Đề bài:
“Văn chương có quyền nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”(Nguyễn Khải)
Anh (chị) hãy bàn luận về ý kiến trên.
BÀI LÀM
Ai đã trót mê đắm văn chương, đặc biệt là văn học Nga, chắc hẳn sẽ một lần đọc qua tuyệt tác “Anna Karenina” của nhà văn Lev Tolstoy. Và có hay chăng, ta sẽ trách Tolstoy quá tàn nhẫn với Anna khi bắt nàng lao vào gầm xe lửa? Thế nhưng, càng ngẫm nghĩ kỹ, ta sẽ nhận ra cái chết của Anna dẫu rất đỗi bi thương, dẫu lột tả bức tranh thời đại vô cùng u ám, tối tăm nhưng vẫn tỏa ra một thứ ánh sáng rực rỡ của trái tim yêu mãnh liệt, thứ ánh sang lung linh từ tâm hồn. Phải chăng, đó là một quy luật của nghệ thuật chân chính, cái mà văn học hướng tới vẫn là cái đẹp, cái cao cả? Xét về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Khải từng khẳng định: “Văn chương có quyền nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”
Mọi vật chất tồn tại đều có ý nghĩa của nó, và văn chương cũng vậy. Cùng phản ánh về cuộc đời, về con người, vậy đâu là sự khác biệt giữa văn học với lịch sử hay triết học khi văn học luôn phải gắn liền với dòng chảy thời gian và đỉnh cao của nó là đưa ra một triết lí nhân sinh? Nhưng văn học vẫn có một đặc điểm riêng biệt, đó là phản ánh con người trên phương diện thẩm mỹ. Nhà văn Nga Dovtoepxki từng nói: “Cái đẹp cứu chuộc thế giới”. Sự khu biệt rõ ràng nhất giữa văn học và lịch sử, triết học chính là nhìn nhận cuộc sống trên phương diện của cái đẹp. Lịch sử loại trừ cái nhìn chủ quan, triết học chỉ quan tâm đến những vấn đề cốt lõi, còn văn học, sự phản ánh nhất thiết phải gắn với cái đẹp. Ngay cả khi miêu tả những thứ xấu xa, giả dối thì văn học vẫn đi theo kim chỉ nam mang tên cái đẹp, mục đích cuối cùng và cốt lõi của văn học vẫn là hướng con người đến cái đẹp, đến những giá trị chân thiện, mỹ. Văn học không thể không phản ánh cái xấu xa, giả dối, nhưng mục đích vẫn là hướng bạn đọc tới cái đẹp, để ta biết thêm trân trọng, yêu quý những giá trị cao thượng. Đã hoàn toàn chính xác khi nhà văn Nguyễn Khải nhận định: “Văn chương có quyền nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”
Trước hết, có lẽ Nguyễn Khải muốn khẳng định cái “quyền" được nói về “cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát" mà cho đến nay đâu phải nhà văn nào cũng dám nói. Đã có lúc ta quan niệm rằng văn chương chỉ được quyền miêu tả những điều tốt đẹp, cao cả trong cuộc sống. Đã có lúc ta cho rằng tác phẩm viết về những điều bất nhân, giả dối là vết dơ và điều đó đáng bị đào thải. Phải chăng quan điểm có tính chất ấu trĩ ấy bắt nguồn từ việc hiểu con người không thật đầy đủ, thấu đáo? Nghệ thuật là tấm kính khúc xạ mọi hình ảnh của cuộc đời, của thời đại, vậy thử hỏi, tại sao hiện thực tồn tại những điều xấu xa, tồi tệ còn văn chương lại không? Nhà văn Nga Secnuepski từng khẳng định: “Ngoài việc tái hiện đời sống, nghệ thuật còn có chức năng khác là thuyết minh cuộc sống”, thật vậy, văn học buộc phải cho con người có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về bộ mặt cuộc đời, vậy nên không thể loại bỏ những điều giả dối, xấu xa khỏi ngòi bút. Nhiều người cho rằng việc ngó lơ cái xấu chính là cách thức nhân đạo hóa con người, nhưng liệu điều đó có khiến con người tốt hơn không, hay nó sẽ làm cho ta ảo tưởng về cuộc sống, để rồi đến một lúc ta sẽ rơi vào hố sâu tuyệt vọng vì vỡ mộng? Nhà phê bình Belinski đã nói: “Khi cảm nhận cái xấu, con người trở nên cao hơn cái xấu và hướng tới cái tốt, cái đẹp”, vậy nên, muốn khiến con người tốt hơn, văn chương trước hết phải giúp họ nhận thức và tự nhận thức.
Nhà văn người Trung Quốc Lỗ Tấn đã không ngần ngại vạch trần những điều giả dối và vô lý đến nỗi “Cụ cố Triệu tát cho A.Q một cái vào mặt thì nhất định A.Q là người có lỗi rồi, không cần bàn cãi” hay chỉ ra một thói tật, một căn bệnh của sự hão huyền mang tên “phép thắng lợi tinh thần”. Hay như “ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng với tác phẩm “Số đỏ” như bức chân dung biếm họa đã lên án cái kệch cỡm, cái xấu xa của con người trong cái thời đại mà giá trị đạo đức bị xem rẻ. Rồi Victor Hugo với kiệt tác “Những người khốn khổ” của mình lên án xã hội tư sản Pháp đã đầu độc cuộc sống con người, đã phủ lên nước Pháp phồn hoa tươi đẹp một mảng màu đầy tăm tối, đã làm cho những em bé như Cossette chịu đày đọa từ trong bụng mẹ, làm cho những cô gái xinh đẹp như Fantine từ bỏ cuộc đời trẻ trung của mình, làm cho Jean Valjean phải trở thành con người khốn khổ nhất trong những người khốn khổ. Văn học không nên tránh né, nó có “quyền” miêu tả những “cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát”, và thông qua đó, sẽ giúp bạn đọc có nhận thức đúng đắn về cuộc sống, khơi lên ở con người “ý thức phản kháng cái ác, khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp” (Aimaitop)
Nhà phê bình người Nga Belinski đã nhận xét: “Cái đẹp là điều kiện không thể thiếu được của nghệ thuật, nếu thiếu cái đẹp thì không có và không thể có nghệ thuật”. Vậy, cái đẹp, cái cao cả là những giá trị tất yếu trong quá trình phản ánh cuộc sống của văn chương. Từ thời Hy Lạp-La Mã cổ đại, đã có rất nhiều nhà triết học đã đưa ra vô số quan niệm về cái đẹp, hay còn gọi là phạm trù mỹ học. Arixtot cho rằng nghệ thuật mô phỏng tự nhiên và con người có khoái cảm khi ngắm nhìn nghệ thuật, hay nói cách khác, “cái đẹp mà văn học đem lại không phải cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật” (Hà Minh Đức). Khi cảm thụ, chiêm ngưỡng những hiện tượng đẹp đẽ của tự nhiên, văn học luôn tác động vào tâm hồn con người những phản ứng, cảm xúc mãnh liệt, làm con người hân hoan, sung sướng, khơi dậy những khoái cảm trước cuộc đời. Và hơn thế, văn chương nghệ thuật là lĩnh vực sang tạo dựa trên những tiêu chí của cái đẹp, là kết tinh của cái đẹp. Nghệ thuật có khả năng vĩnh viễn hóa cái đẹp, ghi nhận và lưu giữ từng khoảnh khắc của cái đẹp trong cuộc sống để rồi biến nó thành vĩnh cữu như cách nhà thơ Lò Ngân Sủn định nghĩa cái đẹp như vị thần Vệ nữ:
“Cha mẹ sinh ra nàng
Gọi nàng là người con gái
Nghệ thuật sinh ra nàng
Gọi nàng là thần Vệ nữ
Nàng sinh ra lần thứ nhất – để chết
Nàng sinh ra lần thứ hai – để sống mãi”
(Nàng)
Cái đẹp mà văn học hướng tới chính là cái đẹp của cuộc đời được chắt lọc, kết tinh để có hình hài sắc vóc riêng, có hơi thở sống như một sinh linh kì diệu. Nếu không có văn học, sao ta có thể hình dung về một nước Nga thanh bình, yên ả trước thế chiến thứ II với những người dân Nga nồng nhiệt, đôn hậu? Khi đọc truyện của Paustovski, bạn đọc phải thả mình lơ lửng mơ màng theo từng hình ảnh hiện lên qua câu chữ, phải đọc thật chậm rãi để những ý tứ thấm vào đầu như mưa dầm thấm đất. Chiến tranh xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm Paustovski nhưng nó không phủ lên một mảng màu khốc liệt với máu, nước mắt cùng những niềm tuyệt vọng. Chiến tranh trong truyện ông là lá thư anh lính thủy gửi cha mình: "Con luôn nhớ đến cha, đến ngôi nhà của cha con ta, đến tỉnh lỵ của chúng ta…" (Tuyết), là "bài Macxâye vang vang, tràn ngập ngôi nhà, khu vườn và hình như nó tràn ngập cả rừng và đêm tối…" (Lời cầu nguyện của Madam Bôvê), là cuộc phiêu lưu kỳ diệu của chú bọ sừng dũng cảm mà cậu bé Xtêpa tặng cho cha mình trước khi bác từ giã xóm làng lên đường ra trận (Cuộc phiêu lưu của bọ sừng), là "những chiếc máy bay bay đến lượn trên các thửa rừng, trên các nóc nhà, thân lấp lánh…” (Vườn nhà bà…). Kể cả với những điều xấu xa và tuyệt vọng nhất của thế giới này, Paustovski vẫn giống như người quét rác Giăng Samet tốt bụng trong truyện ngắn “Bông hồng vàng”, cần mẫn sàng đãi trong rác rưởi lọc ra những bụi vàng lấp lánh đem đúc thành bông hồng nhỏ- bông hồng mang đến hạnh phúc cho những ai may mắn sở hữu. Tác phẩm đậm tính nhân văn của tác giả người Nga đã khiến tâm hồn bạn đọc có những phút giây rung cảm trọn vẹn trước cái đẹp, nhắc nhở chúng ta về những điều đẹp đẽ, những niềm hạnh phúc nhỏ nhắn mà chúng ta đã bỏ quên hay xem như xa xỉ trong cuộc sống vội vã của mình. Như cách nhà thơ Ingheman nhận xét về Andersen trong truyện ngắn “Người kể chuyện cổ tích”, Paustovki “có một khả năng quý báu là trong bất cứ cống rãnh nào anh cũng tìm ra được ngọc trai"
Văn chương không đưa ta xa rời thực tế, không mở ra những chân trời hão huyền, viển vông, thứ mà nhà văn, nhà thơ đích thực vẫn tìm kiếm bấy lâu nay chính là “hạt ngọc ẩn giấy trong bề sâu tâm hồn con người” (Nguyễn Minh Châu), là “cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung” mà Nguyễn Khải nhắc đến. Khi ấy, nghệ thuật mới thật sự trở thành “thanh nam châm thu hút mọi thời đại”, “nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ”, giúp họ tìm đến suối nguồn của cái đẹp, khiến họ thanh lọc tâm hồn, để “trong đời có nhiều công bằng, yêu thương hơn” (Thạch Lam). Còn nhớ, Nam Cao, qua số phận đầy bi kịch của Chí Phèo cốt không phải để nhấn mạnh vào sự lưu manh của “con quỷ dữ làng Vũ Đại”, thứ mà nhà văn muốn phản ánh chính là phần người còn sót lại trong Chí Phèo- một con người đáng thương hơn đáng giận, đồng thời truyền tải một thông điệp rằng chỉ có lòng tốt mới có thể cứu rỗi linh hồn con người. Cũng như thế, Thạch Lam trong những trang viết giàu chất thơ của truyện ngắn “Hai đứa trẻ” đã tinh tế đã nói lên một sức sống tiềm tàng mãnh liệt, một niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn, một khát khao thoát khỏi cuộc sống tù đọng, ngột ngạt của những người dân phố huyện. Những con người nơi đây như rễ cây cắm sâu vào lòng đất, dẫu mảnh đất ấy có khô cằn bao nhiêu đi nữa thì họ vẫn hút được nhựa sống mà vươn đến một ngày mai đầy hy vọng.
Nhìn chung, cái thiện hay cái ác, cái cao cả hay cái thấp hèn đều là những phạm trù mỹ học mà tác phẩm văn chương nào cũng cần phải có. Vì thế, người nghệ sĩ dù lên án cái xấu hay ca tụng cái đẹp vẫn phải phản ánh nó với tất cả cái tâm, cái tài của mình. Hay nói như nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Dù anh viết ngược viết xuôi thế nào, dù cho rằng anh viết về sự giận dữ, về lòng căm thù, về nỗi đau chán chường thì rốt cuộc vẫn để truyền thổi vào tâm hồn người đọc một niềm tin, một tình yêu bát ngát vào cuộc sống". Vì thế, tác giả ơi, anh có quyền chọn một con đường, một lối đi riêng cho hành trình sáng tác của mình, nhưng anh hãy nhớ rằng, đích đến cuối cùng vẫn là hướng bạn đọc đến những giá trị chân-thiện-mỹ, bởi lẽ, “thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung” (Nguyễn Khải)
Marxim Gorki nhận xét rằng: “Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người”. Muốn làm được điều đó, văn học nghệ thuật phải tuân theo nguyên tắc: “Văn chương có quyền nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung” (Nguyễn Khải).
HUỲNH NGUYỄN BẢO TRÂN
LỚP 12 CV TRƯỜNG THTH ĐHSP TPHCM NIÊN KHÓA 2015-2018
EmoticonEmoticon