MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ DẠY HỌC THEO DỰ ÁN



Cách đây gần chục năm, dạy học dự án nổi lên như một hiện tượng và đến nay thì đã thành một trào lưu. Nhưng xung quanh phương pháp này vẫn còn nhiều điều mù mờ và tranh cãi. Qua quá trình 3 năm vừa qua, cả tự bản thân tổ chức và dự giờ đồng nghiệp, thì tôi cũng đã tự đặt ra những câu hỏi và trả lời được phần nào những câu hỏi đó.

1.Dạy học dự án có thực sự làm giáo viên cháy giáo án?

Đặc trưng của dự án là tốn thời gian. Có dự án kéo dài đến bốn tháng. Một học kì tổ chức giỏi lắm được hai dự án, một năm cầm cự cố gắng thì bốn dự án. Mà chương trình thì đâu phải chỉ có bốn bài. Thật mâu thuẫn!

Thật ra không mâu thuẫn tí nào.

Thứ nhất, không có phương pháp vạn năng. Có nghĩa bên cạnh pp dạy học theo dự án, giáo viên phải vận dụng các pp khác, kể cả phương pháp diễn giảng truyền thống.

Thứ hai, đúng là chương trình không chỉ có bốn bài, nhưng một dự án không phải chỉ thiết kế cho một bài. Giáo viên có thể tích hợp rất nhiều đơn vị bài nhỏ vào một dự án, khi đó dự án cũng chính là hình thức dạy học theo chuyên đề.

Tôi đã từng chứng kiến một dự án môn công nghệ dạy ở trường quốc tế Úc. Toàn bộ học kì được thiết kế thành một dự án, trong đó học sinh phải gia công một sản phẩm gia dụng do chính tay em tự thiết kế. Mỗi tuần học sinh sẽ làm từng việc: tuần đầu đi chụp lại hình ảnh một thiết kế mà em cho là còn khuyết điểm, lí giải khuyết điểm thế nào và làm gì để khắc phục; những tuần sau học sinh từ đó thiết kế ra một bản vẽ tốt hơn, và thực hiện sản phẩm dưới dạng mô hình thu nhỏ (trường có xưởng mộc và giáo viên có thể hướng dẫn học sinh gia công).

Như vậy trong một dự án tích hợp rất nhiều đơn vị bài học nhỏ hơn, từ lý thuyết đến thực hành. Nếu nhìn theo hướng thiết kế dự án như thế này, thì giáo viên sẽ không còn sợ “cháy giáo án” nữa.

2.Có phải sản phẩm học sinh làm ra không tốt thì tức là giáo viên thất bại trong dự án?

Khi làm dự án, giáo viên thường áp lực sản phẩm học sinh làm không được xuất sắc, và sợ người dự giờ sẽ đánh giá dự án không tốt.

Đương nhiên sản phẩm mà hoàn thiện thì không có gì để nói. Nhưng nếu sản phẩm chưa tốt, còn khiếm khuyết, còn lỗi, thì sao?

Trước đây, mỗi tiết dạy giáo viên là trung tâm, thì mọi sự xảy ra trong tiết đều quy về đánh giá giáo viên.

Nhưng với dự án thì khác, hoạt động của giáo viên và hoạt động của học sinh có sự độc lập tương đối với nhau. Và như vậy, đánh giá học sinh cũng khác đánh giá giáo viên.

Vậy đánh giá sản phẩm là đánh giá học sinh, không phải giáo viên. Cũng phải nói rõ hơn: đánh giá sản phẩm ĐỂ LÀM GÌ? Một số dự án chấm điểm sản phẩm xong quy ra điểm cho học sinh là hết việc. Thật ra chưa xong: Mục đích thực sự của dự án là giúp học sinh hình thành năng lực, mà sản phẩm là cái cụ thể hữu hình có thể tường minh năng lực để đo đếm và đánh giá. Vấn đề không phải là bản thân sản phẩm, mà là qua sản phẩm đó những năng lực được giáo viên dự kiến từ đầu có hình thành ở học sinh hay không,hình thành ở mức độ nào.

Đánh giá năng lực hình thành ở học sinh, tức là đánh giá hiệu quả phương pháp, mới thực là đánh giá giáo viên. Nếu sản phẩm làm ra chưa thật hoàn hảo nhưng mỗi học sinh so với trước đó đã có tiến bộ, đã hình thành năng lực dù chỉ ở mức sơ khai, thì rõ ràng phải đánh giá dự án thành công.

(Nói nhỏ, mà tại sao phải đánh giá giáo viên? Theo tôi, nếu một giáo viên thực sự bỏ tâm huyết để làm ra một tiết cho ta dự, thì ngay cả lỗi lầm hay thành công ta đều cần cảm ơn họ - vì từ những điều họ làm tốt và từ những sai lầm họ mắc phải, ta mới có thứ để học hỏi).

3. Dạy học dự án có nhất thiết phải hoành tráng và tốn kém?

Xu hướng hiện nay của dạy học theo dự án là ồn ào, tốn kém. Dự án nào làm ra cũng được báo chí săn đón ngợi ca.

Nhưng thực ra, bản chất dạy học theo dự án chỉ là một phương pháp. Tức là nó rất bình thường, nó là công việc bếp núc mà giáo viên làm hằng ngày trong lớp học của mình. Nó là một cách giúp học sinh từ những gì mình biết hướng đến những gì mình chưa biết. Đơn giản như vậy thôi. Và cũng như mọi phương pháp khác, trong bất kì hoàn cảnh nào giáo viên cũng có thể co kéo cho phù hợp với tình hình lớp học của mình, không nhất thiết phải tốn kém.

(Nói nhỏ tiếp, thật ra các trường dạy theo chương trình nước ngoài người ta làm dự án từ lâu lắm rồi, nhưng chả bao giờ thấy ai lên báo ca ngợi họ cả. Lẽ nào Tây làm thì thường còn ta làm thì bất thường?)

Đương nhiên dự án thì phải có kinh phí. Và kinh phí thì luôn hữu hạn. Vấn đề là chi kinh phí đó vào việc gì, việc chi đó có mang lại lợi ích giáo dục gì cho người học hay không, đó là điều phải tính đến. Nếu chi năm bảy triệu chục triệu mà chỉ toàn thấy vào các việc như thuê đồ, ca mua hát, làm băng rôn cho đẹp, mua hoa trái để làm đẹp lòng người dự giờ, trả tiền cho báo chí đưa tin…, thì chắc chắn là lãng phí không hiệu quả (về mặt giáo dục, mặt khác không biết).

4. Dự án môn Văn, có nhất thiết phải ra đường quay phim, làm phóng sự?

Ngày xửa ngày xưa, chuyện kể rằng từ khóa trung tâm của dạy học theo dự án là “gắn vào đời sống”. Và kể từ đó về sau, hệ làm dự án người ta lại đẩy học trò ra đường chụp hình, quay phim, làm phóng sự.

Thật ra đi, trải nghiệm là một hình thức hiệu quả và tuyệt vời để làm dự án. Nhưng đó không phải là tất cả. Từ một hình mẫu thành công hiện nay người ta đang hiểu dự án Văn một cách máy móc và hạn hẹp, và từ đó dẫn đến việc đẻ sòn sòn đô sòn hằng ha sa số các nhân bản lỗi và không lỗi từ một dự án thành công trước đó.

Theo ý tôi, yếu tố “gắn vào đời sống” không nhất thiết phải là đi và trải nghiệm, mà “đời sống” nằm ngay trong tình huống giả định mà giáo viên thiết kế để tạo ra dự án. Trong dự án cả học sinh và giáo viên phải đóng những vai trò có thật trong đời sống, và học qua những tình huống thật từ quá trình trải nghiệm.

Ví dụ một ý tưởng thế này: Dựa vào đặc trưng thể loại truyền thuyết và yêu cầu tiếp nhận tác phẩm theo đặc trưng thể loại, có thể thiết kế dự án cho học sinh đóng vai các nhà sử học và nghiên cứu văn học để tạo ra một gian trưng bày “Truyền thuyết – từ cốt lõi lịch sử đến sáng tạo của nhân dân”. Trên cơ sở tìm hiểu các tài liệu khảo cổ học, các tài liệu lịch sử về thời đại mà truyền thuyết ra đời, học sinh bóc tách đâu là cốt lõi lịch sử, đâu là yếu tố hư cấu kì ảo được sáng tạo bởi nhân dân để qua đó lí giải thái độ của nhân dân trong từng truyền thuyết, nhằm hiểu về đặc trưng truyền thuyết và cách đọc tác phẩm truyền thuyết.

Ý tưởng trên khả thi. Chắc chắn đó là dự án. Nhưng yếu tố “đời sống” của nó nằm ngay trong tình huống mà giáo viên đặt ra để học sinh đóng vai. Nếu nhìn theo hướng này thì hướng thiết kế dự án Văn sẽ mở rộng ra và biên độ sáng tạo của giáo viên cũng được nới rộng.

KẾT

Xã hội đang chuyển mình và sự đổi mới sẽ đến như một mệnh lệnh từ chính đời sống. Trong bất kì thời đại chuyển giao nào cũng đều có vô vàn những điều chưa rõ, chưa tỏ, những điều chưa thật tường tận. Nếu ta lo sợ và e ngại, ta sẽ chẳng làm được gì cả. Chi bằng cứ sai đi và cứ sửa đi. Nhưng dù sai hay sửa thì việc làm cũng phải là thực chất, trên cơ sở nghiên cứu tường tận lý thuyết và tránh chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa kinh nghiệm. Sai thì sửa, nhưng bệnh hình thức và bệnh kinh nghiệm thì không thể sửa mà cần phải bài trừ.


EmoticonEmoticon