KAWABATA YASUNARI
(1899-1972)
Sinh trưởng tại ngoại ô thành phố Osaka, đến tuổi mười sáu, Kawabata đã cho ra mắt tác phẩm đầu tay Nhật ký tuổi mười sáu (Juro Kusaino Nikki). Tác phẩm báo hiệu một tài năng mới mẻ đầy triển vọng của nước Nhật Bản. Năm 21 tuổi Kawabata cùng bạn bè sinh viên trường đại học Tổng hợp Tokyo sáng lập tạp chí Trào lưu mới (Sintio). Truyện ngắn đầu tay Lễ chiêu hồn của Kawabata đăng trên tạp chí này.
Nhiều người sành văn chương đã khen ngợi truyện ngắn của Kawabata khiến từ đó ông say mê văn chương thôi hẳn cái mộng làm hoạ sĩ. Ông tìm đọc tác phẩm của nhiều nhà văn nổi tiếng phương Tây và phương Đông. Tác phẩm của các nhà văn Marcel Prust, James Joyce, A. Shekhov, L. Tolstoi... đã gây nhiều hứng thú cho ông.
Năm 1923 ông được mời làm trong ban biên tập của tạp chí Văn nghệ xuân thu ( Bungei Shunziu) do nhà văn Kikuchia Kan sáng lập, đồng thời cùng nhà văn Yokomitsu thành lập tạp chí Văn nghệ thời đại ( Bungei Jidai ).
Kawabata chuyên tâm sáng tác văn học bên cạnh công việc biên tập viên. Năm 1948 ông được bầu làm chủ tịch Hội văn bút (Pen Club) Nhật bản. Lúc này các trào lưu văn học phương Tây với khuynh hướng hiện đại đua nhau tràn vào nước Nhật. Thoạt đầu ông cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng của các khuynh hướng đó. ka sáng tác theo chủ nghĩa duy cảm mới nhưng ngòi bút của ông không bị cám dỗ bởi vẻ hào nhoáng, tân kỳ, quái đản và phi lý của một số khuynh hướng “hiện đại” Tây Âu. Ông không xa rời tính độc lập dân tộc và hình thành bản lĩnh của mình, chủ trương giữ gìn di sản văn học và truyền thống mĩ học dân tộc. Ông nói: “bị lôi cuốn bởi những trào lưu hiện đại phương Tây đôi lúc tôi cũng thử làm theo. Nhưng tôi phải giữ cái gốc rễ phương Đông của mình và không bao giờ rời bỏ con đường ấy”.
Những tác phẩm ưu tú của các nhà văn cổ điển Nhật đã ảnh hưởng sâu sắc đến tài năng của Kawabata. Nhà văn cho biết rằng truyện Genji monogatari của nữ sĩ Murasaki Sibiku (978-1044) kiệt tác của nền văn chương cổ đã tác động sâu sắc đến khiếu thẩm mĩ và ngôn từ nghệ thuật của ông. Ông viết : “Trong các monogatari, Genzi là thiên truyện không ai có thể vượt qua được kể cả trước và sau đó. Không có tác phẩm nào thấm sâu vào lòng người đến thế, không có tác phẩm nào biết thể hiện vẻ đẹp u buồn của sự vật một cách sâu sắc và cảm động đến thế. Nhiều tác giả sau này cố bắt chước Genji nhưng vẫn thua xa. Không phải bàn cãi nữa, bút pháp Genji là vô song. Phong cảnh đất nước Nhật với sắc trời thay đổi bốn mùa xuân hạ thu đông, hình ảnh những người và phụ nữ Nhật sinh động mà rõ nét như bằng xương bằng thịt ”.
Genji không chỉ là được coi là “sách giáo khoa sáng tác” cho Kawabata mà còn nhiều nhà văn khác nữa.
Kawabata còn biết kết hợp những khái niệm mĩ học và triết học Nhật bản chặt chẽ và sinh động. Ông rút ra những nét đặc sắc của truyền thống văn hoá dân tộc với những khám phá sáng tạo của mình.
Đọc tiểu thuyết của Kawabata, giới phê bình đều cảm nhận thấy thi pháp tiểu thuyết Kawabata khá gần gũi với thi pháp thơ haiku. Chính Kawabata đã nói “tác phẩm của tôi thường được tả như là tác phẩm chân không”. Cái “chân không” đó là sự trống vắng thường xuất hiện trong haiku, trong tranh thuỷ mặc, trên sân khấu Noh, trong vườn đá tảng”.
Tiểu thuyết Vũ nữ Itzu (Itju no Odoriko)
Năm 1925 Kawabata cho ra đời tiểu thuyết ngắn đầu tiên là Vũ nữ Itzu.
Đây là tác phẩm tiêu biểu theo “chủ nghĩa duy cảm mới”. Bằng cảm xúc chân thực, ông miêu tả tinh tế vẻ đẹp của cô vũ nữ ông gặp trên hòn đảo Itju. Vẻ đẹp của thiếu nữ tuổi mười bảy trẻ trung đầy sức sống đang hoà lẫn trong nắng xuân bên con suối trong ngần, thanh khiết. Một bức tranh thiên nhiên tuyệt diệu khiến người lữ khách quyến luyến không muốn rời hòn đảo. Hình ảnh cô vũ nữ đọng mãi trong tâm trí ông. Về sau nhân vật này còn được tái hiện trong hai tiểu thuyết Hoa luân vũ khúc, Hồng đoàn ở Asakura.
Tiểu thuyết Xứ tuyết (Yuki guni)
Từ năm 1935 đến 1947, trong mười hai năm trời Kawabata miệt mài với Xứ tuyết. Tác phẩm được đăng tải nhiều kỳ trên Tạp chí Văn nghệ Xuân Thu.
Vẫn là chàng du khách xuất hiện trong Vũ nữ Itzu, lần này với tên là Shiamura.
Simamura đã đứng tuổi, có vợ con, sống ở thủ đô Tokyo, thỉnh thoảng một mình đi du lịch xứ tuyết miền Bắc, ngắm phong cảnh và tắm suối nước nóng. Ba lần trong ba mùa xuân thu đông khác nhau, anh đến vùng này và quen biết một cô du nữ tên là Komako. Komako chơi đàn samisen… Cô bước chân vào nghề geisha chuyên nghiệp để kiếm tiền trị bệnh lao cho Yukio, con trai của bà giáo dạy nhạc của cô. Lần thứ hai gặp lại, cô tỏ lòng yêu anh thực sự. Anh cũng say đắm không thể dời bỏ...Hai người tuy yêu nhau thắm thiết nhưng Komako sống trong nỗi khắc khoải, giày vò “chẳng biết anh ấy có thực sự yêu mình không ? ”. Còn anh ban đầu chỉ kết bạn giải khuây, sau bị tình yêu quyến rũ thực sự. Nhưng Simamura là người không có khả năng chia sẻ tình yêu lớn lao của Komako. Anh vốn là người nhẹ dạ và nông nổi, đam mê hết thứ này đến thứ khác.
Những ngày ở xứ tuyết, anh còn yêu thầm người con gái tên Yoko gặp trên một chuyến tàu đêm như một tình yêu lí tưởng chưa từng có. Yoko cũng là một geisha, cô cũng hết lòng chăm sóc Yukio con bà giáo. Yuko bị Komako ghen gét nhưng vẫn bình thản tận tụy với chàng trai xấu số cho đến khi anh chết… Lần sau gặp lại, Yoko xin anh mang theo cô về Tokyo, anh chần chừ… Gặp đám cháy,Yoko xông vào cứu người và hi sinh. Anh buồn chán bỏ lại Komako và xứ tuyết, trở về Tokyo trong thất vọng, hoang mang…
Trong Xứ Tuyết, vẻ đẹp của vũ đạo và âm nhạc dân tộc cũng được nhân vật Shimamura phóng đãng phiêu lưu phát hiện sau khi nghiên cứu nghệ thuật Phương Tây … Nhà văn còn miêu tả những vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên xứ tuyết với ngòi bút tỉ mỉ, tinh tế. Nhà văn đặc biệt miêu tả quan hệ rất phức tạp giữa hai cô gái geisha, Yuko hấp dẫn và bí ẩn trong mắt anh và càng ngày càng lộ rõ phẩm chất thánh thiện của cô, qua lần gặp đầu tiên trên xe lửa và lần gặp cuối cùng trong quán rượu trước khi cô chết…Nghệ thuật xây dựng nhân vật của Kawabata đã đạt đến mức độ tuyệt diệu…
Tiểu thuyết Ngàn cánh hạc (Sembazuru)
Tác phẩm được đăng báo đầu tiên năm 1949 và hai năm sau xuất bản thành sách. Câu chuyện bi thương xoay quanh những buổi trà đạo với bốn nhân vật chính.
Câu chuyện về trà đạo với những nghi thức khá cầu kì, những bình lọ chén tách cổ đan xen với những quan hệ chằng chịt của các nhân vật.
Cha của Kikuji trước kia đã trải qua những mối tình nhanh chóng với cô giáo trà đạo Kurimoto, rồi bà Ota. Trong một đêm Tokyo bị oanh tạc, ông cũng đã qua đêm với cô Fumiko con gái bà Ota dưới hầm trú ẩn.
Đến lượt mình, con ông là Kikuji cũng bị hút vào mối tình định mệnh với phu nhân Ota … rồi chàng cũng yêu Fumiko với một tình yêu trong sáng hơn...
Kikuji Mitani: chuyện kể từ cậu bé 11 tuổi đến nay là viên chức, độc thân, cha vừa mất được 4 năm.
Cha dan díu với Chikako, cô giáo dạy trà đạo, tặng cô cái tách trà sứ hiệu Oribe làm lưu niệm mối tình.
Mẹ buồn chán vì cha ngoại tình nhiều, bà đã chết trước ông.
Chikako Kurimoto bây giờ đang muốn quyến rũ Kikuji, nhưng lại tìm cách mối mai cô gái Yukiko Inamura cho anh.
Yukiko Inamura – thiếu nữ mang chiếc khăn màu hồng in ngàn cánh hạc trắng. Anh dửng dưng trước tình yêu của cô gái nhút nhát, rụt rè, lại khó chịu vì cô được người đàn bà đáng ghét Chikako có cái bớt xanh trên ngực giới thiệu…Trong khi chuyện trò, cô chỉ biết nói chuyện về người cha của anh mà anh không muốn nghe…
Bà Ota, chồng bà trước khi chết, giao lại bộ đồ sứ pha trà cho bà và cha Kikuji coi sóc.
Cha Kikuji lại dan díu với bà Ota. Cô Chikako ghen, từng rủ mẹ chàng cùng ghen.
Cô Fumiko, tâm trạng phức tạp. Đeo chiếc nhẫn cha Kikuji tặng một lần đưa tiễn ông về nhà sau trà đạo, trú đêm trong hầm tránh máy bay Mỹ, sáng mới về…
Fumiko biết mẹ có cảm tình với chàng, đến thuyết phục chàng đừng quan hệ với mẹ mình nữa. Nàng cũng nói thẳng với mẹ để can ngăn mẹ… Mẹ nàng đau khổ…Bà ngã bệnh, lần chót đến với chàng, xin ngủ lại. Hôm sau bà tự vẫn.
Sau tang mẹ, cô mời anh đến trà đạo, tặng anh chiếc bình shino 300 tuổi của mẹ vốn để đựng nước pha trà, nay cắm hoa. Anh mang về nhà. Cô lại cho anh một chiếc chén trà có vết son môi chùi không sạch của bà Ota.
Hai chiếc tách (chén) raku đen và đỏ (cha chàng và mẹ nàng từng uống chung) nay nàng mang ra để hai người con uống tiếp …
Chikako nói dối chàng rằng Fumiko đã lấy chồng. Chàng nghe Fumiko gọi điện thoại báo tin… Cô bán nhà đi chỗ khác sau khi gửi th cho chàng (tỏ tình)… Cô quay lại gặp chàng, lấy lại lá thư, xé bỏ. Hai người hút vào nhau như vô thức. Cô lại bỏ đi …
Một buổi uống trà, Fumiko mang ra cái chén karatsu kỉ vật của cha chàng. Đối ẩm như cha mẹ họ ngày xưa, giờ đến lượt họ. Nàng xin uống lần chót cái chén shino của mẹ … Nàng không kìm chế được tình yêu chàng…Họ ngã vào nhau… Sau đó nàng bảo “còn nhiều chén shino khác mới hơn mà !” rồi ném mạnh cái chén vào bể nước, chàng ngăn không kịp. Khuya, chàng ra vườn tìm, nhặt được 4 mảnh ghép lại, thiếu một mảnh nhỏ nơi miệng chén. Định đem chôn trong vừơn, sau lại gói giấy cất đi.…Nàng bỏ đi biệt tích. Kikuji tìm không được.
Rút cục, chỉ còn lại chàng và Chikako-người đàn bà chàng căm ghét nhưng không dứt ra được …
Cấu trúc
Truyện xoay quanh những buổi trà đạo tại túp lều trong khu vực đền Engakuji, tại nhà của họ.
Những chi tiết nổi bật:
1. Ngàn cánh hạc trắng trên nền khăn hồng: Ý nghĩa tượng trưng?
2. Vòm cây trong nắng chiều
3. Chiếc bình shino và những chén trà bằng sứ gốm cổ.
4. Thỏi sáp môi của mẹ nàng
5. Ngôi sao kép (ý nói “hai mẹ con Ota và Fumiko” )
6. Xây dựng những quan hệ từng đôi chằng chéo đấy ngụ ý, ẩn dụ…
Người đọc dễ có cảm giác về sự vô luân trong truyện này. Nhưng đặt nó vào hoàn cảnh tàn bạo của cuộc Chiến tranh thế giới thứ II thì chuyện Kawabata kể cũng chẳng khác nhiều so với những chuyện mà văn sĩ Phương Tây viết thời gian này. Câu chuyện cũng không xa lạ với truyền thống văn học Nhật Bản nếu chúng ta chưa quên Truyện Genji của Murasaki cách đây 10 thế kỉ. Dù sao, Ngàn cánh hạc đã đem lại cho người đọc một thế giới tranh tối tranh sáng giữa cái đẹp và cái xấu. Một bên là cô giáo Kurimoto nhỏ nhen đến độ ác độc với biểu tượng cái bớt đen to tướng trên ngực. Bên kia là phu nhân Ota đẹp đẽ, nồng nàn và giàu đức hi sinh, bà đã uống thuốc ngủ tự tử, vì mối tình tuyệt vọng hay vì hạnh phúc của đứa con gái ?
Đoạn kết – Trong đau khổ và tuyệt vọng, cô gái Fumico đập vỡ chén trà Shino có vết son môi của mẹ để lại. Chàng Kikuji, người yêu của cô, thu nhặt những mảnh vỡ cất đi vì đó là kỉ niệm mối tình của anh với mẹ nàng, cũng là kỉ niệm về người cha của anh Cha anh đã yêu mẹ nàng hồi xưa. Sau khi cha mất đi, anh bỗng yêu mẹ nàng không sao cưỡng được. Anh luôn luôn uống chén trà của người yêu cũ để lại. Nàng ghen ngay cả với người mẹ đã qua đời, quyết đập bỏ cái tách trà.
Đó là mối tình trầm luân, chằng chéo phản ánh sự giằng co giữa cái đẹp truyền thống và những cái mới trong tình yêu và trà đạo. Dù sao cái đẹp truyền thống đang mất dần. Tiểu thuyết là một thế giới đa tình và đa đoan. Tính dục được miêu tả không phải như sự hoan lạc thấp hèn mà như một đam mê và khổ nạn của con người. Khó phân biệt đó là cách nhìn của phân tâm học Freud hay là triết lý nhân sinh Phật giáo đại thừa.
Tiểu thuyết chủ yếu bàn về sự lựa chọn cái đẹp chứ không chỉ là “truyện tình”
Tiểu thuyết Cố đô ( Kyoto / Jing du )
Đăng lần đầu trên tờ nhật báo Asahi Shimbun năm 1961, in sách năm 1962. Kawabata bày tỏ nỗi lo âu về số phận của cái đẹp trước sức đe doạ của nền kinh tế hàng hoá với việc sản xuất hàng loạt và thói tiêu dùng trưởng giả, thẩm mĩ thấp kém của lớp thị dân hiện đại. Câu chuyện xoay quanh cửa hàng bán trang phục kimono của gia đình ông Takichiro:
Nàng Chieko – đứa con bị bỏ rơi, được ông bà Takichiro chủ cửa hàng kimono nuôi dưỡng như con. Nàng trở nên kiều diễm thông minh nhạy cảm như một tiểu thư quí tộc. Nhân dịp lễ hội, nàng nhận lại được cô em gái song sinh Naeko nay đang làm công cho một xưởng mộc ở một vùng núi xa. Nàng muốn chị em đoàn tụ ở ngôi nhà ông bà Tachikiro. Ông Tachikiro cưng chiều Chieko đến mức ông lên một ni viện (gồm toàn nữ tu) nửa tháng trời để chép lại những hoa văn truyền thống Nhật bản, kết hợp với hội hoạ của Paul Klee, Matisse Chagall (các hoạ sĩ đương đại Tây Âu) rồi vẽ kiểu một chiếc đai lưng cho Chieko. Đem về ông thuê anh thợ dệt tài năng trẻ Hideo dệt cho nàng một chiếc. Hideo thầm yêu Chieko nhưng nghĩ mình không tương xứng với cô gái quí tộc thành thị, anh quay ra yêu Naeko vẻ ngoài giống chị nhưng tính nết trong sáng giản dị giàu đức vị tha (vẫn là tình yêu cô chị nhưng tạm bằng lòng với cô em). Anh khen bản vẽ của ông Tachikiro đẹp nhưng chê thiếu sự hài hòa và hơi ấm của tâm hồn, lại chứa đựng vẻ bệnh hoạn và bất ổn. Tachikiro tức giận ném bản thảo xuống sông... Hideo mang hết tình cảm say đắm nàng ra dệt chiếc đai lưng tuyệt tác... Nhưng cô em Naeko, sau một đêm tâm sự chị em, cô nghĩ không thể sống với chị trong cảnh giàu sang và xa lạ. Chị em bùi ngùi chia tay nhau vào buổi sớm tuyết bắt đầu tan trên cố đô Kyoto … Cuối cùng,Tachikiro phải bán nhà vì công ty hàng dệt tay ế ẩm do bị nền cơ khí đại công nghiệp dệt bằng máy chèn ép. Bên cạnh đó, những vẻ đẹp của thiên nhiên cũng đang chết dần, Kyoto đang có nguy cơ trở thành một khu công nghiệp, một khách sạn khổng lồ với ô nhiễm khói bụi và lạnh lùng của bê tông sắt thép.
Tương lai thuộc về những người như Hideo và Chieko phục hưng để phục hồi kimono…
Tiểu thuyết Người đẹp say ngủ
Kawabata viết năm 1969. Nhà văn G.G, Marquez nồng nhiệt đánh giá cao và coi truyện ngắn này là kiệt tác của văn học thế giới, ông nói rằng chỉ khi đọc truyện này ông mới chú ý đến nền văn học Nhật bản.
Đô thị Nhật có một số lầu xanh độc đáo, kín đáo. Những thiếu nữ trẻ đẹp, khỏa thân được uống thuốc ngủ trước khi khách vào phòng. Khách thường là những ông già tư sản có thể trả những khoản tiền lớn (còn giữ tiền để làm gì nữa !) chỉ để ngắm nhìn và âu yếm suốt đêm người con gái trẻ dưới hai mươi tuổi trên cùng một chiếc giường. Họ không đánh thức thiếu nữ dậy, không thử làm điều gì đó phá trinh tiết cô gái. Họ chỉ muốn ngắm người đẹp ngủ …với tâm trạng tâm thế khá phức tạp. Ông lão Eguchi đã 67 tuổi xuân, một lần tìm đến vì tò mò, trong căn phòng ánh sáng mờ ảo hắt ra từ tấm màn nhung đỏ thắm khiến thiếu nữ trở nên huyền ảo như trong mộng. Trái tim ông tê dại đi một chút trước người đẹp như đã sẵn sàng dâng hiến. Ông hôn lén nàng. Nàng không tránh mà cũng không cảm nhận, ông cảm thấy một khoảng không trống rỗng và tăm tối xâm chiếm đầu óc mình...
Đêm thứ ba, ông lão Eguchi nằm giữa hai cô gái. Một cô hoang dã, ngăm đen, da cứng dày, mồ hôi nhớp nháp và cô kia trắng nõn mềm mại thơm tho. Ông bị thu hút về phía cô-hoang-dã, ông cảm thấy nguồn sinh khí huyền diệu, hiện thân của sự sống. Ông thầm kêu lên «người đàn bà cuối cùng của đời ta! » và ông liên tưởng đến người đàn bà đầu tiên. Bầu vú thanh xuân trong tay ông báo hiệu một viễn cảnh: khi ông chết đi, dòng đời vẫn tiếp tục chảy trong một mạch máu khác. Nhan sắc của thiếu nữ những đêm trước càng tô đậm thêm nỗi buồn khổ lạnh lẽo của tuổi già. Cái đẹp vô thường gây nỗi cô đơn và niềm bi cảm khi ông nằm giữa hai người đẹp. Lão Eguchi chợt tỉnh giữa đêm, cô hoang dã đã chết (có lẽ dùng thuốc quá liều), người ta kéo lê cô đi… (Thế là hai người đã chết ở đây một thiếu nữ và một ông già tư sản tên Phukura)… Ông vẫn có thể ở lại trên giường với cô kia. Thân thể cô bỗng nhiên đẹp một cách rực rỡ khiến ông hoa cả mắt … nhưng lại làm ông tỉnh hẳn ra khỏi cơn mộng. Ông già Eguchi uống thêm thuốc ngủ mà vẫn không sao ngủ được…
«Người đẹp say ngủ» cho ta thấy quan niệm sống mơ hồ lẫn lộn trong cảm hứng sa đọa. Tác phẩm cho thấy sự mất phương hướng trong lối sống. Nhà văn cũng tổ cáo tội lỗi của những kẻ buôn người, nạn nhân thê thảm vẫn là phụ nữ.Nhà văn nêu lên quan niệm rằng cái đẹp không chỉ nằm trong xác thịt. Nếu khách chỉ biết đến nhục dục thì cô gái kia chẳng khác gì “người đẹp say ngủ” vậy thôi.
Truyện ngắn “THỦY NGUYỆT” (Trăng trong nước)
Nghệ thuật của Kawabata có thể so sánh với chiếc gương phản chiếu cái đẹp, nói cách khác, đặc điểm nghệ thuật của ông là “thẩm mĩ của chiếc gương soi”.
Hình ảnh cái gương xuất hiện thường xuyên trong văn của Kawabata, đặc biệt trong Xứ tuyết và Thuỷ nguyệt.
Trong Xứ tuyết, hình ảnh chiếc gương soi xuất hiện nhiều lần, từ con mắt thiếu nữ đến núi đồi, sương tuyết, mặt trời đến cái cửa kính toa tàu –nơi chàng Shimamura đang ngồi. Đang mơ mộng, chàng chợt thấy trong gương một con mắt “Con mắt người con gái hiện lên chập chờn trước mặt làm chàng suýt kêu lên vì kinh ngạc, đó chỉ là người con gái ngồi phía bên kia in hình qua... Hơi nước đọng làm tấm gương mờ đục cho đến khi chàng vạch một lằn ngang. Trong chiều sâu của tấm gương, phong cảnh buổi tối đằng xa lần lượt kéo qua như một đáy gương di động, một vũ trụ kì ảo và duy nhất... Còn đây là hình ảnh Komako trong gương dưới mắt chàng Shimamura“ Màu trắng mà chàng đã thấy trong gương chính là màu tuyết, và lơ lửng ở giữa là màu đỏ rực của đôi má người đàn bà...
Trong truyện ngắn Thuỷ nguyệt, nhân vật nữ Kyoko khéo nghĩ ra cách dùng gương soi giúp chồng nằm trên giường bệnh có thể ngắm nàng và hoà mình vào thế giới bên ngoài. Nhờ đó chính nàng cũng khám phá ra một thế giới mới trong gương soi :
“ Kyoko vô cùng kinh ngạc về cái phong phú của thế giới trong gương... ”
- Bầu trời ánh bạc trong gương, Kyoko nói. Rồi nhìn vọng qua cửa sổ nàng tiếp – mà bầu trời thật thì xam xám.
- Bầu trời trong gương thì thiếu hẳn màu xám chì và vẻ nặng nề bên ngoài. Trời trong gương sáng chói...
- - Đúng rồi, trời xám đục. Nhưng mà màu trời không nhất thiết phải giống nhau qua mắt của chó, của chim hay của người. Ta không bao giờ nhìn đúng màu thật cả.
- Có phải những gì ta nhìn thấy trong gương là do mắt của gương không anh ?
Kyoko muốn gọi tấm gương là con mắt tình yêu của họ. Cây lá trong gương tươi xanh hơn cây lá thật và những cành huệ trắng trong hơn. ”
Kyoko cùng chồng thường nhìn ngắm ánh trăng trong gương, cái ánh trăng soi bóng trong vũng nước mưa ở dưới nhà. Cái gương soi cái bóng của trăng chứ không phải chính ánh trăng, bóng của bóng ở trong gương. Nhà văn muốn bàn về cái phù ảo của thế giới qua những cái bóng trong nước và bóng trong gương vậy.
Con người không thể tự nhìn thấy được gương mặt của mình... Tại sao thượng đế tạo nên gương mặt của con người bằng cách không cho họ tự nhìn thấy mặt mình ?
Hai đoạn trích trên thể hiện khá rõ tư tưởng nghệ thuật của Kawabata, rằng thế giới trong gương hay trong nghệ thuật tuy ảo nhưng lại rất thực và rất đẹp, rằng con người không thể nhìn thấy mặt mình nếu thiếu những chiếc gương soi. Và gương không chỉ là gương mà còn là trái tim, là tình yêu nữa. Truyện ngắn Thuỷ nguyệt của Kawabata bên cạnh chủ đề chính của nó đã mang sứ mệnh biểu tượng tuyên ngôn cho thi pháp Kawabata.
Con người và thiên nhiên trong Kawabata làm chiếc gương soi chiếu lẫn cho nhau
Văn chương Kawabata là cuộc hành hương đi tìm cái đẹp và sự cảnh báo về nguy cơ diệt vong của nó. Nhưng đó là những vẻ đẹp hiện đại nảy sinh từ truyền thống dân tộc. Do đó nhà văn không phải là người bảo thủ hoài cổ. Nghệ thuật văn chương của ông kết hợp cả phương Đông và phương Tây. Trong buổi lễ nhận giải Nobel, ông còn tranh thủ đọc bài luận văn bằng tiếng Anh : Japan, the Beautiful and Myself trong đó ông thuyết minh về cái đẹp sâu lắng trong văn hóa Nhật bản, tâm trạng người Nhật và những nỗi ưu tư của người nghệ sĩ hiện đại trong sáng tác.
EmoticonEmoticon