HIỆN TƯỢNG TRÀO PHÚNG HỒ XUÂN HƯƠNG (PHẦN 3)



NGÔN NGỮ TRÀO PHÚNG HỒ XUÂN HƯƠNG

Để tạo nên hiệu quả trào phúng trong các tác phẩm, nghệ thuật sử dụng ngôn từ điêu luyện vào loại bậc thầy của Hồ Xuân Hương là một yếu tố quan trọng không thể thiếu. Xứng đáng với danh hiệu “Bà chúa thơ Nôm”, Hồ Xuân Hương đã biết vận dụng ngôn ngữ bình dân một cách tài tình và điêu luyện, từng từ, từng chữ sử dụng đều đắt giá và có hiệu quả nghệ thuật cao. Trước hết phải kể đến việc bà sử dụng thể thơ trong các sáng tác của mình. Trong thơ Hồ Xuân Hương, thể thất ngôn bát cú hay tuyệt cú của Đường luật của Trung Quốc đã được Việt hóa để trở thành những thể thơ của nhân dân quần chúng. Biểu hiện của sự việt hóa đó như sau:
Thứ nhất, lời thơ như lời nói cửa miệng, không có vẻ gì là thông thái. Câu thơ đầy tính khẩu ngữ với các lời vẫy gọi ơi, hỡi, với cách gọi “bọn”, “lũ”, thậm chí cả những lời văng tục “bá ngọ…”. Trên thực tế, có những bài thơ như nhóm bài thơ Mắng học trò dốt là những bài thơ ứng khẩu, lời nói thành thơ, mà thơ như lời nói.
Thứ hai, không sử dụng điển tích điển cố Trung Quốc hay từ Hán Việt, việc sử dụng từ Hán Việt nếu có, là để mỉa mai. Ta thấy rất rõ điều này trong bài “Thiếu nữ ngủ ngày”, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã hạ hai chữ “quân tử” rất đắt ở cuối bài thơ, tương phản và bị hạ bệ một cách ê chề trong hành động lấp ló, không minh bạch “đi thì dở, ở không xong”.
Thứ ba,  thơ Hồ Xuân Hương đã thoát khỏi đặc tính ước lệ khắt khe của thể thơ, mỗi bài của XH là một bức tranh, một câu chuyện, một lát cắt cuộc sống,  sự vận động trong thơ rất sống động, mạnh mẽ, phải cẩm nhận bằng tất cả các giác quan.
Thứ tư, thơ Hồ Xuân Hương Mang tính chất dân gian ở nét trào phúng, đả kích, phù hợp với nếp nghĩ truyền thống: vừa vui vừa hóm, vừa đùa bỡn, cười vợt, vừa nghiêm trang, vừa nói chơi vừa nói thật…
Bên cạnh việc sử dụng thể thơ độc đáo, nhịp thơ được ứng dụng uyển chuyển, đa dạng cũng làm cho thơ trào phúng Hồ Xuân Hương trở nên hấp dẫn, sức hấp dẫn trước tiên là ở sự đa giọng điệu:
-      Thơ tuyệt cú thường là nhịp 4/3 hoặc 2/2/3. Thơ Hồ Xuân Hương nhịp rất uyển chuyển, nhiều câu đã phá vỡ khuôn nhịp cũ mà có lối nghỉ tùy thuộc vào cảnh tình, cũng như dụng ý nghệ thuật.
·        Nhịp 2/5
“Chiếc bách/buồn về phận nổi nênh”
ècảnh cô đơn, bé nhỏ, cam chịu
(Tự tình III)
·        Nhịp 2/3/2:

“Nỗi niềm/chàng có biết/chăng chàng”
èsự tức tưởi, lời than thân trách phận
(Sự dở dang)
·        Nhịp 1/3/3
“Kìa/cái diều ai/ nó lộn lèo”
(Quán Khánh)

“Kìa/đền thái thú đứng cheo leo” )
è Nhịp thơ cho ta hình dung sự chỉ trỏ một cách cụ thể.
(Đề đền Sầm Nghi Đống)

Cùng với việc sử dụng thể thơ, nhịp thơ, cách xử lí chất liệu ngôn từ của Hồ Xuân Hương cũng vào loại bậc thầy.
Thứ nhất, từ ngữ bà sử dụng rất hiểm hóc, hiểm hóc một cách tự nhiên, không mài dũa, trau chuốt. Đó là công cụ đánh bại kẻ thù , đánh mạnh, đánh lắt léo, đau mà đối phương không dám kêu, chỉ dám ngậm miệng căm tức. Như bài Mắng học trò dốt II, là một bài thơ ứng khẩu, chỉ cần một chữ “phường lòi tói” thôi là đã cho thấy hết bản chất ngu dốc mà thích khoe khoang của bọn học trò dốt, đồng thời cho thấy cái khinh miệt của nữ nhà thơ đến hạng người này. Cách sử dụng ngôn từ ở đây rất tự nhiên, như câu cửa miệng, mà đắt giả, hiểm hóc vô cùng.
Thứ hai, Từ ngữ hết sức gợi tả: trăng thu thì “đỏ lòm lom”, nước hay gió thì “vỗ phập phòm”, “rơi lõm bõm” . Bà thường xuyên sử dụng từ láy, sử dụng rất tài tình.
Không thể không kể đến lối nõi ỡm ờ, nói lái như trong các truyện cười của dân gian, khi cần có thể văng tục:

“Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo”

(Chùa Quán Sứ)

“Đầu sư há phải gì… bà cốt
Bá ngọ con ong bé cái nhầm.

(Sư bị ong châm)

“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”
(làm lẽ)
Khả năng mô phỏng âm thanh trong thơ Hồ Xuân Hương cũng rất tài tình:
Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông
Nó bảo nhau rằng ấy ái uông.”

(mắng học trò)

Khi cảnh, khi tiu, khi chũm chọe
Giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha”

(Sư hổ mang)
Một điểm quan trọng trong việc sử dụng ngôn từ của Hồ Xuân Hương đó là hiện tượng xưng tên trong tác phẩm:
“Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi”

(Mời trầu)
Việc xưng tên trong tác phẩm chính là biểu hiện rõ ràng nhất của việc thức tỉnh cái tôi cá nhân, và thoát li dần dần khỏi thi pháp trung đại. Đặc trưng thi pháp trung đại là phi ngã, coi trọng cái ta, cái tôi cá nhân không được nhắc đến, chứ đừng nói xưng tên trong bài thơ.  Sự  sụp đổ của chế độ phong kiến, cùng với sự  biến đối tư tưởng xã hội đã tạo điều kiện cho cái tôi thức tỉnh, và thời kì này cũng không ít nhà thơ đã bắt đầu đưa tên vào tác phẩm. Chúng ta có Nguyễn Du: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”, hay Nguyễn Công Trứ: “Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng”.  Là một người phụ nữ, vốn bị coi rẻ trong xã hội, đặt ngang với hiện tượng xưng tên của các nam thi sĩ trên, vị thế của Hồ Xuân Hương càng trở nên đặc biệt. Còn một điểm cần lưu ý nữa: Nếu các nhà thơ nam kia chỉ xưng tên hiệu, thì Xuân Hương đã xưng tên thật, cách khẳng định còn có phần mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.
Như vậy, việc xưng tên trong thơ Hồ Xuân Hương chính là biểu hiện của một cái tôi ngang tàn, mãnh liệt Hồ Xuân Hương. Nhưng không chỉ có thế, cùng với sự xuất hiện của cái tôi Hồ Xuân Hương, thì “thân em” cũng chính thức bước từ ca dao dân ca vào địa hạt của văn học viết. Có lẽ Hồ Xuân Hương là nữ sĩ đầu tiên đặt vấn đề về người phụ nữ ở góc nhìn thứ nhất, là một người phụ nữ, nói về một người phụ nữ, và có lẽ, ở Hồ Xuân Hương, lần đầu tiên “thân em” tội nghiệp của ca dao bước vào địa hạt của văn chương bác học, vẫn giữ nguyên những cảm xúc, nỗi niềm từ ca dao, nhưng đặt trong một lớp vỏ nghệ thuật điêu luyện hơn, sắc sảo hơn.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày, khẩu ngữ, thành ngữ, tục ngữ, cũng được Hồ Xuân Hương sử dụng linh hoạt đến “ghê người” (từ dùng của Giáo sư Lê Trí Viễn).




 



EmoticonEmoticon