[NLVH] NHÂN VẬT BAO GIỜ CŨNG LÀ YẾU TỐ MANG NGHĨA THỂ HIỆN CÁC GIÁ TRỊ NHÂN SINH



Đề:Có ý kiến cho rằng: “Trong tác phẩm tự sự như tiểu thuyết, truyện ngắn hay tác phẩm kịch, nhân vật bao giờ cũng là yếu tố mang nghĩa thể hiện các giá trị nhân sinh”
Anh (chị) hãy bàn luận về ý kiến trên.


BÀI LÀM

Nhà văn Phê-đin từng cảm thán về tác phẩm “Phục sinh” của văn hào Lev Tolstoy rằng: “Nhêkhliuđốp là một công cụ tinh vi, sắc bén – ngoài Nhêkhliuđốp ra, không ai có thể vạch ra tốt hơn những bí mật của bọn người nhà nước đang nắm giữ chính quyền, cũng như những bí mật của tâm hồn người Nga đang bị bóp nghẹt dưới chế độ Nga hoàng…Hãy thay thế Nhêkhliuđốp bằng một nhân vật khác, và như vậy “Phục sinh” cũng mất theo”. Phải chăng, nhân vật văn học chiếm một vai trò hết sức quan trọng đối với sự sống còn của tác phẩm? Phải chăng, qua mỗi nhân vật ta sẽ hiểu hơn về những triết lý, giá trị của cuộc đời, sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về thời đại? Thật vậy, “trong tác phẩm tự sự như tiểu thuyết, truyện ngắn hay tác phẩm kịch, nhân vật bao giờ cũng là yếu tố mang nghĩa thể hiện các giá trị nhân sinh”

          Văn học không thể thiếu nhân vật vì đó chính là phương tiện, là công cụ để người nghệ sĩ bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề nhức nhối của xã hội, những “giá trị nhân sinh” trong cuộc sống. Qua hình tượng nhân vật, bạn đọc sẽ có nhận thức đúng đắn và sâu sắc hơn về cuộc đời. Hay nói cách khác, nhân vật văn học chính là chìa khóa để độc giả “hiểu biết, khám phá và sáng tạo thực tại xã hội” (Phạm Văn Đồng). Có thể nói rằng, nhân vật nghệ thuật chính là con thuyền chuyên chở những gửi gắm, tâm tư của người nghệ sĩ, để khi cập bến, bạn đọc sẽ nhận ra những bài học quý giá để hiểu đời hơn, hiểu mình hơn. Đã hoàn toàn chính xác khi nói rằng: “Trong tác phẩm tự sự như tiểu thuyết, truyện ngắn hay tác phẩm kịch, nhân vật bao giờ cũng là yếu tố mang nghĩa thể hiện các giá trị nhân sinh”.

          Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã cho rằng: “Văn học và cuộc đời là hai đường tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Phải chăng, nghệ thuật muôn đời vẫn mãi hướng ngòi bút về con người, lấy con người làm đối tượng để phản ánh? Chính số phận, tình cảm, suy tư của những con người được nhà văn thể hiện là thứ đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn độc giả. Sẽ ra sao nếu người nghệ sĩ quên đi tầm quan trọng của con người đối với văn chương để rồi tìm kiếm những thứ quá xa vời, huyễn hoặc? Người đọc tìm đến nghệ thuật như thể tìm đến một suối nước trong lành để được nếm trải những kiếp người, những phận đời, những hoàn cảnh khác nhau để được hiểu con người hơn, để sống như một con nguời chân chính. Để đáp lại tình cảm đó, làm sao nhà văn có thể xây dựng nên những nhân vật một cách cẩu thả, hời hợt, mỗi nhân vật ra đời phải là kết tinh của cả một quá trình học hỏi, tìm tòi những sự thực ở cuộc đời.

          Có ý kiến cho rằng tác phẩm văn học phải khắc họa nhân vật “mang nghĩa thể hiện các giá trị nhân sinh”. Vậy “giá trị nhân sinh” ở đây là gì và tại sao văn chương phải phản ánh nó? Vấn đề nhân sinh là những thứ vốn tồn tại khắp mọi nơi trong cuộc sống chúng ta, chỉ vì đôi lúc chúng ẩn khuất đằng sau những bộn bề lo toan nên vô tình ta không nhìn thấy. Đó cũng là lí do vì sao nhà văn có nhiệm vụ giúp độc giả khám phá những chân lý, và nhân vật văn học là công cụ giúp họ hoàn thành sứ mệnh ấy. Nhà văn Ý Claudio Magris đã nhận xét: “Văn học không quan tâm đến những câu trả lời mà nhà văn đem lại mà chỉ quan tâm đến những câu hỏi do nhà văn đặt ra, và những câu hỏi này luôn luôn rộng hơn bất kỳ một câu trả lời nào”. Đến với mỗi tác phẩm, ta không thể là một độc giả thụ động chỉ biết chấp nhận những triết lý mà nhà văn đưa ra, ngược lại, họ phải tìm tòi và khám phá không ngừng để trả lời những câu hỏi mà người nghệ sĩ mở ra nơi số phận của nhân vật. Có bao giờ khi tìm đến một tác phẩm, ta bỗng cảm thấy hình như bản thân mình cũng cho chút niềm vui khi thấy nhân vật hạnh phúc? Có bao giờ ta đọc một áng văn, dõi theo cuộc đời một nhân vật để rồi cất lên câu hỏi: “Sao số phận họ lại bế tắc và khốn khổ như vậy?” hay “Sao cái ác lại lộng hành như thế?”,… Mỗi câu hỏi được đưa ra là một lần bạn đọc đến gần hơn với nhân vật, họ muốn lý giải những khúc mắc, những câu hỏi về cuộc đời của nhân vật ấy, để rồi từ đó sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa con người và thời đại. Marxim Gorki đã nói: “Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người”, bởi lẽ, khi một câu hỏi được giải đáp, độc giả sẽ hiểu về chính mình nhiều hơn.

Lỗ Tấn- một văn sĩ Trung Hoa với nhiều sáng tác vẫn mãi ám ảnh độc giả về những biến tướng, ung nhọt trong xã hội Trung Quốc thời bấy giờ. “A.Q chính truyện” là một trong số đó. Nhân vật A.Q được nhà văn xây dựng như một tấm gương không chỉ phản ánh cho một tầng lớp của xã hội mà còn mang tính dân tộc, tính nhân loại. A.Q được mô tả là một người nông dân nghèo khổ, hằng ngày đi lang thang khắp làng Mùi để làm thuê làm mướn. Cả cuộc đời A.Q là một con số “0” tròn trĩnh, là một chuỗi ngày tháng bị khinh miệt, ghét bỏ, đến nỗi người làng Mùi không giao tiếp với y bằng lời nói mà bằng gậy gộc, bằng những cái cười đùa, bằng những cái tát nảy lửa.

Nhưng nếu dừng lại ở đó, “A.Q chính truyện” sẽ đơn thuần là một lời kết án cho sự vô cảm, thiếu tình người của nhân dân Trung Quốc thời xưa. Lỗ Tấn đã tinh tế hơn khi gắn cho nhân vật A.Q một chứng bệnh-“phép thắng lợi tinh thần”. A.Q luôn ảo tưởng về một quá khứ giàu sang, huy hoàng, luôn khoe khoang về tổ tiên mình dù lai lịch của y rất đỗi mơ hồ, “tên, họ, quê quán đều mập mờ”. Đánh bạc bị lấy mất tiền, A.Q lại tự an ủi mình rằng: “Cứ cho là con nó cướp của bố nó đi” rồi lại tự cho mình là “đồ con sâu”. Ngay cả khi bị xử tử, dẫu có hơi hoảng nhưng y vẫn tự trấn tĩnh: “người ta sinh ra trong trời đất, trước sau cũng có thể một lần bị chặt đầu”.

Tình huống đặt ra đầy trớ trêu, nghịch lý. Sẽ có người cho rằng A.Q mất trí, A.Q không tỉnh táo, A.Q đã mê muội rồi. Thế tại sao Lỗ Tấn lại khắc họa một A.Q mù quáng như vậy? Sao không tạo nên một A.Q cam chịu số phận bi thảm để được người đời họ thương, họ mến? A.Q chết vì sao, phải chăng vì y mãi đến cuối đời vẫn chưa tỉnh ngộ, vẫn bị “phép thắng lợi tinh thần” thôi miên bản thân để giúp chính mình vượt qua nghịch cảnh, để dễ dàng chấp nhận sự thất bại để mỉm cười sống tiếp.

Ban đầu, tôi đối với A.Q là một thái độ chán ghét, tôi ghét A.Q tại sao lại cứ nhốt mình trong ảo giác như thế, tôi ghét A.Q tại sao lại lừa dối và huyễn hoặc chính bản thân mình? Nhưng càng đọc, tôi càng thương nhân vật này hơn, càng nhận ra Lỗ Tấn chính là người thợ gốm đại tài khi tạc nên bức tượng A.Q mang đậm ý nghĩa tố cáo. A.Q dùng “phép thắng lợi tinh thần” để chuyển bại thành thắng, hắn lườm nguýt kẻ thù, cho mình là bố người khác, tự đánh mình mà lại có cảm tưởng là mình đánh người khác. “Liều thuốc tinh thần” ấy khiến A.Q vui, đã cứu vớt A.Q khỏi nỗi nhục nhã bị người đời khinh rẻ nhưng nó không làm A.Q hạnh phúc, đó mới là bi kịch. Chính nỗi bất hạnh cuộc đời A.Q đã vén bức màn đen tối của xã hội thời bây giờ. A.Q chính là sản phẩm, một sản phẩm điển hình nhất của xã hội nửa thuộc địa, nửa phong kiến đầy quái thai, biến tướng. “Phép thắng lợi tinh thần” ấy phải chăng là căn bệnh của riêng mỗi A.Q, không, đó là căn bệnh chung của nhân dân Trung Hoa khi họ luôn cho rằng: văn minh vật chất phương Tây cao thật nhưng văn minh tinh thần Trung Quốc còn cao hơn. Họ sống trong hoài niệm về sức mạnh quá khứ, cố gắng dùng chút sức lực cuối cùng để níu kéo thứ uy quyền đã mất để tự trấn an bản thân. Nhưng càng tự cổ vũ bản thân, càng sống trong vỏ bọc tinh thần ấy thì họ càng bị giằng xé bởi chính thực tại phũ phàng. Rồi sẽ có nhiều A.Q nữa, họ cũng sẽ sống trong cảm giác đắc thắng, rồi cũng sẽ chết đi như A.Q thôi. Lỗ Tấn tạo nên A.Q không chỉ để vẽ nên một bức tranh thời đại đầy kì dị mà còn như một hồi chuông cảnh tỉnh, gọi thức sự tỉnh táo của người dân Trung Hoa. Như thế, A.Q đích thực là nhân vật “mang nghĩa thể hiện các giá trị nhân sinh” vì qua đó, nhà văn đã cứu vớt những con người thoát khỏi “căn bệnh A.Q”.

Nếu như bạn đọc nhớ tới A.Q như một nhân vật vô cùng đáng thương, phải sống với “phép thắng lợi tinh thần” để chống chọi những đổi thay của xã hội thì khi đến với tác phẩm “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” của Nguyễn Huy Tưởng, ta lại bắt gặp một Vũ Như Tô rất khác. Vũ Như Tô khác với A.Q ở chỗ ông là người tài hoa, có khát khao và hoài bão, nhưng điểm chung giữa họ là cuộc đời đều rơi vào bi kịch. Qua lời kể của Đan Thiềm, Vũ Như Tô hiện lên với tài năng đạt đến mức độ siêu phàm, có thể “chỉ vẩy bút là chim, hoa đã hiện lên trên mảnh lụa thần tình biến hóa như cảnh hóa công”. Ông muốn trổ hết tài năng để xây dựng cho đất nước một tòa lâu đài vĩ đại “bền như trăng sao” để cho dân ta “nghìn thu còn hãnh diện”. Nhưng trong hoàn cảnh thực tại, ước mơ ấy lại hóa phù phiếm, nó sang trọng đấy, nhưng lại đi ngược với cuộc sống nhân dân, nó đẹp đẽ nhưng đẫm máu như một “bông hồng ác”. Và ngay chính tận cùng của hoài bão ấy, Vũ Như Tô bị đẩy vào bi kịch đầy đau đớn. Người nghệ sĩ tài hoa ôm trong mình giấc mộng xây dựng đài Cửu Trùng để “tranh tinh xảo với hóa công”, nhưng làm sao có thể hoàn thành giấc mộng nếu nó đem lại đau khổ cho nhân dân. Ngay thời khắc Cửu Trùng Đài bị cháy, Vũ Như Tô mới nhận ra sự thực về giấc mộng lớn đã tan tành, ông hét lên đầy kinh hoàng và tuyệt vọng: “Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!”. Nỗi đau vỡ mộng hóa thành tiếng kêu khắc khoải, bi thiết, Vũ Như Tô đã chết trước khi ra pháp trường- chết về ước mơ và hoài bão.

Cái chết của Vũ Như Tô khép lại tác phẩm nhưng lại mở ra muôn vàn câu hỏi cho bạn đọc về mối quan hệ giữa người nghệ sĩ và nhân dân, giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Vậy nên hay không nên xây Cửu Trùng Đài? Đối với Vũ Như Tô, sự lựa chọn nào cũng dẫn đến cái chết: hoặc chấp nhận cuộc sống cam chịu mà phí tài trời, hoặc hy sinh cả mạng sống để đổi lấy ước mơ,… Phải chăng, sự chết chính là cái giá vô cùng đau đớn mà người nghệ sĩ phải trả cho sự dấn thân tìm kiếm bản ngã, tìm kiếm ý nghĩa sự tồn tại của chính mình.

Vậy Vũ Như Tô phải hay người giết Vũ Như Tô phải? Xuyên suốt cả tác phẩm là những lượt lời trao đổi qua lại nhưng thực chất các nhân vật dường như độc thoại, vì lẽ họ không tìm được tiếng nói chung. Nhân dân đứng trên nỗi khổ, nhìn Cửu Trùng Đài như cái ác đáng bị tiêu diệt nhưng Vũ Như Tô lại đứng trên lý tưởng, nhìn đài Cửu Trùng như cái đẹp. Bi kịch giáng xuống cả cái đẹp và cái thiện: khi cái đẹp dửng dưng mọc rễ từ máu và nước mắt của cái thiện, nó sẽ bị cái thiện bức tử, còn cái thiện, khi nó nhảy múa vui vẻ trên cái xác rực lửa của cái đẹp, nó cũng đã đốt cháy và hủy diệt chính mình.

Những câu hỏi này được mở ra từ bi kịch của Vũ Như Tô nhưng ngay cả tác giả, ngay cả chính nhân vật này cũng không thể tìm ra lời giải đáp. Có lẽ rằng, mỗi bạn đọc tìm đến với tác phẩm, khi họ hòa mình vào số phận nhân vật, đặt để bản thân mình trong hoàn cảnh đó mà suy xét, họ sẽ tìm được câu trả lời cho chính mình. Và như vậy, ở tác phẩm “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”, Vũ Như Tô chính là nhân vật đích thực, là “yếu tố mang nghĩa thể hiện các giá trị nhân sinh”.
Cả A.Q hay Vũ Như Tô đều hoàn thành trách nhiệm của một nhân vật nghệ thuật, đó là nơi bạn đọc có thể soi rọi vào mà nhìn nhận chính mình, là tấm gương phản chiếu thực tại, là “cuốn sách giáo khoa của đời sống” giúp ta khám phá ra nhiều chân lý. Nhà văn ơi, xin anh đừng dựng nên những bức tượng vô hồn, những nhân vật không mang nhiều ý nghĩa mà hãy nhớ rằng: “Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là những bản dập của những con người sống mà là những hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả” (Bertolt Brecht). Còn về phía bạn đọc, anh đừng để văn chương trôi qua tâm trí mình cách vô nghĩa, hãy sống với nhân vật, vì từ đó, anh sẽ hiểu hơn về cuộc đời.

Điều gì đã làm nên sức sống mãnh liệt của văn chương? Mỗi nhân vật là một cuộc đời riêng, là một viên gạch nhỏ làm nên bức tường thành nghệ thuật vững chắc. Qua mỗi nhân vật ta thấy cả một tầng lớp, một giai cấp, một thời đại, thậm chí có nhân vật vượt lên khỏi thời đại, có ý nghĩa nhân loại, vĩnh cửu sống mãi với thời gian.

HUỲNH NGUYỄN BẢO TRÂN
LỚP 12 CHUYÊN VĂN TRƯỜNG THTH ĐHSP  NIÊN KHÓA 2015-2018


[NLVH] VĂN CHƯƠNG CÓ QUYỀN NHƯNG KHÔNG CHỈ MIÊU TẢ CÁI XẤU XA, CÁI GHÊ TỞM, CÁI HÈN NHÁT...


Đề bài:
“Văn chương có quyền nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”(Nguyễn Khải)
Anh (chị) hãy bàn luận về ý kiến trên.


BÀI LÀM

Ai đã trót mê đắm văn chương, đặc biệt là văn học Nga, chắc hẳn sẽ một lần đọc qua tuyệt tác “Anna Karenina” của nhà văn Lev Tolstoy. Và có hay chăng, ta sẽ trách Tolstoy quá tàn nhẫn với Anna khi bắt nàng lao vào gầm xe lửa? Thế nhưng, càng ngẫm nghĩ kỹ, ta sẽ nhận ra cái chết của Anna dẫu rất đỗi bi thương, dẫu lột tả bức tranh thời đại vô cùng u ám, tối tăm nhưng vẫn tỏa ra một thứ ánh sáng rực rỡ của trái tim yêu mãnh liệt, thứ ánh sang lung linh từ tâm hồn. Phải chăng, đó là một quy luật của nghệ thuật chân chính, cái mà văn học hướng tới vẫn là cái đẹp, cái cao cả? Xét về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Khải từng khẳng định: “Văn chương có quyền nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”

Mọi vật chất tồn tại đều có ý nghĩa của nó, và văn chương cũng vậy. Cùng phản ánh về cuộc đời, về con người, vậy đâu là sự khác biệt giữa văn học với lịch sử hay triết học khi văn học luôn phải gắn liền với dòng chảy thời gian và đỉnh cao của nó là đưa ra một triết lí nhân sinh? Nhưng văn học vẫn có một đặc điểm riêng biệt, đó là phản ánh con người trên phương diện thẩm mỹ. Nhà văn Nga Dovtoepxki từng nói: “Cái đẹp cứu chuộc thế giới”. Sự khu biệt rõ ràng nhất giữa văn học và lịch sử, triết học chính là nhìn nhận cuộc sống trên phương diện của cái đẹp. Lịch sử loại trừ cái nhìn chủ quan, triết học chỉ quan tâm đến những vấn đề cốt lõi, còn văn học, sự phản ánh nhất thiết phải gắn với cái đẹp. Ngay cả khi miêu tả những thứ xấu xa, giả dối thì văn học vẫn đi theo kim chỉ nam mang tên cái đẹp, mục đích cuối cùng và cốt lõi của văn học vẫn là hướng con người đến cái đẹp, đến những giá trị chân thiện, mỹ. Văn học không thể không phản ánh cái xấu xa, giả dối, nhưng mục đích vẫn là hướng bạn đọc tới cái đẹp, để ta biết thêm trân trọng, yêu quý những giá trị cao thượng. Đã hoàn toàn chính xác khi nhà văn Nguyễn Khải nhận định: “Văn chương có quyền nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”

Trước hết, có lẽ Nguyễn Khải muốn khẳng định cái “quyền" được nói về “cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát" mà cho đến nay đâu phải nhà văn nào cũng dám nói. Đã có lúc ta quan niệm rằng văn chương chỉ được quyền miêu tả những điều tốt đẹp, cao cả trong cuộc sống. Đã có lúc ta cho rằng tác phẩm viết về những điều bất nhân, giả dối là vết dơ và điều đó đáng bị đào thải. Phải chăng quan điểm có tính chất ấu trĩ ấy bắt nguồn từ việc hiểu con người không thật đầy đủ, thấu đáo? Nghệ thuật là tấm kính khúc xạ mọi hình ảnh của cuộc đời, của thời đại, vậy thử hỏi, tại sao hiện thực tồn tại những điều xấu xa, tồi tệ còn văn chương lại không? Nhà văn Nga Secnuepski từng khẳng định: “Ngoài việc tái hiện đời sống, nghệ thuật còn có chức năng khác là thuyết minh cuộc sống”, thật vậy, văn học buộc phải cho con người có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về bộ mặt cuộc đời, vậy nên không thể loại bỏ những điều giả dối, xấu xa khỏi ngòi bút. Nhiều người cho rằng việc ngó lơ cái xấu chính là cách thức nhân đạo hóa con người, nhưng liệu điều đó có khiến con người tốt hơn không, hay nó sẽ làm cho ta ảo tưởng về cuộc sống, để rồi đến một lúc ta sẽ rơi vào hố sâu tuyệt vọng vì vỡ mộng? Nhà phê bình Belinski đã nói: “Khi cảm nhận cái xấu, con người trở nên cao hơn cái xấu và hướng tới cái tốt, cái đẹp”, vậy nên, muốn khiến con người tốt hơn, văn chương trước hết phải giúp họ nhận thức và tự nhận thức.

Nhà văn người Trung Quốc Lỗ Tấn đã không ngần ngại vạch trần những điều giả dối và vô lý đến nỗi “Cụ cố Triệu tát cho A.Q một cái vào mặt thì nhất định A.Q là người có lỗi rồi, không cần bàn cãi” hay chỉ ra một thói tật, một căn bệnh của sự hão huyền mang tên “phép thắng lợi tinh thần”. Hay như “ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng với tác phẩm “Số đỏ” như bức chân dung biếm họa đã lên án cái kệch cỡm, cái xấu xa của con người trong cái thời đại mà giá trị đạo đức bị xem rẻ. Rồi Victor Hugo với kiệt tác “Những người khốn khổ” của mình lên án xã hội tư sản Pháp đã đầu độc cuộc sống con người, đã phủ lên nước Pháp phồn hoa tươi đẹp một mảng màu đầy tăm tối, đã làm cho những em bé như Cossette chịu đày đọa từ trong bụng mẹ, làm cho những cô gái xinh đẹp như Fantine từ bỏ cuộc đời trẻ trung của mình, làm cho Jean Valjean phải trở thành con người khốn khổ nhất trong những người khốn khổ. Văn học không nên tránh né, nó có “quyền” miêu tả những “cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát”, và thông qua đó, sẽ giúp bạn đọc có nhận thức đúng đắn về cuộc sống, khơi lên ở con người “ý thức phản kháng cái ác, khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp” (Aimaitop)

Nhà phê bình người Nga Belinski đã nhận xét: “Cái đẹp là điều kiện không thể thiếu được của nghệ thuật, nếu thiếu cái đẹp thì không có và không thể có nghệ thuật”. Vậy, cái đẹp, cái cao cả là những giá trị tất yếu trong quá trình phản ánh cuộc sống của văn chương. Từ thời Hy Lạp-La Mã cổ đại, đã có rất nhiều nhà triết học đã đưa ra vô số quan niệm về cái đẹp, hay còn gọi là phạm trù mỹ học. Arixtot cho rằng nghệ thuật mô phỏng tự nhiên và con người có khoái cảm khi ngắm nhìn nghệ thuật, hay nói cách khác, “cái đẹp mà văn học đem lại không phải cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật” (Hà Minh Đức). Khi cảm thụ, chiêm ngưỡng những hiện tượng đẹp đẽ của tự nhiên, văn học luôn tác động vào tâm hồn con người những phản ứng, cảm xúc mãnh liệt, làm con người hân hoan, sung sướng, khơi dậy những khoái cảm trước cuộc đời. Và hơn thế, văn chương nghệ thuật là lĩnh vực sang tạo dựa trên những tiêu chí của cái đẹp, là kết tinh của cái đẹp. Nghệ thuật có khả năng vĩnh viễn hóa cái đẹp, ghi nhận và lưu giữ từng khoảnh khắc của cái đẹp trong cuộc sống để rồi biến nó thành vĩnh cữu như cách nhà thơ Lò Ngân Sủn định nghĩa cái đẹp như vị thần Vệ nữ:

“Cha mẹ sinh ra nàng
Gọi nàng là người con gái
Nghệ thuật sinh ra nàng
Gọi nàng là thần Vệ nữ
Nàng sinh ra lần thứ nhất – để chết
Nàng sinh ra lần thứ hai – để sống mãi”
                                                (Nàng)

          Cái đẹp mà văn học hướng tới chính là cái đẹp của cuộc đời được chắt lọc, kết tinh để có hình hài sắc vóc riêng, có hơi thở sống như một sinh linh kì diệu. Nếu không có văn học, sao ta có thể hình dung về một nước Nga thanh bình, yên ả trước thế chiến thứ II với những người dân Nga nồng nhiệt, đôn hậu? Khi đọc truyện của Paustovski, bạn đọc phải thả mình lơ lửng mơ màng theo từng hình ảnh hiện lên qua câu chữ, phải đọc thật chậm rãi để những ý tứ thấm vào đầu như mưa dầm thấm đất. Chiến tranh xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm Paustovski nhưng nó không phủ lên một mảng màu khốc liệt với máu, nước mắt cùng những niềm tuyệt vọng. Chiến tranh trong truyện ông là lá thư anh lính thủy gửi cha mình: "Con luôn nhớ đến cha, đến ngôi nhà của cha con ta, đến tỉnh lỵ của chúng ta…" (Tuyết), là "bài Macxâye vang vang, tràn ngập ngôi nhà, khu vườn và hình như nó tràn ngập cả rừng và đêm tối…" (Lời cầu nguyện của Madam Bôvê), là cuộc phiêu lưu kỳ diệu của chú bọ sừng dũng cảm mà cậu bé Xtêpa tặng cho cha mình trước khi bác từ giã xóm làng lên đường ra trận (Cuộc phiêu lưu của bọ sừng), là "những chiếc máy bay bay đến lượn trên các thửa rừng, trên các nóc nhà, thân lấp lánh…” (Vườn nhà bà…). Kể cả với những điều xấu xa và tuyệt vọng nhất của thế giới này, Paustovski vẫn giống như người quét rác Giăng Samet tốt bụng trong truyện ngắn “Bông hồng vàng”, cần mẫn sàng đãi trong rác rưởi lọc ra những bụi vàng lấp lánh đem đúc thành bông hồng nhỏ- bông hồng mang đến hạnh phúc cho những ai may mắn sở hữu. Tác phẩm đậm tính nhân văn của tác giả người Nga đã khiến tâm hồn bạn đọc có những phút giây rung cảm trọn vẹn trước cái đẹp, nhắc nhở chúng ta về những điều đẹp đẽ, những niềm hạnh phúc nhỏ nhắn mà chúng ta đã bỏ quên hay xem như xa xỉ trong cuộc sống vội vã của mình. Như cách nhà thơ Ingheman nhận xét về Andersen trong truyện ngắn “Người kể chuyện cổ tích”, Paustovki “có một khả năng quý báu là trong bất cứ cống rãnh nào anh cũng tìm ra được ngọc trai"

Văn chương không đưa ta xa rời thực tế, không mở ra những chân trời hão huyền, viển vông, thứ mà nhà văn, nhà thơ đích thực vẫn tìm kiếm bấy lâu nay chính là “hạt ngọc ẩn giấy trong bề sâu tâm hồn con người” (Nguyễn Minh Châu), là “cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung” mà Nguyễn Khải nhắc đến. Khi ấy, nghệ thuật mới thật sự trở thành “thanh nam châm thu hút mọi thời đại”,  “nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ”, giúp họ tìm đến suối nguồn của cái đẹp, khiến họ thanh lọc tâm hồn, để “trong đời có nhiều công bằng, yêu thương hơn” (Thạch Lam). Còn nhớ, Nam Cao, qua số phận đầy bi kịch của Chí Phèo cốt không phải để nhấn mạnh vào sự lưu manh của “con quỷ dữ làng Vũ Đại”, thứ mà nhà văn muốn phản ánh chính là phần người còn sót lại trong Chí Phèo- một con người đáng thương hơn đáng giận, đồng thời truyền tải một thông điệp rằng chỉ có lòng tốt mới có thể cứu rỗi linh hồn con người. Cũng như thế, Thạch Lam trong những trang viết giàu chất thơ của truyện ngắn “Hai đứa trẻ” đã tinh tế đã nói lên một sức sống tiềm tàng mãnh liệt, một niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn, một khát khao thoát khỏi cuộc sống tù đọng, ngột ngạt của những người dân phố huyện. Những con người nơi đây như rễ cây cắm sâu vào lòng đất, dẫu mảnh đất ấy có khô cằn bao nhiêu đi nữa thì họ vẫn hút được nhựa sống mà vươn đến một ngày mai đầy hy vọng.

Nhìn chung, cái thiện hay cái ác, cái cao cả hay cái thấp hèn đều là những phạm trù mỹ học mà tác phẩm văn chương nào cũng cần phải có. Vì thế, người nghệ sĩ dù lên án cái xấu hay ca tụng cái đẹp vẫn phải phản ánh nó với tất cả cái tâm, cái tài của mình. Hay nói như nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Dù anh viết ngược viết xuôi thế nào, dù cho rằng anh viết về sự giận dữ, về lòng căm thù, về nỗi đau chán chường thì rốt cuộc vẫn để truyền thổi vào tâm hồn người đọc một niềm tin, một tình yêu bát ngát vào cuộc sống". Vì thế, tác giả ơi, anh có quyền chọn một con đường, một lối đi riêng cho hành trình sáng tác của mình, nhưng anh hãy nhớ rằng, đích đến cuối cùng vẫn là hướng bạn đọc đến những giá trị chân-thiện-mỹ, bởi lẽ, “thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung” (Nguyễn Khải)

Marxim Gorki nhận xét rằng: “Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người”. Muốn làm được điều đó, văn học nghệ thuật phải tuân theo nguyên tắc: “Văn chương có quyền nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung” (Nguyễn Khải).

HUỲNH NGUYỄN BẢO TRÂN
LỚP 12 CV TRƯỜNG THTH ĐHSP TPHCM NIÊN KHÓA 2015-2018

[NLVH] NHÀ THƠ VẪN VẸN NGUYÊN QUA TRĂM LẦN THỬ LỬA


Đề bài:
“Nhà thơ lớn ư? Là để cho nhân loại yêu mình bằng mọi cách
Khi thì nâng niu, khi thì hạch sách
Khi giày vò mỗi chữ
Khi trân trọng ngắm từ xa
Nhà thơ vẫn vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa
Yêu mà”
(Chế Lan Viên)
Hãy bình luận về vấn đề gợi ra từ đoạn thơ trên.




BÀI LÀM

 Độc giả trung thành của văn chương qua bao thời đại vẫn yêu quý “Iliad” (Hô-me-rơ)- thiên sử thi kinh điển của văn minh châu Âu với cuộc chiến khốc liệt giành lấy thành Troa thuở xưa, vẫn say mê với mối tình thủy chung của Rama và nàng Sita trong trường ca Ấn Độ “Ramayana”,… Điều gì đã khiến những tác phẩm từ thời xa xưa vẫn trường tồn, vẫn sống mãi với thời gian? Dẫu có nhiều bàn luận cùng những ý kiến trái chiều, những “đứa con tinh thần” ấy vẫn vẹn nguyên giá trị qua bao thế hệ? Phải chăng, điều kì diệu bắt nguồn từ sự tài năng và tâm hồn dạt dào xúc cảm của người nghệ sĩ? Để trả lời câu hỏi này, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

“Nhà thơ lớn ư? Là để cho nhân loại yêu mình bằng mọi cách
Khi thì nâng niu, khi thì hạch sách
Khi giày vò mỗi chữ
Khi trân trọng ngắm từ xa
Nhà thơ vẫn vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa
Yêu mà”   

       Cuộc sống cung cấp một kho tàng ý tưởng vô cùng phong phú và quý giá cho người nghệ sĩ sáng tác nhưng đó cũng chính là thứ lửa thử vàng, đánh giá xem tác phẩm ấy có xứng đáng để mọi người đón nhận hay sẽ trôi vào dòng chảy nhợt nhạt, chán chường. Vậy nên, cùng một loại đất sét cuộc đời, nhưng trở nên một bình gốm tuyệt mỹ hay chỉ là một đống đất vô nghĩa phụ thuộc vào tài năng và tâm hồn của tác giả. Họ thai nghén nên tác phẩm, đưa nó đến gần hơn với bạn đọc, đôi lúc nhận về sự đồng cảm, nhưng cũng có lúc vấp phải những bình luận trái chiều, đó là những “cách yêu” khác nhau của nhân loại. Văn chương đích thực phải cho phép độc giả đào sâu vào nhiều tầng nghĩa, khám phá những bí ẩn còn khuất lấp bên trong, đưa ra những quan điểm riêng để kiến tạo tác phẩm. Nhà thơ chỉ “vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa” khi sáng tác của họ neo đậu nơi tâm hồn bạn đọc, tạo nên “sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại” (Hoài Thanh), hoàn thành sứ mệnh là trở thành “cuốn sách giáo khoa của đời sống” giúp con người hiểu đời, hiểu mình hơn. Tài năng và tâm hồn là yếu tố làm nên một người nghệ sĩ thật thụ, một “nhà thơ lớn”!

Nhà văn Nam Cao đã viết: “Một tác phẩm thật giá trị phải vượt lên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho tất cả loài người”, vậy điều gì đã làm nên sức sống mãnh liệt của văn chương, đã cho nó sức mạnh vượt qua mọi “bờ cõi và giới hạn” như vậy? Một tác phẩm chân chính như hạt mầm xanh được vun trồng nơi mảnh đất cuộc đời đầy nắng gió nhưng phải nhờ dòng nước mát lành chảy từ tâm hồn của nhà thơ mà lớn lên. Sẽ ra sao nếu tác giả từ cô lập mình ra khỏi cuộc sống, không đắm mình dưới cơn mưa thời đại mà tạo nên tác phẩm? Như một quy luật bất biến của nghệ thuật, văn chương sinh ra đã phải cắm rễ vào hiện thực, vậy nên, nhà thơ không thể quay lưng lại với cuộc sống, thả mình vào thế giới mộng tưởng, viển vông mà thai nghén nên “đứa con tinh thần” của mình được. Bắt nguồn từ hiện thực nhưng không có nghĩa là nhà thơ sẽ sao chép nguyên xi mọi thứ vào tác phẩm của mình. Họ chỉ rộng mở tấm lòng để đón lấy những âm vang cuộc sống, quan tâm sâu sắc để những biến chuyển, đổi thay của thời đại, hướng tới sự đồng cảm và sẻ chia với mọi người. Nhà thơ chỉ “vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa” khi họ biết vui với niềm vui cuộc sống, đau trước nỗi đau nhân thế, biết “hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại” (Lev Tolstoy). Nhà thơ Nga Lermontov từng tâm sự: “Có những đêm không ngủ, mắt rực cháy và thổn thức, lòng ngập tràn nhớ nhung…Khi đó tôi viết”, cảm xúc mãnh liệt và cháy bỏng chính là dòng nhựa sống nuôi dưỡng trang thơ, là cây cầu kết nối những trái tim, đưa “điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu)

Còn nhớ, Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” được Mộng Liên Đường chủ nhân nhận xét như có “máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy”, có lẽ rằng, đại thi hào họ Nguyễn đã dành tất cả tâm huyết, cả bầu máu nóng của mình mà làm nên tác phẩm. Đó không phải là tình cảm thông thường, mà là tình cảm đã được ý thức, được sinh ra từ những tư tưởng lớn, là tình cảm cho cả nhân loại. Xót thương cho những phận đời “tài hoa bạc mệnh” như nàng Kiều hay Đạm Tiên, Nguyễn Du viết:

“Rằng: hồng nhan tự thuở xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”

Từng dòng thơ, con chữ như một tiếng kêu ai oán cho số kiếp hồng nhan nhưng bạc phận, tuy tài hoa nhưng cuộc đời đầy sóng gió. Phải thương Kiều, yêu Kiều lắm, phải đặt cả tâm hồn vào nhân vật thì Nguyễn Du mới có thể khóc thương cho cuộc đời nàng như vậy. Chính tấm lòng nhân đạo của tác giả đã dấy lên sự đồng cảm sâu sắc, mãnh liệt nơi bạn đọc. Chu Mạnh Trinh từ cuối thế kỷ XIX đã tự coi mình là nòi đa tình, thương cảm sâu sắc với nàng Kiều như một người đồng điệu: “Bộc bản đa tình, cảm thâm đồng điệu”. Rồi đến vua Minh Mệnh khen Kiều đủ trung, hiếu, tiết, nghĩa, “nêu danh giáo và phong lưu muôn thuở”. Hay qua cách mà nhà văn Phạm Quỳnh cảm thán về tác phẩm rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” cũng đủ chứng tỏ “Truyện Kiều” được độc giả đón nhận và trân trọng như thế nào. Nhà thơ Tố Hữu cũng bộc bạch sự kính trọng cùng lòng ngưỡng mộ đối với đại thi hào họ Nguyễn:

“Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”
(Kính gửi cụ Nguyễn Du)

“Truyện Kiều” là tiếng kêu đứt ruột, làm náo động cả không gian trước “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, mãi day dứt không nguôi trong lòng bạn đọc về lòng xót thương cho những kiếp người tài hoa bị xã hội vùi dập. Người đời đối với Kiều là “nâng niu”, trân trọng ngắm từ xa”, nhưng phải chăng hành trình 200 năm “Truyện Kiều” chỉ có vậy? Với nhiều quan điểm trái chiều xuất phát từ cách nhìn nhận của mỗi thời đại, sự “hạch sạch” hay “giày vò” là điều không thể tránh khỏi. Nếu đứng trên lập trường Tống Nho xem “chết đói là sự nhỏ, thất tiết là sự lớn” thì quả thật việc Kiều không tự tử mà chấp nhận cuộc sống nhục nhã suốt hàng chục năm trời ấy là điều đáng lên án. Cũng trên quan điểm ấy, Nguyễn Công Trứ cũng có những chỉ trích rất nặng nề trong tác phẩm “Vịnh Thúy Kiều”:

“Bạc mệnh chẳng làm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm”

Cũng có rất nhiều người dựa trên lập trường đạo đức nghiêm khắc để xét đoán “Truyện Kiều” như Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng cho rằng tuy văn chương hay nhưng tác phẩm vẫn không thể tránh khỏi “cái vẻ ai, dâm, sầu, oán, đạo, dục, tăng”,…
Từ khi ra đời đến nay, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã có nhiều cách tiếp nhận , đánh giá khác nhau, “kẻ khen, người chê”, người “nâng niu”, kẻ “hạch sách”, người “trân trọng ngắm từ xa”, kẻ “giày vò mỗi chữ”. Dẫu như thế nào, ngọn lửa sức sống của “Truyện Kiều” vẫn không thể bị hủy diệt, dù Nguyễn Du có mất đi nhưng nàng Kiều vẫn đi vào cõi bất tử và thi hào chính là “nhà thơ lớn” của mọi thời đại. Phải chăng, Nguyễn Du với “tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời”, “đôi mắt nhìn thấu sáu cõi” và “tấm lòng thơ với tình đời thiết tha” đã làm nên sự kì diệu đó? Từ ngàn xưa cho đến bây giờ hay mãi sau này, “Truyện Kiều” vẫn sống với sức sống mãnh liệt của nó, vẫn được yêu quý, trân trọng như nhà thơ Chế Lan Viên đã nói: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan đã bày tỏ quan điểm của mình về nghệ thuật: “Muốn viết văn, trước hết phải sống. Đừng có cậy ở thiên tài. Thiên tài chỉ cho ta nghệ thuật, sống mới cho ta nội dung”, nhà thơ viết về cuộc sống, đúng, nhưng nó không thể là những câu thơ hời hợt và tẻ nhạt. Thơ hay, ngoài chứa đựng dòng cảm xúc sâu sắc còn phải được viết nên từ tài năng của tác giả. Người nghệ sĩ phải có đôi mắt tinh tường để nhận thấy sự chuyển biến của thời đại, nắm bắt sự thay đổi của cuộc đời. Không những vậy, nhà thơ còn cần đến vốn kiến thức sâu rộng, bao quát từ văn hóa, nghệ thuật đến triết học, tôn giáo, lịch sử, xã hội,… như thế, “đứa con tinh thần” của họ khi được sinh ra sẽ mang đậm dấu ấn thời đại, cắm rễ vững vàng vào lòng đất mà lớn lên, đơm hoa kết trái làm đẹp cho đời. Tài năng của nhà thơ sẽ là nền tảng kiên cố, chắc chắn để giữ gìn giá trị tác phẩm, khiến nó sống mãi với năm tháng và người nghệ sĩ vẫn mãi “vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa”. Thử hỏi, nếu không có tài năng, không có vốn kiến thức phong phú về xã hội thời bấy giờ, sao nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể viết nên hai tập thơ “Bạch Vân am thi tập” và “Bạch Vân quốc ngữ thi tập” được mệnh danh là thành tựu lớn của thơ ca trung đại Việt Nam, mở đầu cho dòng thơ “chạm chân vào hiện thực”? Hay như Quang Dũng được mọi người biết đến là một nhà thơ đa tài, “cầm, kỳ, thi, họa”, vì thế, mỗi tác phẩm mà ông viết ra, đặc biệt là “Tây Tiến” sẽ rực rỡ như một bức tranh thời đại đầy màu sắc, sẽ âm vang như giai điệu ngọt ngào của bài ca cuộc sống. Chỉ vài câu thơ thôi mà người đọc có thể hình dung bức tranh phong cảnh của vùng núi Bắc Bộ hiện lên với vẻ hoang sơ nhưng đầy thơ mộng:

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”

Song song với tâm hồn chứa chan xúc cảm, vốn hiểu biết phong phú, sâu rộng về cuộc đời, người nghệ sĩ đích thực muốn “vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa” còn phải có cá tính độc đáo, sáng tạo, có tiếng nói, giọng nói riêng. Nếu nhà thơ không có dấu ấn cá nhân, không có sự đột phá trong phong cách sáng tác, tác phẩm mà họ viết ra sẽ trôi dần vào quên lãng, và người nghệ sĩ sẽ mãi loay hoay trong lối mòn lặp lại người khác, lặp lại chính mình. Hay nói như Phương Lựu: “…đó là một sự tự sát trong văn học, một lĩnh vực tối kỵ sự nhai lại ngay cả đối với những chân lý quan trọng”, vậy nên, nhà thơ sẽ không thể đối mặt với cuộc đời, với độc giả khi tác phẩm của họ hoàn toàn mờ nhạt, lặp lại người khác. Thử hỏi, khi ấy tác giả có còn “vẹn nguyên qua trăm lần thử lửa” được không? Việc đánh mất cá tính sáng tạo cùng phong cách độc đáo sẽ khiến nhà thơ trở nên loại “nghệ sĩ con rối” (Chế Lan Viên), để rồi đến một lúc, họ không còn là chính mình nữa:

“Người diễn viên ấy đóng trăm vai vai nào cũng giỏi
Chỉ một vai đóng không nổi:
Vai mình!”
(Nghĩ về thơ)

Bạn đọc tìm đến với thơ ca trước hết là tìm sự mới mẻ để thanh lọc tâm hồn, để thêm yêu đời, yêu cuộc sống. Vậy nếu nhà thơ cứ lặp đi lặp lại chính mình, hay trăm nhà thơ mà nhất cử, nhất động đều như một, độc giả sẽ cảm thấy chán chường và buồn tẻ dường nào? Đối với mỗi nhà thơ, mỗi cá tính riêng, mỗi giọng nói riêng, bạn đọc có thể yêu quý họ, “nâng niu” hay “trân trọng ngắm từ xa”, nhưng cũng có lúc họ sẽ “hạch sách”, “giày vò mỗi chữ”, điều quan trọng là nhà thơ vẫn giữ được giá trị cốt lõi của mình, không phải vì người khác có ý kiến trái chiều mà thay đổi quan điểm sống của mình. Chính những cách tiếp nhận khác nhau của bạn đọc ấy là ngọn lửa thử chất vàng mười của người nghệ sĩ, buộc họ phải sáng tạo không ngừng, trui rèn bản thân để đến gần hơn với độc giả. Thơ ca thế giới và Việt Nam đã ghi dấu bao giọng nói riêng của nhà thơ. Những tên tuổi đỉnh cao là những người luôn nỗ lực hết mình để khẳng định tiếng nói cá nhân trong sáng tạo. Nhà phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân qua “Thi nhân Việt Nam” đã khẳng định: “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lúc một hồn thư rộng lớn như Thế Lữ. mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên.... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Mỗi tác phẩm ra đời dù thu về những bình luận, ý kiến trái chiều nhưng ta vẫn không thể phủ nhận tài năng và cá tính độc đáo của mỗi nhà thơ. Họ chính là người nghệ sĩ thật thụ, là “nhà thơ lớn” được “nhân loại yêu bằng mọi cách”.

HUỲNH NGUYỄN BẢO TRÂN
LỚP 12CV TRƯỜNG THTH ĐHSP KHÓA 2015-2018





[NLVH] CÂU THƠ HAY LÀ CÂU THƠ GIÀU SỨC GỢI (Bài viết số 2)


Đề: “Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi” (Lưu Trọng Lư)


BÀI LÀM

Âm nhạc lấy giai điệu, âm thanh làm say đắm lòng người.
Kiến trúc lấy mảng màu, hình khối để tạo nên sự ấn tượng.

Thơ ca lại dùng ngôn từ để nói lên cảm xúc, bộc bạch nỗi lòng và gửi gắm những ước mơ, nguyện vọng. Thế nhưng, ngôn ngữ trong thơ lại có hạn, không cho phép người nghệ sĩ kể lể dài dòng hay phí phạm câu chữ mà họ phải mài giũa ngòi bút cho thật sắc, thật tinh để viết nên những ngôn ngữ cô đọng, hàm súc nhưng đa nghĩa, giàu tính biểu cảm và hình tượng. Phải chăng đó là quy luật khắc nghiệt của quá trình sáng tác thơ mà nếu không làm như thế, thơ ca sẽ trở nên nhạt nhòa và vô vị? Bàn về vấn đề này, Lưu Trọng Lư nói rằng: “Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi”.

Làm thơ cũng như xây một ngôi nhà và ngôn ngữ chính là những viên gạch làm nên ngôi nhà ấy. Vây nên, nếu viên gạch xộc xệch, được nung cách cẩu thả thì ngôi nhà cũng không thể đứng vững được. Bởi thế, thơ muốn hay thì ngôn ngữ phải thật cô đọng, hàm súc, không sáo rỗng, để rồi khi bạn đọc tìm đến thi ca, họ sẽ được chiêm ngưỡng một thế giới đầy màu sắc, phong phú của ý nghĩa, hình ảnh, cảm xúc,… Ngôn ngữ thơ chính là cánh cổng đưa dẫn ta đến những chân trời yên ả, để từ đó ta có khoảng lặng mà hòa mình vào từng câu chữ, hiểu cặn kẽ từng khía cạnh của thơ ca, lúc ấy, thơ mới thật sự “giàu sức gợi”. Nhà thơ Lưu Trọng Lưu đã đưa ra nhận định hoàn toàn chính xác, đó cũng là quy luật của ngôn ngữ thơ ca: “Câu thơ hay là câu thơ giàu sức gợi”.

Lưu Trọng Lư cũng từng viết: “Thơ sở dĩ là thơ bởi vì nó súc tích, gọn gàng, lời ít mà ý nhiều”. Sáng tác thơ cũng như làm thí nghiệm hóa học, mỗi chữ viết ra không được thừa, cũng không được thiếu, khi ấy ta mới thu được hạt muối kết tinh của nghệ thuật. Hay nói như nhà thơ Nga Maiacopxki: “Quá trình sáng tạo ngôn ngữ thơ ca cũng giống như người lọc quặng radium, lọc lấy tinh chất, tìm ra trong những cái bộn bề của những tấn quặng từ đẹp, ánh sáng kim cương”. Ngôn ngữ là những tinh hoa quý giá nhất của một người làm thơ, đó là nơi họ nhắn nhủ những tâm tình,trao gửi bao ước mơ, hoài bão. Thế thì đó càng không thể là thứ câu chữ tầm thường, vặt vãnh được. Ngôn ngữ thơ phải như đóa hoa e ấp, đủ quyến rũ và cuốn hút để nhân loại tìm đến nó, cho đến khi gặp được rồi, đóa hoa ấy sẽ nở rộ với hương thơm làm say đắm lòng người. Độc giả tìm đến thi ca với tư thế là những nhà thám hiểm, họ càng đọc, càng đào sâu vào từng tầng nghĩa của ngôn ngữ sẽ càng gợi mở ra những giá trị nhân sinh sâu sắc. Đôi lúc chỉ cần một từ thật hay, thật sắc cũng đủ khiến tác phẩm neo đậu nơi tâm hồn bạn đọc, khiến họ tìm đến nó như một thế giới kì diệu để có thể thỏa sức khám phá. Tiếp nhận một bài thơ không phải ngày một ngày hai mà có thể hiểu hết được mọi ý nghĩa của nó, ta đọc rồi, phải đọc nữa, đọc mãi thì ta mới có thể nhận ra vẻ đẹp ẩn lấp sau lớp ngôn từ ấy. Vậy thử hỏi, nếu thơ ca không cô đọng, súc tích, mọi ý nghĩa đều phơi bày ra ngoài thì sẽ chán chường, nhạt nhẽo đến dường nào?

Thơ ca trung đại phương Đông là hình mẫu chuẩn mực cho sự cô đọng, hàm súc ấy. Mỗi câu thơ đều “giàu sức gợi” mà qua đó, ta nhìn thấy nhiều tầng nghĩa đan xen lẫn nhau, được khoác lên mình lớp ngôn từ thật tinh tế. Học giả Daisetz Suzuki cho rằng sức ám thị và tính hàm súc là bí quyết của thơ Haiku nói riêng cũng như của nghệ thuật Nhật Bản nói chung. Điều tối kỵ khi làm thơ haiku là thích lý luận dông dài, “khi tình cảm đã đạt đến mức độ cao nhất, ta lặng thinh, bởi lẽ không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả thích đáng”. Bài thơ Haiku của thiền giả thi sĩ lỗi lạc Nhật Bản Matsuo Basho từng viết:

“Lệ trào nóng hổi
tan trên tóc mẹ
làn sương thu”

Bài thơ được Basho viết khi ông đang trên đường đi về tỉnh Kansai bỗng hay tin mẹ mất, cầm trên tay di vật của mẹ, ông đau đớn viết nên những dòng thơ trên. Nỗi đau xót hóa thành giọt nước mắt “nóng hổi” tuôn trào xuống bàn tay cầm mớ tóc bạc của người mẹ đã khuất. Nhà thơ có thể viết nên những dòng cảm xúc thật dài, thật thiết tha của nỗi đau mất mẹ, nhưng ở đây, Basho chỉ dùng vài câu thơ càng khiến nỗi đau ấy nén chặt lại để rồi tuôn ra thành giọt nước mắt đầy chua xót. Có lẽ nếu dừng lại ở đây cũng đã đủ cho bạn đọc hiểu về sự đau đớn của nhà thơ nhưng ông lại vẽ nên một hình ảnh tưởng chừng không liên quan đến cảm xúc của mình: “làn sương thu”. Vậy “làn sương thu” là gì? Phải chăng giọt lệ của Basho đã hóa thành làn sương mong manh, mờ ảo? Hay sau biến cố gia đình ấy, nhà thơ nhận ra rằng cuộc đời tựa như làn sương mỏng sao quá ngắn ngủi, vô thường? Basho không cần giải thích vì sao lại đặt hình ảnh “làn sương thu” ở cuối bài thơ, bởi lẽ, đến với thơ Haiku, người đọc luôn trong tâm thế sẵn sàng để nhìn nhận nó dưới nhiều góc độ khác nhau, mỗi góc độ đều gợi nên những suy tư, trăn trở sâu sắc. Bài thơ của Basho hiện lên thật mờ ảo và đa nghĩa, nó cũng giống như làn sương lơ lửng ở không trung, cho phép bạn đọc đào sâu để khám phá nhưng không thể hiểu được hết. Bài thơ ấy mới thật sự là nghệ thuật đích thực!

Nhà thơ Xuân Diệu từng khẳng định quy luật của quá trình tinh lọc ngôn ngữ thơ: “Thơ phải súc tích, phải rắc lại như một thứ thuốc nấu nhiều lần. Những sự vật thường vẫn nhạt vẫn loãng, thi sĩ đem kết đọng lại, tụ lại làm nên những câu thơ đậm đà, tài liệu thì vẫn lấy trong đời thường, trong cuộc sống hàng ngày, trong những sự rung động của trái tim, của xương thịt nhưng khi đã đem vào thơ thì tài liệu biến đi và thành ngọc châu”. Thật vậy, sáng tạo ngôn ngữ thơ không phải một điều dễ dàng. Người nghệ sĩ phải xoay sở trên một vùng đất chật hẹp, vậy nên họ không thể lãng phí bất cứ từ ngữ nào để diễn tả những cảm xúc hời hạt, tủn mủn, thứ mà họ viết nên phải là ngôn ngữ được chắt lọc và kết tinh từ hàng vạn chất liệu ở đời.

Nhà thơ Thâm Tâm viết “Tống biệt hành” vô cùng kiệm lời, kiệm chữ nhưng mỗi chữ được viết nên đều được chọn lọc kỹ càng, đều gợi ra vô vàn cảm xúc, suy tư. Khổ cuối của bài thơ là lời từ biệt của trượng sĩ ngày xưa:

"Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say”

Mỗi chữ "thà" coi như một nhát dao sắc, chặt đứt tình cảm để ra đi. Có người cho rằng người ra đi xem mẹ như chiếc lá bay, chị như là hạt bụi, em như hơi rượu say để tự an ủi bản thân mình, để mạnh mẽ dứt quyết ra đi. Một số khác nghĩ rằng như vậy có vẻ tàn nhẫn và vô tình quá, nên muốn hiểu cho "tình cảm hơn", đã giải thích thành: "Xin mẹ hãy coi con như chiếc lá bay, xin chị coi em như hạt bụi, xin em coi anh như hơi rượu say". Nhưng suy xét lại, người trượng phu đặt hình ảnh “em nhỏ ngây thơ” cạnh “hơi rượu say”, nhưng em còn nhỏ, làm sao biết hơi rượu say như thế nào mà cầu xin? Đến bây giờ, có lẽ ta vẫn không biết được cách hiểu nào mới là chính xác. Bởi không biết đâu là cách hiểu đúng nên bạn đọc phải đọc, phải nghiền ngẫm bài thơ kỹ càng hơn, rồi từ đó khám phá những lớp nghĩa rất đỗi sâu sắc, phong phú. Chính ngôn ngữ thơ đa nghĩa đã làm nên một cuộc tiễn đưa đầy kịch tính, kịch tính trong tình cảm, trong mâu thuẫn giằng xé giữa chí lớn, tình riêng. Nhà thơ Thâm Tâm không viết dài dòng, không khắc họa cuộc chia tay đầy nước mắt nhưng chính việc sử dụng những ngôn từ kết tinh ấy đã khiến nỗi đau càng thêm dồn nén, khắc khoải tựa âm vang của cảm xúc chẳng bao giờ kết thúc. Bài thơ chấm dứt trong âm điệu trầm buồn pha chút xót xa, nhưng chính âm điệu đó lại gợi mở ra những cách nhìn, những cách hiểu khác nhau, tạo nên một tác phẩm không chạm đáy.

Đến với thơ Hàn Mặc Tử, nếu chỉ dùng lí trí tỉnh táo và tư duy phản ánh luận để soi rọi thôi chữ đủ, ta phải để lòng mình hòa vào từng câu thơ, bóc tách từng lớp ngôn ngữ để hiểu được toàn diện tâm hồn thi sĩ. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của thi sĩ họ Hàn đâu chỉ là bản tình ca xứ Huế, đâu chỉ là bức tranh Huế đẹp, Huế nên thơ, đó còn là cả một bầu trời hoài niệm và ký ức của tác giả:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”

Có lẽ không ai có thể chối cãi được những hình ảnh ấy được gợi lên từ thôn Vĩ. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ, tìm hiểu hoàn cảnh tác giả, ta sẽ tự hỏi rằng: những hình ảnh ấy từ đâu mà có? Do nhà thơ trực tiếp nhìn thấy chăng? Không thể, bởi khi viết bài thơ này, ông đang trong cảnh bệnh nặng, không thể về thôn Vĩ. Hay đó là hồi quang của kí ức? Tức Hàn hẳn đã từng đi đến thôn Vĩ. Trong cơn đau triền miên, trong nỗi choáng ngợp của cõi lòng u sầu, bi lụy, thần trí chìm mờ, những ảo ảnh của tiềm thức được thăng hoa, đó là biểu tượng của một tâm hồn khát khao cháy bỏng muốn hòa nhập với cuộc sống trong lành. Nắng là một mô-típ đầy ám ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử: nắng tươi, nắng ửng, nắng chang,… vậy mà trong mảnh vườn này, hình ảnh nắng xuất hiện đầy êm dịu: “nắng hàng cau nắng mới lên”. Câu thơ hài hòa xuất hiện hai từ “nắng”, thứ ánh nắng trong trẻo ấy như lan tỏa khắp không gian, xuyên qua từng kẽ lá, khiến cảnh vật thôn Vĩ như bừng sáng. Cách ghép từ “nắng hàng cau” của thi sĩ đầy sức gợi tả. Đó là những tia nắng tinh khôi nhất còn len lỏi trong không trung qua những hàng cau thẳng tắp, rồi sắc cau lại cộng hưởng với sắc nắng vẽ nên bức tranh ban mai tươi tắn, gợi cảm. Chính sự điêu luyện của thi sĩ họ Hàn trong việc sử dụng ngôn ngữ đã tạo nên một bài thơ “giàu sức gợi”, cho phép bạn đọc tiếp nhận với nhiều cách hiểu khác nhau. Ngôn từ cô đọng nhưng đa nghĩa, hàm súc nhưng giàu giá trị biểu cảm đã khiến “Đây thôn Vĩ Dạ” sống mãi trong lòng độc giả!

Nhà thơ Nga Maiakôpxki quan niệm về quá trình tạo nên ngôn ngữ trong văn học như sau:
''Phải phí tốn ngàn câu quặng chữ
Mới thu về một chữ mà thôi
Nhưng chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong triệu năm dài''

Để làm được điều đó, bên cạnh tâm hồn giàu xúc cảm, người nghệ sĩ cần phải có tài năng, sự điêu luyện trong việc sử dụng ngôn từ. Phải mài giũa ngòi bút thật sắc, phải làm cho những con chữ viết ra cô đọng đến tuyệt đối, phải khiến những ngôn từ ấy không năm im lìm trên trang giấy mà sống động, chứa chan cảm xúc. Nhà thơ ơi, đừng để những thứ anh viết ra trở nên vô nghĩa, hãy đặt để tâm tình anh trong mỗi con chữ, để khi bạn đọc mở ra, họ tìm được một tâm hồn đồng điệu. Còn về phía độc giả, xin đừng là người đọc thụ động, anh phải hòa mình vào tác phẩm, đừng bao giờ nghĩ bài thơ ấy đã kết thúc vì mỗi cách nhìn nhận khác nhau sẽ làm nên sức sống cho chúng.

Thơ ca muôn đời là thế, nó chỉ là nghệ thuật đích thực khi gợi mở cho bạn đọc nhiều giá trị sâu sắc, chỉ “hay” khi là “câu thơ giàu sức gợi”! Đó là lí do từ cổ chí kim, nhân loại vẫn mãi yêu mến thơ ca.

HUỲNH NGUYỄN BẢO TRÂN
LỚP 12 CHUYÊN VĂN TRƯỜNG THTH NĂM HỌC 2015-2018




[NLXH] NGƯỜI LÀM VƯỜN CHO TÂM HỒN, NGƯỜI ĐẠO DIỄN CHO CUỘC ĐỜI



Đề:Con người ta sớm muộn gì cũng nhận thấy rằng chính họ là người làm vườn cho tâm hồn và đạo diễn cho cuộc đời họ. (Giêm A- len)
Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.



BÀI LÀM

Có một cô gái luôn phàn nàn với cha mình về cuộc sống cô thật đau khổ. Người cha liền lấy ba nồi nước sôi chứa ba nguyên liệu khác nhau: trứng, khoai tây và cà phê. Sau một thời gian, trứng đông cứng lại, khoai tây mềm nhũn ra trong khi nồi chứa cà phê lại tỏa ra một mùi hương thật quyến rũ. Người cha nói rằng: “Cùng một hoàn cảnh, nhưng mỗi thứ lại có một cách phản ứng khác nhau, con người cũng như thế, ta có quyền quyết định cho cuộc đời mình”. Đọc xong mẩu truyện, tôi lại bắt gặp ý kiến của Giêm A-len: “Con người ta sớm muộn gì cũng nhận thấy rằng chính họ là người làm vườn cho tâm hồn và đạo diễn cho cuộc đời họ”.

          Một người làm vườn có quyền chọn lựa mùa vụ, giống cây trồng,… cho mảnh đất của mình. Một đạo diễn có thể quyết định các tình tiết, diễn biến của bộ phim mà họ đảm nhận. Vậy nếu đặt chúng ta vào vị trí của một người nông dân và một người đạo diễn thì sao? Ta sẽ có trách nhiệm đối với quá trình rèn luyện nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, quyết định một lối sống, một cách hành xử của bản thân. Và hơn ai hết, ta sẽ là người chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của chính mình. Nói cách khác, mỗi người chính là vị thuyền trưởng lèo lái con thuyền cuộc đời họ, nếu họ tài giỏi, có nhiều kinh nghiệm, họ sẽ đưa con thuyền cập bến an toàn, nhưng ngược lại, nếu gặp nguy nan, họ cũng chính là người sẽ chìm với con thuyền ấy.

Tỷ phú Bill Gates từng đưa ra lời khuyên cho người trẻ rằng: “Bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết đi trong nghèo khó, thì đó là lỗi của bạn”. Có nhiều người luôn tự hỏi rằng: Tại sao cuộc đời tôi lại đau khổ và bất hạnh như vậy? Tại sao có nhiều người khi sinh ra đã ở gần vạch đích, họ sống giàu có còn tôi thì không? Bạn ơi, không ai sinh ra có quyền lựa chọn số phận cho mình, cũng chẳng nhiều người may mắn có sự khởi đầu như ý. Nhưng chẳng lẽ vì vậy mà chúng ta bỏ cuộc và buông tay phó mặc cho số phận?

Cuộc sống của bạn nằm ở trong tay bạn cũng giống như cây bút chì nằm trong tay người họa sĩ. Bạn muốn vẽ nó tròn thì nó tròn, bạn muốn vẽ nó vuông thì nó là vuông, vì thế đừng cứ mãi đổ lỗi cho số phận. Có nhiều người sống trên đời, họ luôn thu mình vào cái vỏ bọc tinh thần rằng họ luôn gặp điều không may mắn để tự an ủi cho sự bất toàn của bản thân. Nhưng thử nghĩ xem, nếu ai cũng nghĩ như vậy, cuộc đời này còn gì là ý nghĩa, con người ta cứ sống như một chiếc lá rơi giữa dòng nước, nước đẩy đi đâu thì xuôi theo đó. Sống không chỉ để ghi dấu sự có mặt của mình trên đời mà sống phải cho có ý nghĩa. Kito Aya là một nữ sinh Nhật Bản không may mắc phải căn bệnh thoái dây sống thiểu não quái ác. Cô có thể buông xuôi, cũng có thể tự trách bản thân mình không may mắn,… nhưng những điều đó quá tầm thường, Aya đến với cuộc đời này để làm nên điều tuyệt vời hơn như vậy. Cô sống những giây phút cuối đời thật trọn vẹn bên cạnh người thân, cô gửi gắm biết bao mơ ước của một tuổi trẻ nhiệt huyết làm nên nguồn động viên to lớn cho những người trẻ khác. Kito Aya là một “người làm vườn”, một “đạo diễn” đích thực, cô không cho phép mảnh đất tâm hồn mình khô héo, cũng không để cuốn phim cuộc đời mình tẻ nhạt, với cô, sống phải thật hạnh phúc. “Cảm ơn” là hai chữ cuối cùng trong cuốn nhật ký “Một lít nước mắt” của cô, có lẽ Aya cảm ơn cuộc đời vì đã cho cô thấy tình yêu của mọi người, cũng có thể cô cảm ơn chính bản thân mình vì không để tình yêu ấy trở nên lãng phí.

Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng: Con người sống chứ không tồn tại. Và cuộc sống này chỉ có một lần, vậy nên thay vì cứ mãi trách móc, đỗ lỗi cho định mệnh, cho xui rủi, ta hãy một lần hành động để thay đổi cuộc đời. Hãy nhớ rằng, ta là “người làm vườn” chứ không phải một bông hoa chờ sự chăm sóc của người khác, ta là “đạo diễn” chứ không phải một cuốn phim vô hồn, ta là người chủ động, và chỉ có ta, một mình ta mới có thể quyết định số phận chính mình. Có bao giờ ta dành ít giây phút để ngẫm lại cuộc đời mình, tự hỏi mình là ai, mình sống để làm gì,… hay chưa? Đó chính là thời khắc ta bắt đầu cuộc hành trình đi tìm chính mình, để đối diện với bản thân mà hiểu mình hơn, cũng là lúc ta sẽ quyết định cách sống của mình. Một người lớn lên trong gia đình như thế nào, môi trường sống ra sao cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách, lối sống. Nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi người, ta có đủ bản lĩnh để quyết định con đường mình đi hay chưa, có đủ khôn ngoan, tỉnh táo để đối diện với khó khăn hay chưa, có mạnh mẽ, kiên cường để vượt qua thất bại hay chưa? Dù là “người làm vườn” hay một “đạo diễn”, con người đều cần vốn sống, kinh nghiệm, sự khéo léo, khả năng tự nhận thức,… để chọn ra một lối đi đúng đắn nhất cho mình.

Triết gia Giêm A-len cũng cho rằng “con người ta sớm muộn gì cũng nhận ra” họ chính là người quyết định số phận, cuộc đời của mình. Mỗi con người đều tiềm tàng khả năng tự nhận thức, tự giáo dục bản thân. Nhưng ở mỗi người, năng lực ấy được bộc lộ ở những thời điểm khác nhau của cuộc đời. Có người, ngay từ khi còn trẻ đã có được nhận thức đúng về mình. Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc từ thuở bé đã đam mê đứng trên sân khấu, được diễn và cống hiến cho khán giả. Từ đam mê ấy, Thành Lộc làm việc nghiêm túc để nuôi dưỡng tài năng và rồi trở thành cây đại thụ của làng kịch nói như ngày hôm nay. Nhưng cũng có không ít người phải trải qua chặng đường đời dài lâu mới có được nhận thức như thế. Điều đó không có nghĩa là ta thất bại, ta chỉ dùng vài năm, thậm chí là vài chục năm cuộc đời mình để đổi lấy những kinh nghiệm, kiến thức để có sự lựa chọn sáng suốt nhất mà thôi. Thuở nhỏ, Thomas Edison từng rất chán nản khi thầy cô và bạn bè đều nói ông không có khả năng tiếp thu bài vở, tốt nhất là nên nghỉ học, nhưng chính thời gian tự học ở nhà ấy đã giúp Edison có cơ hội quan sát cuộc sống và nhận ra sáng chế khoa học là ước mơ lớn nhất đời mình. Bạn ơi, sớm hay muộn không quan trọng, điều quan trọng là ta dám đứng lên làm chủ cuộc đời mình.

Khi bạn bè tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chính mình, định hướng tương lai, họ thường tìm đến tôi để xin lời khuyên hay sự hướng dẫn. Nhưng đôi lúc, khi gặp trở ngại, khó khăn, tôi lại muốn dựa dẫm vào người khác, đỗ lỗi cho hoàn cảnh để bản thân mình cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng câu nói của Giêm A-len đã thức tỉnh tôi. Tương lai của bạn là do bạn quyết định, đừng sống như một bông hoa chờ người chăm sóc, cũng đừng sống như một cuộn phim chờ người biên đạo, hãy sống như một “người làm vườn”, một “đạo diễn” thật thụ.

Trở lại câu chuyện ban đầu.

Bạn sẽ sống cứng cáp như trứng?

Bạn sẽ sống mềm nhũn như khoai tây?

Hay bạn sẽ linh hoạt như hạt cà phê?

“Con người cũng như những vật liệu trên, chúng ta có cách phản ứng khác nhau trong cùng một hoàn cảnh. Con à, dù con sẽ là trứng, khoai tây hay cà phê, con sẽ phải chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình”-Người cha nói với con gái.

HUỲNH NGUYỄN BẢO TRÂN
LỚP 12 CHUYÊN VĂN TRƯỜNG THTH ĐHSP NIÊN KHÓA 2015-2018