chiếu các biểu hiện của vấn đề nghị luận. Cũng có thể là chia nhỏ để soi chiếu các bình diện trong kết cấu tác phẩm văn học.
-Sau khi chia nhỏ đối tượng, phải có cái nhìn khái quát lại (“tích”) để đưa ra kết luận về đối tượng, liên kết để làm sáng rõ vấn đề nghị luận.
Khác

Cách tiếp cận tác phẩm
Tiếp cận tác phẩm theo bề sâu, đi vào các bình diện trong kết cấu tác phẩm để làm bật lên vấn đề nghị luận.
Tiếp cận tác phẩm theo bề rộng, khai thác một bình diện của một nhóm tác phẩm/ dẫn chứng để làm bật lên các biểu hiện của vấn đề nghị luận.
Lưu ý khi viết
-Đơn vị làm việc cơ bản là chi tiết nghệ thuật.
-Chi tiết phải được đặt trong tổng thể tác phẩm và phải được chỉ đạo dưới yêu cầu của vấn đề nghị luận.
-Các dẫn chứng được chọn phải ở trên cùng một bình diện (tiêu chí) và hướng về vấn đề nghị luận.
-Trình tự dẫn chứng cần được sắp xếp hợp lý: trình tự thời gian, trình tự không gian, trình tự logic lập luận…
Ưu điểm
Khai thác sâu được tác phẩm, làm bật lên được những điểm sáng văn chương, khiến cho bài viết có chiều sâu.
Soi chiếu vấn đề toàn diện trên nhiều khía cạnh, giúp bài viết phong phú.
Nhược điểm
Không bao quát được nhiều tác phẩm (do giới hạn thời gian làm bài).
Không đi sâu được và những phần ẩn chìm của tác phẩm, khó khai thác được giá trị thẩm mỹ của tác phẩm.
NHẬN XÉT:
-Bài văn hay là bài văn kết hợp hài hoa “phân tích đậm” và “phân tích nhạt”.
+Ở cấp độ tổng thể bài văn, cần kết hợp những đoạn phân tích đậm và phân tích nhạt cho hài hòa. Tiêu chí để lựa chọn thao tác phân tích: Yêu cầu của đề bài và đặc điểm của tác phẩm.
+Ở cấp độ mỗi dẫn chứng: Có thể kết hợp cả hai thao tác, vừa đi vào bề sâu của tác phẩm đồng thời vừa liên hệ để cho thấy bề rộng.