- Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” sử dụng nhiều từ giàu sức gợi tả.
o Từ “mướt” trong câu thơ “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” . “Mướt” là tính từ gợi tả sự bóng láng và mỡ màng, mềm mại trên bề mặt của thực vật, nhìn thấy thích mắt. Chỉ một chữ ấy thôi mà đã gợi nên được vẻ đẹp tinh khôi tràn đầy sức sống của cảnh vườn. “Mướt” kết hợp với “quá” càng làm tăng thêm sắc thái biểu cảm của từ này.
o Từ “buồn thiu” trong câu thơ “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”: gợi lên nét buồn với vẻ thất vọng mât hứng thú.
o Từ “lay” thể hiện trạng thái chuyển động không ngừng, nhưng ở đây còn nhuốm sắc buồn từ sự chia li của cảnh vật, còn gợi cái oi ả ảm đặng của một trưa vắng.
o Chữ “kịp” gợi nên nỗi niềm của thi nhân, một dự cảm về tương lai, một lối sống vội vàng để hưởng thụ được những gì tối thiểu nhất của cuộc đời, từ đó cho thấy vẻ đáng thương, tội nghiệp, đau khổ.
- Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” sử dụng rất nhiều từ phiếm chỉ.
o “Vườn ai”, “thuyền ai”, “ai biết”,“tình ai”: Những phiếm chỉ “ai” gắn với các từ khác có tác dụng làm mờ cảnh vật. Đồng thời cho cảm giác như cuộc sống và tình yêu, những gì thi nhân đang hướng tới đang khao khát như nhòa dần đi, mờ dần đi.
o “Sông trăng đó”,”tối nay”,”ở đây”. Những từ “đó”, “đây” gợi diễn tả sự mơ hồ về không gian. “Đó” có thể ám chỉ thế giới ngoài kia, thế giới của sự sống, của những điều tốt đẹp mà nhà thơ bị số phận tước mất. “Đây” có thể là thế giới trong này, thế giới của bóng tối và bệnh tật nơi trại phong Tuy Hòa. “tối nay” là một sự mơ hồ về thời gian. Những từ phiếm chỉ này phủ bài thơ trong một màn sương mơ hồ của kí ức và tưởng tượng, làm cho tất cả nhòe dần đi, nhòa dần đi trong một thời gian miên man và một không gian mênh mang vô định.
o Những từ phiếm chỉ xuất hiện là do cảm xúc của nhà thơ: Bài thơ được lấy cảm hứng từ một tâm bưu thiếp từ phương xa gửi tặng, tấm bưu thiếp ấy đã làm trỗi dẫy nỗi nhớ và cuộc sống mạnh liệt trong lòng thi nhân, từ đó từng hình tượng thơ ra đời. Tuy vậy những hình tượng này là những hình tượng của trí nhớ, do trí nhớ tái tạo, cũng có thể là những hình tượng tưởng tượng, tât cả đều được hình thành trong tâm trí thi nhân, tâm trí của một người bị giam cầm trong bóng tối, chịu đựng những nỗi đau tột cùng, chứng kiến cảnh tâm hồn và thể xác tan rã, chính vì vậy mà chúng mơ hồ, mơ hồ do màn sương trí nhớ, mơ hồ do những nỗi đau.
- Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” có những kết hợp từ độc đáo, mới lại, gợi cảm.
o “Nắng hàng cau”. “Nắng hàng cau” là nắng như thế nào? Là nắng len lỏi giữa hàng cau, hay hàng cau phủ đầy nắng? Sự kết hợp từ này gợi nên một bức tranh tuyệt đẹp của màu sắc và ánh sáng. Sắc vàng của nắng len lỏi giữa sắc xanh của lá. Nắng vì thế như xanh hơn, tươi hơn, đầy sức sống hơn. Còn lá vì thế trở nên lung linh hơn, huyền ảo hơn.
o “Bến sông trăng”. Thế nào là bến sông trăng? Phải chăng là sông ngân trong truyền thuyết với vầng trăng lững lờ? Hay đó thật ra chính là một dòng sông trong kí ức nơi ánh trăng chiếu những vầng sáng bàng bạc trầm mặc của mình như dát lên mặt sông một lớp bạc kì ảo? Dù thế nào hình ảnh bến sông trăng cũng mang một vẻ đẹp kì ảo, một vẻ đẹp huyền bí, một vẻ đẹp diễm lễ.
- Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” chỉ sử dụng duy nhất một từ Hán Việt, đó là từ “nhân ảnh” trong câu thơ “ở đây sương khói mờ nhân ảnh”, đây là cách sử dụng từ mang dụng ý nghệ thuật. Tác dụng của từ Hán Việt đó là gợi một bầu không khí trang trọng, bầu không khí cổ xưa. Nét trang trọng cổ xưa này mà từ “nhân ảnh” mang lại khiến cho cõi “sương khói” trong thơ ngoài nét mờ ảo huyễn hoặc vốn có còn có thêm vẻ trầm mặc u tịch, làm nên sức ám ảnh cho câu thơ.
EmoticonEmoticon