TIỄN DẶN NGƯỜI YÊU: SỐ PHẬN ĐAU THƯƠNG CỦA CON NGƯỜI VÀ TIẾNG NÓI TỐ CÁO XÃ HỘI MẠNH MẼ




Lòng yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo chính là sơi chỉ đỏ xuyên suốt của văn học Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại, dù là văn học truyền miệng hay văn học chữ viết, dù là văn học của bất kì dân tộc nào, vùng miền nào, thì tiếng nói cảm thông cho thân phận con người luôn vang lên đầy thấu hiểu, đầy xót thương. Truyện thơ “Xống chụ xon xao” cũng không ngoại lệ. Qua truyện thơ, ta có thể cảm nhận được nỗi đau tột cùng cả về tinh thần và thể xác của hai nhân vật chính – những nạn nhân của các hủ tục khắt khe của xã hội, bị tước đoạt tình yêu, người bị coi thường, khinh rẻ, người bị đem rao bán như một món hàng.

Còn gì đau đớn hơn khi mối lương duyên tưởng như được định sẵn khi cả hai còn là những bào thai, nay đã bị chia cắt bởi “cha mẹ ham giàu ép uổng duyên con”, người em yêu bị cha mẹ ép gả cho người khác. Khi cô gái còn đi làm lụng trên nương với bao yêu thương trân trọng dành cho các thành viên trong gia đình, thì nghiệt ngã thay, ở nhà, cô đã trở thành vật bị cả gia đình đem gả bán. “Bước chân về bản thấy lạ sao”, và đó  cũng là điểm khởi đầu của bi kịch bị ép duyên cùng những nỗi đớn đau, sợ hãi, quay quắt, tuyệt vọng trước mối lương duyên bị tước đoạt và trước những định kiến khắt khe vô cảm không thể chuyển dời.
 
Gia đình là tổ ấm – là nơi mỗi con người tìm về ngơi nghỉ sau những cực nhọc gian lao của một ngày làm việc vất vả. Nhưng thật đau đớn thay, với em yêu, gia đình lại là nơi chứa đựng nỗi đau, chứa đựng một “bản án vắng mặt” tước đi tương lai, hạnh phúc của cô. Giọng tự sự chân thật, mộc mạc nhưng đau đớn, xót xa. Từng hình ảnh, từng tình tiết hiện lên rất thực, thực và thản nhiên đến đau lòng. Cái thản nhiên đó chính là sự câm lặng của những món đồ vô tri vô giác:
“ Em thấy gói dong chen gói cá
Gói dong kín, gói gà
Gói trầu không bắt chéo
Gói dong dày, gói xôi
Và thuốc lào khô gói bằng lá đề”

Đồ vật không có tiếng nói. Nhưng chính con người đã gán cho chúng những ẩn ý , có lúc những ẩn ý đó là sợi dây trói buộc số phận con người, phá hủy hạnh phúc và là vật đưa đường cho những khổ nhọc đớn đau. Của cải ê hề, giá trị nằm chen chúc đầy đủ. Nhưng ai có ngờ rằng những thứ của cải càng ê hề bao nhiêu thì tình cảnh con người lại càng ê chề bấy nhiêu. Như hiểu được ẩn ý đầy đau đớn từ những món vật chất tự nhiên có, với một nỗi lo lắng mơ hồ dần xâm chiếm, người con gái cất tiếng hỏi:

Xá Núi Chíp mang bán?
Người Xá Xăm Cầm đem đổi phải không?

Hỏi đấy. Nhưng hỏi đâu phải để biết, để tìm sự thật. Bởi ngay ở cái cách hỏi đã cho thấy tâm trạng của nhân vật. Nếu như hỏi để biết, có lẽ cô sẽ hỏi rằng: “Ai mang những món đồ này tới đây?” Nhưng ở đây câu hỏi lạ là: “ Xà núi chíp mang bán?”, “ Người Xá Xăm Cầm đem đổi?”. Câu hỏi ở đây có lẽ chỉ như những lời tự an ủi mình, như những lời tự huyễn hoặc mình về một sự thật nào đó khác với sự thật bời bời đang diễn ra cho cuộc đời của cô. Cô hỏi, nhưng không phải hỏi để mong chờ người được hỏi trả lời sự thật, mà có lẽ cô mong đợi một câu trả lời với sự thật khác đi như một phép màu hy hữu nào đó xảy ra cho cuộc đời cô, cứu vớt cô khỏi nỗi đau đang trực chờ.Nhưng thật bất hạnh cho cô, sự thật vẫn là sự thật, dù có trớ trêu đau đớn đến nhường nào:

Mẹ yêu em đáp:
- Người Xá Núi Chíp không mang tới bán
Người Xá Xăm Cầm không mang tới đổi
Đây gói trầu nhỏ người mang tới gửi
Gói cau con tới dạm
Dây trầu không ràng cuốn tình con
Con mẹ có chồng đừng làm nũng
Đẹp lứa đôi đừng vòi quấy mẹ hiền.
Gói trầu tượng trưng cho hôn nhân. Gói cau tượng trưng cho cưới gả. Những thứ lễ vật mang ý nghĩa truyền thống ấy ai mà không biết. Và những ý nghĩa truyền thống nói lên sự thật. Một sự thật đau đớn xé lòng. Chẳng phải người núi Chíp mang tới bán. Cũng chẳng người Xá Xăm Cầm mang tới đổi. Mà chúng là vật người ta mang đến dạm hỏi để cưới cô về. Đau đớn thay hình ảnh trầu cau tốt đẹp thiêng liêng cho tình yêu chung thủy giờ đây lại như sợi dây oan trói buộc cuộc đời, tình duyên của một người con gái lương thiện nhưng vô cùng bất hạnh. Cái bất hạnh ở đây là cái bất hạnh của một con người câm lặng bất lực trước một “ bản án tử hình vắng mặt” tuyên lúc mình không hay, không biết, tuyên lúc mình không thể cất lên, dù chỉ một tiếng nhỏ nhất của lời thanh minh thống thiết cho số phận của mình. Bản án ấy đặt nặng lên vai cô, giày vò tương lai cô, và thật đớn đau, thứ bản án nghiệt ngã hủy hoại hạnh phúc con người kia tuyên ngay khi cô còn vất vả ngoài nương, say mê với từng bó củi, góp nhặt tình yêu sâu đậm, niềm thương kính vô bờ vào từng thành quả nhỏ nhoi…

Oan ức. Nhưng trên cả oan ức còn la đớn đau và lo lắng. Bất ngờ và bàng hoàng vì tin xấu đến đột ngột và bằng một cách thản nhiên đến tàn nhẫn, cô gái rơi vào trạng thái hụt hẫng của cảm xúc, với những nỗi băn khoăn, đứng ngồi không yên:

 Em lập cập chạy ra sàn
Mâm cơm chiều dọn vội
Nghĩ đến anh mà nát ruột gan
Như nặn nến sáp không nên
Như ôm cây to không xuể

Không sợ hãi đến hoảng loạn mất tự chủ, cô đã đủ bình tĩnh để chấp nhận sự thật trớ trêu, đủ bình tĩnh để suy nghĩ. Nhưng nỗi đau vụt đến cùng với tin dữ vẫn bùng lên quay quắt, dai dẳng, làm cô bồn chồn, thắc thỏm không yên. Nghĩ đến người yêu mà lòng tơi bời, nghĩ đến phận mình mà lòng chua xót, nghĩ đến tương lai mà lo lắng sợ sệt…

Và rồi những lo lắng, chua xót, đau đớn, bồi hồi, thắc thỏm kia trỗi dậy thành những tiếng kêu cứu khẩn khoản và thống thiết:

Em lập cập chạy vào đằng gần
Cất tiếng xa gần trách chú:
- Giúp cháu với, bác trai, bác gái nhà trên
Giúp cháu với, ơi chú, ơi thím nhà dưới!
- Chúng ta không giúp nổi cháu ơi!
Ta đã ăn gói trầu nhỏ người mang tới gửi
Gói cau con người mang tới dạm
Dây trầu không người để gửi cuốn leo!
Em lại kêu lên:
- Giúp tôi với, hỡi chị em dâu rể trong nhà!
Chị em dâu rể trong nhà cũng đáp:
- Không giúp được em ơi!
Ta cũng ăn gói trầu nhỏ người mang tới gửi
Gói cau con người mang tới dạm
Dây trầu không người để gửi cuốn leo!

Có lẽ đó là sự chống cự, giành giật của một người con gái yếu đuối vói số phận để bảo vệ cho tình yêu của mình. Từ “em lập cập chạy ra sàn” đến “ em lập cập chạy vào đằng gần”, cái dáng vẻ lập cập của cô gái sao mà đáng thương tội nghiệp, sao mà nhỏ bé bất lực, sao mà hoảng loạn sợ hãi. Cô cầu cứu chú bác, cô cầu cứu bác trai, bác gái, cô van nài chú, thím, cô thiết tha khẩn khoản với chị em dâu rể trong nhà. Mỗi lần ba tiếng “ giúp tôi với…” thảm thiết vang lên, ta lại thấy đau, thấy xót, thấy thương cho thân phận bé nhỏ của người con gái bất hạnh ấy. Chỉ có gỗ đá trơ cứng vô tình mới có thể dửng dưng ngoảnh đi. Nhưng than ôi! Thật đáng sợ làm sao những món đồ vô tri vô giác lại trở thành thứ công cụ tàn nhẫn của con người, và chính chúng lại biến con người thành gỗ đã, giam cầm con người trong lòng tham, và cũng lại là chúng, đẩy con người vào sự tuyệt vọng thẳm sâu khôn cùng. Đáng thương làm sao những lời cầu khẩn vọng lên chỉ được đáp lại bằng những sự bất lực và hờ hững. Số phận của cô gái giờ như một con thú đáng thương bị giam hãm trong cái bẫy đau đớn chờ tới ngày chết. Lời cầu cứu vô vọng đã đẩy cô xuống thẳm sâu chơi vơi, đã khước từ của cô mọi hy vọng và làm cho cô ngã quỵ trong sự bẽ bàng đau tủi.

Nỗi đau ấy như ngày một lớn hơn, chua xót hơn, không gian như mở rộng ra và sự chơi vơi của tuyệt vọng như ngày một thăm thẳm khi ngay cả thiên nhiên cũng bị lay động, và rồi cũng bất lực chẳng thể giúp đỡ gì:

Nghe chim cu trên ngọn cây cúc cu:
- Cũng đừng khóc cô ơi!
Cây tre nó thành giấy
Cây nứa nó thành ống
Con gái thành nàng dâu
Bố gả chồng cho, đừng chối cô à!

Những quy luật hiển nhiên, biến đổi luân hồi của vạn vật hiện ra. Tre sẽ thành giấy. Nứa sẽ thành ống. Và con gái sẽ thành nàng dâu. Nỗi đau như nhân lên vạn lần trước cái hiển nhiên của số phận, trước hiển nhiên của đau đớn như thể đó là điều tất yếu gắn chặt lấy cuộc đời. “ trai khôn dựng vợ/ gái lớn gả chồng” cái quy luật muôn đời là vậy, bất biến và tàn nhẫn dù cho tình cảm con người có tốt đẹp và đáng quý, đáng trân trọng đến nhường nào…

Bố gả chồng cho rồi sẽ cửa cao nhà rộng, cô ơi!
Lời đã trao lời liền như chiếc chiếu
Lời chắc đanh như dao sắc chặt dong
Như lá dong kia đã lót ủ men nồng
Dầu van xin, cha cũng không buông không thả!
Ngẫm thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa
Bằng con chẫu chuộc thôi
“Thân em chỉ bằng con bọ ngựa…”, những câu thơ cuối cùng ấy sao mà đau đớn và chua xót đến thế? Cả một cuộc đời, cả một mối tình, cả một tương lai lại chỉ như một cái gì đấy rất nhẹ nhàng và vô giá trị cho con người ta tùy tiện sắp đặt. Dẫu rằng người ấy là cha cô, là người sinh ra cô, nhưng cuộc đời vẫn là cuộc đời của cô, và hạnh phúc của cuộc đời ấy phải là do cô kiếm tìm, do cô định đoạt. Con người khác loài vật ở chỗ con người biết tư duy và biết tự chủ. Nhưng thân cô,một con người, lại chẳng thể làm chủ cuộc đời mình mà đành phó mặc may rủi cho bàn tay của người cha điển hình trong xã hội phụ quyền gia trưởng. Vậy thân cô, chẳng qua cũng chỉ rẻ mạt như thân con bọ ngựa kia thôi…

Tiếng thơ thõng xuống, chua xót và cam chịu. Dẫu uất ức, dẫu đớn đau, dẫu yêu thương nồng cháy, nhưng bởi một lẽ “ thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa” nên đành để những nỗi đau lắng xuống thành câm lặng trong cay đắng và uất hận mà thôi…
Cùng với nỗi đau của bi kịch tình yêu bị chà đạp, nỗi đau “như ăn lá ngón lìa đời/ Như nậy đá to, đá sập/ Vần đá tảng đè tay/ Đè tay, đè tay phải, ngón út/ Máu không rớt mà đau tận ruột/ Máu không rơi mà buốt tận tim”, chỉ một câu thốt lên “Thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa”, ta cũng đủ thấm thía thêm một nỗi đau  khác chua xót không kém: Nỗi đau nhân phẩm của con người bị chà đạp. Như một quy luật tâm lý, khi con người tự so sánh mình với loài vật, đó là khi con người cảm thấy tủi phận nhất, cảm thấy xót xa cho thân phận mình nhất, đó là khi nhân phẩm của con người bị tổn thương nặng nề nhất. 

Không chỉ là nỗi đau về tâm hồn, mà còn có cả nỗi đau về thể xác. Khi về nhà chồng, nhân vật “em yêu” đã phải chịu rất nhiều cực nhục, đau đớn. Cuộc sống ở nhà chồng không hề dễ dàng, mà ngột ngạt, tù túng với biết bao điều cần phải nhìn trước, ngó sau, biết bao nguy cơ cần phải đề phòng:
“Bậc thang cuối nhà chồng chớ ngồi
Ghế chị chồng ngồi chớ đụng
Anh chồng đẹp, đừng lả lơi
Không phải bạn tình, đừng ngấp gnhé
Giã gạo đừng chửi lợn
Con khóc đừng rủa con chết
Con chết bù đâu ra
Con khóc phải khẽ dỗ
Ẵm con lên khẽ nựng
Gõ cột nhè nhẹ ru
Đi nương đừng gỡ chấy
Về nhà đừng ngắm bóng trong nồi
Dỗ con đừng vội ngủ
Đi nương đừng nói xấu em cô
Đi ruộng đừng nói xấu bà bác
Nhổ mạ đừng oán trách anh chồng
Trèo núi cao đừng nói xấu bố
Ở nhà sàn đừng nói xấu em
Bởi sàn sau có bà bác
Đầu quản có ông anh
Giường cao có bố chồng ngồi
Trái phép người, lấy gì mà xin
Phạm luật người lấy gì mà đền?”

22 dòng thơ mà đã có đến 18 điều “đừng”!

Ta cảm giác như xung quanh nhân vật em yêu là rất nhiều “cạm bẫy” – thứ cạm bẫy phong tục mà chỉ cần cô phạm phải, sẽ phải chịu sự trừng phạt nặng nề. Chị chồng, anh chồng, em chồng, bố chồng, bà bạc cảm giác như ai ai trong gia đình chồng cũng xét nét, dò xét để bắt lỗi cô. Khi sinh hoạt, khi lao động, khi dỗ con, khi đi ruộng, khi nhổ mạ, dường như trong bất kì không gian nào, trong bất kì công việc nào cô cũng bị giám sát như một tù nhân. Núi cao, ở nhà, sàn sau, đầu quản, giường cao dù ở bất kì không gian nào cô cũng không được tự do thoải mái. Đây có thật sự là cuộc sống hôn nhân, hay là cuộc sống của một kẻ tù nhân trong không gian tù túng, ngột ngạt? Người nhà chồng là người thân, hay là những viên cai ngục ác nghiệt? 

Và cái giá của mỗi sai lầm “em yêu” phạm phải sẽ là những vật chất phải đền cho nhà chồng. Tục lệ cũ, con dâu, con rể làm điều gì phạm đến các phép kiêng kị hoặc phong tục tập quán nhà chồng, nhà vợ, phải soạn lễ cúng kiến để xin lỗi, đền tội. Cúng to, cúng nhỏ, tùy lượng cha mẹ và một phần tùy theo tội lỗi.[1]Mà cái giá ấy cũng chẳng dễ trả:
“Cúng gà người không thèm
Cúng lợn người khẽ liếc
Mổ voi người mới ngoảnh mặt xem
Mà em tủi cực lấy đâu có
Nhưng em nghèo khó kiếm đâu ra?”
Cuộc sống hôn nhân ở nhà chồng của “em yêu” không chỉ ngột ngạt, tù túng, mà còn tủi nhục trăm phần với biết bao nỗi thiệt thòi đau đớn em  yêu phải cắn răng nhẫn nhịn chịu đựng một mình.

Khách Mường Lay, Mường Là, Mường So tới chơi, nhà chồng tuy “vịt đầy lồng mai”, “gà chật lồng nứa”, vậy mà “em yêu” đành phải giết thịt “con mái gà họ hàng em tiễn” – món hồi môn của cha mẹ cho khi về nhà chồng.
Cảnh ấy cũng thật đau lòng:
“Còn mỗi mái gà họ hàng em tiễn
Em đành nắm gạo trắng xuống vãi
Vốc gạo vương xuống rơi
Gà xòe cánh chạy lại
Cắm cổ rung mào tươi
Em se lòng chộp vội
Con gà kêu cục te, nước mắt em hờn ứa
Con gà kêu cục tác, nước mắt buồn chảy ròng”

Chịu thiệt thòi, tủi nhục là vậy, thế mà cô vẫn phải nơm nớp lo sợ, đau lòng giết chết con vật cưng để đãi khách nhà người, ấy vậy mà cô vẫn phải rón rét, sợ sệt:
“Mép sàn, sợ người rầy
Em len lén vặt ngoài xó cửa
Ngón trỏ vặ lông măng
Ngón giữa vặt lông nõn
Lông măng bay đầy vườn
Lông nõn bay khắp bản
Bỏ gà vào giỏ mai đứt cạp
Treo đầu đòn em ra bên trong”
Cảnh tình ấy thật đáng thương, thật chua xót, thật bất nhẫn!

“Em yêu” ở nhà chồng hoàn toàn cô độc. Công việc thì dồn dập chồng chất, chưa giết gà đãi khách xong, lũ vịt lại chạy xổ tán loạn. Công việc dồn dập chồng chất, nhưng “vịt đầy lồng mai, đợi người bắt, không bắt”, “vịt bà bác chẳng ai giúp giùm”, “vịt bà thím, sao không đỡ với!”, tất cả mọi người đều ngoảnh mặt không đoái hoài để cô dâu mới về nhà chồng chật vật tự xoay sở tất cả.

Mọi nhu cầu cơ bản nhất của con người, “em yêu” dường như cũng bị nhà chồng xâm phạm . Cái mặc thì:
“Áo ướt không chỗ phơi
Sàn trên, sàn bà bác
Sàn dưới, sàn ông anh
Sàn cao, sàn bố chồng
Em đành mặc áo ướt rỏ ròng”
Và ê chề cực nhục hơn cả, là cái ăn:
“Em đi, cơm chưa dọn
Canh cá ngon đầy nồi
Em về cơm xong rồi
Miếng thừa nhai bỏ lại
May chồng thương để phần
Phần cơm, phần cả canh
Canh lỏng tỏng dính bát
Canh tôm, còn lại đuôi
Canh cá, phần đầu, vẩy
Canh gà phần cánh, chân
Phần cánh, chỗ cánh dầm sương
Phần chân, chỗ chân bới rác”

Quả đúng là “bát cơm chan đầy nước mắt”. Miếng ăn – nhu cầu sinh tồn cơ bản nhất của con người, mà nay để được hưởng nhu cầu ấy con người phải trải qua biết bao ê chề cực nhục – thì đau đớn biết nhường nào? Ông bà ta nói không sai: “Miếng ăn là miếng nhục”. Văn học khi nói đến cái khổ của con người cũng thường miêu tả cái ăn. Tục ngữ thì có: “Mồ côi mẹ liếm lá dọc đàng”. Văn học hiện đại thì tràn trề nước mắt trong những trang văn, với cái Tí con chị Dậu phải ăn cơm với chó nhà nghị quế, với bà cụ trong “Một bữa no” vì miếng ăn phải đánh mất nhân phẩm, để cuối cùng đói không chết, lại phải chết vì một miếng no!

Nỗi ê chề của nhân vật nữ ở đây cũng tủi nhục không kém. Giọng thơ chua chát, có gì đó như là mỉa mai. “May mà chồng thương, chồng để phần” cơm, tưởng đâu may ấy là sung sướng, nhưng chồng thương để phần rồi mà cơm cũng chỉ là cơm thừa, canh cặn, cá chỉ có đầu, vây, gà thì là phần cánh dầm sương, chỗ cơm bới rác. Tình thế ấy thật nghịch ngạo, thật trớ trêu. “May mà chồng thương…”, thật là đắng cay chua xót. Nghĩ về quá khứ, nghĩ về hiện tại chỉ thấy cuộc đời mình là ê chề đắng cay. Đến nỗi lòng phải thốt lên: “Mà bây giờ, em phải mớm con em bằng nhện”.

Và cả những trận đòn roi tàn nhẫn đổ xuống. Cả tác phẩm, có hai lần em yêu bị người nhà chồng đánh. Và hai lần ấy, tác giả dân gian đều miêu tả rất tỉ mỉ.
Một lần sau bữa ăn cay đắng, bố chồng xui chồng đánh:
“Người xui con trai xuống đòn
Chồng rộng lòng không nỡ
Dạ bao dong còn thương
Con không đánh, bố bỏ cơm, không dậy
Chồng em liền trợn mắt ra tay
Mình, lưng em vụt tới tấp
Em ngã lăn chiêng cạnh miệng cối lợn dũi
Em ngã lăn đùng liền bên máng lợn vầy
Ngã không kịp chống không kịp gượng:
-         Cơ khổ thân em bụi lấm chôn vùi”

Một lần nhà chồng đánh trước khi trả em về nhà mẹ đẻ, những món lễ vật “em yêu” mang đền nhà trai đều khiến họ không vừa ý:
“Người mới bảo chồng em vác gậy to xuống đánh
Cầm gạy dài xuống phang
Đánh em khi chập tối
Nện em hồi nửa đêm
Nện em như nện bịch
Như chúa mường niệng chiêng”

Cả hai bức tranh hiện ra với ba nhân vật: một ông bố chồng quyền lực xui con trai đánh vợ, một người chồng bạc nhược đánh vợ tàn nhẫn, và một người vợ cam chịu nhận lấy những trận đòn. Tác giả dân gian đã sử dụng rất tài tình phép điệp và phép so sánh, với nhịp thơ ngắn, gấp gáp, độc giả đọc từng dòng thơ và thấy tim mình như quặn thắt, bởi từng dòng, từng dòng, từng nhịp, từng nhịp như từng nhát đánh, như từng vết thương lằn trên cơ thể, như từng giọt máu ứa ra, như từng giọt nước mắt tràn.

Khi tràn nước mắt khóc trong đêm trước đây, khi em yêu thốt lên rằng “thân em không bằng thân con bọ ngựa” – thì lời ấy đã thể hiện rõ nỗi đau nhân phẩm bị chà đạp, và cuộc sống ở nhà chồng càng làm cho nỗi đau ấy thêm khắc sâu. Nhân phẩm bị chà đạp là khi con người bị xem như một món hàng, để người đời trao qua bán lại, nhân phẩm bị chà đạp, là khi con người bị đồng loại phân biệt đối xử, xem mình như một thứ vật thấp kém hơn, bị bạc đãi về những nhu cầu sống cơ bản nhất, bị xâm phạm tàn nhẫn về cơ thể, nhân phẩm bị chà đạp, là khi con người bị đối xử như con vật, và con người trong nhận thức chua chát về số phận của mình, cũng ngậm ngùi nhận ra mình không bằng con vật. Và đó là tận cùng của nỗi khổ, tận cùng của bi kịch, khi con người đánh mất mọi niềm tin vào cuộc sống, đánh mất giá trị cơ bản nhất của con người và quên rằng mình là con người, để rơi vào trạng thái tê liệt về ý thức, quên đi ngày tháng, quên đi cuộc đời, và chai lì trước những nỗi đau.

Văn học qua cái nhìn của chủ nghĩa nhân đạo là văn học thấm đẫm tình thương đến số phận con người. Nhưng văn học không bằng lòng chỉ là những tiếng kêu thương đứt ruột, mà văn học trước hết còn phải là một “thứ khi giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo vừa thay đổi thế giới tàn nhẫn, xấu xa, làm tâm hồn người đọc trong sạch hơn, phong phú hơn” (Thạch Lam), tình cảm xót thương trong văn học bao giờ cũng gắn liền với tiếng nói tố cáo đấu tranh cho những số phận đau thương, bất hạnh. Từ số phận đau thương của con người, văn học cất lên tiếng nói tố cáo, tiếng nói tố cáo càng đanh thép, thì tình thương càng sâu sắc.

Càng đau đớn thương xót cho số phận của nhân vật em yêu, người đọc càng phẫn nộ trước những thế lực chà đạp lên con người tội nghiệp ấy. “Xống chụ xon xao” là một tác phẩm có tiếng nói tố cáo xã hội mạnh mẽ, sâu sắc. Qua thân phận đau đớn đến cực điểm của con người, tác giả dân gian đặt ra một câu hỏi riết róng: Tại sao con người lại phải đau khổ thế này? Xã hội tàn nhẫn đến mức nào mà đẩy con người vào bước đường cùng?

Đó là một xã hội của những hủ tục. Quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đó đã dẫn đến sự chia lìa của hai nhân vật chính, đã ép duyên “em yêu” với người đàn ông em không hề yêu. Xã hội của những hủ tục đã tạo ra những bà chị chồng, anh chồng, thím chồng tàn nhẫn, vô tâm, với đầy những cái nhìn xét nét, khắt khe. Xã hội hủ tục đã sản sinh ra những ông bố chồng xui con đánh vợ, thậm chí bỏ ăn để nhìn thấy con dâu bị đánh đập tàn tệ. Hủ tục càng nặng, thì những điều cấm kị càng nhiều, càng nhiêu khê, phức tạp. Những điều cấm kị càng nhiều, càng phức tạp, thì con người càng khổ. Tình cảnh ngột ngạt khốn khổ của nhân vật nữ chính trong nhà chồng, luôn phải sống trong cảnh nom nớp lo sợ, hoàn toàn cô độc trong gia đình chồng, dù là thời gian nào, dù là không gian nào, dù làm gì, cũng không được yên ổn, thanh thản, tình cảnh đáng thương đó chính là bằng chứng rõ ràng nhất của một xã hội đầy hủ tục, là tiếng nói tố cáo dõng dạc và đanh thép đến một chế độ xã hội chà đạp lên quyền sống của con người.

Đó còn là một xã hội coi trọng vật chất, coi trọng đồng tiền. Con người mờ mắt vì tiền, lượng giá cuộc sống qua lăng kính của vật chất, của đồng tiền. Mọi giá trị của cuộc sống đều được đo lường bằng tiền. Và vì thế, con người trở nên thật rẻ rúng, nhân phẩm của con người bị chà đạp nặng nề.

Địa vị giàu sang, chứ không phải là tình cảm, mới là thứ quyết định hôn nhân con người. Một bên là lễ hỏi của anh yêu:
“Yêu em, anh quyết được
Đã thương nhau, quyết lấy
Anh mới đi kiếm lúa ngoài đồng
Đi kiếm cá ngoài sông
Chài ba sải, anh buông xuống hồ
Lưới muôn mắt, anh giăng xuống nước
Đứng mũi thuyền, anh liệng chài tơ
Ngồi lái thuyền, anh so lưới sợi
Số may được trắm, chiên, chép đỏ
Được cá to, cá nhỏ từng đàn
Đẹp lòng, anh quay về bản
Ca to mẹ thái ướp chua
Cá nhỏ sấy khô xất muối
Cá giàn trên, đã đủ, thừa đủ
Gà vịt kia đã nhiều, thực nhiều
Anh mới đi Tà Bú mua đĩa
Đi Tà Hè mua tơ
Đi Tà Sại mua cau
Mua cau, cau cả buồng sai quả
Mua trầu, muốn lá gói mang về
Dạm người yêu thay lời thương nhớ
Anh chạy đi tìm ông mối bà mai
Kẻ khéo giúp gói cau không úa
Người khéo hỏi lời thương không phai
Giỏi mối mai cho đôi ta đẹp lứa, em ơi!
Anh chặt giang về đan lồng gà
Chặt mai về đan giỏ cá
Cắt dong muôn lá gói trầu
Kịp đến ngày lành và tháng tốt
Năm đi và tháng trôi
Gói trầu nhỏ anh mang tới gửi
Gói cau con tới dạm
Dây trầu không xin được cuốn leo”

33 dòng thơ mà đến 28 động từ, đoạn thơ ken đặc hành động, hành động này nối tiếp hành động kia, không ngơi không nghỉ. Lễ vật cũng là những thứ tốt nhất, tươi nhất, cá to từng đàn, gà vịt nhiều, cau cả buồng sai quả, trầu muôn lá gói Để chuẩn bị cho đám hỏi, “anh yêu” một mình lo toan tất cả, dồn vào đó tất cả tâm huyết, tất cả tấm lòng, tất cả yêu thương! 

Đối lập với tâm huyết đó là cảnh sính lễ qua quýt cẩu thả của “con nhà người” – chồng em yêu:
“Khi ấy con người đi kiếm lúa ngoài đồng
Đi kiếm cá ven sông
Cá ven sông được toàn cá chết
Người mang về thái lạng ướp chua
Mổ mổ moi moi đồ chĩnh
Con người đi Tà Bú mua đĩa
Đi Tà Hè mua tơ
Đi Tà Sại mua cau
Cau Mường Sại úa héo lìa buồng
Trầu Mường Trai rụng buông khỏi cuống
Mua cau, cau rời buồng héo hắt
Trầu rơi vàng, trăm lá gói ôm đi”

Ấy thế mà, trước tấm chân tình của em yêu, cha mẹ em “giường cao không đáp, giường thấp làm thinh”. Ấy thế mà, trước những lễ vật qua quýt của “con nhà người” thì lại:
“Cha mẹ ngồi giường trên ưng ý
Mẹ em nơi giường dưới đáp lời
Lời nên lời chắc tựa tấm chiên
Lời liền như chiếc chiếu
Lời chắc đanh như dao sắc chặt lòng”

Quả là nghịch lý! Nhưng nghịch lý ấy hóa ra lại rất có lý trong một xã hội trọng vật chất, dùng vật chất để đánh giá con người. Bằng việc xây dựng hai bức tranh cưới hỏi đối lập và hai kết quả tréo ngoe, trớ trêu, tác giả dân gian đã vạch trần được tất cả những cái vô lý, bất nhẫn của xã hội đương thời. 

Trong mọi trường hợp, con người của xã hội coi trọng đồng tiền đều dùng vật chất để làm quy chuẩn đưa ra quyết định.
 
Lỗi lầm của con dâu thì dùng vật chất để đền:
“Trái phép người lấy gì mà xin
Phạm luật người lấy gì mà đền
Cúng gà người không thèm
Cúng lợn người khẽ liếc
Mổ voi người mới ngoảnh mặt xem”
Việc trả con dâu về nhà chồng cũng dựa vào tiền bạc sính lễ:
“Bạc mười lăm người ta chưa nộp
Bạc mười sáu người chưa trả thêm
Người chưa đủ nhẫn, vòng, bạc trắng mua em
Chưa đủ vài trăm năm đổi đứt giá người”

Đó là phong tục giá người của người Thái. Phong tục cũ, ngoài công việc ở rể và tiền sính lễ, còn phải nộp cho cha mẹ vợ một món tiền đền công sinh dưỡng gọi là giá người (còn gọi là ca hua hoặc ca cổn). Món tiền này có thể trả dần. Chưa được giá thì chư có đủ toàn quyền về sinh mệnh người vợ, không thể đem bán hoặc đem đổi, chỉ có một cách là trả về nhà ngoại.[2]Tình cảnh trong truyện chính là tình cảnh như vậy, vì trưa trả xong giá người nên gia đình chồng phải trả “em yêu” về nhà mẹ đẻ, đó là tình thế họ không mong muốn, chính vì lẽ đó, trước khi trả về, họ “đánh em khi chập tối/nện em hồi nửa đêm/nện em như nện bịch/như chúa mường nện chiêng”. Giá trị con người được đo đếm chi li đến từng đồng xu cắc bạc, quy ra đòn roi để hành hạ, đày đọa con người – còn gì bất nhẫn hơn thế?

Đỉnh điểm tội ác của cái xã hội ấy chính là việc mang con đẻ của mình ra chợ bán.
“Em yêu” trở về nhà mẹ cha trong nỗi ê chề cay đắng, kể hết với “mẹ yêu” mọi sự tình, thế nhưng những gì em nhận được là câu nói:
“Nuôi đứa gầy toi cơm
Nuôi cơm mặt sưng xúi quẩy”
(Hóa ra việc sinh hạ một đứa con, nuôi nấng nó, cũng chỉ để mang nó đi bán lấy tiền, chẳng khác gì nuôi một con gia súc trong nhà!)
Em yêu lại trở thành một món hàng, lại tiếp tục bị mang ra chợ bán:
“Người mới đem em ra chợ dưới đổi muối
Lên chợ trên đổi gạo
Đổi gạo, chẳng ai màng
Đổi muối, chẳng ai buồn ngó”
“Bán em nghìn lần không đắt
Bán em chín chợ không trôi”

Đã mang con mình đi bán, mà còn quyết tâm bán, đổi lấy gạo, đối lấy muối, mang hết lên chợ trên lại chợ dưới, bán nghìn lần, bán chín trợ - mỉa mai thay quyết tâm của những bậc làm cha, làm mẹ. Giá trị con người trở nên rẻ rúng hơn bao giờ hết – cuối cùng chỉ đổi được bằng một nắm lá dong. Và những tình cảm thiêng liêng nhất của con người cũng bị chà đạp không thương tiếc, tình chồng vợ cũng quy đổi ra tiền được, tình cha mẹ cũng quy đổi ra tiền được, cả cái đức “cha mẹ nuôi con bể trời lai láng” cũng quy từng ngày thành tiền, thành hàng, thành vật chất quy đổi!

Có thể thấy xã hội coi trọng đồng tiền là một xã hội hết sức tai hại. Nó gây ra những bi kịch đau đớn cho số phận con người. Đồng thời, nó tha hóa nhân cách con người. Nó khiến người chà đạp lên giá trị con người, đồng thời nó tha hóa con người để con người đánh mất đi nhân cách của chính mình. Nó giày xéo lên những giá trị tốt đẹp của xã hội, lên những tình cảm thiêng liêng truyền thống.

Tiếng nói tố cáo của “Xống chụ xon xao” không chỉ là tiếng nói gián tiếp cất lên từ thân phận con người, mà nó còn là tiếng nói tố cáo trực tiếp khi để cho nhân vật nhận thức được những xấu xa của xã hội, đồng thời có những phát ngôn để tố cáo xã hội đó.

“Em yêu” đã nhận ra cuộc hôn nhân của mình là một cuộc mua – bán, tức cũng nhận ra được bản chất của xã hội coi trọng đồng tiền, khi cô nói với anh trai:
“Anh bán em xuống dưới như người Hán bán trâu
Anh bán em trên như người Lào bán ngựa anh ơi!”
“Anh yêu”, sau bài toán cán cân với hai cảnh dạm hỏi đối lập, cũng đã rút ra được những kết luật của riêng mình:
“Người ta trầu vàng, cau rụng
Gừng già quắt gói lá dong thô
Trèo lên quản, cha mẹ em vui mừng hớn hở
Còn anh, cau cả buồng sai quả
Trầu xanh tươi muôn lá gói mang về
Bước lên quản, cha mẹ em hất xuống”.
Sự tàn nhẫn của cái xã hội đầy những hủ tục thể hiện qua gia đình nhà chồng “em yêu” cũng được em yêu “vạch mặt”. Có khi đó là bản cáo trạng đầy chua chát:
“Khi chưa lấy được, người vồ vập
Khi chưa đón về, người xin xoe
Lấy được rồi, người nhử - Dâu ơi, xuống sàn ăn cám!”
Có khi lại đầm đìa nước mắt:
“Quá sức con, kiệt sức rồi, mẹ hỡi!
Làm được, người mới chuộng
Làm đếch rách áo cho nhà “ông”
Làm bằng trời, không mảnh cót lót lưng
Ăn cơm như ăn cát
Nuốt vào như nuốt cám
Không ăn đói cào ruột
Ăn vào rát lưỡi không trôi
Làm không nên, người xô vào chửi
Làm không giỏi, người xô vào chê
Người ừa đến mắng
Người đi qua cửa, mỉa mai!”


[1] Theo Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số - quyển 22 Truyện thơ – chú thích (1) trang 890
[2] Tổng hợp văn học dân gian các dân tộc thiểu số - quyển 22 – truyện trơ – chú thích (1) trang 908


EmoticonEmoticon