Tháng vừa rồi mình có tham gia chuyên đề “Tổ chức dạy học thông qua trò chơi” do thầy Lê Thành Vĩnh dạy. Chuyên đề nằm trong khuôn khổ khóa học “Khơi nguồn sáng tạo” dành cho giáo viên được tổ chức bởi trung tâm Tam Khôi. Trong chuyên đề này mình đã gặp rất nhiều ý tưởng trò chơi hay từ các thầy cô học viên tham dự. Bài viết này sẽ ghi lại một số trò chơi mà mình thấy là đơn giản, thú vị và hình dung của mình về cách ứng dụng chúng.
#1 TRÒ CHƠI CƯỚP CỜ
Giáo viên chuẩn bị nhiều thẻ từ khóa bày ra. Học sinh chia làm nhiều đội. Giáo viên đọc câu hỏi và phát hiệu lệnh. Đại diện các đội chạy lên cướp từ khóa là đáp án của câu hỏi. Sau một số câu hỏi nhất định đội nào có nhiều thẻ đáp án nhất thì đội đó thắng.
Ứng dụng trò chơi để khởi động ôn lại kiến thức cũ:
Trong chương trình Ngữ văn 11, khi dạy bài “Đời thừa” thì giáo viên cần nhắc lại kiến thức ở bài Tác gia Nam Cao trước đó. Giáo viên có thể tổ chức trò chơi cướp cờ để nhấn mạnh một số từ khóa quan trọng về phong cách tác giả.
Ứng dụng trò chơi để dạy kiến thức mới:
Ở bài “Khái quát văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX – 1945”, giáo viên có thể tổ chức trò chơi cướp cờ để giúp học sinh hình thành khái niệm mới. Ví dụ với khái niệm “hiện đại hóa”, giáo viên có thể thiết kế các từ khóa về giai đoạn hiện đại hóa, một số tác phẩm quan trọng và tác giả quan trọng. Trước khi tổ chức trò chơi giáo viên yêu cầu học sinh đọc trước SGK và tìm hiểu thêm về khái niệm. Sau khi chơi trò chơi giáo viên hướng dẫn học sinh xâu chuỗi các từ khóa và chốt kiến thức trọng tâm.
Ngoài ra trò chơi này cũng có thể dùng để củng cố kiến thức.
#2 TRÒ CHƠI DOMINO
o |
Trò chơi này dùng để “brainstorm” để ghi lại thật nhanh các ý tưởng. Cách chơi: các nhóm được phân cho những tờ giấy màu (mỗi nhóm một màu khác nhau). Trong một thời gian hạn định, các nhóm phải ghi nhanh ý tưởng theo yêu cầu lên các tờ giấy màu (mỗi tờ/ý tưởng) rồi dán lên bảng. Sau khi loại bỏ các tờ giấy ghi đáp án không phù hợp, đội nào còn nhiều nhất là đội đó thắng.
Ứng dụng vào việc hình thành kiến thức mới dựa trên kinh nghiệm đã có của người học:
Khi mình học về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, cô đã yêu cầu các nhóm tìm những hình thức tổ chức trải nghiệm sáng tạo. Tất cả các giáo viên tham gia buổi học đó cố gắng ghi lại những hình thức mà mình biết. Kết quả có được hơn 30 hình thức khả thi ở rất nhiều môn học khác nhau.
Ứng dụng để làm “phép thử” về các khả năng:
Khi dạy bài “Chí Phèo”, mình muốn học sinh nhận ra cái chết của Chí Phèo là tất yếu do quy định của phương pháp sáng tác và tư tưởng chủ đề tác phẩm. Nhưng nếu chỉ giảng thôi thì học sinh sẽ có cảm giác bị áp đặt. Vì thế mình tổ chức cho chúng thử các khả năng có thể.
Đầu tiên mình yêu cầu học sinh nghĩ ra tất cả các khả năng có thể để giúp Chí Phèo không chết, sau đó ghi lên giấy màu dán lên bảng.
Sau đó, bởi vì tác phẩm thuộc trào lưu hiện thực phê phán, phải tôn trọng hiện thực, nên những khả năng nào không khả thi, không phù hợp thì mình đề nghị học sinh đề xuất để tháo xuống.
Tiếp đến, bởi vì khi nhân tính thức tỉnh Chí Phèo cần phải sống hạnh phúc, cần phải sống ý nghĩa, sống lương thiện, nếu không tất cả đều vô nghĩa, cho nên mình yêu cầu học sinh những khả năng nào không thể giúp Chí Phèo tiếp tục sống lương thiện thì tháo xuống.
Trong quá trình tháo, học sinh có quyền tranh luận về từng thẻ màu để làm rõ ràng các ý kiến.
Cuối cùng, thường thì tất cả các thẻ màu đều bị tháo xuống. Từ đó học sinh có thể đi đến kết luận cái chết của Chí Phèo là lựa chọn duy nhất và tốt nhất của Nam Cao. Qua đó học sinh có thể phát biểu được thông điệp mà tác giả gửi gắm đằng sau cái chết của Chí Phèo.
Trong trường hợp còn lại 1 thẻ màu với nội dung “Chí Phèo đi theo cách mạng”, giáo viên có cơ hội để giải thích thêm về hạn chế tư tưởng của trào lưu hiện thực phê phán và cách trào lưu ngay sau đó là hiện thực xã hội chủ nghĩa giải quyết những hạn chế này.
Nếu nhìn tác phẩm văn học là vô vàn khả thể của những sự lựa chọn, việc nhân vật hay tác giả lựa chọn làm cái này hay không làm cái kia đều nói lên rất nhiều về nội dung tư tưởng tác phẩm, thì ta sẽ thấy trò chơi dán giấy này có thể ứng dụng rất nhiều. Ví dụ soi chiếu các khả thể để thấy ý nghĩa sự lựa chọn xây Cửu Trùng Đài của Vũ Như Tô (Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài).
#4 TRÒ CHƠI GHÉP CÂU KỂ CHUYỆN
Trò này do một chị dạy tiếng Anh chỉ cho mình. Chị sẽ tạo ra một chủ đề và đặt câu để bắt đầu câu chuyện. Sau đó học sinh sẽ lần lượt sáng tạo ra các câu tiếp theo để tiếp nối phát triển câu chuyện đó. Tất cả các câu học sinh đặt đều phải theo mục tiêu bài học: thì quá khứ, thì tương lai, từ vựng về động vật, từ vựng về con vật…
#5 TRÒ CHƠI GIẢI MẬT THƯ
Giao cho học sinh tự tổ chức, chuẩn bị bài tập, câu đố … để làm thành mật thư. Mỗi nhóm phụ trách một chặng. Học sinh nào giải được tất cả các mật thư thì sẽ chiến thắng.
Trò chơi này phù hợp để tổ chức tiết ôn tập, có thể tích hợp với phương pháp nhóm chuyên gia (mỗi nhóm phụ trách mật thư là một nhóm chuyên gia)
#6 TRÒ CHƠI LOTO (BINGO)
Mỗi học sinh được phát 1 tờ phiếu loto với các ô vuông 3x3. Giáo viên yêu cầu học sinh ghi ngẫu nhiên vào các ô vuông những từ khóa theo chủ đề. Giáo viên đặt ra các câu hỏi và học sinh trả lời. Nếu đáp án câu hỏi trùng khớp với từ khóa trong phiếu loto thì học sinh đánh dấu X. Học sinh nào được 3 dấu X liền nhau theo chiều dọc, ngang, chéo thì thắng.
Ứng dụng vào tiết ôn tập văn học dân gian, ôn tập văn học trung đại, hiện đại…
Bingo bản gốc |
Thay con số bằng các từ khóa, thay vì đọc số thì hỏi - đáp các câu hỏi, ta đã có trò chơi phục vụ bài học |
#7 TRÒ CHƠI ĐÓNG VAI
Cho học sinh nhập vai và tạo ra tình huống thực tế. VD tổ chức phiên tòa tranh luận, bên nào bảo vệ được ý kiến của mình thì chiến thắng.
#8 TRÒ CHƠI XÁC ĐỊNH TIẾN TRÌNH
Giáo viên đưa ra 1 danh sách tiến trình bị sắp xếp lộn xộn đánh số thứ tự. Giáo viên phát cho học sinh các thẻ số, trong thời gian quy định học sinh phải chạy lên bảng dán các thẻ số (ứng với các bước bị sắp xếp lộn xộn) thành trình tự đúng. Hôm đi học thầy Vĩnh đã cho giáo viên sắp xếp lại trình tự tổ chức một trò chơi trong tiết học.
Có thể ứng dụng để ghép câu thành ngữ tục ngữ ca dao (giống “Ai là triệu phú”), ghép trình tự cốt truyện của tác phẩm…
#9 TRÒ CHƠI TRUYỀN BANH THEO NHẠC
Giáo viên đặt câu hỏi rồi mở một đoạn nhạc. Trong khi nhạc chơi học sinh truyền 1 đồ vật cho nhau (banh, thú bông…). Nhạc tắt đồ vật ở trong tay học sinh nào thì học sinh đó trả lời. Trò chơi đơn giản nhưng cực kì nào động vui vẻ, thích hợp để khởi động những tiết uể oải như tiết 1, tiết sau giờ kiểm tra.
#10 TRÒ CHƠI XEM CLIP TÌM THÔNG TIN
Trò này do chị Đoan Trang trường Nguyễn Thượng Hiền chỉ mình. Khi dạy bài “Tràng giang” mình cho học sinh nghe clip bài hát “Ngậm ngùi” (Phạm Duy phổ nhạc) và yêu cầu các em tìm những danh từ/cụm danh từ chỉ nỗi buồn. Sau trò chơi ai trả lời đủ hết thì chiến thắng. Từ trò chơi này mình sẽ giới thiệu về phong cách của Huy Cận, một nhà thơ mang nỗi “sầu vạn cổ”, “mang mang thiên cổ sầu”.
#11 TRÒ CHƠI THI ĐỌC
Thi đọc tên các nhân vật truyện Kiều, thi đọc các bài ca dao có hình ảnh con cò … Đây là một cách để khắc kiến thức, yêu cầu ghi nhớ nhanh hoặc tái hiện kiến thức khi cần liên hệ trong bài học.
#12 TRÒ CHƠI HỎI NHANH ĐÁP NHANH
Chia làm hai đội chơi, lần lượt đội này hỏi thì đội kia phải đáp cho đến khi đội nào trả lời sai hoặc không có câu trả lời thì thua. Trò này sử dụng để học sinh ghi nhớ nhanh khắc kiến thức. Mình đã sử dụng để dạy bài “Các phương châm hội thoại” (Ngữ văn 9). Một nhóm đọc tên phương châm thì nhóm kia phải đọc được nội dung phương châm đó nói gì. Để tăng phần kịch tính có thể cho học sinh chỉ định người trả lời ở đội đối phương, như vậy thì tất cả học sinh đều phải cố gắng nhớ tác phẩm.
EmoticonEmoticon