Những người từng trải nghiệm việc viết đều phải thừa nhận rằng đó là một trải nghiệm kì diệu như ma thuật.
Cũng như mọi hoạt động khác, viết là một loại tư chất. Có những người sinh ra đã viết tốt. Có những người phải chật vật. Có những người đặt bút xuống là ý tưởng như sống dậy từ trang giấy trắng. Có những người, trang giấy chỉ là trang giấy, chả có gì đặc biệt. Dẫu vậy, viết vẫn là một trải nghiệm cực kì tuyệt vời bạn không thể bỏ qua.
Nếu bạn sinh ra với trí thông minh ngôn ngữ và có khả năng viết tuyệt vời – tốt cho bạn, hãy đảm bảo hạt mầm tài năng của bạn được gieo đúng đất và được chăm bẵm ra hồn.
Nếu bạn không sinh ra với tư chất này, thì có lẽ việc viết không phải của bạn. Không thể bắt khỉ thi bơi và không thể bắt voi tung cánh lả lướt vũ điệu ba lê. Bạn hãy từ bỏ đi. Ahihi, những kẻ bi quan và lười biếng sẽ khuyên bạn như vậy. Còn tôi, tôi sẽ nói với bạn rằng:
Hãy không ngừng luyện tập.
Và bài viết này sẽ gợi cho bạn 4 cách luyện tập thực sự hiệu quả đã được bản thân người viết kiểm chứng, để viết tốt hơn.
1. Nghiên cứu mẫu
Khi nói về “mẫu” và “việc viết”, bạn sẽ liên tưởng đến điều gì?
“Cô giáo em mặt trái xoan, mũi dọc dừa, môi trái tim, hai mắt sáng như sao, tóc cô dài suôn mượn, da cô trắng như Ngọc Trinh” ( trích bài văn điểm cao của học sinh tiểu học)?
“Tuyển tập 1000 bài văn mẫu”, “Triệu bài văn điểm cao”, “Siêu bí quyết văn mẫu” – làm thế nào để viết văn như siêu nhân mà không phải mặc quần sịp ra ngoài quần dài?
Sai – sai hết. Quá nhiều yếu tố gây nhiễu khiến bạn hiểu sai về mẫu.
Hãy nhớ lại những tiết thực hành sinh khi bạn cắt một mẫu tế bào thực vật và nghiên cứu nó dưới kính hiển vi, hay một tiết thực hành hóa khi bạn dùng các mẫu thử để nhận biết chất. Đó chính là mẫu mà tôi đang muốn nói tới: Một đối tượng bạn sẽ phân tích soi chiếu trên nhiều khía cạnh và qua đó bạn rút ra được kinh nghiệm cho mình.
Mọi công việc thành công đều bắt đầu từ khâu nghiên cứu mẫu. Một nhà quảng cáo phải nghiên cứu tất cả hồ sơ về sản phẩm, về các chiến dịch marketing trước đây, về những thông tin mà nhà sản xuất không nói, về thị hiếu. Để một sản phẩm thuốc ra thị trường mất hàng chục năm nghiên cứu trên vô số mẫu. Và để làm một người viết thành công, bạn phải nghiên cứu sản phẩm của quá trình viết – văn bản của những người khác.
Để việc nghiên cứu mẫu thành công, bạn phải chọn được mẫu phù hợp.
Có hai loại mẫu: mẫu tốt và mẫu không tốt. “Mẫu tốt”- bạn dùng để nghiên cứu phương pháp viết và noi theo đó để học cách viết. “Mẫu không tốt” – chủ yếu bạn dùng để phản biện và tập sửa lỗi, nhằm tránh sai lầm người khác đã mắc. Đây là hai quá trình song song bổ trợ lẫn nhau, hãy bắt đầu bằng “mẫu tốt” và sau đó là “mẫu không tốt”. Việc nghiên cứu mẫu lặp đi lặp lại, và sau một thời gian khi kĩ năng phản biện và trình độ của bạn tăng lên, có thể bạn sẽ phát hiện ra cả những điều chưa tốt trong “mẫu tốt”. Mọi sự phát hiện đều là kinh nghiệm đáng giá.
Ta sẽ nghiên cứu điều gì trong mẫu?
Trước hết, hãy nghiên cứu bố cục. Hãy làm thao tác xác định luận đề, hệ thống luận điểm và hệ thống lí lẽ dẫn chứng hỗ trợ cho luận điểm. Hãy sơ đồ hóa các tầng nội dung để nhìn thấy sự liên kết ý – mạch máu của văn bản. Hãy tự hỏi mình: Tại sao tác giả lại sắp xếp như vậy? Có cách sắp xếp nào khác không? Nếu xáo trộn vị trí các phần này chuyện gì sẽ xảy ra? Có thể bạn sẽ tìm được nghệ thuật của sự thu hút.
Tiếp đến, hãy nghiên cứu cách hành văn. Gạch chân các cách diễn đạt ấn tượng. Ghi lại những từ đập mạnh vào giác quan khiến bạn thực sự bị thu hút.
Đừng bỏ qua những nội dung hấp dẫn và thú vị. Một câu chuyện hài hước, một thông tin bổ ích, một kiến thức có giá trị… tất cả sẽ hữu ích sau này.
Đừng chỉ đọc nội dung, mà quan trọng hơn hãy đọc-cách-viết.Hãy liên tục hỏi mình: Tại sao tác giả lại viết điều này? Tác giả viết điều này có tác dụng gì? Nó sẽ biểu hiện nội dung như thế nào và tác động thế nào đến người đọc?
Hãy vừa đọc vừa ghi lại những điều quan trọng rút ra từ “mẫu”.
2. Quản lý hồ sơ (portfolio) bài viết
Việc rèn luyện kĩ năng viết cũng như mọi hoạt động rèn luyện kĩ năng khác, đều là một quá trình tịnh tiến và động lực tốt nhất khiến bạn không bỏ cuộc chính là việc bạn biết rằng mình tiến bộ.
Vậy thì tôi sẽ hé lộ cho bạn một phương pháp để đo được một cách trực quan sự tiến bộ trong quá trình rèn luyện viết của mình: Đó là hồ sơ (portfolio) bài viết.
Hồ sơ bài viết hình dung một cách đơn giản đó là việc bạn sắp xếp các bài viết của mình trong một bộ hồ sơ, sắp xếp chúng theo trình tự thời gian và theo dõi sự phát triển của ưu điểm, sự khắc phục nhược điểm qua từng bài viết.
Tôi đã ứng dụng phương pháp này cho học trò của mình và đã khá thành công. Việc tôi làm là chuẩn bị cho chúng một bìa sơ mi, ghi tên chúng lên đó và yêu cầu chúng lưu tất cả bài viết của mình trong đó. Sau đó trong thời gian 20 tuần tôi yêu cầu chúng viết khoảng 15 bài viết. Với mỗi bài viết, tôi đều sửa kĩ từng lỗi, và đặc biệt chú ý đến phần nhận xét.
Phần nhận xét bao giờ cũng phải có đầy đủ ba phần:
-Ưu điểm: Ghi thật cụ thể ở lần đầu tiên. Nhấn vào những điểm mạnh nhất ở những lần sau.
-Khuyết điểm: Ghi càng cụ thể càng tốt. Chỉ ra được nguyên nhân của khuyết điểm.
-Giải pháp: Đề xuất phương pháp để phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm.
Các bài viết được sắp xếp theo trình tự thời gian trước- sau và học sinh được yêu cầu xem hồ sơ bài viết trước khi viết bài mới.
Kết quả khá khả quan: Tôi có một học sinh từ chỗ mắc rất nhiều lỗi diễn đạt, viết sai câu rất nhiều và gần như lần nào tôi phát bài nó cũng nước mắt lã chã đầm đìa, tất cả để đổi lấy nụ cười khi đứng trên bục nhận huy chương bạc Olympic.
Điều quan trọng nhất không phải người dạy viết là một người viết giỏi, mà người học viết phải là người thầy giỏi cho mình, phải tự đào tạo mình. Tinh thần của việc quản lý hồ sơ bài viết là như vậy.
3. Luyện tập, luyện tập, luyện tập
Có lẽ không cần phải nói nhiều hơn về điều này. Các chuyên gia hàng đầu về huấn luyện kĩ năng sống đều đồng tình rằng: kĩ năng chỉ có thể hình thành thông qua trải nghiệm.
Điều đó có nghĩa là: hoặc ngay bây giờ bạn bắt đầu luyện tập, hoặc bai bai, ra khỏi blog này và tất cả kĩ năng này nằm lại trên con chữ.
Vấn đề là, để phát triển kĩ năng viết thì phải làm gì?
Về cấu trúc văn bản: có thể luyện tập viết đoạn, có thể luyện tập viết bài. Nên nhớ bài văn hay là sự tổng hòa của những đoạn văn hay. Hãy tập viết đoạn văn đúng chức năng, đúng nội dung của nó, hãy chỉnh sửa để đoạn văn càng lúc càng hấp dẫn hơn. Khi đã thành thục rồi, hãy tập nối kết các đoạn thành bài văn hoàn chỉnh.
Về mục đích: có thể luyện tập để sửa lỗi, có thể luyện tập để củng cố kĩ năng.
Về thao tác: có thể viết lại những đoạn đã viết, hoặc có thể viết mới.
Khi đọc cuốn “Thôi miên bằng ngôn từ” của Joe Vitale, tôi đã thực sự bị thôi miên và mồm chữ O mắt chữ A khi ông đưa ra ví dụ về 5 lần sửa một mẫu quảng cáo. Mỗi lần sửa vài từ, và sau mỗi lần phép màu lại xảy ra bởi càng viết thì những con chữ càng mê hoặc. Đó là sức mạnh kì diệu của việc luyện tập.
Tôi cũng đã thử làm điều tương tự và nhận ra mình bí ý tưởng ở lần sửa thứ 3. Tôi đoán để đạt đến level 5, 10, 15 thậm chí hơn nữa, mình còn phải đi một con đường dài.
Cũng trong cuốn sách này, Joe Vitale nhắc đi nhắc lại:
“Không có nhà văn giỏi, mà chỉ có những chuyên gia viết lại tận tụy”
Hãy nghĩ về những nhà văn tiếng tăm, những “chuyên gia viết lại tận tụy” và hãy nghĩ về con đường phát triển kĩ năng viết của bạn. Chủ động cần mẫn bước những bước đầu tiên, rất xứng đáng phải không?
4. Ngọt ngào thay nghệ thuật bắt chước!
Đây cũng là tên một chương trong cuốn “Thôi miên bằng ngôn từ” của Joe Vitale – chương đã làm tôi chấn động.
Đúng vậy, lời khuyên của Joe là: Nếu muốn học cách viết của một ai đó, cách tốt nhất là hãy CHÉP văn bản của họ.
Cái gì? Chép? Ừ, phản ứng của tôi cũng giống như bạn vậy đó.
Kí ức xa xưa về một buổi chiều sương thu và gió lạnh hiện về khi cổng trường mở ra, tôi bé tí phải chép đi chép lại một đoạn văn đến phát chán để thi vở sạch chữ đẹp (và sau đó đã bỏ học – ngay khi vẽ mặt mũi râu ria cho các chữ mẫu cô viết trên bảng).
Nhưng không phải vậy đâu. Yêu cầu chép cho đến khi thuộc đã được các cô áp dụng từ lâu – nhưng tôi sẽ nói với bạn rằng: Nếu giáo viên bảo với bạn chép đi cho thuộc, thì tức là họ chả hiểu gì về quá trình viết hết.
Joe Vitale là chuyên gia hàng đầu thế giới về kĩ năng viết, 40 năm làm trong nghề viết lách và có 30 năm tập huấn về viết lách, ông ấy không khuyên bạn làm điều vô bổ như thế.
Cái lí ở đây là: Bản chất của viết là một quá trình tư duy. Và bằng việc chép lại văn bản, bạn đang trải nghiệm chính quá trình tư duy của người viết. Đó là mấu chốt của cách học.
Mark Twain khi còn trẻ làm công việc chép lại bản thảo và nhờ đó ông đã tích lũy vốn liếng cho mình.
Ngôi sao truyền hình và đài phát thanh Steve Allen đã học sự hài hước bằng việc vào thư viện chép lại những câu chuyện cười.
Hãy nhìn đúng bản chất của quá trình chép – đó không phải là quá trình nhồi nhét con chữ vào đầu đến khi thuộc – mà đó là quá trình trải nghiệm sự tư duy của người viết.
Bạn sẽ hỏi tôi: Vậy việc chép khác gì với việc đọc? Khi đọc, bạn đứng ngoài quan sát quá trình tư duy ấy. Khi chép, bạn đang sống ngay trong quá trình tư duy ấy. Bạn nhận ra sự khác biệt mà phải không? - Khi chép, bạn sẽ nhận ra rất nhiều điều không thể nhìn thấy chỉ bằng cách đọc.
Để kiểm chứng cho cách làm này, tôi đã dành 4 tiếng buổi chiều để chép lại ba bài văn tôi thích trong cuốn “Những bài văn đạt giải quốc gia” (Nguyễn Đức Quyền, Nguyễn Xuân Lạc, Nguyễn Đức Hùng). Đây là tài liệu bắt buộc tôi yêu cầu học trò phải đọc và nghiên cứu, và lẽ dĩ nhiên sau rất nhiều lần đọc trong rất nhiều năm (từ lúc tôi còn là học sinh lớp 10), đối với tôi đây là một tuyển tập “mẫu” khá chuẩn.
Và tôi sẽ nói với bạn, đây quả thực là một trải nghiệm thú vị.
Trước hết, tôi nhìn thấy khá rõ đường dây lập luận của các bài viết, và quan trọng hơn là nhận ra một số đoạn văn vốn rất hay (đọc rởn da gà) thực ra lại liên kết khá lỏng lẻo. Nếu chỉ đọc, và đã đọc rất nhiều lần trước đây, tôi không nhận ra điều này vì bị các con chữ mỹ miều kia mê hoặc.
Tôi còn cảm nhận được tâm lý người viết. Có một bài được giải nhất phải nói là hoàn hảo, nhưng bằng cách chép tôi đã nhận ra độ chênh giữa phần đầu và phần cuối của bài viết, và cảm nhận được sự mệt mỏi của người viết ở cuối bài. Đây là thời kì mà một bài viết kéo dài 3 tiếng liền. Bài học rút ra là: rèn luyện sức bền và duy trì cảm xúc cùng độ tập trung cao độ khi viết.
Quá trình chép tôi đã nảy ra vô số ý tưởng từ những lập luận và dẫn chứng mà người viết đưa ra. Nếu là tôi tôi sẽ sửa đoạn này như thế nào? Tôi muốn chọn dẫn chứng nào thay thế dẫn chứng này? Tôi sẽ bố cục bài viết này thế nào cho hấp dẫn hơn? Quả thực đã có rất nhiều ý tưởng hiện ra.
Cũng trong quá trình chép, tôi đã nhận ra những kĩ thuật hành văn mà người viết sử dụng và cách vận hành của chúng, những điều tôi có thể nhận ra khi đọc nhưng chưa thực hiểu sâu sắc.
Thế đấy, đó là tất cả câu chuyện. Bản chất của quá trình viết không phải là những gì đã bày ra trên trang giấy, mà thực chất đó là quá trình tâm lý xảy ra trong tâm trí bạn và con đường từ trí não đến con chữ. Khi chép, bạn đồng thời vừa trải nghiệm hoạt động viết vừa trải nghiệm hoạt động đọc, bạn vừa sống lại tư duy của người viết đồng thời bạn cũng đánh thức tư duy của chính bạn trong quá trình đó. Do vậy, quá trình chép vừa là một quá trình học hỏi, vừa là một quá trình phản biện, và sau tất cả bạn sẽ phát triển khả năng viết một cách tự nhiên, cả về vô thức lẫn ý thức.
Đương nhiên đến đây có thể khẳng định “sự ngọt ngào của nghệ thuật bắt chước”. Nhưng học vấn là vậy, hoa trái ngọt ngào luôn có những chùm rễ đắng cay. Vậy thì hãy một lần nữa đọc những đoạn văn đã đánh thức tâm trí bạn, hãy đọc thêm một lần nữa và nhớ lại khoảnh khắc lóe sáng tuyệt vời ấy:
Bạn không muốn mình cũng viết được như vậy hay sao?
TÓM TẮT BÀI VIẾT
Bốn phương pháp để phát triển kĩ năng viết
Một là: Nghiên cứu mẫu
- Nghiên cứu cả mẫu tốt và mẫu chưa tốt.
- Nghiên cứu mẫu trên các phương diện: bố cục, nội dung, ngôn từ, bút pháp
Hai là: Quản lý hồ sơ bài viết
- Hồ sơ bài viết bao gồm các bài viết được sắp xếp theo trình tự thời gian để theo dõi sự tiến bộ (cả ưu điểm và khuyết điểm của người viết).
- Mỗi bài viết đều phải được nhận xét kĩ về ưu điểm, khuyết điểm và cách thức khắc phục ở bài sau.
- Trước mỗi bài viết học sinh đọc lại các bài đã viết rút kinh nghiệm, và sau khi trả bài viết học sinh tiếp tục đọc lại để sửa lỗi.
Ba là: Luyện tập
- Luyện tập viết bài văn và viết đoạn văn
- Luyện tập để sửa lỗi sai và luyện tập để củng cố kĩ năng
- Viết lại những gì đã viết và tạo lập văn bản mới
Bốn là: Chép lại văn bản
- Quá trình chép không phải là để học thuộc mà là để trải nghiệm tư duy của người viết.
- Chép là sự kết hợp giữa hai thao tác đọc và viết. Vừa trải nghiệm tư duy của người viết vừa kiểm chứng bằng tư duy của chính mình và do đó hình thành kĩ năng viết.
EmoticonEmoticon