Ở phần 1 tôi đã giới thiệu với bạn 4 tuyệt chiêu đầu tiên tạo ấn tượng cho bài viết. Bốn tuyệt chiêu này chủ yếu thiên về việc xử lý các chất liệu (câu chuyện, hình ảnh, trải nghiệm cá nhân, trích dẫn) để bài viết phong phú và thuyết phục hơn.
Phần 2 này sẽ hé lộ 4 tuyệt chiêu còn lại. Những cấu trúc, những cách hành văn thổi hồn vào con chữ.
Tuyệt chiêu 5: Vận dụng cấu trúc điệp
Hãy gặp lại một nhân vật quen thuộc của tuổi thơ chúng ta:
Nếu bạn từng xem phim về cậu chàng, thì hãy thử nói xem: Điều bạn nhớ nhất về gã sói này là gì?
“Nu, pa-ga-chi” (Thỏ, hãy đợi đấy) – một vài giây ngờ ngợ và giờ đây bạn nghe văng vẳng đâu đây trong tâm trí câu nói này.
Đúng vậy, đó là câu nói mà tên sói nhắc đi nhắc lại qua tất cả các tập phim. Sự lặp lại ấy đã in dấu trong tâm trí bạn từ những ngày thơ ấu như thế đó.
Những gì lặp đi lặp lại luôn khắc sâu trong tâm trí. Với một bài văn, nhất là bài văn nghị luận, phép điệp luôn tạo ra sức thuyết phục lớn bởi nó khắc sâu vào tâm khảm người nghe ý tưởng chủ đạo của người viết.
Hãy nhớ lại bài diễn văn đầy cảm hứng và giàu âm điệu mà Martin Lutherking đã đọc vào ngày 28 tháng 8 năm 1963 tại đài tưởng niệm Lincoln:
“Tôi có một giấc mơ…
Sẽ có một ngày đất nước này vươn lên và sống với ý nghĩa thật của niềm xác tín: “Chúng tôi tin rằng chân lý này là định đề, ấy là tất cả mọi người khi được sinh ra đều bình đẳng”.
Tôi có một giấc mơ…
Sẽ có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của Georgia, con cái của những người đã từng là nô lệ và con cái của những người đã từng là chủ nô có thể ngồi lại với nhau quanh chiếc bàn huynh đệ.
Tôi có một giấc mơ…
Sẽ có một ngày ngay cả bang Mississippi, vùng đất bức bối vì hơi nóng của bất công, bức bối vì hơi nóng của áp bức, sẽ trở nên ốc đảo của tự do và công lý.
Tôi có một giấc mơ…
Bốn đứa con nhỏ của tôi sẽ có một ngày được sống trong một đất nước mà chúng không còn bị đánh giá bởi màu da mà bởi con người và cá tính của chúng.
Tôi có một giấc mơ hôm nay!”
“Tôi có một giấc mơ” – điệp khúc ấy sáng lên giấc mơ tuyệt đẹp của Martin Lutherking. “Tôi có một giấc mơ” – điệp khúc ấy gọi thức giấc mơ lương tri ngủ yên trong tâm hồn nhân loại. “Tôi có một giấc mơ” – giấc mơ của mỗi chúng ta về thế giới chan hòa của lòng nhân ái, sự bình đẳng, lòng bác ái và sự tự do. Quả là một điệp khúc đầy cảm hứng và đầy sức mạnh.
Đó là điều mà phép điệp mang đến cho bài văn của chúng ta, một âm hưởng hùng biện đầy cảm xúc. Bạn có thể tha thiết, bạn có thể hùng hồn, tiếng nói của bạn có thể đầy sức thuyết phục. Hãy sáng tạo ra điệp khúc để truyền tải một cách mạnh mẽ thông điệp của mình đến thế giới.
Trong sự trùng điệp các ý tưởng, phép điệp tạo cho chúng ta cảm giác về sự tăng tiến, trong diễn tiến phát triển không ngừng của lí lẽ, cảm xúc, phép điệp tao cho bài viết của chúng ta những đỉnh điểm – những điểm sáng lôi cuốn người đọc.
Hãy phân tích hiệu quả biểu đạt của phép điệp trong những ví dụ sau.
Ví dụ 1: Đoạn kết đầy ấn tượng cho bài cảm nhận về tác phẩm “Ông già và biển cả” (E. Hemingway)
“Nếu cần ghi một lời nào đó trên bia mộ của Hemingway , người sống trọn đời sôi động cho chính lí tưởng phát ngôn trong tác phẩm. Nhà văn tự nổ súng vào đầu mình vì có thể cảm thấy không còn đủ sức tiếp tục công việc “viết một áng văn đơn giản và trung thực về con người”, thì có lẽ nên viết như sau:
Ông ấy đã hi vọng
Ông ấy đã viết
Ông ấy đã thoát khỏi cái tầm thường cố hữu
Và ông đã gieo niềm kiêu hãnh lớn lao nơi trái tim tất cả mọi người.”
(Lê Trọng Thùy Đan)
Ví dụ 2: Bài diễn văn hay nhất về loài chó.
Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta trong phú quý cũng như lúc bần hàn, khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau. Nó ngủ yên trên nền đất lạnh, dù gió đông cắt da cắt thịt hay bão tuyết vùi miễn sao được kề cận bên chủ là được. Nó hôn bàn tay ta dù khi ta không còn thức ăn gì cho nó. Nó liếm vết thương của ta và những trầy xước mà ta hứng chịu khi va chạm với cuộc đời tàn bạo này. Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là ông hoàng, dù ta có là một gã ăn mày. Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân tàn danh liệt vẫn còn con chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời. Nếu chẳng may số phận đá ta ra rìa xã hội, không bạn bè, vô gia cư thì con chó trung thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó được là kẻ bảo vệ ta trước hiểm nguy, giúp ta chống lại kẻ thù.
Và một khi trò đời hạ màn, thần chết đến rước linh hồn ta đi, để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy, khi tất cả thân bằng quyết thuộc đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ, thì khi ấy vẫn còn bên nấm mồ ta con chó cao thượng của ta nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở to cảnh giác, trung thành và trung thực ngay cả khi ta đã chết rồi.
(George Graham Vest)
Ví dụ 3: Thư Albert Einstein gửi con gái Lieserl về lực quan trọng nhất của vũ trụ: Tình yêu.
“Khi cha công bố thuyết ương đối, rất ít người có thể hiểu được. Giờ đây điều mà cha sắp tiết lộ với nhân loại rồi cũng sẽ vấp phải những hiểu lầm và thành kiến của cả thế giới.
Vì vậy, cha mong con giữ kín những bức thư này trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ cho tới khi xã hội đủ tiến bộ để có thể chấp nhận những điều mà cha sắp giải thích dưới đây.
Có một loại lực vô cùng mạnh mẽ, loại lực mà tới tận bây giờ khoa học cũng chưa thể tìm ra định nghĩa chính xác nào cho nó. Lực này bao gồm và chi phối mọi loại lực khác, thậm chí còn đứng sau vô vàn hiện tượng do vũ trụ vận hành mà chúng ta vẫn chưa thể lý giải. Đó chính là TÌNH YÊU.
Khi các nhà khoa học tìm kiếm một học thuyết chung cho vũ trụ, họ đã bỏ qua lực vô hình nhưng mạnh mẽ nhất này.
Tình yêu là ánh sáng soi chiếu tâm hồn những người biết trao và nhận nó.
Tình yêu là lực hấp dẫn, bởi nó khiến người ta cuốn hút lẫn nhau.
Tình yêu là sức mạnh, bởi nó phát triển bản tính tốt đẹp nhất trong ta, giúp nhân loại không bị che mắt bởi sự ích kỷ mù quáng.
Tình yêu hé lộ và gợi mở.
Tình yêu có thể khiến chúng ta sống và chết.
Tình yêu là Chúa và Chúa cũng chính là tình yêu.
Loại lực này giải thích mọi điều và thổi ý nghĩa vào cuộc sống. Tuy nhiên chúng ta đã bỏ qua nó quá lâu. Có lẽ là do chúng ta vẫn duy trì nỗi sợ trước một thứ con người không thể nào hiểu và kiểm soát được.”
Một bài hát khó đi vào lòng người nếu thiếu điệp khúc. Bài văn của bạn cũng vậy. Hãy nghĩ ra một ấn tượng thật ý nghĩa, và sáng tạo ra điệp khúc trong bài văn của chính mình.
NHỮNG VIỆC CẦN LÀM
-Sưu tầm những đoạn văn sử dụng cấu trúc điệp thành công.
-Tập viết cấu trúc điệp trong bài viết của mình.
Tuyệt chiêu 6: Dồn dập những câu hỏi
Ở phần đầu, tôi đã nhấn mạnh với bạn rằng viết thực chất là một quá trình giao tiếp, và mỗi bài viết thực ra là một cuộc đối thoại. Chắc bạn còn nhớ?
Không thể có một cuộc đối thoại nếu người viết chỉ thao thao bất tuyệt về các ý tưởng của chính mình. Không thể có một cuộc đối thoại nếu bài viết đóng kín cửa không để chỗ cho người đọc suy nghĩ. Xét cho cùng, ai thèm quan tâm đến những giáo điều mà kẻ khác nhồi nhét vào đầu mình?
Để làm nên một cuộc đối thoại hấp dẫn, bạn cần biết cách đặt ra những câu hỏi.
Hãy thử xem những mở bài sau:
Có ai đọc truyện ngắn của Thạch Lam mà không khỏi “rùng mình” trước cơn gió lạnh đầu mùa – cơn gió Thạch Lam? Có ai không một lần ngẩn ngơ, bồi hồi trước những lời văn như được chắt chiu từ hương hoàng lan của cuộc đời bình dị? Có ai quên được sức ám ảnh của bóng tối và ánh sáng, của khát vọng sống mãnh liệt trong truyện của ông? Tôi đang đi trên con đường chi chít những dâu chân, con đường vang vọng tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều, con đường đến với Hai đứa trẻ.
(MB Đề “Sức hấp dẫn từ truyện ngắn HĐT của TL – Đỗ Phương Thùy – Tài liệu chuyên văn 3)
Đã bao lần tôi băn khoăn tự hỏi: điều gì khiến mỗi tác phẩm văn học mang hình một chiếc lá thả mình vào dòng chảy miên viễn của thời gian? Một cốt truyện li kì, hấp dẫn? Một vần thơ sâu chảy tự tâm hồn? Để rồi một ngày kia khi tìm đến với những lời tri kỉ của Nguyễn Đình Thi tôi chợt hiểu rằng dáng lá chao mình ấy chính là những sáng tạo mới mẻ, độc đáo về cách nhìn, tình cảm của người nghệ sĩ trong tác phẩm. Tác phẩm văn học lớn hấp dẫn người đọc bởi cách nhìn nhận mới, tình cảm mới, về những điều, những việc ai cũng biết cả rồi.
(Hoàng Quỳnh Nga – tài liệu chuyên văn 3)
Sự lôi cuốn của những mở bài trên chính là những câu hỏi liên tục vang vọng. Đó là chức năng của câu hỏi – những khoảng lặng bạn tạo ra để người đọc có thể tham gia vào bài viết của bạn. Đương nhiên bạn cũng đã biết có hai loại câu hỏi:
Câu hỏi chính danh: Câu hỏi đòi hỏi câu trả lời.
Câu hỏi tu từ: Câu hỏi đặt ra để khẳng định, để phủ định, để bộc lộ cảm xúc…
Để tô đậm hiệu quả của câu hỏi, thường người viết sẽ tạo ra kết cấu trùng điệp các câu hỏi. Câu hỏi sau nối tiếp câu hỏi trước và cứ thế tăng cấp. Cách viết này xoáy sâu vào tâm trí người đọc những băn khoăn suy tưởng của người viết, thôi thúc người đọc đáp lại.
Nhưng đôi lúc, chỉ cần một câu hỏi được đặt đúng chỗ, đoạn văn đã trở nên thật gợi cảm:
Nếu mặt trời tắt nắng, nếu trái đất ngừng quay, nếu cây không nở hoa, nếu tế bào không tự nhân đôi, thì phôi thai sẽ chỉ là phôi thai. Trái tim ta chỉ là ý nghĩa vu vơ bởi vì tế bào quá nhỏ. Và ta có thể yêu nhau không? Điều ấy có nghĩa là sự sống rất mơ hồ. Không ai trả lời được hoặc không dám khẳng định vào cái tất yếu tự nhiên. Đặt ra một giả định, để những câu hỏi chơi trò chơi tung hứng, từ đó Xuân Quỳnh đưa ra quan niệm về thơ ca của mình trong bài thơ Nếu ngày mai em không làm thơ nữa.
(Lê Hồng Minh – tài liệu chuyên văn 3)
Hãy tập đặt câu hỏi, không chỉ trong bài viết của mình. Bởi câu hỏi chính là chìa khóa của tư duy. Nó thôi thúc ta kiếm tìm những điều ta chưa biết. Nó nhắc ta hoài nghi và kiểm chứng. Hỏi và chỉ bằng cách hỏi – ta mới dần tiệm cận chân lý. Nhà văn Ý nổi tiếng Claudio Magrid đã từng nói:
“Văn chương không cần những câu trả lời mà nhà văn đem lại, văn chương chỉ cần những câu hỏi mà nhà văn đặt ra, mà những câu hỏi này, luôn rộng hơn bất kì câu trả lời tường tận, cặn kẽ nào”.
Vậy ta cần lưu ý điều gì khi đặt câu hỏi trong bài viết?
Thứ nhất, hãy chắc chắn rằng câu hỏi đó liên kết đến chủ đề mình đang viết.
Thứ hai, hãy chắc chắn rằng câu hỏi đó có vấn đề và đáng để hỏi.
Thứ ba, hãy chắc chắn rằng câu hỏi bạn đặt ra là điều người đọc quan tâm, nếu không họ sẽ không đáp lại.
Thứ tư, nếu đặt câu hỏi để bộc lộ cảm xúc, hãy đảm bảo viết cho thật tự nhiên và chân thực.
Ý tôi là, bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu một người cứ hỏi những câu hỏi tủn mụn vụn vặt, những câu hỏi đương nhiên ai cũng biết và tệ hơn là cứ lặp đi lặp lại những câu hỏi đó?
Nếu bạn không còn nghi ngờ gì về vấn đề này nữa, hãy luyện tập thôi.
NHỮNG VIỆC CẦN LÀM
-Tập thói quen đặt câu hỏi và ghi lại những câu hỏi
-Sưu tầm những đoạn văn sử dụng câu hỏi thành công
-Luyện tập viết câu hỏi trong bài viết.
Tuyệt chiêu 7: Vận dụng cấu trúc tương phản
Khái niệm “tương phản” bắt nguồn từ hội họa. “Tương phản” là một nguyên tắc vàng của mọi họa sĩ thiên tài. Vậy “tương phản” là gì?
Hãy xem bức tranh “Trường học Athens” của danh họa Rafael:
Bức tranh là tổng hòa của rất nhiều phép tương phản
Tương phản về màu sắc: Bầu trời đằng sau màu xanh tạo cảm giác xa xôi, bức tường phía trước màu vàng ấm tạo cảm giác gần gũi.
Tương phản về đường nét: Đường cong của mái vòm tương phản với đường thẳng của sàn và các bậc thang.
Tương phản về nội dung: Có thể thấy chính giữa bức tranh là hai triết gia Platon (trái) và Aristote (phải).
Platon giơ tay lên trời khẳng định học thuyết của mình: thế giới này chỉ là bóng ảnh của đáng siêu nhiên như thần linh hay thậm chí cái đẹp.
Trong khi Aristote giơ tay ra phía trước khẳng định chính thế giới này mới là nguồn gốc của cái đẹp, kinh nghiệm và trí tuệ. Chính thế giới này mới cần được nghiên cứu và nghiền ngẫm.
Hai tư tưởng đối lập, hai màu sắc đối lập, hai tạo hình đối lập – đó là cách mà Rafael khắc họa hai triết gia quan trọng nhất của triết học Hy La cổ đại.
Đến đây, bạn đã có ý niệm gì để trả lời cho câu hỏi:
“Thế nào là tương phản?”
Tương phải là một thủ pháp nghệ thuật, một nguyên tắc thẩm mỹ trong đó người nghệ sĩ đặt cạnh nhau các yếu tố đối lập để tạo ấn tượng, truyền tải thông điệp.
Tương phản tồn tại ở khắp nơi trong cuộc sống của chúng ta. Tương phản chính là cuộc sống. Hãy thử tìm sự tương phản trong các bức hình sau.
Phép tương phản luôn khiến ta không thể rời mắt khỏi những bức ảnh. Phép tương phản luôn tác động mạnh vào thị giác và tâm trí chúng ta. Chúng tô đậm ấn tượng về sự khác biệt, sự đối lập, sự đa dạng. Chúng xua đi sự nhàm chán.
Hãy biến bài văn của bạn thành một bức tranh bằng ngôn từ. Hãy sử dụng thủ pháp tương phản.
Ngay trong những ví dụ dưới đây, chắc chắn bạn sẽ rất hào hứng khi nhìn thấy phép tương phản tỏa sáng như thế nào trong những câu văn.
Ví dụ 1: Một lời bình đầy ấn tượng về câu thơ “Đê đầu tư cố hương” (Tĩnh dạ tứ, Lý Bạch).
Năm xưa, một chàng trai trẻ đầy sức sống ngắm trăng trên núi Nga Mi thì chỉ thoáng một chớp mắt, hình ấy ấy đã thuộc về quá khứ, thuộc về dĩ vãng quá xa mờ. Người con xa quê thấy lòng mình chùng xuống, ngoảnh đi ngoảnh lại thoát đã mười mấy năm ròng, giờ đây, đứng trước đất trời trong cảnh trăng vời vợi, bao hình ảnh ngày xưa tái hiện về, dồn dập, nén chặt, chất chứa… như một đoạn phim quay chậm. Quá khứ, hiện tại, quê nhà, quê người, thành công, thất bại, hy vọng, thất vọng, thân thế, sự nghiệp, tất cả như đan xen, như hòa quyện vào nhau, trĩu nặng trong tư thế của một con người cúi đầu mà tâm hồn quay quắt nhớ.
(Bài viết đạt điểm tối đa của học sinh Nguyễn Ngọc Diệp – Tuyển tập những bài văn hay lớp 9)
Ví dụ 2: Một nhận xét về phong cách “ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ.
Ông tự biết mình phải sống kiếp chim lồng và biết cách thích nghi, biết cách tìm tự do trong khuôn khổ, biết cách chịu trận trong vòng cương tỏa, biết cách thỏa hiệp với cường quyền, biết cách sống chung giữa chốn trần ai, biết cách làm xiếc giữa những thách đố, biết cách hót lên tiếng oanh vàng trong trói buộc, biết cách mở rộng đường biên trong những ghét ghen, biết cách tìm vui trong danh lợi, biết cách chủ động tìm ra niềm hoan lạc trong cõi đời nhiều hiểm họa, bon chen… Trong chừng mực nhất định, ông tỉnh táo trong cuộc say, đứng cao hơn các chữ Xuất - Xử - Hành - Tàng - Danh - Lợi - Thành - Bại - Vinh - Nhục - Cùng - Thông - Được - Mất - Ân - Oán - Khen - Chê,gián cách mình với thói thường và cao đạo bảo toàn khí tiết.
(Nhà Nho Nguyễn Công Trứ với Phật giáo, PGT.TS Nguyễn Hữu Sơn)
Rất thú vị, phải không? Tuy vậy, đừng lầm tưởng rằng tương phản là việc đặt câu có các từ trái nghĩa. Không hẳn như vậy. Trong một bài văn nghị luận, sức mạnh của phép tương phản nằm ở chỗ nó tô đậm các ý tưởng đối lập và đóng đinh ý tưởng vào tâm trí người đọc.
Ví dụ 3: Tác giả đã sử dụng phép tương phản một cách tài tình để nhấn mạnh vào thực trạng thật giả lẫn lộn của xã hội, qua đó đưa ra lí giải tại sao trong cuộc sống chúng ta dễ dàng thỏa hiệp với cái dối trá.
“Tôi tự hỏi: Có cái gì đơn giản hơn sự thật? Và có gì dễ biến mất hơn sự thật?
Bàn tay là thật - nhưng cái bắt tay có thể là giả dối.
Đôi mắt là thật - nhưng giọt nước mắt có thể là giả dối.
Trình độ là thật - nhưng bằng cấp có thể là giả dối.
Cái thật có giá trị tự thân, nhưng cái giả dối mang lại nhiều lợi ích hơn.
Giữ giá trị hay chạy theo lợi ích, đó là mâu thuẫn mà con người luôn phải đấu tranh. Trước hết là tự đấu tranh. Nhưng có nhiều khi, chúng ta cảm thấy cô đơn trong cuộc đấu tranh cho sự thật ấy.”
(Gia Hiền)
Ví dụ 4: Sự sắp xếp các “mảng màu đen trắng” để thức tỉnh người đọc về giá trị của cuộc đời vốn mong manh, ngắn ngủi này. Hãy thử xác định những sự tương phản ấy.
“Quán nhậu mỗi ngày thường diễn ra hai hình ảnh khác biệt: nhiều người nhậu thả ga với hóa đơn vài triệu đồng; nhưng có người cố gắng hát, biểu diễn xiếc, nhảy múa… chỉ với mong muốn bán được mấy cây kẹo giá vài nghìn đồng.
Hằng đêm, trong khi nhiều bạn trẻ miệt mài luyện game, làm “anh hùng bàn phím”, thì ở nhiều vùng quê, những học sinh nghèo đang cặm cụi học bài bên ánh đèn dầu hiu hắt.
Bất kỳ lúc nào, chỉ cần cãi vã với người yêu là nhiều bạn trẻ sẵn sàng nhảy lầu, nhảy cầu bỏ đi mạng sống. Có lẽ họ không nghĩ đến tại những bệnh viện, bao thân phận người cầu mong không mắc những căn bệnh hiểm nghèo, họ chỉ ước sao được sống thêm một ngày, dẫu có đói nghèo cũng chấp nhận. Nhưng ước mong đó chẳng thành sự thật…
Cuộc sống luôn có những gam màu khác biệt, có những mảng sáng tối đối nghịch nhau như thế. Nhưng khi còn trẻ, chắc hẳn chúng ta thường chỉ nhìn thấy vế đầu của những câu chuyện tôi kể. Và vô tình phí phạm thời gian, tiền bạc, sức khỏe và đánh mất rất nhiều điều.”
(Ánh Huệ)
Cuối cùng, để nhìn rõ hơn về sức mạnh của biện pháp tương phản, hãy thử xem luật sư George Graham Vest đã sử dụng tương phản như thế nào trong phần mở đầu “Bài diễn văn hay nhất thế kỉ” - bài diễn văn đã giúp thân chủ ông chiến thắng trong vụ kiện, giành lại công bằng cho chú chó bị người hàng xóm giết chết.
Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này có thể có một ngày nào đó hoá ra kẻ thù quay ra chống lại ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình thương yêu hết mực rồi có thể là một lũ vô ơn. Những người gần gũi, thân thiết ta nhất, những người gởi gắm hạnh phúc và danh dự có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành. Tiền bạc mà con người có rồi sẽ mất đi. Nó mất đi đúng vào lúc ta cần nó nhất. Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi một hành động dại một giờ. Những kẻ phủ phục tôn vinh ta khi ta thành đạt có thể sẽ là những kẻ đầu tiên ném đá vào ta khi ta lỡ vận. Duy có một người bạn không bao giờ rời bỏ ta, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay trắc trở, đó là con chó của ta.
Trước hết, có thể dễ dàng nhận ra sự tương phản giữa những con người bội bạc, những giá trị phù phiếm và một chú chó trung thành. Cách diễn đạt này gây bất ngờ với rất nhiều câu trùng điệp ở trên như một sự chuẩn hiện cho câu văn cuối cùng lóe sáng đầy thuyết phục.
Nhưng theo tôi, sức thuyết phục ở phần mở đầu này còn nằm ở chỗ người viết đã khai thác sự tương phản trong tâm trí người đọc, giữa những gì ta tưởng và thực tế làm ta choáng váng.
Đối tượng | Những gì ta tưởng… | Thực tế làm ta choáng váng… |
Người bạn tốt nhất | Sẽ ở bên ta | Có thể một ngày sẽ trở thành kẻ thù chống lại ta |
Con cái mà ta nuôi dưỡng hết mực | Sẽ hiếu thuận với ta | Có thể trở thành một lũ vô ơn |
Những người gần gũi, thiết tha nhất | Sẽ yêu thương ta | Có thể một ngày phản bội ta |
Tiền bạc và tiếng tăm | Sẽ thuộc về ta | Có thể mất đi vào lúc ta cần nhất, có thể dễ dàng tiêu tan |
Những kẻ phủ phục tôn vinh ta | Sẽ trung thành với ta | Có thể sẽ ném đá ta đầu tiên ngay khi ta lỡ vận |
Chú chó | Vô tri, vô giá trị | một người bạn không bao giờ rời bỏ ta, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay trắc trở |
Bất ngờ. Bàng hoàng. Choáng váng. Đó là những gì phép tương phản liên tục gọi ra từ tâm trí người đọc. Nó dùng chính hiện thực để chống lại định kiến của chúng ta.
Hãy đặt mình vào vị trí của người viết. Làm thế nào để giành lấy chiến thắng cho một chú chó, trong vụ kiện với một con người? Làm thế nào để đánh tan định kiến của mọi người về việc động vật là vô tri và vô giá trị, và bên kia là con người, loài động vật bậc cao luôn ảo tưởng rằng mình quý giá hơn tự nhiên?
Rõ ràng vị luật sư đã có một sự lựa chọn thông minh và đầy quyền lực để giành chiến thắng.
Bạn muốn có được quyền lực ấy? Vậy đây là việc bạn sẽ phải làm: Luyện tập sử dụng thủ pháp tương phản trong bài viết của mình.
NHỮNG VIỆC CẦN LÀM
-Để ý và nhận biết sự tương phản quanh bạn: màu sắc, đường nét, âm thanh, hình khối, ý nghĩa. Tìm sự tương phản trong cuộc sống, trong thiên nhiên, trong các tác phẩm nghệ thuật.
-Tập viết những câu văn có sự tương phản để làm bật lên ý tưởng của mình.
-Tìm một chủ đề và hệ thống dẫn chứng tương phản để làm sáng rõ chủ đề đó.
Tuyệt chiêu 8: Chú ý đến nhịp điệu ngôn ngữ
Bạn từng bị mê hoặc bởi bầu trời kì diệu trong bức tranh “Đên ngàn sao” của danh họa Van Gogh?
Bạn từng đắm đuối theo một bài hát, nhịp chân theo điệu nhạc và đung đưa mình theo các giai điệu?
Bạn thấy đấy, nhịp điệu có sức lôi cuốn khó cưỡng.
Và nếu bạn vẫn không tin vào điều đó, hãy thử một lần nữa xem một hai bức tranh sau. Hãy cảm nhận thêm một lần nữa sự lôi cuốn của nhịp điệu.
(Điệu luân vũ hối hả trong mưa?)
(Hay là sự chậm rãi tĩnh lặng đến vô cùng?)
Dù là màu sắc, đường nét, âm thanh, tiết tấu hay ngôn từ… thì tâm trí chúng ta luôn có thể nhận ra những giai điệu và luôn bị lôi cuốn bởi giai điệu.
Giai điệu của ngôn ngữ được tạo ra bởi sự hòa phối các yếu tố ngữ âm, bạn nhận ra giai điệu khi đọc to thành tiếng hoặc để những âm thanh ngôn từ vang lên trong tâm trí.
Có thể kể đến những yếu tố như sau:
Về câu: Câu ngắn tạo âm hưởng mạnh mẽ, rắn rỏi. Câu dài tạo cảm giác bay bổng, mênh mang. Mỗi kiểu câu nghi vấn, cầu khiến, phủ định đều mang âm điệu riêng, sắc thái riêng, giọng điệu riêng.
Về thể: Thể chủ động tạo khẩu khí cứng cỏi, nhẹ nhàng thanh thoát, mang nhịp điệu nhanh. Thể bị động tạo cảm giác chậm rãi nặng nề, tạo cảm giác về sự chịu đựng.
Về thanh: Thanh bằng bay bổng mang giọng tâm tình thủ thỉ tha thiết. Thanh trắc trĩu nặng gợi sự giằng xé, căm phẫn, hay giận dữ…
Về âm: Nguyên âm tạo độ vang, thường gợi dư âm. Phụ âm đóng khép, thườn tạo cảm giác lắng vào trong.
Cơ bản là, để tạo ra được đoạn văn có nhịp điệu, bạn phải hòa phối các yếu tố trên sao cho âm hưởng của đoạn văn dễ chịu, dễ tiếp nhận đối với tai nghe của người bản ngữ.
Các nhà văn rất chú ý đến điều này.
Hãy xem đoạn mở đầu trong “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam).
“Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang xa để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rơ rệt trên nền trời.
Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào.”
Không khó để nhận ra cái âm hưởng êm dịu từ một loạt các câu văn tuôn dài trên âm hưởng bay bổng của thanh bằng. Từng câu văn dệt nên cảnh chiều tĩnh lặng buông xuống khắp không gian.
Và điểm sáng trong bản hòa âm ấy là một câu văn ngắn: “Chiều, chiều rồi”. Nhưng tại sao lại là “Chiều, chiều rồi” mà không đơn giản là “Chiều rồi”.
Hãy thay từng câu văn vào đoạn trên, đọc to lên và cảm nhận nhịp điệu của âm thanh:
“Chiều rồi”
“Chiều, chiều rồi”
Bạn cảm thấy cách đọc nào xuôi tai hơn? Đôi tai của một người bản ngữ đã cho bạn câu trả lời chính xác. Nếu chỉ là “Chiều rồi”, đoạn văn bỗng nhiên hụt hẫng và cụt. Nhưng “Chiều, chiều rồi” – câu văn trở thành một bước chuyển tinh tế trong giai điệu ngôn từ của đoạn văn, nó vừa là một quãng nghỉ hợp lý sau những câu văn dài, đồng thời nó là một bản lề để những câu văn sau tiếp tục ngân vang.
Về mặt ý nghĩa, “Chiều rồi” chỉ đơn giản báo hiệu thời gian. Nhưng “Chiều, chiều rồi”giúp ta hình dung được bước đi chậm rãi của thời gian trong cảm nhận của người viết. Bản thân nhịp điệu cũng là một yếu tố mang nghĩa.
Vậy làm thế nào để viết được những đoạn văn có nhịp điệu?
Trước hết bạn phải rèn cho mình đôi tai có thể cảm nhận được nhịp điệu. Joe Vitale trong cuốn “Thôi miên bằng ngôn từ” khuyên chúng ta đọc to đoạn văn chúng ta đã viết, và nhờ người khác đọc để ta nhận ra những chỗ âm điệu trúc trắc, không xuôi tai. Hãy đọc to các văn bản, hãy lắng nghe các nhịp điệu từ ngôn ngữ.
Hãy ý thức về nhịp điệu khi viết. Nhưng đừng để bị ám ảnh bởi nhịp điệu. Bạn là một người bản ngữ và cảm nhận về nhịp điệu đã ở sẵn trong máu của bạn. Đừng gắng gượng tạo ra nhịp điệu – vì khi ấy nhịp điệu trở nên trúc trắc và khó tiếp nhận. Hãy viết thật tự nhiên. Joe Vitale khẳng định trong mỗi chúng ta là một thiên tài. Việc ta cần làm là: xác định mục tiêu thật rõ ràng – tạo ra câu văn có nhịp điệu – và để phần vô thức bẩm sinh tạo ra điều đó một cách thật tự nhiên.
Hãy đọc – hãy viết – hãy đọc lại để sửa – và hãy lại viết – và cứ thế luyện tập, luyện tập không ngừng – cho đến khi bạn làm chủ được nhịp điệu.
Luyện tập cảm nhận nhịp điệu.
Hãy đọc to những đoạn trích sau đây và lí giải vì sao nhịp điệu của chúng cuốn hút bạn.
Đoạn trích 1:
“Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng
Nhân tình nhắm mắt chưa xong
Biết ai hậu thế khóc cùng Tố Như?
Mai sau, dù có bao giờ…”
Gần ba thế kỷ trôi qua…
Thời gian đóng dày trên những trang thơ ngày nào một lớp bụi mờ, như năm tháng đi qua còn để lại dấu chân.
Gần ba thế kỷ trôi qua…
Vẫn những vần thơ đẫm đầy máu và nước mắt ấy, sáng long lanh và sáng đến đau buốt cả lòng người…
Tố Như! Là tiếng khóc của người đấy ư? Ba thế kỉ trôi qua, Kiều vẫn còn đây, “Sở kiến hành vẫn còn đây, bao nhiêu người đang khóc Người và khóc cùng Người những nỗi đau thuở ấy.
Nên đã có nhận định cho rằng: “Trong lịch sử văn học, có thể nói Nguyễn Du là nhà thơ đã viết được về nỗi đau của con người, nhất là nỗi đau của người phụ nữ như là nỗi đau của chính bản thân mình”.
(Phạm Ngọc Lan)
Đoạn trích 2:
Với “Ông già và biển cả”, Ernest Hemingway đã đưa ta tìm đến cơn phiêu du và những giấc mơ bàng bạc khắp cõi người. Những cơn mơ mang hình bóng của cát vàng, những con tàu, những đàn sư tử. Những cơn mơ vang động tiếng sóng gào, nước biển lấp lánh lân tinh và đại dương hiện ra sâu thăm mênh mông để con người lao vào tìm kiếm khát vọng đời mình. Cứ mỗi lần đọc áng văn xuôi trung thực đến khắc nghiệt này là em lại nhớ đến những vần thơ khắc khoải của Petofi:
“Buồn đau? Là biển cả
Vui sướng? Là ngọc châu
Khi mò được ngọc châu dưới biển
E giữa vời tan nát biết đâu”
Là khát khao cao cả hay ảo mộng viển vông? Là xứng đáng hay phí công? Là hạnh phúc đợi chờ hay mịt mờ vô vọng trong cuộc vật lộn với biển, với đời? Hemingway hỏi. Thời đại ông hỏi, thời đại chúng ta hỏi. Và tác phẩm là câu trả lời. Ở thời điểm năm 1952 và mãi mãi sau này, “Ông già và biển cả” cất tiếng trong ta nỗi đau bi kịch và niềm kiêu hãnh làm người giữa coi đời đầy sóng gió.
(Mở bài: cảm nhận về tác phẩm OGVBC - Lê Trọng Thùy Đan)
Đoạn trích 3:
“Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương”
Ấn tượng đầu tiên để lại trong ta là trăng. Trăng ở khắp nơi không chỉ giới hạn ở nơi đầu giường mà ánh trăng bao trùm cả không gian, tỏa khắp căn phòng nhỏ, hòa quyện vào ánh trăng của cả vũ trụ bao la. Trăng như một dòng chảy miên man trong đêm sâu, trăng như một làn xoáy huyền vi và tình tế chảy tràn qua, vuốt ve mọi vật. Cảnh vật như say dưới ánh trăng, như lặng đi trong cái tĩnh lặng đến khôn cùng của đêm khuya.
(Bài viết đạt điểm tối đa của học sinh Nguyễn Ngọc Diệp – Tuyển tập những bài văn hay lớp 9)
NHỮNG VIỆC CẦN LÀM
-Luyện tập đôi tai nhận biết nhịp điệu ngôn ngữ bằng cách đọc to và diễn cảm văn bản để nghe thấy nhịp điệu của chúng.
-Để ý đến nhịp điệu ngôn ngữ khi đọc thầm văn bản. Nhịp điệu có ở khắp mọi nơi.
-Đọc lại những bài văn mà mình đã viết, nhờ người khác đọc để nghe thấy nhịp điệu của chính mình.
-Chỉnh sửa lại những nhịp điệu trúc trắc, chưa hợp tai trong những bài đã viết. Hãy chú ý hơn đến nhịp điệu khi viết bài mới.
TÓM TẮT PHẦN 2
Tuyệt chiêu 5: Vận dụng cấu trúc điệp
-Cấu trúc điệp nhấn mạnh và khắc sâu ý tưởng.
-Cấu trúc điệp tạo âm hưởng hùng biện đầy cảm xúc.
-Cấu trúc điệp tạo ra cảm giác về sự tăng cấp và tạo ra đỉnh điể cho bài viết.
Tuyệt chiêu 6: Dồn dập những câu hỏi
-Câu hỏi là chìa khóa của tư duy, là cách khơi gợi người đọc tham gia vào bài viết, biến bài viết thành một cuộc đối thoại.
-Có thể trùng điệp các câu hỏi tạo cảm giác xoáy sâu, hoặc đặt câu hỏi ở vị trí hợp lý để tạo điểm nhấn.
-Câu hỏi cần phù hợp với chủ đề, cần hợp lý, cần tự nhiên. Tránh câu hỏi tủn mủn, lặt vặt, vô nghĩa hoặc hỏi những điều dư thừa.
Tuyệt chiêu 7: Vận dụng cấu trúc tương phản
-Tương phản tạo ấn tượng về sự đối lập, về sự khác biệt, đa dạng. Tương phản xua đi sự nhàm chán.
-Tương phản ở cấp độ ngôn từ: Tạo ra những câu văn ấn tượng và thu hút.
-Tương phản ở cấp độ kết cấu: Việc sắp xếp lí lẽ, hình ảnh, dẫn chứng tương phản xuyên suốt bài viết tạo ra hiệu quả nhận thức lớn với người đọc.
Tuyệt chiêu 8: Chú ý đến nhịp điệu ngôn ngữ
-Nhịp điệu ngôn ngữ là sự hòa phối các yếu tố ngữ âm của ngôn ngữ sao cho dễ nghe, thuận tai người bản ngữ.
-Cần luyện cho mình đôi tai biết lắng nghe nhịp điệu ngôn ngữ.
-Nên chú ý nhưng đừng quá ám ảnh về nhịp điệu ngôn ngữ trong khi viết. Hãy viết thật tự nhiên.