VAI TRÒ CỦA CA DAO, DÂN CA TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN NAY




“Từ bao giờ đến bây giờ, từ Homerơ đến Kinh Thi, đến ca dao Việt Nam, thơ ca có một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại, nó ra đời từ những buồn vui của loài người và sẽ làm bạn với con người cho đến ngày tận thế”
(Hoài Thanh)
K
ể từ khi con người vươn mình khỏi bóng tối nguyên thủy, mở rộng tâm hồn để đón nhận những vang vọng của đất trời, để trái tim mình cất lên những xúc cảm buồn vui yêu ghét, thì ca dao dân ca, những câu thơ khúc nhạc đầu tiên của nhân loại, đã nảy sinh và bầu bạn với con người như tri âm, tri kỉ. Ca dao dân ca Việt Nam đã chiếm một phần quan trọng không thể thay thế trong đời sống sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần của người Việt, trở thành một mảnh  ghép của hồn Việt,  một mảnh ghép cổ xưa, chân thành, mộc mạc mà sâu sắc, dạt dào…  Trong quá khứ, ca dao dân ca đã trải qua thời hoàng kim của nó, có thể nói ca dao dân ca có mặt trong mọi hoạt động của con người, góp mặt trong mọi khía cạnh của đời sống. Vậy còn sự tồn tại của ca dao dân ca trong đời sống hiện nay như thế nào? Có còn ở thời hoàng kim như trước nữa hay không? Đi sâu vào tìm hiểu sự tồn tại của ca dao dân ca trong đời sống hôm nay, tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên, cũng chính là chúng ta đang một lần nữa khám phá những giá trị, những vẻ đẹp tinh túy của tâm hồn ông cha ta kết tinh trong thể loại văn học dân gian này.
Trước khi đi vào tìm hiểu sự tồn tại của ca dao dân ca trong đời sống hôm nay, chúng ta cần có một sự thống nhất về cách hiểu khái niệm “ca dao dân ca”. “Ca dao dân ca” là gì? Theo Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hân – Trần Đình Sử -  Nguyễn Khắc Phi thì khái niệm dân ca (tiếng Pháp: chanson populaire; tiếng Anh: folk song) là một loại hình sáng tác dân gian mang tính tổng hợp bao gồm lời nhạc, động tác, điệu bộ kết hợp với nhau trong diễn xướng. Xét về đặc điểm âm nhạc, làn điệu, có thể chia dân ca thành hai loại hính là loại đa điệu và đơn điệu. Đa điệu (nhiều làn điệu) như dân ca quan họ Bắc Ninh (khoảng hai ba trăm làn điệu khác nhau). Đơn điệu như hát ví, giặm Nghệ - Tĩnh, hát trống quân, hát đúm…
Ca dao (tiếng Pháp: chanson populaire), hay còn goi là phong dao, đây là một thuật ngữ được dùng với nhiều nghia rộng hẹp khác nhau. Theo nghĩa gốc thì ca là bài hát có khúc điệu, dao là bài hát không có khúc điệu. Ca dao là danh từ ghép chỉ toàn bộ những bài hát lưu hành phổ biến trong dân gian có hoặc không có khúc điệu. Trong trường hợp này, ca dao đồng nghĩa với dân ca.
Tuy nhiên, do tác động của hoạt động sưu tầm, nghiên cưu văn học dân gian, thật ngữ ca dao đã dần dần chuyển nghĩa. Từ một thế kỉ nay, các nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam dã dùng danh từ ca dao để chỉ riêng thành phần nghệ thuật ngôn từ (phần lời thơ) của dân ca (không kể những tiếng đệm, luyến láy, tiếng đưa hơi). Với nghĩa này ca dao là thơ dân gian truyền thống. Dựa vào chức năng kết hợp với hệ thống đề tài, có thể phân ca dao cổ truyền thành những loại ca dao khác nhau, ca dao ru con, ca dao về tình yêu, ca dao về tình cảm gia đình, ca dao than thân, ca dao trào phúng…
Như vậy, trong phạm vi bài viết này, chúng ta hiểu dân ca là hệ thống các ca khúc sáng tác dân gian, xét trong những điều kiện diễn xướng đặc trưng của nó, còn ca dao, chính là phần lời thơ của dân ca. Chính vì ca dao là một phần của dân ca, chúng gắn với nhau thành một thể thống nhất không tách rời, nên khi xét đến sự tồn tại của ca dao dân ca trong đời sống ngày hôm nay, chúng ta không tách rời ca dao dân ca, bởi lẽ, dân ca tác động vào đời sống bằng âm nhạc, bằng cảm xúc, bằng các hình thức diễn xướng, và nhất là qua phần lời thơ của nó- ca dao.
M
ột thể loại văn học tồn tại, trước hết bởi vì nó còn đóng một vai trò nhất định trong cuộc sống của con người, hay nói cách khác đi, nó tồn tại là vì nó còn có những giá trị phục vụ cho đời sống con người, như Maxim Gorki đã từng nói: “người sáng tạo ra tác phẩm là tác giả, nhưng người quyết định số phận của tác phẩm lại là độc giả”. Bởi thế, xét đến sự tồn tại của một thể loại văn học trong một thời đại nào đó, trước hết là xét đến vai trò, tác dụng, giá trị của thể loại đó với đời sống con người của thời đại. Vậy trong đời sống hôm nay, ca dao dân ca đóng một vai trò như thế nào? Trong thời đại hôm nay, ca dao dân ca vẫn đóng một vai trò nhất định trong nhiều hoạt động của đời sống, góp mặt trong cuộc sống thường ngày. Ca dao dân ca đóng vai trò như một nguồn chất liệu dồi dào và đầy cảm hứng cho sáng tác nghệ thuật. Bên cạnh đó, ca dao dân ca nói riêng, hay văn học dân gian nói chung, còn là một công cụ đắc lực để người thời nay nhận thức quá khứ, cũng như tìm hiểu, tiếp thu những vốn quý trong tư tưởng, văn hóa của ông cha ta để lại.
Cũng như các thể loại khác của văn học dân gian, ca dao dân ca ra đời từ chính những hoạt động thực tiễn của đời sống con người, và cũng chính vì vậy, sự tồn tại của ca dao dân ca trước hết gắn chặt với những hoạt động sinh hoạt của cuộc sống thường nhật. Những khúc hát ru của mẹ, của bà, của chị bên cánh nôi tuổi thơ chính là một trong những biểu hiện sống động mà gần gũi, thân thuộc của sự tồn tại của ca dao dân ca trong đời sống hôm nay. Trong cuộc sống hiện đại, tuy rằng sự xuất hiện của những khúc ru em đang dần thưa vắng, nhưng chúng ta vẫn có thể bắt gặp hình ảnh những người mẹ, người bà, người chị cất lên những lời hát ngọt ngào để vỗ về những đứa trẻ vào giấc ngủ. Cùng nhịp võng đều đều hay vòng tay đong đưa nhẹ nhàng, ấm áp, những lời ca ngọt ngào, êm dịu của những bài hát ru như một cơn gió mát lành đưa tâm hồn trẻ thơ vào thế giới mộng ảo, huyền diệu của những giấc mơ lành, giúp em ngủ say, ngủ êm, không bị quấy phá bởi  những cơn ác mộng…
Bên cạnh sự phát triển của nhiều thể loại âm nhạc khác, và bên cạnh những công trình nghiên cứu khoa học về tác dụng của nhạc giao hưởng với sự phát triển trí não của trẻ, vai trò của các khúc hát ru đã dần mất đi vị trí độc tôn của mình, nhưng vị trí của hát ru trong đời sống là không thể thay thế được. Tiến sĩ Bùi Mạnh Nhị đã rất sáng suốt khi xem khúc hát ru là “những bài hát hay nhất thế gian”. Nhà thơ nổi tiếng Ranxum Gamzatốp cũng đề cập đến vai trò của những khúc hát ru trong bài thơ của mình:
Trên đời này chỉ có ba bài hát
Đủ nói hết buồn vui của thế giới tâm hồn
Hay hơn cả là bài ca thứ nhất
Bà mẹ dịu dàng khẽ hát ru con
Bài thứ hai cũng là bài của mẹ
Khi con trai mẹ chết, cánh tay già
Ôm xác con hát một mình, lặng lẽ…
Những bài hát còn lại trên đời là bài hát thứ ba
Đối với nhà thơ Raxun Gamzatốp, những khúc ca tuyệt diệu nhất trên cuộc đời này, những khúc ca “đủ nói hết buồn vui của thế giới tâm hồn”, chính là những bài hát của mẹ. Và trong những bài hát của mẹ, “hay hơn cả” chính là những khúc hát ru, là lời bà mẹ dịu dàng khẽ hát ru con. Đó là một nhận định rất xác đáng. Với tư cách là một trong những khúc ca đầu tiên của dân tộc và nhân loại, khúc hát ru có những tác dụng to lớn với đời sống con người, cụ thể ở đây là tác dụng với sự phát triển về thể chất và tinh thần của đứa trẻ. Chức năng của những bài hát ru, trước hết là để đưa đứa trẻ vào giấc ngủ, giai điệu ngọt ngào, lời thơ tha thiết, dịu dàng, dạt dào yêu thương, chính là con thuyền êm đềm đưa tâm hồn trẻ thơ vào dòng sông mơ mộng của những giấc ngủ. Bên cạnh đó, những giai điệu của hát ru, cũng chính là những bài học đầu tiên về âm nhạc, cho trẻ những cảm nhận về thính giác, để tâm hồn ngày một tinh tế hơn, nhạy cảm hơn. Hơn thế nữa, những khúc hát ru chính là những bài học đầu tiên về cuộc đời được bồi đắp trong tâm hồn đứa trẻ từ những giấc ngủ, tạc vào tiềm thức đứa trẻ những ấn tượng đầu tiên về cuộc sống muôn màu, muôn vẻ mà nó phải đối mặt khi trưởng thành. Những khúc hát ru đưa trẻ thơ vào thế giới huyền nhiệm của những giấc mơ, có cánh cò, cánh vạc, có lũy tre làng, có dòng sữa mát, có tình yêu thương bao la của người mẹ. Con cò, con vạc, quê hương cánh đồng từ đời thực thành con cò, con vạc, quê hương cánh đồng trong giấc ngủ đã tắm mình qua một thể giới kì ảo để hiền hơn, thân thuộc hơn, êm ả hơn. Nhưng đó chính là những ý niệm đầu tiên về cuộc sống, và cũng là cơ sở để đứa trẻ tiếp thu những điều phức tạp hơn về cuộc sống khi dần lớn lên. Chính vì vậy, không sai khi có người nhận định rằng: “ Ai lớn lên không được nghe hát ru thì người đó không thể hoàn thiện”.
Quả vậy, còn gì đẹp hơn hình ảnh ấy, người mẹ ẵm đứa trẻ trên tay, cất lên chất giọng tha thiết yêu thương. Có thể đó là những khúc ru trầm bổng của miền kinh Bắc:
“Cái ngủ mày ngủ cho ngoan
Để mẹ đi cấy đồng xa trưa về
Bắt được con trắm con trê
Thòng cổ mang về cho cái ngủ ăn…”
Hay những khúc hát ru của người mẹ miền Trung:
“Bạn chào ta có ân có ái
Ta chào lại bạn có nghĩa có nhơn
May mô may quyển lại gặp đờn
Quyển kêu thánh thót còn tiếng đờn thì ngâm nga
Nhắn em về nói với mẹ cha
Dọn đàng quét ngõ tháng ba dâu về
Dâu về không lẽ về không?
Ngựa Ô đi trước ngựa Hồng theo sau
Ngựa Ô đi tới vạt cau
Ngựa Hồng thủng thỉnh đi sau vạt chè...”
Hay khúc ầu ơ của người mẹ miền Nam, mộc mạc, chân tình mà ngọt ngào, tha thiết:
“Ầu ơ ... ví dầu
Cầu ván đóng đinh
Cầu treo lắc lẻo
Gập ghềnh khó qua
...
Ầu ơ ...
Khó qua mẹ dắt con qua...
Con đi trường học
Mẹ đi trường đời ...”
Đó là những khúc ca đi cùng tuổi thơ, khi nhìn thấy người mẹ hát ru, ta như bắt gặp cả tuổi thơ mình trong đó, trở về với phần hồn nhiên nhất, ấm cúng nhất của tâm hồn mình.
Tuy nhiên, có một thực trạng  đáng buồn là, trong cuộc sống hôm nay, sự xuất hiện của những khúc hát ru đang ngày một thưa vắng, sự tồn tại của những khúc hát ru trong đời sống hôm nay đang dần mờ nhạt. Sự phát triển của nhiều loại nhạc, sự phát triển của khoa học kĩ thuật kèm theo sự xuất hiện của băng đĩa đã khiến nhiều bà mẹ trẻ lơ là việc hát ru, hoặc chỉ cho trẻ tiếp xúc với các loại nhạc giao hưởng của phương Tây, hoặc không trực tiếp hát cho trẻ mà chỉ thông qua băng, đĩa. Đây là một thiếu sót rất lớn trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ, bởi vai trò của  hát ru, gắn trong hình thức diễn xướng trực tiếp của nó, với sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ là không thể phủ nhận. Dẫu biết rằng sự xuất hiện của cái mới và sự mờ nhạt dần của cái cũ là quy luật khách quan, nhưng với hát ru nói riêng và ca dao dân ca nói chung, có những giá trị là bất biến và vĩnh hằng, đó là những giá trị tinh thần không thể thay thế, luôn cần thiết cho mọi người, mọi thời.
S
ự tồn tại của ca dao dân ca trong đời sống sinh hoạt hằng ngày còn thể hiện ở những hoạt động giáo dục tư tưởng, tình cảm, lối sống, đạo đức. Trong đời sống hằng ngày vẫn dễ dàng bắt gặp việc sử dụng ca dao trong lời nói để răn dạy những bài học trong cuộc sống. Cha mẹ răn dạy con cái, người lớn tuổi răn dạy người nhỏ tuổi, hoặc là nhắc nhở chính bản thân mình, những quá trình ấy đều có thể sử dụng ca dao để tác động vào tư tưởng, tình cảm của người nghe. Trong lời nói hằng ngày, tục ngữ có tần số sử dụng nhiều hơn ca dao, nhất là trong những hoạt động giáo dục. Điều này cũng dể hiểu, do đặc trưng thể loại, tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, đúc kết những kinh nghiệm đã được kiểm chứng qua thời gian nên có tính thuyết phục cao. Đặc điểm dễ nhớ và giàu tính thuyết phục này giúp cho tục ngữ được sử dụng thường xuyên được sử dụng, gần như đã trở thành lời ăn, tiếng nói. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là tục ngữ thay thế hoàn toàn vai trò của ca dao trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Nếu tục ngữ là tiếng nói của lí trí, là kinh nghiệm được đúc kết, thì ca dao là tiếng nói của tình cảm, là khúc tâm tình giàu nhạc điệu. Nếu tục ngữ tác động vào tư tưởng bằng con đường của lí trí, của chân lí, thì ca dao tác động vào tư tưởng bằng con đường tình cảm, trái tim. Con đường mà ca dao lựa chọn là con đường nhuần nhị nhất mà cũng thấm thía nhất. Tuy vậy cũng phải thấy rằng, hình thức để ca dao đi vào tâm tưởng người nghe thời nay đã khác xưa rất nhiều, ca dao, trong hoạt động giáo dục trong đời sống, đang dần rời xa khỏi hình thức diễn xướng khởi nguyên của nó là hát, mà từ từ trở thành đọc ca dao, nói ca dao.
Ca dao dạy chúng ta bài học gì về cuộc sống?
Ca dao dạy chúng ta biết yêu lao động và biết quý trọng công sức của người lao động:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”
“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”
Đó là bài học mà thuở nhỏ cha mẹ vẫn thường dạy chúng ta, để chúng ta không phung phí đồ ăn, thức uống, và cũng là để chúng ta biết quý trọng, nâng niu công sức vất vả một nắng hai sương quanh năm làm lụng của người nông dân. Ngoài ra, ca dao còn dạy chúng ta biết yêu thương quý trọng gia đình, quý trọng những tình cảm thiêng liêng, cao cả mà gần gũi, ấm áp:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Công chia nghĩa mẹ ghi lòng con ơi”
“Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”
“Ngó lên nuộc lạt mái nhà
Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”
Có những câu ca dao về tình cảm gia đình cất lên từ những nỗi đau, từ những bơ vơ của cuộc đời:
“ Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?”
Hai tiếng “phập phồng” nhuốm câu ca dao trong cái mờ nhòa ủ ê của mưa và nước mắt, nổi lên giữa bức nền ấy là hình ảnh bơ vơ của đứa trẻ chạy theo mẹ nó trong cơn mưa. Mẹ đi lấy chồng con ở với ai? Câu hỏi ngây thơ, ngơ ngác cất lên mà sao đau đớn, tủi phận. Đau đớn cho số phận người mẹ dứt ruột bỏ con mình. Đau đớn cho số phận đứa con bơ vơ giữa cơn mưa và bơ vơ giữa cuộc đời… Câu ca dao chạm vào trái tim ta như những vết cứa, day dứt và đau đớn. Những cảm xúc mạnh mẽ ấy làm ta biết quý trọng những gì chúng ta đang có, biết quý trọng gia đình đang ở bên ta… Và đó là cách ca dao tác động vào tư tưởng chúng ta, bằng con đường tình cảm, chạm vào trái tim với những cung bậc xúc cảm, để từ đó tạo nên nhữn giao thoa nơi tư tưởng.
Bên cạnh đó, ca dao còn chất chứa những bài học sâu sắc về cuộc sống, về các mối quan hệ xã hội. Đó là bài học về lòng yêu nước : “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”, hay là “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Ca dao dạy ta lòng kiên trì, nhẫn nại, khắc phục khó khăn: “Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn trồi nảy cây”,  dạ con người về đức tính khiêm tốn, nhẫn nhịn: “Tới đây lạ xứ quê người/ Trăm bề nhẫn nhịn đừng cười tôi quê”…Tất cả những bài học đó, những tư tưởng tình cảm đó, trong cuộc sống hôm nay vẫn luôn là những bài học sâu sắc, đáng giá. Điều đó chứng tỏ vai trò cũng như tầm quan trọng của sự tồn tại của ca dao dân ca trong lời ăn tiếng nói, trong công việc giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sông hằng ngày. Có thể nói, ca dao dân ca góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện nhân cách con người, rèn luyện, bồi đắp những tư tưởng đẹp, tình cảm đẹp.
N
hắc đến sự tồn tại của ca dao dân ca trong đời sống hôm nay, một khía cạnh không thể không nhắc đến đó là các hoạt động biểu diễn diễn xướng dân ca. Như các thể loại văn học dân gian khác, ca dao dân ca là một loại hình nghệ thuật có tính nguyên hợp. Tính nguyên hợp của nó xuất phát từ tư duy nguyên hợp của người nguyên thủy, họ đồng nhất bản thân mình với thế giới tự nhiên, trong hoàn cảnh xã hội đơn giản, chưa đòi hỏi sự phân chia rạch ròi cách lĩnh vực chuyên sâu chuyên biệt. Tính diễn xướng là biểu hiện của tính nguyên hợp về thể loại của ca dao dân ca, thể hiện ở chỗ, sự tồn tại vốn có của nó đã bao gồm bài hát dân ca và sự diễn xướng bài hát đó  trong một không gian đặc trưng, với các hình thức diễn xướng đặc trưng (nguyên: ban đầu, vốn có, hợp: sự kết hợp). Như vậy, sự tồn tại thật sự của dân ca, phải là sự tồn tại cả về hai yếu tố bài hát và sự trình diễn, hay nói cách khác, theo như quy luật tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật, nó vừa là tác phẩm tiếp nhận bằng thính giác, vừa là thể loại tiếp nhận bằng thị giác, còn theo như đặc trưng sự tồn tại của vật chất, nó vừa là thể loại tiếp mang yếu tố không gian, vừa là thể loại mang yếu tố thời gian.
Chính vì mang tính nguyên hợp như vậy, nên sự trình diễn ca dao dân ca trong đời sống hôm nay trước hết phải kể đến những hoạt động trình diễn truyền thống còn tồn tại đến hôm nay, chủ yếu là các lễ hội dân gian truyền thống có kết hợp ca hát. Như đã nói ở trên, ca dao dân ca, cũng như các thể loại văn học dân gian khác, mang tính nguyên hợp, mà biểu hiện của tính nguyên hợp, ngoài việc nó tồn tại gắn chặt với diễn xướng (tính nguyên hợp về thể loại),  việc diễn xướng ca dao dân ca còn có nhiều chức năng khác nhau trong đời sống, thể hiện nhiều hình thái ý thức xã hội khác nhau (tính nguyên hợp về hình thái ý thức xã hội). Chính vì vậy sự diễn xướng truyền thống của ca dao dân ca có thể chia làm ba loại: sự diễn xướng trong lao động, sự diễn xướng trong các hoạt động sinh hoạt quần chúng, và sự diễn xướng trong các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng.
Cho đến nay, sự diễn xướng truyền thống của dân ca trong lao động gần như không còn nữa, ta chỉ thấy được sự diễn xướng ấy trong lễ (sự diễn xướng trong các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng), và trong các hội (sự diễn xướng trong các hoạt động sinh hoạt quần chúng).
Hoạt động diễn xướng mang tính tín ngưỡng, nghi lễ của dân ca, đầu tiên phải kể đến hát Dô.Hát Dô là thể loại dân ca nghi lễ, hình thành và phát triển trên mảnh đất Lạp Hạ, nay là xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, thờ đức thảnh Tản Viên, là vị thần đứng đầu trong từ bất tử linh thiêng của dân tộc ta.Hát Hội Dô ở Liệp Hạ xưa phản ánh nhận thức của con người Lạc Việt về thiên nhiên, và ước mơ của nông dân về một cuộc đời êm ấm, thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu, con cháu đông đúc. Hát Hội Dô là tiếng ca trữ tình, nồng nàn về tình yêu nam nữ, về hạnh phúc lứa đôi của người nông dân dưới chế độ phong kiến. Nội dung này đã trở thành nội dung chủ đạo trong phần hát Bỏ bộ, được tiến hành sau những diễn xướng có tính chất nghi lễ của hát Hội Dô trong những ngày lễ hội... Nguồn gốc của nó gồm những bài khẩn nguyện xuất hiện từ thời xa xưa, và sau này kết hợp với thần thoại và thần Tản Viên, thu hút những sinh hoạt văn hóa tinh thần của địa phương. Dần dần được hoàn chỉnh và hệ thống hóa lại thành một sinh hoạt văn hóa, có tính chất tổng hợp, vừa mang yếu tố nghi lễ, vừa mang tính chất nghệ thuật.
Hát Xoan cũng là một hình thức diễn xướng cổ truyền đến nay vẫn còn tồn tại, và nhận được rất nhiều sự yêu mến. Hát Xoan là tiếng hát đặc sắc riêng có của vùng đất Tổ với 4.000 năm phát triển và cũng là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Hát Xoan Phú Thọ thuộc loại hình dân ca lễ nghi phong tục, là hát cửa đình, với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa nằm trong thành phần các trò diễn hội làng.Nguồn gốc của nó gắn với những giai thoại của thời đại Vua Hùng dựng nước. Các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang, vì vậy hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa cổ của thời đại bình minh dựng nước. Hiện nay hát Xoan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Ngoài ra, một hình thức diễn xướng ca dao mang tính nghi lễ khác còn tồn tại đến ngày nay  đó là hát sắc bùa. Hát sắc bùa là một thể loại âm nhạc đặc sắc của người dân miền Nam Trung Bộ Việt Nam.Hát sắc bùa thường được diễn vào mùa xuân, đặc biệt là các ngày tết, bao gồm một đoàn người là các đôi trai gái, nam mang trống cơm, nữ mang "sênh tiền", đứng đầu là một vị trưởng đoàn đi đến từng nhà và hát chính, đoàn nam nữ đi theo để phụ họa. Các bài hát sắc bùa mang nội dung ca ngợi mùa xuân, ca ngợi chủ nhà và chúc chủ nhà một năm mới an lành thịnh vượng. Chủ nhà mời đoàn hát sắc bùa vào nhà xông đất để mong một năm mới tốt đẹp.
Lễ thường đi kèm với hội, mỗi lễ hội dân gian là một sự kết hợp giữa các hoạt động tôn giáo, nghi thức và các hoạt động hội hè, vui chơi. Hội Lim ở Bắc Ninh là một trong những lễ hội dân gian lớn nhất của nước ta, mà ở đây, cả phần diễn xướng dân ca phục vụ cho nghi lễ, lẫn phần diễn xướng dân ca cho các hoạt động sinh hoạt, vui chơi đều được thể hiện rất đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.
Về phần lễ, 8h ngày 13/1 Âm lịch, Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần km. Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu. Toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần. Trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần.Để hát thờ, các liền anh,liền chị quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ đứng thành hàng trước cửa lăng hát vọng vào. Trong khi hát, họ chỉ được hát những giọng lề lối để ca ngợi công lao của thần.
Về phần hội, Có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội - Là phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng.Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị, đối diện là những em nhỏ súng sính trong những tà áo tứ thân. Các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Tối ngày 12 sẽ là đêm hội hát thi quan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ có được dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả lễ hội Hội Lim.
Các bài hát của hội Lim là các bài hát Quan Họ với những làn điệu da diết, tha thiết, thấm sâu vào lòng người. Nội dung của những bài hát ấy cũng là những ân tình chất chứa, những tấm chân tình mà con người gửi gắm cho nhau, giao cảm với nhau. Có thể kể đến một vài bài hát quen thuộc:
“ Người ơi! Người ở đừng về,
Người về em vẫn (í i ì í i í i i) có mấy trông (i ì) theo,
Trông (ì í a a) nước tình (a) chung là như nước chảy,
Mà này cũng có a trông bèo, trông bèo là bèo trôi.
Người ơi người ở đừng về…”
(Người ơi người ở đừng về)
“Mình về (về) có nhớ (nhớ) ta chăng,
Ta về (về) ta nhớ
Hàm răng cô mình cười,
Tình tính tang, tang tính tình,
Cô mình rằng, cô mình ơi,
Rằng có biết biết hay chăng,
rằng có nhớ là nhớ hay chăng?”
(Cò lả)
“Người về để con nhện ơ nó mấy giăng hự hư mùng
là giăng ứ hự ư mùng .
Đêm năm canh a lính tình tang
là tôi luống chịu ớ ơ đôi ba người ơi hự lá ôi hự .
Đêm năm canh a lính tình tang là tôi luông chịu í ơ lạnh í lùng cả ớ năm quan họ trở ra về .
Có í nhớ i ớ ơ có ơ nhớ ơ chăng ố
là đến chúng tôi chăng, quan họ trở ra về .
Có í nhớ í ơ có ơ nhớ ơ chăng
ơ là đến chúng tôi chăng ?”
(Con nhện giăng mùng)
Như vậy, trong suốt lễ hội, vai trò của những phần hát của các liền anh, liền chị Quan Họ rất được coi trọng, được xem như là linh hồn của lễ hội. Ở đây hình thức diễn xướng cũng hết sức đa dạng, có cái trang trọng, thiêng liêng, uy nghiêm của nghi lễ thờ thần, có cái thơ mộng, lãng mạn, ý vị của những con thuyền hát giao duyên, lại cũng có cái kịch tính, hấp dẫn của những cuộc thi hát… Tất cả những điều đó làm nên một không khi sinh hoạt sống động và đậm đà bản sắc dân tộc, làm nên một mảng văn hóa đầy sắc màu và âm thanh, in đậm trong tâm hồn mỗi người.
Chẳng những nhộn nhịp, đầy màu sắc, mang đậm tính dân tộc, các hình thức diễn xướng truyền thống của ca dao dân ca còn thể hiện sức sống mạnh mẽ của nó, khi ở ba miền trên đất nước hình chữ S này, miền nào cũng có những lễ hội, những hình thức diễn xướng ca dao dân ca của riêng mình. Miền Bắc thì có những lễ hội nhộn nhịp, đậm sắc màu vùng Kinh Bắc như hội hát Dô, hát Xoan, hội Lim. Miền Trung cũng không thiếu những nghi thức diễn xướng ca dao độc đáo và mang đậm sắc màu địa phương. Đó là hát bả trạo (hay còn gọi là hát bạn chèo, đưa Ông), một thể loại dân ca nghi lễ phổ biến của ngư dân vùng biển từ Quảng Bình cho đến Bình Thuận, được hát trong những đám tang. Miền Nam lấp lánh sông nước với những điệu Lí, câu hò ngọt ngào chân một cất lên như tấm chân tình con người nơi đây…
Tồn tại song song với những hoạt động diễn xướng truyền thống, trong đời sống ngày hôm nay, ca dao dân ca còn được diễn xướng dưới các hình thức trình diễn hiện đại, bước từ khu vực trình diễn không chuyên sang khu vực trình diễn chuyên nghiệp, trong các hội thi hát dân ca địa phương và toàn quốc. Sự phát triển của băng đĩa thu âm cũng đã giúp ích rất nhiều trong việc sưu tầm và lưu giữ ca dao dân ca, cũng như đưa ca dao dân ca đến gần hơn với khán giả. Trong các hoạt động giao lưu văn hóa trong khu vực và trong quốc tế, ca dao dân ca cũng được dùng như một hoạt động quảng bá văn hóa dân tộc đồng thời thể hiện niềm tự hào dân tộc, đó cũng là cách ca dao dân ca Việt Nam được biết đến nhiều hơn trên trường quốc tế, được bạn bè thế giới biết đến.
Các hình thức biểu diễn ca dao dân ca trên sân khấu hiện đại, các cuộc thi, các hoạt động giao lưu văn hóa chính là biểu hiện đáng khích lệ cho nỗ lực của thời nay trong việc bảo tồn những giá trị truyền thống, cũng đã thể hiện được niềm tự hào dân tộc trong khát vọng quảng bá những nét đẹp tinh túy của hồn Việt ra thế giới. Tuy vậy, đó cũng là biểu hiện đáng buồn của sự dần mất đi của môi trường diễn xướng truyền thống. Trong đời sống hôm nay, ngoài những lễ hội đặc sắc, ngoài những điệu hát nổi tiếng được diễn xướng trong lễ hội ấy, thì thực tế đã có nhiều điệu hát đang dần mất đi môi trường diễn xướng khởi nguyên của mình. Sự phát triển của đô thị hóa, làng mạc bờ tre dần nhường chỗ cho đường bê tông, nhà cao tầng, cuộc sống nhanh hơn và hối hả hơn, mối quan hệ giữa người với người dần trở nên lỏng lẻo, ca dao dân ca cũng dần mất đi môi trường diễn xướng của nó. Các hình thức trình diễn sân khấu, dù cố gắng hết sức cũng không thể nào có được  một cách trọn vẹn những giá trị mà môi trường diễn xướng truyền thống mang lại, bởi vì môi trường ấy chính là môi trường mà ca dao dân ca được sinh ra, cũng là hình thức ca dao dân ca được lưu truyền và tồn tại với đầy đủ những đặc điểm, phẩm chất của nó. Chỉ có ở trong môi trường diễn xướng đặc trưng của mình, ca dao dân ca mới tạo được bầu không khí giao hòa, đồng cảm trọn vẹn giữa người nghe và người biểu diễn, mới có thể truyền tải được hết những thông điệp tư tưởng, tình cảm mà cộng đồng sáng tạo ra nó gửi gắm. Thiếu đi một chút thôi, cái không khí lí tưởng ấy, thì sự hấp dẫn và sức sống của ca dao dân ca cũng đã giảm đi rất nhiều.


EmoticonEmoticon