VẺ ĐẸP TÂM HỒN CỦA NGƯỜI CHINH PHỤ (CHINH PHỤ NGÂM) - PHẦN 1



NHỮNG VẺ ĐẸP NHÂN CÁCH
 
1. Người con dâu hiếu thảo, người mẹ yêu thương con     
Dẫu bản thân đang phải đối mặt với muôn ngàn đau khổ trong nỗi chia li khi“ chàng thì đi cõi xa mưa gió” nhưng người chinh phụ vẫn luôn làm tròn bổn phận của một người dâu hiền, trách nhiệm của người mẹ với con thơ và thay chồng mọi việc đảm đương, chăm lo việc nhà. Chàng đi để lại nơi đây cho thiếp không chỉ là sự nhớ mong, sự lo sợ, bơ vơ mà còn là:
Mẹ già phơ phất mái sương,
Con thơ măng sữa vả đương bù trì.
Phận nhi nữ liễu yếu đào tơ nhưng giờ đây trách nhiệm mà nàng đang gánh trên vai sao quá nặng nề. một mẹ già như ngọn đèn phơ phất trước gió, một con nhỏ cần sự chở che, dạy dỗ của người cha. Nàng đã thay chồng làm một người cha đáng kính với con thơ nhưng vẫn vừa là một người mẹ dịu dàng của ngày thường, thay chồng làm người con hiếu thảo với mẹ già. Thế nhưng vẫn không một lời than vãn, nàng ân cần chăm sóc mẹ chồng từng miếng ăn giấc ngủ, nàng xót xa khi thấy cảnh bà hàng ngày tựa cửa ngóng tin con. Có lẽ, hơn ai hết nàng thấu hiểu tấm lòng của một người mẹ khi phải xa con. Hai người phụ nữ với hai cách thể hiện khác nhau nhưng diểm giao nhau giữa họ là nỗi đau, là sự lo lắng, là mong chờ, trông ngóng ngày đoàn tụ với con, với chồng. Tuy sống trong gia đình tầng lớp trên của xã hội, có kẻ hầu người hạ nhưng nàng vẫn tự tay chăm sóc mẹ chồng, chăm sóc con thơ. Đó không hẳn là vì trách nhiệm của một người con dâu, của một người mẹ mà hơn hết là vì chính tình cảm, sự yêu thương trong gia đình của nàng.
Lòng lão thân buồn khi tựa cửa
             Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm.
Phải tinh tế lắm thì nàng mới có thể nhận ra“ lòng lão thân buồn” mỗi khi tựa cửa và như thế đồng nghĩa với việc nàng không chỉ với tư cách là một người con, một người dâu mà như một người bạn cùng chia sẻ, an ủi bà. An ủi, động viên mẹ nhưng phải chăng người chinh phụ cũng đang tự an ủi bản thân trước tình cảnh éo le này. Không những thay chồng chăm sóc mẹ từng li từng tí mà người chinh phụ còn quan tâm, để ý đến cả tâm tư của bà. Tất cả những cử chỉ yêu thương ấy đã vượt lên trên trách nhiệm của một người con. Chưa  dừng lại ở đó, nàng còn phải chu toàn cho cả bổn phận của một người mẹ bởi miệng hài nhi còn đang“ chờ bữa mớm cơm”. Một tay nàng phụng dưỡng mẹ chồng, một tay nàng chăm sóc con thơ. Sự đảm đang, khéo léo hiện lên trên từng con chữ, lời thơ.
    Làm tròn trách nhiệm của mình đã khó, thêm vào đó, nàng còn làm tròn trách nhiệm của người chinh phu. Nàng đã thay chồng gánh vác hết cả công việc gia đình, nuôi mẹ, dạy con:
Ngọt bùi, thiếp đỡ hiếu nam,
    Rèn con đèn sách, thiếp làm phụ thân.
Trong tình cảnh chồng vắng nhà, nàng không chỉ làm tròn bổn phận đạo làm con mà còn thay chồng đảm đương, gánh vác việc nhà. Người chinh phụ không quản khó khăn, vất vả vẫn một lòng chăm lo cho mẹ già, con thơ. Nàng làm tất cả những điều mà nàng cho là phải, là nên làm và làm thay cả những công việc của chồng. Hiện lên trong trang thơ, nàng vừa là hình ảnh dịu dàng của một người vợ vừa là“ hiếu nam” trong mắt mẹ già. Đối với con trẻ, nàng vừa người mẹ khi ân cần, vỗ về chăm chút từng miếng ăn giấc ngủ cho con, vừa là“ phụ thân” giúp con rèn giũa đèn sách. Trách nhiệm gánh trên đôi vai nhỏ bé ấy thật quá lớn lao. Nếu không có sự hi sinh cao cả, một tình yêu vĩ đại có lẽ nàng sẽ không gánh vác nổi bởi vì:
Nầy một thân nuôi già, dạy trẻ,
             Nỗi quan hoài mang mể biết bao.
Dẫu sao thì nàng vẫn chỉ là một người phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ khác, nàng cũng rất yếu đuối, cần được chở che, chăm sóc của chồng. Thế nhưng, ngược lại trong lúc này, chồng vắng nhà, người chinh phụ không được chăm sóc mà còn phải cùng lúc lãnh lấy trách nhiệm quá nặng nề. Nàng phải là dâu thảo phụng dưỡng mẹ già, là“ hiếu nam” dỡ đần công việc gia đình và thay chồng nuôi dạy con cái. Đành rằng đó là bổn phận nàng phải chấp nhận nhưng thân gái liễu yếu đào tơ đôi lúc khiến nàng ngổn ngang, bận lòng. Nỗi lo sợ, bận lòng ấy luôn hiện hữu trong cuộc sống của nàng. Nhưng dù có khó khăn, gian khổ đến mấy nàng vẫn một lòng, kiên trung chờ chồng, phụng dưỡng mẹ già, nuôi dạy con.
Ngôn ngữ văn học dân tộc đã được nâng lên tới một trình độ tuyệt đỉnh. Mỗi câu thơ đều được cấu thành bởi những câu thơ chính xác về ý nghĩa, óng chuốt về hình thức, tuy được gọt giũa công phu nhưng lại không mắc bệnh“ chạm sâu”, “khoe chữ” đã diễn tả một cách đặc sắc thế giới chân thực, đầy nhân bản của người phụ nữ Việt Nam thời xưa. Đó còn là biểu trưng quý báu của người phụ nữ Việt Nam mọi thời đại, là sự hòa quyện tinh tế nét đẹp tâm hồn làm nên di sản tinh thần vô giá của dân tộc.
2) Tình yêu thương chồng tha thiết
   “Chinh phụ ngâm” là một bài ca tự tình của người chinh phụ, thể hiện một tình yêu thiết tha với chồng dù cách ngăn về địa lí, về không gian và thời gian. Chính trong nỗi buồn tủi của cuộc đời mình, nàng không ngừng bộc lộ sự lớn lao và nồng nàn trong tình yêu. Tình yêu chồng trong xa cách càng thêm sâu sắc và mãnh liệt, đó chính là vẻ đẹp tâm nổi bật trong tâm hồn người chinh phụ. Lòng yêu thương chồng của người chinh phụ là một tình cảm xuyên suốt tác phẩm, mỗi câu thơ là một tiếng lòng, tất cả đều như cùng ngân vang và thổn thức. Có thể nói đó là một tình yêu sâu nặng không gì đo đếm được, nó luôn thường trực trong tâm hồn nàng, càng trong nỗi cô đơn càng trở nên dạt dào.
      Chiến tranh xảy đến, người chồng với một khát vọng công danh mãnh liệt, chính đáng phải lên đường chinh chiến dù tâm tình vẫn gửi trọn bên người vợ trẻ. Phút chia tay bịn rịn, lưu luyến, hai trái tim cùng nhau thổn thức. Lòng người chinh phụ nặng trĩu, nỗi buồn dường như xâm chiếm tất cả, nàng yêu chồng và tình yêu đó càng được thể hiện thật mãnh liệt qua phút chia tay đầy xúc động:
                           Đưa chàng lòng dằng dặc buồn
                                  Bộ khôn bằng ngựa, thủy không bằng thuyền
     Chúng ta có thể hình dung ra cảnh tượng chia tay thấm đẫm nước mắt ấy nhưng chắc hẳn không thể diễn tả hết bằng lời tâm trạng của nàng lúc đó. Có nỗi buồn nào hơn là sự chia xa người mình thương, có sự lưu luyến nào được gọi tên một cách cụ thể, chỉ có thể để trái tim lên tiếng mà ngôn ngữ của trái tim vốn chỉ có trái tim mới thấu hiểu được. “Dằng dặc buồn” là một nỗi buồn đã mang sẵn trong lòng, nó âm thầm mà dai dẳng không nguôi, nó ngự trị khắp tâm hồn nàng. Hai câu thơ đã diễn tả được tâm trạng người chinh phụ trong khoảnh khắc tiễn chồng ra trận, chính trong khoảnh khắc ấy đôi tim đã trao gửi hết tâm tình cho nhau:
                           Nhủ rồi, nhủ lại cầm tay
                                   Bước đi một bước, dây dây lại dừng
    Có lẽ giây phút xúc động đó không ai nói gì với ai nhưng tình yêu không nhất thiết phải diễn tả bằng lời, trong cái lặng im muôn vàn lời nói đã được diễn tả. Nàng không nỡ rời xa chồng, không nỡ để tình yêu mới được nhóm lên, chưa kịp nồng nàn đã phải lắng xuống. Nàng buông tay tiễn biệt nhưng lại vội cầm tay ngay sau đó, cái cảnh một người vừa quay bước vừa ngoảnh lại, một người vội bước tới lại dừng chân khiến bao người không khỏi xúc động. Sự chia li là một nỗi đau trong tình yêu, với một tấm lòng thiết tha yêu thương chồng như vậy, chắc hẳn nàng đã rất đau đớn, hạnh phúc là thứ khó nắm bắt nhưng bất hạnh là thứ dễ cảm nhận được dễ dàng.
Chia xa là vậy nhưng tình cảm nàng dành cho chồng không hề phai nhạt, thậm chí trong xa cách lại càng thêm mặn nồng và da diết. Ở nhà vò võ nhớ thương chồng, dù cách xa nghìn trùng về không gian và thời gian dường như kéo dài vô tận nhưng nỗi nhớ chồng lại tha thiết và lớn lao hơn bao giờ hết:
                           Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
                           Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
                           Ngàn dâu xanh ngắt một màu
                           Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
   Bốn câu thơ đã khắc họa được nỗi lòng khắc khoải của người chinh phụ, nàng đưa mắt nhìn về một phương trời vô định để kiếm tìm chồng nhưng lại bất lực và vô vọng, chỉ thấy một màu xanh trùng điệp của ngàn dâu. Điệp từ “xanh” lặp đi lặp lại một cách liên tục khiến không gian như được nới rộng ra, mênh mông vô tận khiến con người càng trở nên bé nhỏ và rợn ngợp trước đất trời. Một mình đứng trước cảnh tượng đó, lòng người chinh phụ càng thêm sầu tủi, nàng cố gắng kiếm tìm hình bóng đã xa của chồng nhưng càng hi vọng nàng lại càng thất vọng. Câu hỏi tu từ như xoáy sâu vào trái tim đang âm thầm rỉ máu, dù biết không ai có thể trả lời nhưng chính nàng vẫn đang tự mình tìm đáp án. Vì tình yêu mà nàng héo hon chờ đợi, mãi ngóng trông về một miền xa thẳm, lòng không ngừng hi vọng để rồi lại trở về với nỗi lòng nặng trĩu, cào xé tim can.
Không dừng lại ở nỗi buồn vô hạn khó gọi tên nữa, nàng đã nói lên được tình yêu  của mình đối với chồng bằng một tình yêu cụ thể hơn, nỗi lo thực tế hơn. Đó là thương chàng chinh chiến vất vả, gặp những khó khăn không ai cùng chia sẻ, giãi bày:
Chàng từ đi vào nơi gió cát,
Đêm trăng này nghỉ mát phương nao?
Xưa nay, chiến địa dường bao,
Nội không muôn dặm, xiết sao dãi dầu
    Câu hỏi nàng cất lên cũng là câu nàng tự hỏi lòng, trong dòng liên tưởng của nàng, chàng đang ở một nơi rất xa xôi, đang gặp phải bao vất vả, hiểm nguy. Bối cảnh trong một đêm trăng ở hậu phương, lòng nàng chợt nghĩ đến cùng thời khắc ấy, chàng đang ở đâu và làm gì ở nơi chiến trường đầy “gió cát”? Nỗi lòng người chinh phụ luôn luôn khắc khoải nhớ thương chồng và hướng về chồng. Nàng hiểu được cảnh chinh chiến nơi dặm xa sẽ phải trải qua những ngày nắng mưa dầu dãi, những đêm lấy đất trời làm nhà, chịu biết bao sóng gió. Mỗi lần nghĩ đến, lòng nàng lại càng thêm thổn thức.
  Nàng hình dung cả một chặng đường chồng phải trải qua, dù chỉ xảy ra trong tưởng tượng nhưng vì xuất phát từ con tim chân thành, tha thiết nên những khó khăn của chàng trở nên cụ thể và rõ ràng. Nàng thương chàng không chỉ bằng tình thương của một người vợ mà còn bằng sự cảm thông sâu sắc của một người am hiểu thế sự.
                           Ôm yên, gối trống đã chồn;
                                   Nằm vùng cát trắng ngủ cồn rêu xanh
    Nàng thương chàng mượn đất làm giường, mượn cỏ cây làm bạn, chinh chiến nơi sa trường chắc hẳn phải chịu đựng nhiều gian lao.Chỉ với một tình yêu sâu sắc nàng mới có thể nhập tâm đến vậy, nàng hiểu được cuộc chiến tranh đó không có mục đích tốt đẹp và hình dung được chàng phải đến một nơi vô cùng nguy hiểm:
                                 Hình khe, thế núi gần xa
                                                Dứt thôi lại nối, thấp đà lại cao.
                                                Sương đầu núi, buổi chiều như gội,
                                                Nước lòng khe, nẻo lội còn sâu.
   Dù là trong tưởng tượng nhưng địa hình ở đó hiện lên sống động đến mức có thật. Núi non hiểm trở, khi cao khi thấp, trùng trùng điệp điệp như vậy, chàng phải đương đầu với núi cao, với sương gió, với khe sâu, những khó khăn được lột tả chỉ qua bốn câu thơ nhưng mang lại cho ta cảm giác chân thật nhất. Chỉ với câu thơ “dứt thôi lại nối, thấp đà lại cao”, một không gian rợn ngợp được mở ra, địa hình thay đổi quá đột ngột, khoảng không được nới rộng về chiều cao lẫn chiều sâu khiến nó càng trở nên mênh mông, hiểm trở. Chắc hẳn ở nơi đó, chàng vẫn đang mải miết đi qua bao núi cao, khe sâu như vậy  và mỗi bước khó khăn chàng đi đều được nàng dõi theo, động viên và chia sẻ.
   Đến đây, nàng đã bộc lộ tình yêu của mình một cách chân thành và và mộc mạc, không chút che giấu, không chút ngại ngùng, thương chồng bao nhiêu, lòng nàng năng trĩu bấy nhiêu:
                           Thương người áo giáp bấy lâu,
                                    Lòng quê qua đó mặt sầu chẳng khuây.
   Mỗi câu thơ mang nặng một nỗi niềm khác nhau, kéo con người không ngừng liên tưởng đến khó khăn của người chinh phu và ở hai câu thơ này có cảm giác như lòng người chinh phụ chùng xuống, lặng đi vì xót xa cho chồng. Cách nói không hề hoa mĩ, chỉ bộc lộ cảm xúc một cách tự nhiên nhưng giọng điệu lại thiết tha hơn làm cho người đọc thêm thông cảm với nỗi lo toan của nàng. Nàng tưởng tượng những khó khăn, vất vả về vật chất mà chàng phải đối mặt nhưng bằng con tim tha thiết yêu thương và bằng một sự cảm thông sâu sắc nàng hiểu được nỗi lòng của chàng nơi chiến trận. Cũng như nàng đang phải trải qua những ngày tháng nhớ mong chồng thì chàng là một người đi xa chắc hẳn sẽ nặng lòng với quê hương, với gia đình và với cả nàng nữa. “Lòng quê” chàng vẫn giữ nguyên vẹn trong tim mình bởi ở đó hơn ai hết đang có một người mẹ già, đứa con thơ và một người vợ trẻ không nguôi chờ đợi chàng. Có câu chuyện tình yêu nào được viết nên chỉ bằng một phía, tình yêu phải là hình dung của hai người, là nỗi buồn của người này được san sẻ với người kia dù hai trái tim cách xa nhau về không gian nhưng chỉ cần chúng đập chung một nhịp đập là đủ.
Nàng cứ một mình phiêu du trong tưởng tượng, cùng chàng đi hết bao mùa nắng mưa, sương gió, đi đến tận cùng của nỗi buồn, giờ đây lòng nàng lại đang lên tiếng khi nghĩ chàng đang giong ruổi qua bao vùng đất mới không tên và đôi chân không hề ngừng nghỉ. Nơi đó là sa mạc Hàn hải, là cửa ải Tiêu quan. Thú dữ, gió mây vẫn luôn là khó khăn đối với người chinh phu, chỉ cần nghĩ đến thôi cũng khiến nàng xót xa cõi lòng:
Đã trắc trở đòi ngàn xà hổ
                             Lại lạnh lùng những chổ sương phong
       Lên cao trông thức mây lồng
  Lòng nào là chẳng động lòng bi thương
Vì thương chồng, nàng thấy lo sợ trước những hiểm nguy mà chàng phải trải, lòng bất an nàng cứ băn khoăn và bồn chồn không dứt:
                           Từ trẩy sang đông nam khơi nẻo
                           Biết nay chàng tiến thảo nơi đâu
Những câu hỏi trong lòng nàng cứ dồn dập liên tiếp, những nơi chàng đến và đi luôn là bí ẩn đối với nàng. Từ trí tưởng tượng của người chinh phụ, hình ảnh chàng hiện ra càng bi đát, nàng suy nghĩ đến vận mệnh của chàng và khái quát lên như một quy luật tàn nhẫn của chiến tranh:
                           Những người chinh chiến bấy lâu
                                    Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây
   Đó chính là số phận mong manh của người lính, đã dấn thân vào con đường chiến trận thì cái chết luôn kề cận không báo trước. Người chinh phụ thấu được lẽ đó và nàng cũng không khỏi sợ hãi khi nghĩ đến cái chết có thể cướp mất người nàng yêu quý. “Trải chốn nghèo, tuổi được bao nhiêu”, cỏ cây thay màu lá theo mùa thì số phận chàng cũng có thể như vậy, đời lính luôn với một tâm thế sẵn sàng đón nhận với bất cứ gian khổ nào và cái chết cũng là điều tất yếu.
  Với tư cách là người vợ có chồng ra trận, nàng rất hiểu điều này, nhưng trong tưởng tượng nàng vẫn luôn mong chàng khỏe mạnh, bình an. Nhưng không có cái chết nào bi thương bằng cái chết không có người thân bên cạnh, chỉ có gió trăng làm bạn tiễn đưa. Người chồng bấy lâu nàng mong nhớ vẫn đang phiêu bạt ngoài kia, không rõ sống chết ra sao và nàng thì lại chỉ biết ngồi hình dung và thương xót:
                           Chinh phu, tử sĩ mấy người,
                                      Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn!
   Sẽ có mấy người tưởng nhớ đến sự hi sinh của họ, có mấy người đau xót cho những con người vô danh như họ. Thương chồng tha thiết, nàng cũng chỉ biết ngậm ngùi xót xa cho số phận chồng cùng những người lính đồng cảnh ngộ. Tình yêu của nàng vốn không có một ngôn từ nào có thể nói hết được, người đọc chỉ có thể cảm nhận được nỗi lòng sâu thẳm của nàng qua tâm trạng day dứt không yên, lúc nào cũng nghĩ suy và lo lắng:
                           Dấu binh lửa, nước non như cũ,
                           Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương
Chiến trường vẫn không thay đổi, chỉ có những con người chinh chiến qua đây đã đổi thay nhiều. Có người vẫn ở lại, có người đã hi sinh, nhưng cuộc đời ai cũng là một bi kịch. Nàng chạnh thương cho họ, mỗi dấu chân người lính đi qua đều để lại những vết cắt đau lòng, hơn ai hết nàng càng hiểu cho chồng mình và không ngừng trào dâng niềm thương cảm.
   Tình yêu thương chồng là tình cảm chủ đạo và xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Biểu hiện cao nhất của tình yêu là nỗi nhớ. Nàng vẫn không nguôi nhớ chồng kể từ ngày cách biệt. Hết ngóng trông đưa mắt kiếm tìm lại lặng lẽ chờ và đợi, cứ như thế nỗi nhớ không ngày nào vơi đi mà ngược lại, càng kéo dài càng dai dẳng và bền chặt. Nỗi nhớ trải dài theo không gian và thời gian, vì nhớ nhung mà nàng cất tiếng thở than:
                           Nỗi niềm biết ngỏ cùng ai,
                                      Thiếp trong cánh cửa, Chàng ngoài chân mây
Một câu thơ những lại vẽ ra hai phương trời hoàn toàn cách biệt, trong- ngoài là hai trạng thái đối lập nhau về không gian, chỉ qua điều đó thôi cũng nói lên được sự cách trở xa xôi vô vàn. Chàng vẫn phiêu bạt ngoài kia, ở một chân trời xa lạ, còn mình nàng vẫn vò võ đợi trông. Từ cánh cửa đó nàng bước ra và hi vọng nhưng cũng chính từ nó nàng nuôi nỗi nhớ lớn dần lên theo từng ngày tháng.
Đi đôi với nỗi nhớ là niềm mong mỏi, nhớ bao nhiêu người chinh phụ mong chờ bấy nhiêu nhưng sự chờ đợi mãi một thứ không rõ ràng làm nàng thất vọng, trong lúc buồn bã nàng cất tiếng trách than:
                           Thuở lâm hành, oanh chưa khắn liễu,
     Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca.
       Nay quyên đã trục oanh già
     Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo
  Lúc chia li cách biệt đã trao lời hẹn đến khi chim quyên hót sẽ gặp lại nhau, nay đã trải qua bao mùa chim quyên lên tiếng mà bóng người vẫn biệt tăm. Trách thời gian lỗi hẹn, nàng lại thất vọng trách chàng lỗi hẹn không gian:
Hẹn nơi nao? Hán dương kiều nọ,
    Đêm lại tìm nào có tiêu hao
Vì đã đặt quá nhiều hi vọng nên lòng nàng càng chua xót cho sự lỡ làng của tình yêu. Nhưng người chinh phụ vẫn cứ mãi chờ đợi hết mùa này qua mùa khác, chỉ với một mong muốn duy nhất là gặp lại người thương:
                           Tin thường lại, người không thường lại
                             Gốc hoa tàn đã rải rêu xanh
Gốc hoa tàn hay chính lòng nàng đang héo hon tàn úa, đất phủ rêu hay chính tim nàng đang đau đớn phủ rêu. Cứ mãi ngóng trông không chút hi vọng, trong lòng chắc hẳn đau xót khôn cùng. Qua bao mùa nắng mưa vẫn nghìn trùng xa cách, nàng quặn lòng thốt tiếng thở than:
                                          Bóng dương mấy buổi xuyên ngang,
                                    Lời sao mười hẹn chín thường mười sai
   Nếu không yêu, không mong, không nhớ với một nỗi lòng da diết thì sẽ không tuyệt vọng đến như vậy. Đọc câu thơ mà cứ tưởng nàng đang khóc, mắt ứa lệ giấu lại vào trong. Trách chàng bởi nỗi nhớ và tình yêu trong nàng quá lớn, hết lời thơ này đến lời thơ khác, vẫn một tâm trạng, vẫn một cung bậc cảm xúc nhưng dường như mức độ lớn hơn, từ thương yêu đến lo sợ rồi nhớ nhung, tất cả như một điệp khúc dài không lời kết. Thốt lên trong hờn dỗi, lời trách cứ của nàng chứa đựng tình sâu không nói hết. Nàng đã phải trải qua những phút tận cùng của nỗi đau và tuyệt vọng:
                                          Trải mấy xuân, tin đi, tin lại,
                                         Tới xuân nầy, tin hãy vắng không
Thời gian không ngừng vận động cứ kéo khoảng cách dài mãi ra, sự chờ đợi của nàng lại càng thêm vô vọng. Một tình yêu sâu nặng không chỉ được dệt nên bởi nỗi nhớ mà từ nỗi nhớ đã hóa thành nỗi sầu triền miên:
                                          Khắc chờ đằng đẵng như niên,
                                   Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa
Mỗi thời khắc trong đợi chờ dài tựa một năm, lòng nàng nặng trĩu nỗi sầu. Biển rộng bao la như chính lòng nàng sâu thẳm. “Mối sầu dằng dặc” cứ mãi giày xéo lên tim nàng. Rồi bằng tất cả tình yêu, nàng gửi đến chàng bao lời nhắn nhủ yêu thương:
                                          Lòng nầy gửi gió đông có tiện?
                                         Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
                                          Non Yên, rầu chẳng tới miền,
                                      Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời
Câu hỏi tu từ lại một lần nữa xoáy sâu vào nỗi buồn của nàng, hỏi gió nhưng thực chất là hỏi lòng, nàng không thể bày tỏ được nỗi lòng với chồng nên dù cho hỏi đó mà đáp lại đó. Đó là ước muốn xa vời quá, dù gió nhận lời thì chắc gì chàng nhận được. Tràn ngập câu thơ là nỗi nhớ được diễn tả bằng các tình từ “thăm thẳm”, “dạu dạu”, nỗi nhớ được gọi tên dù hình khối không thể rõ ràng. Không ai đo được khoảng cách giữa đất và trời thì cũng không ai đo được nỗi nhớ chồng đang cồn cào trong lòng nàng. Bốn câu thơ đã khẳng định một tình yêu thiết tha vô bờ bến, dù ước mong này nàng không thể thực hiện nhưng nó càng chứng tỏ được nỗi khát khao đang rực cháy trong tim.
2)   Sự hy sinh, cam chịu, tha thứ   
   Vẻ đẹp tâm hồn người chinh phụ được khắc họa không chỉ bởi tình yêu tha thiết đối với chồng mà còn qua phẩm chất thật đáng trân trọng, đó là sự hi sinh, sự cam chịu và tha thứ. Đó là phẩm chất của những người phụ nữ xưa. Cũng xuất phát từ tình yêu và lòng chung thủy, nàng chấp nhận hi sinh tuổi trẻ để chờ đợi và nhớ thương chồng. Đối với người phụ nữ. tuổi trẻ là khoảng thời gian vô cùng quý giá và đẹp đẽ nhưng người chinh phụ sẵn sàng để nó trôi qua trong tiếc nuối, vì chờ đợi, vì nhớ nhung. Nàng vẫn lo sợ ngày xuân ngắn ngủi nhưng vượt lên trên tất cả, nàng vẫn chấp nhận hi sinh:
                                          Thoi đưa ngày tháng ruổi mau
                                   Người đời thấm thoắt qua màu xuân xanh
Sự hy sinh, cam chịu còn được thể hiện qua sự chăm sóc ân cần, chu đáo của nàng dành cho mẹ già và con thơ. Khi chồng đi vắng, một mình nàng gánh vác, lo toan mọi bề, không một lời oán trách, nàng lặng lẽ làm tròn bổn phận. Mong muốn duy nhất của nàng là được gần gũi chồng để chia sẻ đắng cay, tủi cực:
                                          Ước chi gần gũi tấc gang,
                                    Giở niềm cay đắng để chàng tỏ hay
Dù là một người phụ nữ mạnh mẽ đến đâu cũng không thể thay thế vị trí người đàn ông trong gia đình, nhưng nàng vẫn làm được. Tuổi trẻ của mình, nàng gửi nó vào tình yêu và chờ đợi. Lòng nàng đã không ít lần nhói lên, không biết giãi bày cùng ai, nàng làm bạn với đèn như một cách làm vơi đi nỗi nhớ:
                                          Đèn có biết, dường bằng chẳng biết,
                                         Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi
   Nỗi buồn được gửi vào cảnh vật, lan tỏa khắp không gian, một nỗi cam chịu lớn lao có phần uất ức. Tưởng rằng ánh đèn có thể hiểu được lòng nàng nhưng tận sâu trong lòng nàng vẫn thấy mình lẻ loi, cô quạnh, chỉ có nàng mới thấu hiểu hết tất cả nỗi xót xa của mình mà thôi
Nang suốt bao nhiêu năm vẫn một mình chịu đựng âm thầm, vẫn có oán trách người đi nhưng chỉ vì chàng không trở về đúng như lời hẹn chứ không hề oán trách chàng đã đẩy mình vào cảnh cô đơn, sầu tủi.Nàng vẫn lặng lẽ như vây, cam chịu như vậy:
                                          Nếm chua cay, tấm lòng mới tỏ
                                         Chua cay này, há có vì ai?
                                             Vì Chàng, lệ thiếp nhỏ đôi,
                                        Vì Chàng, thân thiếp lẻ loi một bề
   Với thân phận là một người phụ nữ bé nhỏ, mỏng manh, nàng vẫn can đảm đối mặt với tất cả. Nỗi đau đớn khi chia xa, nỗi nhọc nhằn lo toan gia đình, nỗi héo hon chờ đợi, nỗi nhớ da diết  không nguôi…chỉ một mình nàng tự nếm trải, tự vượt qua. Vì chồng, nàng không ngại chua cay trong cuộc sống. Cũng bao lần xót thương cho mình nhưng người chinh phụ vẫn trở về với đúng bản chất tốt đẹp của mình là cam chịu và hi sinh.
   Đã có lúc nàng chán nản, tuyệt vọng, hờn trách người chồng vô tâm không trở về, trách người nỡ quên lời hẹn ước, nhưng sâu thẳm bên trong sự hờn trách, oán giận kia là một tình yêu bao la, vô tận và nàng đã tha thứ cho mọi sự lỗi hẹn của chồng. Nàng hiểu rõ bi kịch tình yêu này không phải do chàng gây nên, chính người chinh phu cũng là một nạn nhân chịu nhiều đau đớn. Dù là người ở hay người đi thì cũng đều chịu nhiều đắng cay như vậy. Cho nên sự oán hờn đó chỉ là một phút con tim nghẹn ngào tức tưởi thốt ra cho nhẹ lòng mà thôi. Vì vậy, nàng tha thiết mong một lần gặp mặt và mãi mãi không xa:
                                          Thiếp xin: “muôn kiếp sau này,
                                     Như chim liền cánh, như cây liền cành”
Nỗi ước mong này đã nói lên được tình yêu sâu nặng của người chinh phụ. Dù ở kiếp này hay kiếp sau, lòng nàng vẫn vẹn nguyên chung thủy. Ước mong đoàn viên có lẽ quá xa vời, nàng ngậm ngùi nói với chồng nhưng thực chất đang đối thoại với lòng mình.
   Đến cả trong mong muốn, nàng vẫn nguyện hy sinh, làm tròn trách nhiệm của một người vợ. Dòng cảm xúc của nàng vẫn có sự tiếc nuối nhưng là sự tiếc nuối khi đã để chồng ra chiến trận chứ không hề tỏ ra tiếc nuối cho mình. Tiếng nói tự nguyện đã được nâng lên một mức độ cao hơn, dù không có chiến tranh chia cách, nàng vẫn sẽ ở bên chàng và trọn kiếp hy sinh:
                                          “Chàng nương vừng nhật”, thiếp nguyền
                                      Mọi bề trung hiếu, thiếp xin vẹn tròn
   Tình yêu đã đưa con người vượt ra khỏi giới hạn về không gian và thời gian, vượt ra khỏi lí lẽ thông thường. Sâu thẳm trong lòng người chinh phụ là một khát khao hạnh phúc mãnh liệt, trong cách xa nó lại càng thêm nồng nàn và bền vững.
Mọi cung bậc cảm xúc của nàng đều xuất phát từ tình yêu chồng tha thiết. Vẻ đẹp tâm hồn người chinh phụ đã được tác giả khắc họa bằng sự ngợi ca và đầy ngưỡng mộ. Đây là một nội dung mang tinh thần nhân đạo cao cả, nó càng cao cả hơn vì là tiếng nói ngợi ca người phụ nữ. Tác giả đã bày tỏ được tình thương của mình dành cho những người phụ nữ trong xã hội xưa, gieo vào lòng người những tình cảm tốt đẹp dành cho họ, khơi dậy được sự đồng cảm, xót thương từ phía bạn đọc. Chủ nghĩa nhân đạo là nói về con người và vì con người, hơn thế là tôn vinh được vẻ đẹp con người. “Chinh phụ ngâm” đã khẳng định được điều đó vì thế thấm đẫm chất nhân văn sâu sắc, mang chiều sâu tư tưởng không nói hết.


EmoticonEmoticon