Kiến thức lí luận văn học là những nội dung được giảng dạy ở năm Nhất đối với sinh viên chuyên ngành Ngữ văn. Có thể nói mảng kiến thức này khá chuyên sâu và không dễ tiếp thu. Thế nhưng, một nghịch lý tồn tại đó là ngay từ lớp 9 ở các kì thi học sinh giỏi học sinh đã phải nắm các đơn vị kiến thức này và phải vận dụng ở mức độ cao trong các bài thi.
Phải chăng điều này là quá sức với học sinh? Làm thế nào để biến những kiến thức khiến sinh viên chuyên ngành vò đầu bứt tai trở nên dễ hiểu đối với học sinh phổ thông?
Phải chăng điều này là quá sức với học sinh? Làm thế nào để biến những kiến thức khiến sinh viên chuyên ngành vò đầu bứt tai trở nên dễ hiểu đối với học sinh phổ thông?
(Xem phần 2:
5 nguyên tắc quan trọng khi đưa LLVH vào bài NLVH)
PHẦN 1:
NHỮNG CÂU HỎI CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU
Lý luận văn học là gì?
Lý luận văn học, hiểu một cách đơn giản là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện khái quát, nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Kiến thức lý luận văn học sẽ giúp chúng ta trả lời các câu hỏi khái quát ví dụ như: Văn học bắt nguồn từ đâu? Một tác phẩm văn học do những yếu tố nào tạo thành? Văn học được sáng tác và được tiếp nhận như thế nào? Văn học sinh ra để làm gì?...
Các nhà lí luận sẽ nghiên cứu trên các hiện tượng văn học để khái quát lên những thuật ngữ, những luận điểm về các quy luật của văn học. Nhờ các thành quả nghiên cứu đó mà những người quan tâm đến văn học có thể lí giải được sâu hơn bản chất của các hiện tượng văn học như nhà văn, tác phẩm, trào lưu văn học…
Các kiến thức lí luận văn học đang phát triển từng ngày từng giờ với rất nhiều các khuynh hướng, các luồng tư tưởng, các quan niệm khác nhau, có khi thống nhất nhưng cũng có khi phủ nhận lẫn nhau. Những nghiên cứu về lí luận văn học vẫn đang được thực hiện hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta, trao cho ta những góc nhìn mới mẻ, sâu sắc hơn về văn học.
Có nhiều người cho rằng lí luận văn học rất khó hiểu, thực ra các kiến thức lí luận văn học vô cùng gần gũi với chúng ta. Văn học là gì? Văn học vì ai mà tồn tại? – những câu hỏi ấy nảy ra trong ta ngay từ khi gặp gỡ văn học, và mỗi chúng ta ắt hẳn đều có cho riêng mình những ý niệm để trả lời câu hỏi ấy. Học lí luận văn học là cách để ta có thể trả lời những câu hỏi dạng như vậy một cách có hệ thống và khoa học hơn.
Ở mức độ trường phổ thông, trước nay chúng ta vẫn lĩnh hội tri thức lí luận văn học ở mức độ cơ bản. Những tri thức này sẽ là nền tảng đề học sinh tiếp tục nghiên cứu sâu hơn ở các bậc học cao hơn. Sau đây là một số chủ đề thường gặp:
1. Đặc trưng văn học: Lý giải những đặc điểm chung nhất của văn học, trả lời các câu hỏi như văn học bắt nguồn từ đâu, đối tượng chủ yếu của văn học là gì, tác phẩm văn học được cấu trúc như thế nào, phương thức phản ánh của văn học là gì…
2. Chức năng văn học: Trả lời cho câu hỏi: văn học tồn tại nhằm mục đích gì? Văn học phục vụ thế nào cho đời sống của con người?
3. Nhà văn và quá trình sáng tác: Khái quát quy luật sáng tạo nên tác phẩm văn học, những điều kiện về tài năng, phẩm chất, nhân cách của người viết…
4. Đặc trưng ngôn từ nghệ thuật: Khái quát các đặc điểm về chất liệu của văn học – ngôn từ nghệ thuật.
5. Đặc trưng thể loại: Khái quát các đặc trưng về nội dung và nghệ thuật của những thể loại văn học thường gặp như thơ, tự sự (cụ thể là truyện ngắn, tiểu thuyết), hiện tượng tương tác giữa các thể loại.
6. Tiếp nhận văn học: Khái quát các đặc điểm của quá trình đọc, hiểu và chiếm lĩnh tác phẩm văn học.
Ta học lý luận văn học như thế nào?
Cũng như mọi bộ môn nghiên cứu lý thuyết khác, chúng ta tiếp nhận tri thức lí luận văn học trên nhiều cấu độ. Từ thấp đến cao, các cấp độ đó thể hiện như sau:
Biết | Chúng ta biết được các thuật ngữ và các luận điểm lí luận văn học. |
Hiểu | Chúng ta có thể hiểu và diễn đạt chính xác các thuật ngữ và luận điểm lí luận văn học bằng văn của mình. |
Vận dụng | Chúng ta có thể vận dụng các kiến thức lí luận văn học để lí giải các hiện tượng văn học, các nhận định về lí luận văn học. |
Phân tích | Chúng ta có thể phân tích các biểu hiện của vấn đề lí luận văn học trong một hiện tượng văn học cụ thể (tác phẩm, phong cách tác giả, trào lưu văn học, thời kì văn học…) |
Tổng hợp | Chúng ta có thể tìm ra mối liên hệ giữa các vấn đề lí luận văn học khác nhau, huy động kiến thức của nhiều chủ đề khác nhau để giải quyết vấn đề có tính chất tổng hợp. |
Đánh giá | Chúng ta đánh giá được mức độ chính xác, toàn vẹn của một nhận định lí luận văn học và có thể bổ sung, phản biện một cách hợp lý. |
Ở mức độ một bài thi học sinh giỏi, bài văn nghị luận dạng vận dụng kiến thức lí luận văn học đòi hỏi học sinh phải nắm kiến thức đến mức độ cao nhất trong thang nêu trên, là mức độ đánh giá. Như vậy, việc lĩnh hội tri thức lí luận văn học cũng cần phải được rèn luyện từng bước để đạt được cấp độ cao nhất.
Cấp độ lĩnh hội tri thức | Cách thức hình thành |
Biết | -Đọc giáo trình, tài liệu, xác định các đơn vị kiến thức quan trọng. -Ghi nhớ những đơn vị kiến thức cơ bản nhất: những thuật ngữ quan trọng, những luận điểm quan trọng. Sử dụng các kĩ thuật ghi nhớ như sơ đồ hóa, khắc sâu từ khóa. |
Hiểu | Tập diễn đạt lại nội dung thuật ngữ, nội dung các luận điểm lí luận văn học bằng văn của chính mình. |
Vận dụng | Tập lí giải một số hiện tượng văn học thường gặp. Tập lí giải một số luận điểm lí luận văn học. Thường xuyên đặt câu hỏi “Vì sao?” và các câu hỏi giả định. Ví dụ: +Vì sao văn học phải phản ánh hiện thực cuộc sống? +Vì sao cùng viết về “Tương tư” nhưng Nguyễn Bính trong bài thơ “Tương tư” thì chọn thể thơ lục bát, còn Xuân Diệu trong “Tương tư chiều” lại chọn thể thơ tự do? +Văn học có thể tồn tại không nếu không viết về con người? +Ở văn học trung đại có hiện tượng văn-sử-triết bất phân, nhưng đến văn học hiện đại thì người ta chia ba lĩnh vực ấy ra. Vì sao có thể tách văn ra khỏi sử và triết? +Tại sao trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, Nguyễn Du lại để Kiều nhớ Kim Trọng trước, cha mẹ sau? Quy luật văn học nào dẫn đến điều đó? +Tại sao nói truyện ngắn “Hai đứa trẻ” là bài thơ trữ tình đượm buồn? |
Phân tích | Phân tích các biểu hiện của các vấn đề văn học trong những hiện tượng văn học cụ thể như tác phẩm, phong cách tác giả, trào lưu văn học, thời kì văn học… Ví dụ như: -Phân tích phong cách Nam Cao qua một số tác phẩm truyện ngắn trước CMT8. -Phân tích giá trị nhân đạo trong “Truyện Kiều”. - Phân tích nét riêng của nhà thơ Xuân Diệu khi viết về đề tài tình yêu… |
Tổng hợp | Giải quyết các vấn đề có tính chất tổng hợp, ví dụ như: -Nói về thơ ca, nhà thơ Tố Hữu nói: “Thơ ca là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn”, nhưng Nguyễn Công Trứ lại cho rằng: “Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời”. Phải chăng hai câu nói trên là mâu thuẫn, hãy thử lí giải. -Có người cho rằng, văn chương phải giúp chúng ta hiểu thêm về đời sống và hiểu chính mình. Từ các phương diện đặc trưng văn học, chức năng văn học, quá trình sáng tác, quá trình tiếp nhận, hãy lý giải ý kiến trên. |
Đánh giá | Liên tục đặt các câu hỏi tra vấn, phản biện: Có phải lúc nào cũng như vậy hay không? Nói như vậy đã thực sự chính xác hay chưa? Có ngoại lệ hay không? Vấn đề đã toàn vẹn hay chưa, có bổ sung gì không? |
Trong định hướng giải quyết các đề thi, thì tôi đề xuất các bước luyện tập như sau:
Bước 1: Tìm hiểu lý thuyết, đọc sách, đọc giáo trình, nghe giáo viên giảng và hỏi.
Bước 2: Giải quyết đề thi, nhận định đề và lập dàn ý.
Bước 3: Tiến hành viết bài
Bước 4: Sửa lỗi và rút kinh nghiệm
Bốn bước nêu trên sẽ được lặp đi lặp lại và mỗi lần làm lại thì ở mức độ cao hơn. Đó là cách tốt nhất để củng cố và tiếp tục phát triển năng lực cho đến khi thuần thục ở mức cao nhất.
Kiến thức lý luận văn học nằm ở đâu trong bài NLVH?
Có thể tạm chia các đề NLVH thường gặp hiện nay thành ba cấp độ:
Yêu cầu đề | Đề minh họa | |
Cấp độ 1 | Phân tích các yếu tố cơ bản trong một tác phẩm văn học. | -Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi”. -Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” |
Cấp độ 2 | Phân tích các yếu tố trong tác phẩm văn học để làm rõ một yêu cầu nào đó. | -Phân tích giá trị nhân đạo trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”. -Phân tích chất thơ trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”. -Phân tích tích khổ cuối bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” để cho thấy những chuyến biến trong sáng tác của nhà thơ Huy Cận ở giai đoạn sau CMT8 1945. |
Cấp độ 3 | Giải quyết một nhận định lí luận văn học. | -Bình luận về ý kiến của nhà thơ Tố Hữu: “Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã tràn đầy”. -Tác phẩm nghệ thuật chân chính là sự tôn vinh con người bằng cách hình thức nghệ thuật độc đáo. |
Ở cả ba cấp độ đề trên, ta đều có thể vận dụng kiến thức lí luận văn học.
Ở cấp độ 1, kiến thức lí luận văn học sử dụng chủ yếu ở phần tổng kết để so sánh, đối chiếu, nâng cao vấn đề. Ví dụ: Khi phân tích nhân vật ông Hai (trong truyện ngắn Làng), ta có thể so sánh đối chiếu với hình tượng nhân vật người nông dân trước CMT8 để thấy sự kế thừa và phát triển của nhà văn Kim Lân trong truyền thống về đề tài người nông dân. Bằng các kiến thức lí luận văn học về trào lưu văn học, về quá trình phản ánh hiện thực và sự sáng tạo của người nghệ sĩ, ta có thể lí giải phần so sánh, đối chiếu, qua đó làm cho bài viết sâu sắc hơn.
Ở cấp độ 2, kiến thức lí luận văn học thể hiện ở ngay trong những thuật ngữ đề yêu cầu ta làm rõ. “Giá trị nhân đạo” , “chất thơ”, “phong cách sáng tác” đều là những thuật ngữ lí luận văn học. Để giải quyết được các đề ở trên, ta phải nắm được khái niệm của các thuật ngữ, các biểu hiện của chúng và biết cách phân tích các biểu hiện ấy trong tác phẩm văn học.
Ở cấp độ 3, kiến thức lí luận văn học sẽ được vận dụng trong toàn bài viết. Đây là dạng đề quen thuộc nhất ở các kì thi học sinh giỏi. Từ phần này trở về sau, bài viết sẽ chỉ đề cập đến việc vận dụng kiến thức lí luận văn học trong các đề ở cấp độ 3 này. Bởi vì nếu ta thành thục các kĩ năng cần có để giải quyết các dạng đề ở cấp độ này, ta sẽ dễ dàng vận dụng vào hai cấp độ trước.
Dàn ý thân bài
của dạng bài giải quyết một vấn đề lí luận văn học?
của dạng bài giải quyết một vấn đề lí luận văn học?
Từ những kiến thức vừa nêu, tôi đề xuất dàn ý chung để giải quyết các bài giải quyết một vấn đề LLVH như sau:
Thao tác | Nội dung | Mức độ tư duy |
Giải thích | -Giải thích các thuật ngữ, các từ ngữ, hình ảnh khó hiểu trong nhận định. èChốt vấn đề nghị luận: Như vậy, vấn đề cần bàn ở đây là gì? | Biết Hiểu |
Bàn luận | Sử dụng các kiến thức lí luận văn học để lí giải vấn đề nghị luận. Trả lời cho câu hỏi “vì sao?” | Vận dụng Tổng hợp |
Chứng minh | Chọn chi tiết trong tác phẩm để làm rõ các biểu hiện cua vấn đề nghị luận. | Phân tích |
Đánh giá | -Đánh giá tính đúng đắn của vấn đề nghị luận. -Bổ sung, phản biện lại vấn đề (Nếu có) | Đánh giá |
Liên hệ | Rút ra bài học cho nhà văn trong quá trình sáng tác và bạn đọc trong quá trình tiếp nhận. | Vận dụng |
(Đón xem phần 2: Những nguyên tắc cần lưu ý khi đưa lí luận văn học vào bài NLVH)
EmoticonEmoticon