Hình: Lớp học được tổ chức theo kĩ thuật bể cá |
1. THẢO LUẬN SOCRATIC LÀ GÌ?
Socrates là triết gia nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại, là một bậc thầy truy vấn nổi danh. Ông được xem là người đặt nền móng cho thuật hùng biện dựa trên đối thoại (hỏi và đáp chứ không phải diễn thuyết truyền bá tư tưởng).
Đối thoại Socrates là hình thức hỏi – đáp trên tinh thần dân chủ để từ đó những người tham gia cuộc đối thoại dần tiệm cận chân lý về vấn đề mình đang thảo luận.
Tinh thần đối thoại Socrates không chỉ được ứng dụng trong việc kết cấu tác phẩm văn học (tiêu biểu là tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita” của Mikhail Bulgakov), mà còn được ứng dụng để tổ chức tiết dạy đọc hiểu văn bản văn học như một phương pháp tư duy nhằm khám phá các tầng nghĩa, các vấn đề xung quanh một tác phẩm.
2. MỤC ĐÍCH CỦA PHƯƠNG PHÁP
Thông qua hình thức thảo luận nhóm, phương pháp thảo luận Socratic chủ yếu thúc đẩy học sinh giúp đỡ lẫn nhau để hiểu những ý tưởng, những vấn đề, những giá trị được phản ánh trong tác phẩm. Quá trình thảo luận giúp học sinh hình thành một số năng lực sau:
-Năng lực tự học thể hiện qua việc nghiên cứu tài liệu.
-Năng lực hợp tác
-Năng lực ngôn ngữ: biết trình bày ý tưởng, biết đặt câu hỏi, biết lắng nghe.
-Năng lực thẩm mỹ- cảm xúc: hình thành trong quá trình khám phá tác phẩm, đặt mình vào vị trí nhân vật, nhận biết giá trị thẩm mỹ của tác phẩm.
3. QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ CỦA GIÁO VIÊN
[a. chọn văn bản phù hợp:]
Đặc trưng của đối thoại Socrates đó là tính dân chủ, nơi mọi người đều ngang hàng với nhau để cùng tiệm cận chân lý. Do vậy tác phẩm lựa chọn phải là tác phẩm có cấu trúc mở, mang đậm tinh thần dân chủ. Đó có thể là tác phẩm giàu sức gợi với nhiều tầng nghĩa chưa được khơi phá. Đó có thể là tác phẩm đặt ra những vấn đề muôn thuở, đa diện nhiều chiều không dễ gì có một đáp án duy nhất. Những vấn đề có tinh nhân loại, những trăn trở muôn thuở của con người được thể hiện trong tác phẩm văn học đều có thể trở thành cơ sở cho đối thoại Socratic.
[b. nghiên cứu văn bản:]
Giáo viên cần nghiên cứu các thành phần trong cấu trúc văn bản, đặt văn bản trong tương quan với phong cách tác giả và bối cảnh thời đại, đặt văn bản trong hệ thống liên văn bản (nhất là các tác phẩm trong đề tài đặc trưng cho phong cách tác giả; các tác phẩm cùng chủ đề). Từ đó giáo viên có thể tìm ra những chủ đề cho buổi thảo luận Socrates. Chủ đề thảo luận có thể liên quan đến các vấn đề:
-Cách đánh giá nhìn nhận nhân vật, sự kiện, chi tiết… trong tác phẩm.
-Những chủ đề quan trọng tác giả gửi gắm trong tác phẩm.
-Những vấn đề về đặc trưng phong cách tác giả.
-Những vấn đề liên hệ thực tế cuộc sống được gợi ra từ tác phẩm.
[c. thiết kế quy định cho lớp học]
Buổi thảo luận Socratic nhìn chung cởi mở và dân chủ, tuy nhiên vẫn cần những quy định để giúp học sinh đi đúng hướng. Một số quy định phổ biến có thể là:
+Học sinh cần trao đổi ý kiến với mọi người, không chỉ nhóm trưởng và giáo viên.
+Cung cấp dẫn chứng từ tác phẩm để bảo vệ ý kiến.
+Đặt câu hỏi khi không hiểu rõ ý bạn trình bày, hoặc có thể yêu cầu bạn diễn đạt lại bằng một cách khác cho dễ hiểu hơn.
+Không được ngắt lời khi có ai đó đang trình bày.
+Không được công kích cá nhân, không đánh giá người khác vì ý tưởng của họ. Mọi ý tưởng đều xứng đáng được quan tâm xem xét.
+…
[d. thiết kế hệ thống câu hỏi]
Mặc dù học sinh đóng vai trò chủ đạo và dẫn dắt diễn tiến buổi thảo luận, nhưng giáo viên cần chuẩn bị hệ thống câu hỏi. Cụ thể:
-Cần chuẩn bị những câu hỏi chủ đề để dẫn dắt học sinh vào cuộc thảo luận.
-Cần chuẩn bị những câu hỏi gợi mở để dẫn dắt khi học sinh gặp khó khăn, bế tắc.
-Những câu hỏi liên hệ thực tế khơi gợi trải nghiệm, kinh nghiệm cá nhân sẽ giúp nối kết học sinh với văn bản
-Có thể tham khảo trình tự đặt câu hỏi theo mẫu dạy học theo dự án của Intel.
[e. Thiết kế kế hoạch và cho học sinh thời gian chuẩn bị]
Kế hoạch càng rõ ràng, càng cụ thể càng tốt.
[f. Tập huấn cho học sinh kĩ năng nền để tham gia buổi thảo luận]
Nếu cần thiết, giáo viên có thể có những chuyên đề phụ trợ tập huấn cho học sinh các kĩ năng như: kĩ năng đặt câu hỏi, những lỗi ngụy biện thường gặp, các thao tác lập luận (bác bỏ, phân tích, chứng minh...) - nếu dạy trên chương trình SGK hiện hành có thể tích hợp nhóm bài về thao tác lập luận, kĩ năng làm văn nghị luận.
4. NHỮNG MẪU CÂU HỌC SINH CÓ THỂ SỬ DỤNG TRONG QUÁ TRÌNH THẢO LUẬN
- Ý tưởng đó được gợi ra từ đoạn nào, câu nào trong văn bản?
- Nghĩa của từ/cụm từ đó là gì?
- Bạn có thể diễn đạt lại bằng một cách khác được không?
- Khi bạn nói “…” thì ý bạn là gì?
- Theo bạn ở đây thông điệp mà tác giả muốn thể hiện là gì?
5. MỘT VÀI LƯU Ý KHI TỔ CHỨC
- Trước khi tổ chức buổi thảo luận Socratic, cần nhấn mạnh cho học trò mục đích là để hiểu rõ những điều nhà văn muốn thể hiện trong tác phẩm chứ không phải để hơn thua.
- Buổi thảo luận Socratic thường bắt đầu bằng câu hỏi gợi mở của người dẫn dắt.
- Nhiều giáo viên sử dụng [kĩ thuật bể cá] để tổ chức buổi thảo luận
6. ĐÁNH GIÁ – PHẢN HỒI
Sau buổi thảo luận, giáo viên tổ chức cho học sinh đánh giá những hoạt động trải nghiệm của mình. Có thể hỏi một số câu hỏi:
-Dẫn chứng nào em thấy mọi người hứng thú và có giá trị xây dựng luận điểm?
-Cách hiểu của em về văn bản đã thay đổi thế nào sau buổi thảo luận?
-Sau buổi thảo luận, em thấy những phỏng đoán của em trước về tác phẩm có hợp lý hay không?
-Đoạn nào trong buổi thảo luận làm em thích thú/ít thích thú nhất?
-Nếu lần tới tham gia buổi thảo luận tương tự, em sẽ thay đổi điều gì để làm tốt hơn?
-…
NGUỒN THAM KHẢO:
https://vi.wikipedia.org/
https://
http://
EmoticonEmoticon