TÌM HIỂU TIẾNG LÒNG NGƯỜI VIỆT QUA BIỂU TƯỢNG “ĐÀN” TRONG CA DAO



NGUYỄN NGỌC ĐOAN TRANG[1]
Theo R.Linton và H.Poirier, “Văn hóa là một chỉnh thể bao gồm: Khái niệm – Chuẩn mực – Giá trị – Biểu tượng… tạo nên bản thể hay bản tính của một cộng đồng cư dân” [dẫn theo 4:16]. Như vậy, biểu tượng là một chất liệu quan trọng cấu thành nền văn hóa dân tộc. Biểu tượng trong văn hóa là sản phẩm của một hình thức tư duy cao cấp, là trung tâm của những thành tựu sáng tạo cao nhất của con người [2]. Vì vậy, có nhà nghiên cứu đã gọi đó là điểm sáng thẩm mỹ, giúp con người dễ giao cảm hơn với nền văn hóa của một dân tộc [8:65].

Biểu tượng trong văn học là kết quả của nghệ thuật biểu trưng hóa những sự vật, hiện tượng tự nhiên, được nhận diện bằng chất liệu ngôn từ, cho nên những từ ngữ biểu đạt biểu tượng sẽ được khai thác ở góc độ nghĩa bóng, nghĩa biểu cảm. Biểu tượng văn học thực chất là ẩn dụ được sử dụng ở mật độ cao, mang tính quy ước, vì vậy, so với ẩn dụ, biểu tượng có tính ước lệ và bền vững hơn. Nó là “vật môi giới” “mang một kí hiệu” “giúp ta tri giác cái bất khả tri giác” [9:309]. Trong đó, ca dao có thể được ví như một chiếc rương quý bảo lưu rất nhiều những biểu tượng dân gian. Nói đúng hơn là cả một thế giới biểu tượng sống trong ca dao. Biểu tượng ăn sâu vào trong tư tưởng thẩm mỹ dân gian, trở thành một phương thức sáng tạo tất yếu cho loại hình thơ ca dân gian này. Biểu tượng ca dao được phân loại thành nhiều hệ thống, bài viết này muốn thử đi giải mã một biểu tượng thuộc hệ thống các vật thể nhân tạo: biểu tượng đàn.

Về phân loại, đàn nằm trong nhóm những dụng cụ sinh hoạt gia đình. Đây là cách phân loại biểu tượng của các tác giả Nguyễn Xuân Kính và Trương Thị Nhàn [9:310]. Thế giới các vật thể nhân tạo, trong đó, các dụng cụ sinh hoạt gia đình xuất hiện trong ca dao dưới những biểu hiện hết sức phong phú, đa dạng, mang giá trị biểu trưng nghệ thuật cao, chiếm một tỉ lệ vượt trội [15:46-48]. Điều đó cho thấy sự quan tâm của con người đối với những đồ vật gần gũi, thân thiết xung quanh mình. Trong số đó, cây đàn hay tiếng đàn đã được các tác giả dân gian chú ý, chọn làm biểu tượng cho tâm trạng, nỗi lòng hay có khi còn là cho thân phận của mình.

Có thể thấy rằng, cây đàn không phải lúc nào cũng hiện diện trong từng ngôi nhà của người dân Việt Nam ngày xưa; đặc biệt là đối với người nông dân, cây đàn không thật gắn bó thường trực với họ như những đồ vật khác. Đó chính là lý do mà trong kho tàng ca dao người Việt - tiếng nói của những người “trồng dâu nuôi tằm”[3]- tần số xuất hiện của biểu tượng đànlại đứng sau những biểu tượng khác như: áo, quần; chiếu, gối, chăn, giường; khăn; đèn; đũa, mâm, bát; võng, dù; nón. [7:325]. Tuy nhiên, biểu tượng đàn trong tương quan với hơn một trăm biểu tượng ca dao khác, lại đứng thứ 33, thuộc vào loại biểu tượng có tần số xuất hiện cao: 75 lần/ tổng số 12000 câu ca dao [7:325]. Lý giải điều này, người viết muốn chú ý tới chức năng làm nghệ thuật của cây đàn, khiến nó có sự khác biệt với những dụng cụ sinh hoạt gia đình khác. Đàn là một loại nhạc cụ không thể thiếu của nghệ thuật thanh sắc. Khi nào một dân tộc còn lưu giữ loại hình nghệ thuật này cho nền văn hóa của mình, thì khi đó không thể vắng bóng cây đàn. Thông qua tiếng đàn, người ta có thể giãi bày được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình. Trong giao tiếp và quan hệ xã hội thì người Việt Nam có xu hướng coi trọng tình cảm…, tinh thần…, ưa sự tế nhị, kín đáo [14:316]. Vì vậy, giai điệu, âm thanh từ những cung đàn chính là nơi người ta có thể kí thác tâm trạng, nỗi lòng mình. Đó chính là mục đích thẩm mỹ của con người dẫn đưa hình ảnh cây đàn đi vào thế giới ngôn từ nghệ thuật của ca dao như một tín hiệu thẩm mỹ đặc sắc.

Theo Trương Thị Nhàn thì trong ca dao, các biểu tượng thuộc nhóm những dụng cụ trong sinh hoạt gia đình nói chung được sử dụng thiên về biểu hiện những yếu tố, những tình huống của cuộc sống liên quan nhiều đến tình yêu và hạnh phúc gia đình [15:48]. Biểu tượng đàncũng vậy, hình ảnh cây đàn với những sắc thái của tiếng đàn, với những mối quan hệ nội tại hay ngoại ứng của nó, khi đi vào ca dao đã trở thành biểu tượng cho tâm trạng của người đang yêu, cho sự gắn bó của lứa đôi, vợ chồng. Số lượng những câu ca dao thể hiện điều này chiếm tỉ lệ nhiều hơn hẳn (26 trên 30 câu mà người viết tự thống kê được).

Bài viết này xin được tiếp cận biểu tượng đàn trong ca dao theo các góc độ mà các tác giả dân gian đã tiếp cận và khai thác hình ảnh cây đàn trong cuộc sống để đưa nó vào ca dao:

a)     Tiếng đàn – âm thanh hóa tâm trạng con người.

Nếu xét về phạm trù giá trị sử dụng trong hệ thống các phương thức miêu tả biểu tượng là các vật thể nhân tạo [7:127], thì cây đàn được dùng để gảy nên những khúc nhạc tâm tình, để thỏa lòng người gảy cũng như người nghe. Vì vậy mà quá trình biểu trưng hóa cây đàn vào trong ca dao chủ yếu là quá trình biểu trưng hóa tiếng đàn.
Tiếng đàn trong ca dao lại là sự âm thanh hóa tâm trạng của người đang yêu. Nếu như biểu tượng sônghay chiếc cầu là không gian, biểu tượng thu là thời gian của con người vận động mang tính cách và tâm trạng thì biểu tượng đànlại chính là mối giao hòa giữa con người với chính mình, ở tiếng đàn, ta bắt gặp chính tâm trạng mình đang vận động. Tiếng đàn khi chứa đầy tâm trạng có sức rung cảm rất lớn:
Đi qua nghe tiếng em đàn
Cá mười khe đứng lại, chim trên ngàn đậu im. [11:370]
Đàn ai khéo gảy tính tinh
Một đàn con cá nước lặn ghềnh nó nghe.
                                                            [11:367]
Mang nỗi lòng không thể giãi bày, người ta chỉ có thể mượn tiếng đàn mà gửi gắm:
 Đàn kêu cống xự hồ xang
Lòng tôi thương bạn, biết chăng bạn vàng?
                                                            [11:387]
Đờn tranh dây xế, dây xang
Anh còn thương bạn bạn khoan lấy  chồng.
                                                            [11:379]
Đờn cò lên trục kêu vang
Anh còn thương bạn bạn khoan có chồng.
                                                              [2:414]
Đàn cầm chửa bén duyên tơ
Năm canh luống những ngẩn ngơ tiếng đàn.
                                                              [2:440]
Có khi đó là tiếng đàn được nhắc đến một cách khái quát, nhưng cũng có khi tiếng đàn còn được gắn với một loại đàn cụ thể:
-     Đờn tranh dây xế, dây xang …            (sđd)
-     Đờn cò lên trục kêu vang …                (sđd)
-     Cung đàn tỳ bà ai khéo gảy tang tình tính tang     [11:367]
Điểm qua những câu ca dao có yếu tố khởi hứng là tiếng đàn, người viết nhận thấy sắc thái của tiếng đàn thường được cụ thể hóa bằng những từ tượng thanh:
-     Đàn ai khéo gảy tính tinh                (sđd)
-     Cung đàn tỳ bà ai khéo gảy tang tình tính tang(sđd)
hoặc là những từ đệm ở đầu và cuối bản đàn như xang, xế…:
-     Đàn kêu cống xự hồ xang                (sđd)
-     Đờn tranh dây xế, dây xang …            (sđd)
-     Long ngâm hổ đối, cá cống xang hồ, cái hồ xang …         (sđd)
Cấu trúc của những câu ca dao này có thể giống nhau ở các từ tượng thanh hoặc từ đệm, nhưng mỗi câu lại là một nỗi lòng, một tâm tình riêng. Về điểm này, người viết trộm nghĩ tới sự tương giao với tính linh hoạt trong nghệ thuật thanh sắc của người Việt: Âm nhạc truyền thống không đòi hỏi mọi nhạc công chơi giống hệt nhau. Chỉ cần bắt đầu và kết thúc giống nhau và chơi đúng theo hơi quy định (ví dụ bắt đầu bằng chữ “xang”, kết thúc bằng chữ “xê” theo hơi Namhay hơi Xuân), còn ở các phách giữa thì mỗi nghệ nhân có thể bộc lộ hết tài năng của mình. [13:183]
Có khi chủ thể của tiếng đàn hiện lên qua động tác gảy đàn:
-     Đàn ai khéo gảy tính tinh…                 (sđd)
-     Cung đàn tỳ bà ai khéo gảy tang tình tính tang…  (sđd)
-      Ôm đàn gảy khúc Cầu hoàng         [7:241]
- (…) Em thương anh dạ xót xa
Cầm đàn ra gảy biết đà có nguôi
Đang vui em lại nực cười
Đang đi lưu thủy lộn bài song ngâm (…)
                                                            [7:422]
Gắn với động tác gảy đàn là những khúc nhạc được gảy: khúc Cầu hoàng, lưu thủy, song ngâm… góp phần đắp nổi những sắc thái tình cảm, tâm trạng của người gảy, đồng thời thể hiện sự tài hoa, am hiểu âm nhạc của những nghệ nhân dân gian (vừa chơi đàn hay lại vừa sáng tác ca dao).
Nhưng cũng có khi cây đàn được nhân cách hóa như một sinh thể sống có tâm trạng để chủ thể trữ tình lẩn khuất đi, vậy mà người đọc vẫn nhận thấy cái tâm tình kín đáo, tế nhị của người đàn:
-     Đàn kêu cống xự hồ xang…                (sđd)
-     Đờn cò lên trục kêu vang…                 (sđd)
Tiếng đàn cũng thường bắt gặp cùng với tính từ miêu tả não nùng trong thế đối sánh với tâm tư con người:
Cầm đànmà gảy năm cung
Đàn ai mà gảy não nùng rứa ai.
                                                              [7:241]
Cầm đàn mà gảy qua sông
Đàn em, em gảy não nùng như ru
Đàn anh dây thẳng, dây chùng
Đàn em, em gảy năm cung rõ ràng.
                                                              [2:440]

Tiếng lòng con người lúc này cũng hòa điệu với sắc thái chung của tiếng đàn Việt Nam: buồn sâu lắng. Đó chính là một vẻ đẹp nhân văn của nền văn hóa Việt Nam đã được thể hiện trong âm nhạc và in đậm dấu ấn vào ca dao: âm nhạc Việt Nam  đều thiên về diễn tả tình cảm nội tâm mang đậm tính chất trữ tình, gợi nên những cảm xúc âm tính - những nỗi buồn man mác [theo14].
Tiếng đàn trong ca dao cũng được nhắc đến cùng với năm cung:
-      Cầm đàn mà gảy năm cung
Đàn ai mà gảy não nùng rứa ai. (sđd)
-      Cầm đàn mà gảy năm cung
Gặp chàng sẽ gảy tình chung đôi lời.
                                                              [7:241]
-  Cầm đàn mà gảy qua sông
Đàn em, em gảy não nùng như ru
Đàn anh dây thẳng, dây chùng
Đàn em, em gảy năm cung rõ ràng. (sđd)
Phải chăng có một sự hòa điệu tình cờ giữa năm cung bậc thanh âm trong tiếng đàn với năm sắc thái tình cảm của con người? Hay con số năm ấy chỉ là hình ảnh ước lệ cho triết lý hài hòa, cân bằng của thế giới cảm tính bên trong con người, như một số nhà nghiên cứu biểu tượng con số trong văn hóa đã đề cập tới? [9:208-212]

b)     Biến thể đàn – dây.

Đàn trong ca dao không chỉ tồn tại dưới cấu trúc của một biểu tượng đơn mà có khi nó còn kết hợp với những yếu tố khác để tạo thành những biến thể là những biểu tượng sóng đôi. Đó là khi cây đàn được các tác giả dân gian khai thác trong những mối quan hệ khác nhau.
Khi đàn được nhìn trong mối quan hệ với chính nó, trong cấu tạo của nó thì khi đó ta có biến thể sóng đôi đàn – dây trong ca dao.
Đặc trưng cấu tạo của cây đàn cũng chính là cơ sở để tiếp cận biểu tượng đànbằng phạm trù trạng thái, tính chất. Đa phần những loại đàn truyền thống của dân tộc Việt đều thuộc bộ dây (tức là âm thanh của tiếng đàn được gợi lên bằng cách tác động vào dây đàn), chẳng hạn như đàn cò, đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh… Vì vậy mà mối quan hệ đàn – dây đã có sức khơi gợi mạnh mẽ. Thực chất thì những nét nghĩa của biến thể đàn – dây nằm trong thế “tiền giả định” là đàn phải có dây, đàn và dây gắn bó với nhau, tồn tại cùng nhau như một tất yếu. Hai trạng thái liên kết giữa đàn và dây có thể được kí hiệu hóa như sau: đàn – dây (+) chỉ trạng thái đàn có đủ dây, hay như ngôn ngữ ca dao là đàn bén dây. Sự gắn bó đó khiến người ta liên tưởng đến sự gắn bó lứa đôi:
(…) Bây giờ đàn đã bén dây
Chẳng trăm năm cũng một ngày đôi ta
                                                              [7:241]
 Chính vì dây là một bộ phận không thể thiếu của đàn, không có dây thì đàn cũng trở nên vô dụng, cho nên kí hiệu đàn – dây (-) chỉ trạng thái đàn đứt dây, đàn không dây một trạng thái không bình thường, không hoàn mỹ của sự vật, nó gợi nghĩ về những cảnh đời bất hạnh, không như ý của con người, chẳng hạn như cảnh mồ côi:
Có cha có mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây
                                                              [7:242]
Có cha có mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn không dây.
                                                              [7:242]
hay như lời than thân sau của cô gái đã gợi được nhiều thương cảm đối với người đọc:
Phận em sao lắm dở dang,
Cầm tiêu tiêu gãy, cầm đàn đứt dây.
                                                              [7:242]
(…) Cầm đàn mà bỏ quên dây
Luống công ao ước từ ngày ước ao
                                                              [7:242]
Khi đó, đàn đã trở thành biểu trưng cho một cảnh đời.
c)      Biến thể đàn – loại nhạc cụ khác.
Khi cây đàn được nhìn trong mối quan hệ với sự vật xung quanh, trong ca dao lại xuất hiện thêm biến thể sóng đôi đàn – loại nhạc cụ khác. Và yếu tố được biểu trưng hóa ở đây chính là sự phối hợp âm thanh giữa các nhạc cụ này, thường thì nó là biểu tượng cho lứa đôi đang yêu, hay những cặp vợ chồng.
Nhạc cụ khác ở đây có thể cũng là đàn nhưng là một loại đàn khác:
Đờn huyền hòa với đờn tranh,
Em có chồng, phụ nghĩa anh, anh buồn.
                                                              [7:242]
Vợ như nàng, chồng đặng như anh,
Giả như đờn đấu, đờn tranh hợp hòa.
                                                              [7:242]
Sự kết hợp giữa hai loại đàn khác nhau còn được thể hiện dưới hình thức từ ghép Hán Việt sắt cầm. Theo Tự điển Hán - Việt thì sắt“cái đàn sắt, thứ đàn có 25 dây”, còn cầm“cây đàn cầm, đàn dài ba thước sáu tấc, căng bảy dây gọi là đàn cầm” [13:369-370]. Cặp biểu tượng sắt - cầm được sử dụng khá phổ biến trong văn chương bác học thời kì trung đại như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc…[4].Tình cầm sắt được nhắc đến ở các tác phẩm này như một ẩn dụ cũng được hiểu là tình nghĩa gắn bó thủy chung của lứa đôi, vợ chồng. Trong ca dao, cặp biểu tượng này xuất hiện cũng không nằm ngoài nét nghĩa đó:
(…) Ước sao chỉ Tấn tơ Tần
Sắt cầm hảo hợp lựa vần quan thư
                                                            [11:223]
Câu lương duyên thề nguyền giao ước
Nghĩa sắt cầm giữ vẹn trước cũng như sau…
                                                            [11:227]
(…) Trước nhờ Nguyệt Lão xe dây
Sắt cầm đưa lại đó đây một nhà.
                                                            [11:266]
Có khi đó còn là sự kết hợp giữa đàn với một loại nhạc cụ khác trong dàn hợp tấu, thường là với sáo. Tiếng sáo hòa hợp với tiếng đàn là dấu hiệu của sự tri âm, còn tiếng sáo đi ngược tiếng đờn là dấu hiệu của sự không đồng cảm:
Đàn Châu Tuấn ít ai biết gảy
Sáo Tam Kì ít kẻ biết nghe
                                                            [17:209]
Bởi vì ai nên tiếng sáo đi ngược tiếng đờn
Duyên kim đâu phải ngày một,  mà anh đã vội hờn đó anh.   [7:243]
(…) Đàn ơi lên dây cho đúng bậc, để sáo hòa đôi câu.           [9:164]
Sự kết hợp giữa những loại nhạc cụ truyền thống này một phần phản ánh được những nét riêng trong văn hóa âm nhạc của dân tộc, một phần còn thể hiện được sự tinh tế, sành nghệ thuật của những tác giả dân gian trong việc thưởng thức tiếng đàn.
Ở phần cuối của bài viết này, người viết xin được trình bày quan điểm của mình về nguồn gốc của biểu tượng đàn. Trong ca dao, đôi khi ta bắt gặp những câu mà biểu tượng đàn xuất hiện cùng với hai nhân vật nữa tạo thành biểu tượng sóng ba: Bá Nha – đàn - Tử Kỳ để biểu trưng cho sự  tri âm. Hiện tượng này gợi nhớ đến điển cố văn học Bá Nha - Tử Kỳ [3:555]:
Đàn Bá Nha lên dây sẵn đợi
Đợi bạn Tử Kỳ tri âm hỡi có hay?
                                                              [2:440]
(…) Tử Kỳgặp lại Bá Nha
Đàn ơi lên dây cho đúng bậc, để sáo hòa đôi câu.
                                                              [9:164]
Hay là hình ảnh đàn đứt dây trong một số trường hợp biểu tượng cho nỗi lòng đau đớn cũng vốn có một tích như sau: Tiểu Lân là người đàn bà hay đờn thưở xưa, sau bị cải giá, nhân lúc dây đàn đứt, nàng có thơ rằng:“Dục tri tâm đoạn tuyệt, Ưng khan tất thượng huyền”, ý là muốn biết mối tơ lòng đứt nát, thời nên coi cái dây đàn trên đầu gối [12:272]. Và biểu tượng tiếng đàn trong những trường hợp này xuất phát từ văn học cổ Trung Quốc.

Nhưng không phải lúc nào hình ảnh cây đàn cũng xuất hiện cùng với Bá Nha - Tử Kỳ, điển hình là các ví dụ đã dẫn ở phần trên. Thêm nữa, sự tương đồng giữa trạng thái đàn đứt dây với những cảnh ngộ đau khổ, không may của con người hoàn toàn có thể được nhân dân liên tưởng từ quá trình quan sát trực tiếp trong cuộc sống.

Qua đó, người viết nhận thấy đàn là một dạng biểu tượng có nguồn gốc khá phức tạp, đó là sự đan xen của nhiều ảnh hưởng khác nhau như đã trình bày. Tuy nhiên, một cách tương đối, người viết cũng xin được tổng kết về nguồn gốc của biểu tượng đàn như sau: trong những đơn vị ca dao mà đàn xuất hiện dưới dạng biểu tượng sóng ba Bá Nha – đàn – Tử Kỳ thì tiếng đàn có thể được xem như là biểu tượng có nguồn gốc từ văn học cổ Trung Quốc; đa phần còn lại, biểu tượng đàn trong ca dao là kết quả từ sự quan sát trực tiếp hằng ngày của nhân dân.

Ca dao là tiếng nói giàu nhạc điệu của dân gian. Tiếng đàn là tâm trạng của con người. Tiếng đàn trong ca dao là tiếng lòng trong tiếng lòng. Biểu tượng đàn trong ca dao là tấm gương phản chiếu hai lần tâm tư, tình cảm của người sáng tạo. Tiếp cận với biểu tượng đàn trong ca dao người Việt, ta sẽ bắt gặp tầng lớp lớp những tâm tình của dân tộc mình.
Bài viết này hy vọng góp thêm tiếng nói của mình vào việc tìm hiểu biểu tượng đàn, bằng cách vận dụng thành tựu nghiên cứu biểu tượng ca dao của những người đi trước để giải mã một biểu tượng truyền thống đặc sắc trong kho tàng ca dao người Việt./.
TPHCM, 2009




TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.       Bùi Mạnh Nhị, Hồ Quốc Hùng, Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Văn học dân gian - Những công trình nghiên cứu, NXBGD, H.2004.
2.       Bùi Mạnh Nhị, Hồ Quốc Hùng, Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Văn học dân gian - Những tác phẩm chọn lọc, NXBGD, H.2004.
3.       Đinh Gia Khánh, Điển cố văn học, NXBKHXH, H.1977.
4.       Đỗ Thị Hòa, Thế giới động vật thủy sinh và đời sống văn hóa Việt trong ca dao, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1/2008, tr.16-24.
5.       Đoàn Thị Thu Vân, Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Đoàn Lê Giang, Tư liệu Ngữ văn 10 - Phần văn học, NXBGD, H.2006.
6.       J. Chevalier, A. Gheerbrat, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Xuân Giao… dịch, NXB Đà Nẵng và Trường Viết văn Nguyễn Du, ĐN-H. 1997.
7.       Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người Việt, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn - Đại học Sư phạm TPHCM, 2002.
8.       Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Tiếp cận biểu tượng trầu cau, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 2/1997, tr.65-68.
9.       Nguyễn Xuân Kính, Thi pháp ca dao (Chương 7: Một số biểu tượng), NXB Đại học Quốc gia, H.2004.
10.   Phạm Thu Yến, Vấn đề nghiên cứu biểu tượng trong thơ ca dân gian, Tạp chí Văn học, số 4/1999, tr.55-62.
11.   Phạm Việt Long, Tục ngữ ca dao về quan hệ gia đình, NXB Chính trị quốc gia, H.2004.
12.   Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện, Lê Xuân Lít giới thiệu, NXBThanh Niên, TPHCM.2004.
13.   Thiều Chửu, Tự điển Hán - Việt, NXB Đà Nẵng, ĐN.2005.
14.   Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXBGD, H.2000.
15.   Trương Thị Nhàn, Giá trị biểu trưng nghệ thuật của các vật thể nhân tạo trong ca dao cổ truyền Việt Nam, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 3/1991, tr.46-52.
16.   Trương Thị Nhàn, Tìm hiểu ngôn ngữ nghệ thuật ca dao qua một tín hiệu thẩm mỹ, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4/1992, tr.18-21.
17.   Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, NXB Văn học, H.2007.
* Chú thích [x:y] có nghĩa là [số thứ tự của tài liệu tham khảo đã liệt kêở trên : số trang trích dẫn].
š




[1] Thạc sĩ Ngôn ngữ học, giáo viên Ngữ văn trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Tp. Hồ Chí Minh)
[2] Phạm Đức Dương, Từ văn hóa đến văn hóa học, Viện Văn hóa và NXB Văn hóa thông tin, H.2002, dẫn theo [ 4: 17].
[3] Nguyễn Du có câu: “Thôn ca sơ học tang ma ngữ”(câu hát thôn dã giúp ta biết được tiếng nói của những người trồng dâu gai - tức là của những người bình dân).
[4] Do quy mô bài viết nên xin thứ lỗi cho người viết không tiện trích dẫn ra ở đây.


EmoticonEmoticon