Nếu anh không thể giải thích một vấn đề phức tạp cho một đứa trẻ hiểu, thì tức là anh chẳng hiểu gì về vấn đề đó cả. Triết học cho trẻ em, tại sao không? Điều tuyệt vời nhất ở cuốn sách này là cách tiếp cận triết học từ góc nhìn của trẻ thơ. Triết học có thể là vũ trụ vô cùng vô tận mà cũng có thể chỉ giản đơn như hạt sương trên lá cỏ. Những vấn đề phức tạp của triết học được triển khai từ chính các vấn đề một đứa trẻ luôn tự hỏi mình trong cuộc sống hằng ngày: Thế giới này có thật không? Tôi là gì? Suy nghĩ và cảm xúc? Làm sao ta phân biệt được đúng sai? Tại sao chúng ta cần luật lệ? – Đi ra khỏi những giáo điều khô khan, cuốn sách đưa chúng ta đến với những quan điểm và những góc nhìn khác nhau của những triết gia lớn một cách đầy thiết thực. Mỗi góc nhìn là một tấm kính vạn hoa ta soi chiếu vào đời mình, để không chỉ trẻ thơ mà ngay cả người lớn, có được ý niệm cơ bản để định vị chính mình trong thế giới tự nhiên và xã hội.
“Triết học” và “trẻ em” – hai đối tượng tưởng như không đội trời chung và không bao giờ có thể đứng cạnh nhau trong bất kì vấn đề gì, thì nay đã dung hòa một cách tài tình, thu hút và lôi cuốn hơn bao giờ hết trong cuốn sách của hai tác giả Sarah Tomley, Marcus Weeks.
Cuốn sách là một cuộc hành trình rèn luyện tư duy triết học, nhìn thế giới qua các góc nhìn và các tư tưởng khác nhau. Khác với thứ triết học độc tôn chân lý nhàm chán, cuốn sách đưa ta đến một quá trình tri nhận vũ trụ bằng hình thức các câu hỏi, những câu hỏi liên tục được đặt ra để suy tư, phản biện, và hoài nghi. Giá trị của cuốn sách nằm ở chỗ, nó không đưa ra phán quyết về bất kì vấn đề nào cả, nó không dạy dỗ ta phải làm cái này hay làm cái kia, mà nó dạy ta cách đặt câu hỏi.
Giữa cuộc đời con người tự do phải là con người tự quyết, chẳng ai có thể nắm tay anh chỉ việc và bảo anh phải làm thế này hay phải làm thế khác. Để làm được điều đó, phải biết cách đặt câu hỏi.
“Triết học cho trẻ em” – nhưng người lớn cũng rất cần: Một dấu chỉ hữu ích trên con đường tìm kiếm chính mình của bạn.
Tuyệt vời quá!" - Tôi đã thốt lên như vậy khi lật đến trang thứ ba của cuốn sách. Trang sách tuyệt đẹp và cuốn hút mà mỗi lần mở cuốn sách ra đọc tôi đều ngắm nghía và thán phục tài trí của người đã tạo ra nó. Một trang sách khổ rộng với màu xanh ngút ngàn, chính giữa là hình ảnh phóng to của một giọt sương, trong giọt sương là hình ảnh phản chiếu của chính thế giới này, hoàn toàn bị đảo ngược. “Thế giới này có thật không?”, cuốn sách hỏi. Phải chăng thế giới ta đang thấy chỉ là ảo ảnh phản chiếu trong một giọt sương? Phải chăng trong một giọt sương nhỏ nhỏi chính là vụ trụ vô cùng vô tận? Sẽ thế nào nếu vũ trụ ta đang sống thực ra chỉ là một giọt sương li ti trên phiến lá của một thế giới khác? Vậy thì thế giới ta sống to hay nhỏ? Vậy thì thực tại này là bóng hay là hình, là mộng hay là thực?
Vô vàn suy tư quyến rũ ánh chiếu vào tâm trí ta như tia nắng mai trong lành đọng lại trong hạt sương sớm. Chất thơ của triết học chắp cánh để tâm trí ta bay bổng như thế.
THÔNG TIN VỀ SÁCH
Tên sách: "Triết học cho trẻ em"
Tác giả: Sarah Tomley, Marcus Weeks
Dịch giả: Trần Ngọc Hiếu và Đặng Hương Giang
Phát hành: Sách Đông A, NXB Dân trí.
EmoticonEmoticon