TỪ LÝ THUYẾT MỸ HỌC TÌM VỀ CÁI HAY CÁI ĐẸP CỦA BÀI THƠ "TRE VIỆT NAM" (NGUYỄN DUY)


NGUYỄN NGỌC ĐOAN TRANG

Cái đẹp trong nghệ thuật là hình thái cao nhất của sự biểu hiện cái đẹp. Văn học là một loại hình nghệ thuật tồn tại dưới dạng tác phẩm thuộc một thể loại xác định. Cái đẹp trong văn học đồng nghĩa với cái hay. Mỗi thể loại, ứng với những tiêu chí chung của một tác phẩm văn học hay, sẽ có những tiêu chí riêng, phù hợp với đặc trưng thể loại, để có thể được gọi là một bài thơ hay, một tiểu thuyết hay, hay một truyện ngắn hay… Do đó, thiết nghĩ việc xác lập một mô hình nhận thức chung, một cái nhìn tổng quát về tiêu chí của một bài thơ hay là hết sức cần thiết, để từ đó có thể soi rọi, nhận diện cái hay, cái đẹp trong bài thơ Tre Việt Nam (Nguyễn Duy).

I. THẾ NÀO LÀ MỘT BÀI THƠ HAY?

I.1. Thơ hay, bằng hình ảnh và nhạc điệu phản ánh chân thực bản chất cuộc sống và tấm lòng thi sĩ

Tính chân thật là phẩm chất hàng đầu của cái đẹp trong nghệ thuật. Với tư cách là nghệ thuật ngôn từ, một tác phẩm văn chương hay, bằng những hình tượng văn học, bằng chất liệu ngôn từ phải phản ánh được bản chất của cuộc sống, của hiện thực, hoặc ít ra là vài phương diện cơ bản của bản chất đó. Ngôn ngữ thơ mang tính tạo hình và tượng thanh cao. Những hình tượng thơ trong một bài thơ hay phải nói lên được những vấn đề cốt lõi của cuộc sống. Thơ ca đặc trưng về tính hình tượng cao, nhưng cho dù tính hìnhtượng có cao đến đâu đi chăng nữa thì một bài thơ hay vẫn phải bắt rễ từ hiện thực cuộc sống, cốt lõi của những biểu tượng ấy vẫn phải là bản chất của cuộc sống được soi rọi qua lăng kính của nhà thơ. Không chỉ vậy, một bài thơ có tính chân thực còn đòi hỏi cả tấm lòng của người viết nữa. Và chính nhạc điệu của bài thơ là yếu tố nghệ thuật phản ánh chân thực nhất “điệu hồn" của nhà thơ. Điệu hồn ấy là những những rung động sâu xa từ trong sâu thẳm trái tim của người làm nghệ thuật, là tâm tư, lòng trắc ẩn, sự chiêm nghiệm của thi sĩ. Những đặc trưng của một thể loại trữ tình sẽ giúp thơ ca thể hiện được những điều sâu xa ấy của tâm hồn con người.

I.2. Thơ hay là sự hài hòa giữa nhiều yếu tố trong một chỉnh thể bài thơ

Hài hòa là thuộc tính cơ bản nhất của cái đẹp. Tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghệ thuật bao gồm nhiều yếu tố hợp thành. Cái đẹp của một tác phẩm văn học nằm ở sự thống nhất, hài hòa giữa các yếu tố đó: hài hòa giữa các yếu tố của nội dung tư tưởng, hài hòa giữa các yếu tố hình thức nghệ thuật và hài hòa giữa nội dung và hình thức. Mỗi bài thơ cũng là một chỉnh thể nghệ thuật độc đáo. Sự hài hòa giữa các yếu tố nội dung trong một bài thơ thể hiện ở sự thống nhất, liền mạch giữa các ý thơ. Sự hài hòa giữa các yếu tố nghệ thuật thơ là sự tương tác, phối hợp giữa những cách gieo vần, ngắt nhịp, phối thanh, sáng tạo hình tượng v.v… Sự hài hòa giữa nội dung và hình thức trong chỉnh thể bài thơ cho thấy hình thức nghệ thuật không chỉ là “yếu tố kĩ thuật” mà bắt nguồn sâu xa từ trong cá tính sáng tạo của nhà thơ, thể hiện ở nhiều chiều: hình thức nghệ thuật của bài thơ có tác dụng làm nổi rõ đối tượng cần phản ánh, đồng thời, chính nội dung tư tưởng sẽ quy định cách cấu trúc các đơn vị ngôn ngữ thơ. Tổng thể những mối thống nhất, hài hòa đó sẽ tạo nên đặc trưng cho phong cách nghệ thuật của nhà thơ.

I.3. Thơ hay luôn mang đến một làn gió mới mẻ

Cái đẹp trong nghệ thuật bao giờ cũng hiện rõ dưới một hình thái mới về chất. Điều này có ý nghĩa sâu sắc đối với quá trình sáng tạo của thi sĩ. Thi sĩ được người đọc yêu mến không ngại viết về những đề tài quen thuộc. Tác phẩm không nhất thiết cứ phải nói cái gì hoàn toàn mới, chưa biết, chưa nghe đến bao giờ, nhưng phải lạ trong cách cảm nhận, đánh giá. “Nghệ thuật là sự ngạc nhiên”. Ngạc nhiên vì khám phá ra những điều mới mẻ trong những cái quen thuộc. Đó chính là ý mà nhà thơ Liên – xô E. Vi-nô-ku-rốp từng phát biểu: mỗi bài thơ mới là một “sự bất ngờ mong đợi” đối với độc giả. “Người đọc thơ chờ đón ở cuốn sách đọc lần đầu một cái gì đối với mình thật mới mẻ, thật bất ngờ, nhưng lại là cái mà anh ta đã mường tượng đâu đấy trong đáy sâu của tâm hồn từ lâu. Nhiệm vụ của nhà thơ là thể hiện điều mơ ước không rõ nét ấy.” Thi sĩ có thể thổi làn gió mới vào tác phẩm của mình không chỉ ở nội dung tư tưởng mà còn có thể bằng cách khai thác những đặc trưng về cấu trúc ngôn ngữ của loại hình nghệ thuật này.
Một bài thơ hay là một sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao, được tạo nên từ sự kết hợp một cách nhuần nhị, tự nhiên của tất cả các yêu cầu trên, đem đến cho người thưởng thức thơ những rung động, xúc cảm thẩm mỹ tích cực.

II. TRE VIỆT NAM (NGUYỄN DUY) LÀ MỘT BÀI THƠ ĐẸP, MỘT BÀI THƠ HAY

Tre xanh
Xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh?
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu?
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít, chắt dồn lâu hóa nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm.
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người.
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con.
Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu.
Mai sau
mai sau
mai sau…
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.
(1970 - 1972)
Nguyễn Duy thuộc thế hệ các nhà thơ khoác áo lính trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Sáng tác thơ ca cách mạng mới giai đoạn 1945-1975 đã trở thành một hiện tượng nghệ thuật độc đáo, đánh dấu một giai đoạn phát triển của thơ ca Việt Nam (Trần Đình Sử). Vẻ đẹp của sáng tác thơ ca giai đoạn này thể hiện ở những phản ánh chân thực về các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong lao động và chiến đấu, ở sự kết hợp hài hòa giữa lý tưởng cách mạng và tài hoa nghệ thuật của các nhà thơ, ở những sáng tạo độc đáo về hình tượng đất nước và nhân dân... Ra đời trong giai đoạn ấy, Tre Việt Nam của Nguyễn Duy hòa vào vẻ đẹp chung của thơ ca thời đại, đồng thời mang cái nhìn và những cách thể hiện độc đáo, rất riêng, in đậm dấu ấn phong cách Nguyễn Duy.
Cùng với Hơi ấm ổ rơm Bầu trời vuông, Tre Việt Nam đã mang đến cho Nguyễn Duy giải Nhất trong cuộc thi thơ trên báo Văn nghệ năm 1973. Bài thơ được rút ra từ tập Cát trắng. Đây là tập thơ nổi tiếng về chiến tranh và người lính của nhà thơ cựu chiến binh này.

II.1. Tre Việt Nam – Cái đẹp của sự chân thật

II.1.a) Chân thật về đối tượng phản ánh

Tính chân thật của bài thơ được thể hiện trước hết qua đối tượng phản ánh. Bài thơ lấy nhan đề là Tre Việt Nam và đó cũng chính là đối tượng miêu tả của nhà thơ.
Bằng biện pháp nhân hóa được sử dụng toàn bài, Nguyễn Duy đã để cho cây tre Việt Nam tự nói một cách sống động, chân thật về tính chất và đời sống của mình. Nhưng đó chỉ mới là lớp nghĩa thứ nhất. Bài thơ không đơn thuần chỉ miêu tả cây tre. Tre chỉ là một hình ảnh ẩn dụ cho những phẩm chất và cuộc đời của những người dân lao động Việt Nam. Bằng sự quan sát tinh tế và óc liên tưởng tài tình, nhà thơ đã nhìn thấy ở cây tre nhiều phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Đó là bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, tinh thần lạc quan luôn dũng cảm đối mặt và tìm mọi cách khắc phục những khó khăn, trở ngại của cuộc sống, giống như tre là loài cây có sức sống mạnh mẽ, ưa nắng, có sức đấu tranh bền bỉ với những điều kiện hạn chế của đất đai, khí hậu:
Mỡ màu ít chắc dồn lâu hóa nhiều
            Rễ siêng không ngại đất nghèo
            Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.
(…)
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ, trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm          .
Đó là tinh thần đoàn kết cao độ của dân tộc Việt Nam, tương đồng với khả năng sống tập trung cao của cây tre:
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng…
Đó còn là tấm lòng yêu thương vô bờ bến, lòng vị tha của những con người hiền hòa mà Nguyễn Duy đã nhìn thấy được thông qua một hình ảnh thú vị của cây tre:
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con
Nhưng cũng không chỉ dừng lại ở lớp nghĩa thứ hai ấy, thông qua một hình tượng rất đỗi thân quen – cây tre, bài thơ còn là một sự khái quát hóa cao độ về bản chất, sức sống của nền văn hóa Việt. Đó chính là lớp ý nghĩa thứ ba của bài thơ.

II.1.b) Chân thật về phương pháp phản ánh

Có thể nói, nhà thơ viết rất thật với lòng mình. Sinh ra và lớn lên trên một vùng đất nghèo khó, lại trải qua một thời gian dài tham gia quân đội, Nguyễn Duy có dịp tiếp xúc và quan sát nhiều với cây tre Việt Nam cũng như với những con người Việt Nam cần cù, chịu khó ấy. Bài thơ là sự đúc kết từ những quan sát tinh tế, từ những suy ngẫm, chiêm nghiệm hằng ngày của bản thân, thể hiện được tấm lòng của người viết đối với loài cây kiên cường ấy và nhất là đối với những con người trên quê hương đất nước mình. Nếu không có một tấm lòng chân thành trong sáng tác thì làm sao các dòng thơ như cứ liên tiếp gọi nhau tạo thành một mạch thơ chảy trôi được, làm sao các lớp hình tượng của bài thơ (cây tre – con người – nền văn hóa Việt Nam) có thể chuyển hóa cho nhau, hiện lên thông qua nhau một cách hợp lý, uyển chuyển như vậy được.
Ngoài ra, tính chân thật về phương pháp phản ánh của bài thơ còn được gợi lên qua hình thức tự sự của cây tre. Còn gì thật hơn là để nhân vật tự kể về tính chất mình, cuộc đời mình?

II.2. Tre Việt Nam – Cái đẹp của sự hài hòa

II.2.a) Hài hòa trong các yếu tố của nội dung

Biểu hiện thứ nhất của tính hài hòa trong nội dung tác phẩm là sự thống nhất giữa ba lớp ý nghĩa trên. Các hình tượng nghệ thuật cứ được gọi lên thông qua nhau một cách hợp lý, uyển chuyển: cứ qua mỗi tính chất của tre, người đọc lại thấy hiện dần lên một phẩm chất đáng quý của người lao động ta, từ đó có niềm tin mạnh mẽ vào một nền văn hóa thấm đẫm những phẩm chất ấy.
Sự hài hòa về mặt nội dung còn là sự thống nhất giữa các ý thơ. Có thể nói, bắt đầu từ câu Có gì đâu, có gì đâu thì toàn bài thơ lần lượt hiện lên những phẩm chất, tính cách, những nét số phận của tre và cũng là của con người Việt Nam. Những nét tính cách, số phận ấy có mối quan hệ gắn bó với nhau, có khi như là mối quan hệ nhân - quả: vì đất nghèo nên rễ phải cần cù, vì yêu nắng nỏ trời xanh nên tre không đứng khuất mình bóng râm…, có khi là mối quan hệ bổ sung để hoàn thiện hơn hình tượng cây tre Việt Nam: tre xanh không đứng khuất mình bóng râmhiên ngang thế, cứng cáp thế (nòi tre đâu chịu mọc cong, chưa lên đã nhọn như chông lạ thường), nhưng cũng  hết sức giàu lòng vị tha, giàu tình yêu thương (lưng trần phơi nắng phơi sương, có manh áo cộc tre nhường cho con)…
Ở một cấp độ khác, nội dung của bài Tre Việt Nam còn có những điểm thống nhất với hệ thống các tác phẩm cùng thời. Trong bài thơ, nét đẹp của con người Việt Nam được hiện lên qua những khó khăn, gian khổ (rễ siêng - đất nghèo, kham khổ - hát ru, bão bùng – thân bọc lấy thân,…). Đây là một đặc trưng trong thi pháp thơ ca giai đoạn 1945-1975: miêu tả cái đẹp ánh lên từ những khổ đau. Quan điểm ấy đã được thể hiện trong nhiều sáng tác cùng thời:
- Trong khổ đau người đẹp hơn nhiều.
(Tố Hữu)
- Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
- Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
(Nguyễn Đình Thi)
v.v…
Người Việt Namluôn ý thức được đất mình là một đất nước nghèo, do chiến tranh, giặc giã, thiên tai,… triền miên. Vì vậy, cái nghèo đã thuộc về tiềm thức trong đời sống dân tộc. Từ trong cái nghèo đó lại luôn âm thầm và bền bỉ, kết tinh, lắng đọng một tinh thần quật cường, bất khuất, không cam chịu. Có thể nói, đây chính là cội nguồn của sức mạnh Việt Nam, một sức mạnh đã trở thành hiện thực và cảm hứng thẩm mỹ của con người và dân tộc Việt hằng bao thế kỉ.

II.2.b) Hài hòa trong các yếu tố của nghệ thuật

Sự hài hòa này trước hết thể hiện qua sự thống nhất giữa thể thơ và giọng điệu. Nhà thơ đã hết sức tinh tế khi chọn cho lối kể chuyện trầm tĩnh, khoan hòa của mình một thể thơ giàu chất trữ tình sâu lắng của dân tộc: thể lục bát. Chính sự hòa hợp ấy đã làm tăng thêm tính biểu cảm cho lời thơ, đồng thời đưa ý đồ thẩm mỹ của nhà thơ đạt đến hiệu quả cao nhất:
Tre xanh
Xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh?
Thơ Nguyễn Duy còn có sự kết hợp hài hòa giữa cái duyên dáng, trữ tình với chất thế sự đậm đặc, nhiều bài là tiếng nói khẳng khái, bộc trực, đầy ngang tàng mà trầm tĩnh, giàu chiêm nghiệm sâu sắc. Tre Việt Nam không nằm ngoài đặc trưng đó của phong cách thơ Nguyễn Duy. Bài thơ vẫn hết sức duyên dáng, trữ tình nhờ thể thơ lục bát giàu nhạc tính và lối gieo vần bằng du dương, nhưng đôi khi ta cũng bắt gặp đây đó tiếng nói khẳng khái, hùng hồn được tạo nên bởi sự phá cách trong cách ngắt nhịp so với thể lục bát truyền thống:
- Có gì đâu,/ có gì đâu
Mỡ màu ít,/ chắt dồn lâu hóa nhiều
- Năm qua đi,/ tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu
- Mai sau/
Mai sau/
Mai sau/…
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.
v.v…
Sự hài hòa đó đã mang lại cho thơ Nguyễn Duy nói chung và Tre Việt Nam nói riêng nhiều sự chiêm nghiệm sâu sắc.

II.2.c) Hài hòa giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật

Ở phạm vi rộng lớn hơn, bài thơ là một chỉnh thể hài hòa giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Điều này dễ nhận diện nhất ở sự quy định hình thức nghệ thuật của nội dung: bài thơ tràn ngập một cảm hứng ngợi ca, tự hào về những nét đẹp trong phẩm chất và đời sống của con người Việt Nam. Cảm hứng ấy nằm trọn vẹn trong một bài thơ lục bát nhuần nhị - một thể truyền thống của thơ ca người Việt, góp phần tô đậm tinh thần dân tộc cao độ của nhà thơ.
Như đã trình bày, bài thơ miêu tả nét đẹp của con người Việt Namánh lên từ những khổ đau. Vì thế, hàng loạt những cặp hình tượng đối lập được xây dựng nhằm làm nổi bật nội dung ấy: thân gầy guộc, lá mong manh – nên lũy nên thành, đất sỏi đất vôi bạc màu - ở đâu tre cũng xanh tươi, mỡ màu ít - chắt dồn lâu hóa nhiều, rễ siêng - đất nghèo, kham khổ - hát ru lá cành, bão bùng – thân bọc lấy thân, thân gãy cành rơi – nòi tre…nhọn như chông, tre già – măng mọc…
Nhìn một cách tổng thể, bài thơ là sự thống nhất của nhiều mối quan hệ thống nhất, hài hòa. Chính vì vậy mà nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật đều có giá trị vững chắc.

II.3. Tre Việt Nam – Một vẻ đẹp mới lạ

II.3.a) Về hình tượng nghệ thuật

Nguyễn Duy đã không ngại dùng hình ảnh cây tre - một loài cây vốn xa lạ với văn thơ Việt xưa (thường là trúc, không phải là tre) - để nói về con người Việt Nam. Tuy nhiên, viết về cây tre theo khuynh hướng này, không phải chỉ có một mình Nguyễn Duy. Nhà văn Thép Mới trong bài Cây tre Việt Nam cũng từng ca ngợi nhiều phẩm chất quý báu của tre có thể liên hệ được với phẩm chất người lao động Việt Nam: Tre xung phong giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín… Nhưng nét độc đáo trong bài Tre Việt Nam của Nguyễn Duy là nhà thơ đã thổi sự sống, hơi thở, nhịp đập của tâm hồn nhân dân vào hình tượng cây tre, khiến cây tre Việt Namtrong bài thơ trở thành một sinh thể sống có tâm trạng, suy tư và biết tự kể về cuộc đời mình. Chính điều đó cũng đã làm cho bài thơ trở nên gần gũi, dễ đồng cảm hơn, xóa đi khoảng cách cố hữu giữa người đọc và chủ thể trữ tình. Đọc bài thơ, chúng ta như nghe thấy chính mình đang tâm sự với mình vậy.

II.3.b) Về lối liên tưởng, so sánh

Bài thơ có nhiều những hình ảnh so sánh, liên tưởng hết sức thú vị, như Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành, Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm, Lưng trần phơi nắng phơi sương – Có manh áo cộc tre nhường cho con…Phần lớn là những liên tưởng, so sánh với những hoạt động, tính cách của con người nên khiến cho “nhân vật tre” thêm phần gần gũi, thân thiết với đời sống và con người Việt Nam.

II.3.c) Về cách tổ chức các đơn vị ngôn ngữ thơ

Nguyễn Duy là một trong số không nhiều cây bút hiện nay đã góp phần làm mới thể lục bát bằng những tìm tòi theo hướng hiện đại, tạo nên nét độc đáo, hấp dẫn trong cấu trúc, hình ảnh và ngôn ngữ của thể thơ truyền thống này. Ở bài Tre Việt Nam, đó là sự phá cách trong cách ngắt nhịp như đã trình bày, là việc sử dụng lối thơ “rớt dòng” ở những câu sáu tiếng:
- Tre xanh
Xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh?
- Mai sau
Mai sau
Mai sau…
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh.
Cả bài thơ là lời tre tự kể về tính cách, cuộc đời mình, khiến cho lời thơ thêm phần chân thật, dễ đồng cảm. Nhà thơ đã tiếp thu yếu tố tự thuật này trong văn xuôi và đưa vào thơ lục bát một cách tự nhiên, tươi mới, mà vẫn giữ được điệu sâu lắng, nhịp nhàng của thể loại trữ tình này.
Nguyễn Duy nổi tiếng với tài năng vận dụng những yếu tố của văn học dân gian vào thơ mình một cách linh hoạt, nhuần nhị, giàu cá tính sáng tạo. Đọc thơ Nguyễn Duy ta như gặp một thế giới của ngôn ngữ dân gian “sinh động, phập phồng, làm nền cho tiếng đàn độc huyền đầy sáng tạo của hồn thơ thi sĩ”[1]. Ở Tre Việt Nam, ta bắt gặp những cách nói cân đối, nhịp nhàng gần với lời nói dân gian (như quán ngữ, thành ngữ): nên lũy nên thành, tay ôm tay níu, thân gãy cành rơi…hoặc chính những lời nói dân gian ấy lẫn vào bài thơ một cách tự nhiên, đằm thắm: Năm qua đi, tháng qua đi, Tre già măng mọc có gì lạ đâu. Trong bài thơ, ta còn bắt gặp những câu mang dáng dấp quen thuộc của những câu ca dao. Chẳng hạn như câu Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù gợi người đọc nhớ đến những câu ca dao có mô hình cấu trúc “bao nhiêu…bấy nhiêu…” như Bao nhiêu nuộc lạc nhớ ông bà bấy nhiêu hay Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu…
Những nét độc đáo sáng tạo ấy đã thổi một làn gió mới mẻ vào bài thơ Tre Việt Nam nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng, đằm thắm vốn có. Bởi một đặc điểm trong phong cách thơ Nguyễn Duy là thể hiện điệu tâm hồn mới bằng những sáng tạo bắt rễ sâu xa từ truyền thống dân tộc.

III. KẾT LUẬN

Tre Việt Nam là một bài thơ hay: tính chân thực cao, có sự kết hợp nhuần nhị, hài hòa giữa những yếu tố trong chỉnh thể bài thơ cùng với những nét sáng tạo mới lạ, độc đáo về lối tư duy và hình tượng nghệ thuật. Ngôn từ đẹp cộng với giá trị sâu sắc của nội dung phản ảnh đã làm rung động nhiều thế hệ người đọc. Hình ảnh cây tre vốn rất đỗi thân quen, gần gũi với người lao động Việt Nam xưa nay, nhưng phải từ Tre Việt Nam của Nguyễn Duy thì những phẩm chất đáng quý của cây tre mới được nhận diện, khai thác hết, và cũng từ đó mà cây tre trở thành một vật biểu trưng cho con người Việt Nam, cho dân tộc Việt ta. Ra đời trong hoàn cảnh xã hội đặc biệt, bài thơ là một vẻ đẹp mang tính thời sự, nhưng ngẫm cho kĩ thì đó lại là vấn đề muôn thưở: tìm về bản chất sức mạnh của dân tộc mình./.
TPHCM, 5/2009


1.   Phùng Quý Nhâm, Bài giảng về Mỹ học (tài liệu lưu hành nội bộ), Trường Đại học Sư phạm TPHCM, 2009.
2.   Nguyễn Duy, Cát trắng (tập thơ), NXBQuân đội nhân dân, H.
3.   Aristotle, Nghệ thuật thơ ca, NXB Lao động – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H.2007.
4.   Đimitriêva A. N., Bàn về cái đẹp, NXBVăn hóa nghệ thuật, H.1962.
5.   Hà Minh Đức (chủ biên), Lý luận văn học, NXBGD, H.2008.
6.   Lê Lưu Oanh, Văn học và các loại hình nghệ thuật, NXBĐHSP, H.2006.
7.   Lê Ngọc Trà, Lý luận và văn học, NXBTrẻ, TPHCM.2005.
8.   Trần Đình Sử, Những thế giới nghệ thuật thơ, NXBGD, H.1995.
š




[1] Phạm Thu Yến, Những thế giới nghệ thuật ca dao (Ca dao vọng về trong thơ Nguyễn Duy), NXBGD, H.1998, tr200.


EmoticonEmoticon