BÀI NGHỊ LUẬN XÃ HỘI: BÍ KÍP CHINH PHỤC DẪN CHỨNG!




Phần dẫn chứng chính là một phần khó nhằn trong bài nghị luận xã hội. Hãy cùng tham khảo những bí kịp để đánh bại  “đối thủ nặng kí” này nhé!

1.                  Vốn nhiều khỏi lo làm liều!

Làm thế nào để teen có thể có được vốn dẫn chứng phong phú? Bí quyết chính là:sưu tầm tư liệu theo nhóm.

Sưu tầm ở đâu? Các bài viết về người tốt việc tốt, những nhân vật nổi tiếng đường thời, những câu chuyện về giai thoại của các danh nhân…

Làm như thế nào? Nhóm thảo luận để đưa ra một hệ thống các chủ đề cần tìm dẫn chứng, mỗi thành viên tìm tư liệu theo chủ đề mình được phân công. Có thể tìm chủ đề thông qua các tuyển tập đề thi, mỗi đề là một gợi ý hay.

Chủ đề nào là “Gương mặt thân quen”?  Tình cảm gia đình, các đức tính của con người (trung thực, dũng cảm, tự lập…), quá trình trau dồi kiến thức (tự học, tầm quan trọng của sách, vai trò của người thầy…) , các hiện tượng trong đời sống…

2.                  Thông minh không sợ viết linh tinh!


Thông minh: đó là không cần phải ghi nhớ nhiều nhưng vẫn đạt hiệu quả. Mỗi dẫn chứng đều có nhiều khía cạnh, sự linh hoạt chính là chiếc đũa phép thần kỳ cho teen.

Nếu chưa tin, hãy thử “làm phép” với một dẫn chứng:

Dẫn chứng : Edison phải trải qua nghìn thí nghiệm thất bại mới phát minh ra được ra bóng đèn dây tóc.

Đề “Sự kiên trì”:Chính sự kiên trì đã giúp Edison không nản lòng sau những thí nghiệm thất bại và đã cho ra đời bóng đèn dây tóc – một trong những phát minh quan trọng của nhân loại.

Đề “Niềm đam mê”:  Niềm đam mê công việc khiến Edison không xem một ngàn thử nghiệm trước đó là thất bại, mà là những kinh nghiệm đắt giá, nhờ đó ông đã thành công trong việc phát minh ra bóng đèn dây tóc.

Đề “Tinh thần lạc quan”:  Nếu trước những thất bại mà bi quan, hẳn sẽ không bao giờ Edison phát minh được bóng đèn dây tóc. Tinh thần lạc quan đã giúp ông  có được thái độ tích cực,  từ đó rút ra được những kinh nghiệm quan trọng từ các thí nghiệm thất bại.

Nếu chúng ta nắm được “bí kíp” của sự linh hoạt, từ dẫn chứng này có thể giải quyết cho nhiều đề khác: Thái độ tích cực, thất bại là mẹ thành công, có chí thì nên, sống cống hiến…



3.                  “Thần chú” cho dạng NLXH về hiện tượng đời sống: “Gia đình – nhà trường – xã hội”.

Khi “bí lù”, các sĩ tử đừng quên câu thần chú này nhé! Đây là những nguồn thuộc và gần gũi, có thể cho ta những dẫn chứng đắt giá. Vì đặc thù của dạng NLXH về hiện tượng đời sống, các dẫn chứng đôi khi khó có thể kể tên nhân vật một cách cụ thể, nhưng ta vẫn có thể đưa ra những sự kiện nổi cộm đang được dư luận chú ý.

Chúng ta cùng thử  “thần chú” này với đề “Bạo lực trong đời sống” :

Gia đình:  Nạn bạo hành gia đình. Báo chí dường như không còn xa lạ với những tin về những người phụ nữ, những em nhỏ là nạn nhân của nạn bạo hành, phải chịu đựng nhiều vết thương về thể chất lẫn tinh thần.

Nhà trường: Nạn bạo lực học đường, nổi cộm với những clip học sinh đánh nhau, hoặc học sinh bắt nạt bạn được đăng tải trên internet.

Xã hội:  Hiện tượng thanh niên gây gổ vì những lí do rất nhỏ nhặt: va quẹt xe trên đường, cho là bị “nhìn đểu”, gây gổ do say xỉn…

Trong bài NLXH về hiện tượng đời sống, dẫn chứng được đưa vào phần thực trạng – chính là nền tảng của các phần nguyên nhân, tác hại, giải pháp.  Vì vậy, khi giải quyết các phần sau, câu thần chú “Gia đình – nhà trường – xã hội” cũng rất hữu ích!







EmoticonEmoticon