Như vậy, có thể thấy rằng, sự tồn tại của ca dao dân ca trong đời sống ngày hôm nay vẫn đóng một vai trò nhất định. Ca dao dân ca góp mặt trong trong nhiều hoạt động của đời sống, từ khúc hát ru dịu dàng tha thiết bên cánh nôi tuổi thơ đến những thi thức cổ truyền trang nghiêm, thiêng liêng. Với nghệ thuật, ca dao dân ca trở thành mạch nguồn cảm hứng dồi dào, trở thành dòng sông bồi đắp màu mỡ cho mảnh đất mang tên nghệ thuật, đó là một nguồn chất liệu sáng tạo phong phú và đắt giá cho sáng tạo nghệ thuật. Ca dao dân ca còn mở cho chúng ta một cánh cổng khám phá quá khứ, tìm hiểu những khía cạnh khác nhau của lịch sử cũng như hiểu được đời sống tâm tư, tình cảm của ông cha ta ngày trước, đó là một cầu nối gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, nhắc nhở người thời nay không quên đi nguồn cội của mình, cũng như giúp con người thời nay từ chuyện quá khứ mà rút ra những hành trang kinh nghiệm cần thiết để bước vào tương lai. Vai trò ấy quả thật rất quan trọng và không thể thay thế, nhưng vấn đề cần quan tâm là, tại sao sự tồn tại của ca dao dân ca lại có thể chiếm một vị trí quan trọng như vậy trong đời sống hôm nay?
Sở dĩ ca dao dân ca có một vai trò quan trọng như vậy trong các khía cạnh của cuộc sống bởi vì bản thân ca dao dân ca nội tại một sức hấp dẫn rất riêng, rất mãnh liệt. Trước hết là sức hấp dẫn về nội dung. Nội dung ca dao dân ca rất phong phú và đa dạng, đã thể hiện hết những chức năng cơ bản của văn chương như chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ. Ca dao dân ca giúp con người nhận thức về thiên nhiên, về lịch sử, phong tục, về đời sống tâm tư tình cảm của bản thân mình. Ca dao dân ca dạy tác động và tình cảm, hướng con người đến những lối sống tốt đẹp, con đường mang đạo đức đến với con người của ca dao là con đường của cảm xúc, của trái tim, nên chức năng giáo dục của ca dao dân ca rất sâu sắc và thấm thía, cũng rất hấp dẫn, du dương. Ca dao dân ca mang đến cho con người những khoái cảm thẩm mỹ, cho con người niềm vui khi tìm thấy cái đẹp của đời sống, cái đẹp của tình cảm, qua ca dao dân ca, con người thấy mình đẹp hơn, và cũng chính đặc tính thẩm mỹ ấy góp phần khơi dậy khả năng sáng tạo cái đẹp trong mỗi con người.
Về mặt nghệ thuật, hình thức nghệ thuật của ca dao, qua thời gian, là thứ ngôn ngữ bình dân đã được trau chuốt đến độ tinh luyện. Thứ ngôn ngữ ấy mạnh mẽ đến độ, chẳng những nó đủ sức gắn kết cùng nội dung đã sinh ra nó, mà nó còn có thể trở thành nguồn chất liệu phong phú truyền tải những tâm tư, tình cảm của con người hiện đại. Thi pháp dân gian, do vậy, trong sáng tác hiện đại vẫn được sử dụng ở một khía cạnh nào đó. Các thể thơ, các kết cấu đối đáp, các hình tượng mang tính công thức, các cách nói, cách ví von, các biện pháp tu từ… của ca dao vẫn có sức sống lâu bền và mãnh liệt, trong thời đại ngày nay vẫn có thể trở thành hình hài của cảm xúc thơ hiện đại, chắp cánh cho thơ hiện đại bay cao và chạm được vào trái tim bạn đọc.
Sức hấp dẫn của ca dao dân ca còn thể hiện ở những hình thức diễn xướng của nó, những làn điệu nhạc, những điệu múa, những lệ hội… tất cả điều đó đã làm nên một không gian văn hóa nghệ thuật mang đậm tính dân tộc, trở thành một phần quen thuộc trong tâm hồn mỗi người Việt Nam, hấp dẫn cả bạn bè quốc tế đến tham quan, khám phá, thưởng thức.
C |
hính sức hấp dẫn của ca dao làm nên sự tồn tại của ca dao trong cuộc sống hôm nay, nhưng ta cũng phải thấy rằng, so với thời xưa, trong cuộc sống hôm nay, sự tồn tại ấy cũng đã thay đổi rất nhiều, và vai trò của ca dao dân ca trong cuộc sống hiện tại đang dần mờ nhạt hơn trước, nói một cách khác, thời hoàng kim của ca dao dân ca đang ngày một xa dần và lùi vào quá khứ. Về mảng ca dao dân ca lao động, trong quá khứ, các hoạt động lao động từ cấy lúa, đánh cá đến thèo thuyền, giã gạo đều được thực hiện cùng với các khúc hát lao động như hò cấy lúa, hò đánh cá, hò chèo thuyền, hò giã gạo… nhưng đến nay các khúc hát ấy chỉ còn mang tính chất biểu diễn nghệ thuật, người hiện đại không còn hò hát khi lao động. Các bài ca dao về kinh nghiệm, các bài ca nghề nghiệp đến nay cũng chỉ tồn tại như những tác phẩm nghệ thuật, các kinh nghiệm đó chỉ còn mang tinh chất tham khảo, nhường chỗ cho các tri thức cụ thể của khoa học kĩ thuật hiện đại.
Về mảng dân ca nghi lễ, do đặc thù của nhiều bài ca và đặc điểm của đời sống hiện đại, đến nay nhiều nghi lễ đã mất đi, kèm theo đó là sự biến mất của nhiều bài ca dao, dân ca. Một vài nghi lễ như nghi lễ cưới hỏi, nghi lễ đưa tang… đến nay cũng đã có những hình thức khác, không còn sử dụng những bài dân ca nghi lễ như xưa nữa. Những bài dân ca đó đến nay, chỉ còn là hình ảnh của một thời đã qua, ghi chép lại trong sách vở.
Những thay đổi rõ nhất về sự tồn tại của ca dao dân ca trong đời sống xưa và nay, có thể thấy được trong mảng ca dao dân ca về sinh hoạt đời sống. Thời xưa con người hát dân ca trong mọi hoạt động. Họ hát giao duyên, họ hát để làm quen, hát để trêu ghẹo nhau, hát để trách móc, hát để mở đầu câu chuyện, trẻ em thì hát đồng dao trong những trò chơi, người mẹ, người chị, người bà thì hát con, ru em… Thời nay trong hoạt động đời sống dân ca trở nên vắng bóng, người ta không còn ca hát nhiều trong sinh hoạt đời sống nữa. Trong cuộc sống hiện nay sự tồn tại của ca dao dân ca chỉ dễ bắt gặp ở những bài hát ru, còn các trường hợp khác, nếu có, cũng rất hiếm hoi. Nhưng ngay cả những bài hát ru ấy cũng đang ở tình trạng dần dần mờ nhạt.
Sự thay đổi ấy bắt nguồn từ những nguyên nhất rất khách quan. Thứ nhất, nguyên nhân là do sự thay đổi của thời đại, hoàn cảnh xã hội, lịch sử. Thời đại nào tiếng nói ấy, tính cách nào giọng điệu ấy, hoàn cảnh lích sử thời đại thay đổi sẽ dẫn tới những quan niệm về văn hóa cũng như nhu cầu sinh hoạt văn hóa nghệ thuật thay đổi. Thị hiếu nghệ thuật của công chúng thay đổi sẽ dẫn đến sự xuất hiện của các thể loại văn học mới, phù hợp với nhu cầu của thời đại mới, cũng đồng nghĩa với việc vai trò của ca dao dân ca trong đời sống hiện đại ngày càng trở nên mờ nhạt. Mặt khác, với nhu cầu mở rộng giao lưu văn hóa của thời đại hôm nay, cùng với sự giao thoa văn hóa và sự phát triển của các ngành nghệ thuật đương đại du nhập từ nước ngoài, thị hiếu thẩm mỹ cũng dần dần thay đổi và ca dao dân ca cũng phải nhường lại một phần đất của mình cho các ngành nghệ thuật khác. Sự khách quan ấy cũng đến từ đặc điểm diễn xướng của một số bài hát dân ca, khiến việc sưu tầm và giữ gìn chúng trở nên khó khăn, cũng dần mất đi.
Nhưng cũng có những nguyên nhân rất chủ quan, nguyên nhân từ quan niệm và lối sống của chúng ta. Tính cách sùng ngoại, bài nội, mù quáng chạy theo văn hóa ngoại nhập mà hoàn toàn phủ nhận, quên đi nét đẹp văn hóa dân tộc chính là nguyên nhân khiến giới trẻ bỏ quên ca dao dân ca. Trong bối cảnh hiện đại, điều cần nhất vẫn là có sự học hỏi có chọn lọc và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, cần mở rộng tâm hồn mình để đón nhận cái mới, nhưng cũng cần một phần tâm hồn đóng kín để gìn giữ những gì là trong sáng nhất, hồn nhiên nhất, những khúc hát ca dao dân ca, những khúc hát ru thời thơ ấu.
Sự tồn tại có phần mờ nhạt của ca dao dân ca trong đời sống hôm nay so với trước kia đã đặt ra cho chúng ta vấn đề bảo tồn và gìn giữ vốn có dân tộc. Làm thế nào để những bài hát dân ca còn sống mãi, những nét đẹp truyền thống còn được lưu truyền mãi đến mai sau? Vì sự dần dần mất đi của dân ca vừa có nguyên nhân khách quan vừa có nguyên nhân chủ quan, sự biến mất của nó, một phần chính là sự sàng lọc khách quan, khắc nghiệt nhưng rất công bằng của thời gian, mặt khác, sự mất đi ấy lại ở lỗi của chính chúng ta. Nếu thời gian có trách nhiệm sàng lọc những gì chưa thật sự hoàn thiện, chưa thật sự đáng giá, thì nhiệm vụ của chúng ta là phải giữ lại những điều gì tốt đẹp và đáng giá, bởi nếu chúng ta không biết giữ gìn và trân trọng, thì dù thời gian không sàng lọc, những giá trị ấy cũng sẽ dần mất đi. Ngoài việc sưu tầm, gìn giữ và lưu truyền những bài ca dao dân ca, thì việc cần làm khác là, làm thế nào để giới trẻ yêu thích ca dao dân ca, hay nói khác đi, làm thế nào để sức hấp dẫn của ca dao dân ca đến gần hơn với giới trẻ?
Chúng ta cần những cách thức đặc biệt, những cách thức riêng để đưa ca dao dân ca đến gần hơn với mọi người. Có thể lấy câu chuyện về bài dân ca Scarborough fair của Anh để làm ví dụ. Bài hát "Scarborough Fair" là một bài hát dân ca xuất xứ từ Anh Quốc, thời Trung Cổ . Scarborough là một thành phố nằm ven bờ biển nước Anh, là hải cảng mà các thương gia, thuyền bè thời đó dùng làm nơi trao đổi hàng hóa, thương mại .Thành phố thành lập từ một ngàn năm trước đây, khi chúa tể Viking Skartha, quyết định lưu lại lâu dài tại Scarborough, biến hải cảng này trở thành một thương cảng quan trọng trong vùng Tây Bắc Anh Quốc. Người ta bắt đầu nghe bài hát Scarborough Fair qua những người hát dạo thời xưa, thường được gọi là bard hay shapers, khi họ di chuyển từ làng mạc này qua thành phố nọ, mỗi nơi lời và cách hòa âm có thay đổi đôi chút . Sau này không còn biết tác giả là ai . Hiện nay tại Anh quốc có nhiều lời hơi khác nhau, cho bản hát cùng mang tên "Scarborough Fair", và có cùng nốt nhạc. Như vậy khởi điểm từ một bài dân ca, Scarborough fair đã dần lột xác để gần gũi với từng thời kì lịch sử, nhưng vẫn giữ được những nét đặc sắc riêng của nó. Tuy vậy, sự nổi tiếng và thành công của bài hát trên toàn thế giới, chỉ có được vào năm 1966, khi Paul Simon thu âm bài hát và phát hành đĩa của mình trên thế giới. Bài hát đã trở thành một hiện tượng, và cho đến nay sức hấp dẫn của nó vẫn được biết đến toàn thế giới.
Sự thành công trong việc gìn giữ bài ca dao Scarborough fair có thể là một gợi ý cho chúng ta về cách đưa ca dao dân ca đến gần hơn với giới trẻ. Bản thân mỗi bài ca dao dân đều có sức sống nội tại và sức hấp dẫn riêng, nhưng làm thế nào để có thể làm cho người trẻ cảm nhận được sức hấp dẫn ấy. Các sáng tác âm nhạc theo phong cách dân gian đương đại, các sáng tác văn học hay các sáng tác nghệ thuật khác sử dụng chất liệu dân gian có thể là một giải pháp để đưa ca dao dân ca gần hơn với giới trẻ. Các chất liệu dân gian được vận dụng một cách ấn tượng và đầy xúc cảm sẽ tác động mạnh vào tình cảm của người tiếp nhận, sự ấn tượng ban đầu ấy sẽ thôi thúc họ tìm về với nguồn gốc của các chất liệu đân gian mà họ đã được thưởng thức. Như vậy, thông qua tác phẩm nghệ thuật đương đại, ca dao dân ca đã gián tiếp đến gần hơn với công chúng, với giới trẻ.
Tuy nhiên, các sáng tác đương đại không thể thay thế ca dao dân ca, không thể phủ định hoàn toàn ca dao dân ca. Vì ca dao dân ca, bản thân nó có những thứ mà tác phẩm đương đại không có, có những giá trị đang giá mà chỉ khi ta ở môi trường diễn xướng, chỉ khi ta được thưởng thức ca dao dân ca đúng nghĩa của nó, ta mới cảm nhận được. Chính vì vậy, các sáng tác hiện đại và ca dao dân ca có mối quan hệ rất chặt chẽ, thống nhất như không đồng nhất. Chất liệu ca dao dân ca làm sáng tác hiện đại, khiến các sáng tác hiện đại hay hơn, xúc cảm hơn, các sáng tác hiện đại giúp ca dao dân ca đến gần hơn với công chúng, giới trẻ. Dẫu vậy ta không thể lấy cái này mà thay thế cái kia được, và tất cả, nếu là chân giá trị, thì đều cần được gìn giữ. Mặt khác, cũng cần tỉnh táo để việc sử dụng chất liệu ca dao dân ca vào sáng tác không trở thành sự xuyên tạc, hủy hoại ca dao dân ca, cần có một cái nhìn rõ ràng và tách biệt giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật, giữa cái đẹp thật sự và những cái giả tạo, vô bổ.
Nhiệm vụ của chúng ta, những người làm nghề sư phạm, trong việc đưa ca dao dân ca đến gần hơn với mọi người chính là nhiệm vụ định hướng và làm cho mọi người hiểu được cái hay, cái đẹp của ca dao dân ca. Công việc ấy bắt đầu từ chính bản thân mình, phải hiểu và thấy được cái hay cái đẹp của ca dao dân ca, ta mới có thể truyền đạt những điều ấy cho học sinh của mình, với hy vọng rằng học sinh của chúng ta sẽ nhân rộng sự hiểu biết ấy hơn nữa.
“Lạ lùng thay nhân dân thông minh
Không hề lừa ta dù ca dao cổ tích
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời”
(Chế Lan Viên)
Không hề lừa ta dù ca dao cổ tích
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời”
(Chế Lan Viên)
B |
EmoticonEmoticon