Kết cấu triết luận – trữ tình của bài “Vội vàng” là một dạng của kiểu kết cấu song hành, trong đó hai mạch chính là mạch triết luận và mạch trữ tình trở thành hai sợi dây bện vào nhau và nối xuyên suốt bài thơ, giúp làm bật lên tư tưởng chủ đề tác phẩm.
Mạch triết luậnbiểu hiện ở cách nhà thơ Xuân Diệu sắp xếp các ý thơ để truyền tải trọn vẹn tư tưởng của mình về lẽ sống đẹp, tích cực: lẽ sống “Vội vàng”. Tại sao phải sống “Vội vàng”? Xuân Diệu đã lập luận thật chặt chẽ: Vì cuộc sống thật đáng sống, thật rộng lớn, thật mênh mông (chín câu thơ đầu) trong khi đó thời gian của đời người thì quá hữu hạn trước cái vô cùng của vũ trụ (từ câu 10 – 26), cho nên chỉ còn một cách là phải sống vội vàng lên, gấp rút lên, sống gấp nhiều lần trong quỹ thời gian có sẵn để tận hưởng được cuộc sống này (Câu 27 – hết)! Cách lập luận ở đây đi từ việc soi chiếu các mặt khác nhau của vấn đề, khám phá những nghịch lý của đời sống để biến những lí lẽ ấy thành cơ sở lí luận, là nền tảng cho tính thuyết phục của lời kêu gọi ở cuối bài thơ, cũng là kết luận đầy tích cực, giàu tính nhân văn của tác giả.
Mạch triết luận đã dẫn tới cách sử dụng ngôn ngữ thơ có tính chất triết luận. Đó là một loạt các từ ngữ có tính chất lập luận: “nghĩa là”, “nhưng”, “nói làm chi… nếu”, “nhưng… nên”. Trong thơ cổ, những từ ngữ này khá kị, vì chúng vốn là những từ ngữ biểu thị ý nghĩa quan hệ logic, khô khan, không phù hợp với nhạc tính uyển chuyển giàu sức gợi của thơ ca. Ở đây Xuân Diệu đã rất khéo léo sắp đặt những từ ngữ này phối thanh hài hòa trong từng câu thơ, và rất hợp lý trong các phép điệp, nên tuy chúng là từ ngữ lập luận nhưng không hề phá vỡ chỉnh thể của bài thơ, nhạc tính của bài thơ vẫn hài hòa, uyển chuyển, có sức lay động lòng người.
Sự biến đổi đại từ xưng hô từ điệp cấu trúc “Tôi muốn…” ở lời đề từ đến điệp cấu trúc “Ta muốn…” ở khổ thơ cuối cũng có dụng ý làm tăng tính thuyết phục của mạch triết luận. Nếu ở lời đề từ cảm xúc vẫn còn là của một cá nhân, mang đậm dấu ấn cái tôi, thì đến cuối ở lời kêu gọi, cái tôi ấy đã phóng chiếu thành cái ta, hướng về số đông, hướng về người tiếp nhận. Người đọc cảm thấy có một phần của mình trong lời kêu gọi của tác giả, chính vì vậy lời kêu gọi ở cuối tác phẩm càng trở nên thuyết phục, dễ tiếp nhận hơn.
Nhưng mạch chính của tác phẩm vẫn là mạch trữ tình, bởi nguồn cội của thơ chính là cảm xúc. Song song với mạch triết luận chính là mạch trữ tình. Xuyên suốt từng bước lập luận, Xuân Diệu đã bày tỏ những cảm xúc từ tận trái tim mình: Niềm khao khát cuộc sống mãnh liệt, vồ vập, tham lam như muốn tận hưởng, thâu tóm hết tất cả cuộc sống tràn trề hương sức này (9 câu thơ đầu); cái buồn man mác, cái băn khoăn, trăn trở, tâm trạng bi kịch khi nhận ra cái hữu hạn của đời người quá đỗi ít ỏi với cái vô tận của vũ trũ (từ câu 10 – câu 26); để rồi đến khổ thơ cuối cảm xúc thơ siêu thăng dưới tư tưởng tích cực, hòa với mạch triết luận để trở thành thứ cảm xúc tươi mới, tích cực, trong lời kêu gọi giàu sức lan tỏa.
Như vậy xuyên suốt bài thơ, mạch triết luận và mạch trữ tình luôn giao hòa cùng nhau, sóng đôi bên nhau. Mạch triết luận nổi lên trên bề mặt văn bản, gắn với bố cục bài thơ. Mạch trữ tình chìm xuống dưới, trở thành bề sâu của nội dung tư tưởng. Sự kết hợp này tạo một hiệu quả tích cực trong việc truyền tải tư tưởng chủ đề của tác phẩm: vừa tác động vào lý trí, vừa tác động vào tình cảm, vừa trực tiếp tác động vào trí óc, nhưng lại cũng vừa thông qua con đường từ trí óc đến trái tim. Xuân Diệu đã dùng chính trái tim mình, dùng chính khối cảm xúc rạo rực tha thiết với cuộc đời của mình để làm minh chứng rõ nhất cho lẽ sống “Vội vàng”. Và cũng chính lẽ sống đó đã làm cho cảm xúc của Xuân Diệu trở thành những cảm xúc có tính chất khái quát, là tâm sự riêng tư nồng nàn của cá nhân, nhưng cũng là cảm xúc đã được chắt lọc, siêu thăng để trở thành cảm xúc của cả một thế hệ, cả một xã hội, thậm chí đã đến tính chất nhân loại.
EmoticonEmoticon