CÒN 5 NGÀY ĐẾN KÌ THI TUYỂN SINH, ÔN VĂN THẾ NÀO CHO HIỆU QUẢ?

Rồi chúng ta sẽ thành công thôi, phải không các em?



Các em học sinh lớp 9 thân mến,
Bây giờ đã là thời điểm nước rút để chuẩn bị tốt nhất cho ngày thi tuyển sinh rồi. Các em đã bắt đầu ôn tập chưa? Các em có cảm thấy căng thẳng không? Có bạn thắc mắc với thầy rằng nội dung có quá nhiều thứ, không biết phải ôn tập thế nào. Có bạn hoang mang, học bài rồi nhưng sợ rằng mình sẽ quên.

Nhưng các em cứ yên tâm, trong 5 ngày này nếu biết tận dụng thời gian và có phương pháp, các em sẽ nắm được những kiến thức cơ bản nhất. Bài viết này thầy sẽ gợi ý cho các em một lộ trình ôn tập trong 5 ngày, để chia nhỏ phần việc ra và có phương pháp khắc kiến thức vững hơn.

---------------NGÀY 1: HỌC THUỘC VĂN BẢN THƠ.---------------

Ngày đầu tiên, em hãy dùng để điểm lại các văn bản thơ trong chương trình. Chắc chắn trong một năm qua, để vượt qua các bài kiểm tra, bài thi học kì, các em đã học những văn bản thơ này rồi. Cho nên bây giờ, quan trọng là dành thời gian điểm lại kiến thức cho vững.

Việc học thuộc thơ, có hai vai trò. Đầu tiên, nó giúp các em sẽ dễ dàng hơn khi học phần phân tích. Thứ hai, nó sẽ cung cấp cho các em kiến thức để làm phần liên hệ, mở rộng ở câu nghị luận văn học trong bài thi.

-Hãy bắt đầu ôn từ thơ hiện đại trước, thơ trung đại sau.
-Hãy bắt đầu ôn từ tác phẩm em nắm vững nhất trước, rồi đến những tác phẩm ít tự tin hơn.
-Học văn bản thơ từ tổng thể trước, chi tiết sau. Đầu tiên em hãy nắm nội dung chính của bài thơ. Sau đó em hãy nắm bố cục từng phần. Cuối cùng em mới học thuộc từng đoạn thơ theo bố cục.
-Hãy chọn cách học nào em cảm thấy hiệu quả với mình nhất: Có bạn học tốt nhất khi đọc đi đọc lại đến thuộc, có bạn học tốt nhất khi chép ra giấy, có bạn lại học tốt nhất khi trả bài với bạn khác…
-Hãy dồn sức tập trung để học, đừng để bị chi phối bởi các thiết bị điện tử, có như vậy thì mới hiệu quả được.

----NGÀY 2,3,4: HỌC PHẦN PHÂN TÍCH CÁC TÁC PHẨM THƠ, TRUYỆN---

Đây  là phần quan trọng nhất, cũng là phần chiếm nhiều thời gian nhất vì đơn vị kiến thức dàn trải suốt năm học. Nhưng các em đừng lo, hãy nhớ những nguyên tắc sau:

1-Không học vẹt đề cương. Nhiều bạn cứ cầm tờ đề cương đọc đi đọc lại không sót chữ nào để khắc vào đầu, nhưng không hiểu bài, do đó học trước quên sau tốn rất nhiều thời gian mà không hiệu quả.
2- Hãy chắt lọc những gì cốt lõi nhất để nắm. Những gì có thể tự diễn đạt được bằng văn của mình, ta hãy cố gắng tự diễn đạt, như vậy việc ta phải nhớ sẽ ít lại.
3- Hãy nắm vững thao tác, dàn ý của các dạng bài quen thuộc: Phân tích đoạn thơ, phân tích nhân vật, Phân tích đoạn văn xuôi, dạng so sánh, dạng liên hệ. Việc nắm các dạng sẽ giúp em ứng biến tốt hơn trong bài thi.

Bây giờ, chúng ta cùng đến với những nội dung cụ thể.

ĐẦU TIÊN, TÓM NHỮNG NỘI DUNG CỐT LÕI, CƠ BẢN NHẤT

Với tác phẩm thơ, đề bài yêu cầu em biết phân tích vẻ đẹp của đoạn thơ đề cho, hay nâng cao hơn, là so sánh vẻ đẹp của 2 đoạn thơ. Hãy nhớ, việc phân tích đi từ nghệ thuật đến nội dung, và tự em có thể suy ra được, không cần phải học thuộc y hệt tài liệu. Tài liệu chỉ đóng vai trò định hướng để em biết phải khác thác đoạn thơ như thế nào thôi.

Hãy làm những thao tác sau, để nắm từng đơn vị bài học.

1. Với một tác phẩm thơ, đầu tiên em phải nắm được bố cục của bài thơ đó, bài thơ chia làm mấy phần và nội dung của từng phần là gì?

2. Tiếp đến, em hãy chép từng phần thơ vào trong một tờ nháp. Lúc này, không nhìn bất kì tài liệu nào nữa cả.

3. Hãy ghi ra nháp: Nội dung chính của đoạn thơ đó là gì? Hãy ghi theo cách hiểu của em,miễn hợp lý là được. Không cần y hệt tài liệu hay bài giảng của thầy cô, miễn hợp lý là được.

4. Bây giờ, đọc đoạn thơ em ghi trong nháp. Theo trình từ đọc từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, lần lượt từng câu thơ, hãy gạch chân các dấu hiệu nghệ thuật mà em thấy đặc biệt. Em hãy chú ý đến: từ ngữ, hình ảnh thơ, biện pháp tu từ, các kiểu câu cầu khiến, cảm thán, nghi vấn, các thanh bằng, trắc, vần, nhịp… Sau khi gạch chân hết, em điểm lại: Các dấu hiệu nghệ thuật ấy có ý nghĩa gì? Chúng muốn truyền tải điều gì? – Đây là lúc em kết hợp giữa những gì được nghe giảng trong lớp, những gì em đã biết về tác phẩm với những suy luận của em.

5- Ở trên, em đã làm thao tác phân tích tác phẩm. Bây giờ em hãy đánh giá lại xem: Đoạn thơ đó đặc sắc nhất về nội dung là gì? Đặc sắc nhất về nghệ thuật là gì?

6 – Sau khi làm xong tất cả các bước trên, em đã có một bản phân tích do chính em làm. Tức là em đã nắm tác phẩm và có thể tự phân tích khi vào phòng thi. Bây giờ, em hãy đối chiếu phần em vừa làm với bài giảng trên lớp của thầy, cô xem có chỗ nào chưa chính xác hay không. Em có thể bổ sung thêm ý của thầy, cô cho bài thêm sâu sắc nếu muốn. Nhưng hãy nhớ: Đề thi tuyển sinh kiểm tra em vận dụng kiến thức thế nào, nên nếu không thuộc từng câu, từng chữ, hay bỏ sót một, hai ý, thì cũng không sao cả.

Với tác phẩm truyện, thì sau đây là những việc cần làm:

1 – Học tóm tắt tác phẩm. Đầu tiên, em có thể lược lại nội dung tác phẩm bằng cách kể lại tác phẩm đó bằng văn của mình cho một người khác nghe. Sau đó, em cần ghi ra nháp những SỰ KIỆN QUAN TRỌNG NHẤT TRONG CỐT TRUYỆN, để nắm trình tự diễn biến cốt truyện. Nếu cần, em có thể viết sẵn ra những đoạn văn tóm tắt tác phẩm. Việc nắm tóm tắt tác phẩm cho hai cái lợi: Thứ nhất nó giúp em nắm chính xác dẫn chứng, tránh tình trạng râu ông nọ cắm cằm bà kia. Thứ hai, nó giúp em tránh mất thời gian khi làm bài thi, thực tế có nhiều bạn do không chuẩn bị phần này, nêu khi vào phòng thi viết tóm tắt quá dài, có khi cả trang giấy, sẽ tốn thời gian mà không được điểm cao.

2 – Học hệ thống luận điểm. Phần trọng tâm của các tác phẩm truyện chính là phân tích nhân vật của nó. Vậy với mỗi nhân vật, ta cần nắm những luận điểm nào? Em hãy vẽ ra những sơ đồ cho từng nhân vật để nắm chắc hệ thống luận điểm này.

3 – Học dẫn chứng trực tiếp. Phần phân tích nhân vật, không thể nào thiếu được dẫn chứng trực tiếp. Nhưng quá nhiều dẫn chứng, làm sao học hết đây? Trước tiên, với mỗi luận điểm, em hãy chọn ra khoảng 2 đến 3 dẫn chứng tiêu biểu nhất. Nếu dẫn chứng quá dài và cảm thấy khó nhớ, em có thể chia thành những cụm từ ngắn hơn để học, nhưng phải đảm bảo cụm từ ấy diễn đạt trọn vẹn ý nghĩa. Em hãy lấy 1 tờ giấy A4 ra, chép lại toàn bộ dẫn chứng cho từng tác phẩm, mỗi tác phẩm trong tối đa 1 mặt giấy A4 thôi. Sau khi làm xong, em sẽ có 1 bộ tóm tắt dẫn chứng, mỗi tác phẩm khoảng mười đến mười lăm dẫn chứng. Em hãy học trong đó thôi, vì đây là những dẫn chứng em chọn lọc, nên sẽ dễ học hơn rất nhiều, đúng không nào?

4 – Thuộc dẫn chứng quan trọng, nhưng quan trọng hơn phải hiểu dẫn chứng. Dẫn chứng đó có ý nghĩa gì? Dẫn chứng đó giúp ta hiểu thêm điều gì về nhân vật? Qua dẫn chứng đó, nhà văn gửi đến bài học,thông điệp gì? Những nội dung này em không cần học thuộc, mà hoàn toàn có thể suy ra và diễn đạt bằng văn của mình. Đây mới là phần quan trọng. Một bài văn liệt kê rất nhiều dẫn chứng, không được đánh giá cao bằng một bài văn biết cách bình dẫn chứng.

5 – Đánh giá tổng quát lại tác phẩm. Em cần đánh giá về phương diện nội dung và nghệ thuật. Đối với phân tích nhân vật, thì có một số ý cần xét đến như sau:

++Về nội dung: Nhân vật có thể hiện giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực hay không? Nhân vật đại diện cho ai (ví dụ: người phụ nữ trong xã hội phong kiến, người nông dân, thế hệ trẻ thời kì kháng chiến…? Qua nhân vật, nhà văn muốn gửi đến thông điệp gì?

++ Về nghệ thuật: Nghệ thuật kể chuyện có gì đặc sắc không (về ngôi kể, cốt truyện, không gian, thời gian…)? Nghệ thuật xây dựng nhân vật có gì đặc sắc không? (Chân dung, ngoại hình, tính cách, hành động, lời nói…)? Ngôn ngữ có gì đặc biệt không? (ngôn từ gợi tả, câu văn bay bổng hay ngắn gọn súc tích, ngôn ngữ kể chuyện đậm chất Bắc Bộ hay Nam bộ…).

Hãy trả lời những câu hỏi này theo cách hiểu của mình, không cần phải học thuộc.

TIẾP ĐẾN, ĐỌC TÀI LIỆU ĐỂ ĐÀO SÂU VÀO CÁC Ý

Khi đã nắm vững các nội dung cơ bản như các bước ở trên, thì thao tác đọc tài liệu sẽ rất thuận lợi và dễ tiếp thu. Chú ý: ĐỌC tài liệu, chứ không phải học thuộc. Lúc này em có thể đọc đề cương thầy cô phát, các bài bình giảng trong sách, v.v. Việc đọc này giúp em đào sâu các ý, nhận ra những điểm sáng văn chương cần bình thêm để bài hay hơn. Học tập cách diễn đạt… Mỗi bài em đọc một vài lần, tùy ý thích và tùy hứng thú. Đến khi thi, hãy diễn đạt những điểm sáng đó bằng văn của mình, em sẽ ghi được những dấu ấn riêng trong bài viết.


--------------- NGÀY 5: ÔN TẬP TIẾNG VIỆT VÀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI ---------

Đây là ngày cuối cùng, sát ngày thi, em nên ôn tập nhẹ nhàng và dành thời gian nghỉ ngơi để bài thi được tốt nhất.

Về phần tiếng Việt, bài thi sẽ kiểm tra kiến thức TV ở phần Đọc hiểu trong câu nhận biết, tức đề bài sẽ yêu cầu em xác định một đơn vị kiến thức nào đó (ví dụ các phương châm hội thoại, các thành phần biệt lập…) trong văn bản đề cho. Như vậy, các em không cần học thuộc khái niệm của từng phần, mà chỉ cần hiểu ĐÓ LÀ CÁI GÌ và biết cách chỉ ra đơn vị kiến thức ấy, là đủ. Như vậy, em chỉ cần dành thời gian đọc lại hết các khung Ghi nhớ trong sách giáo khoa, xem lại các ví dụ, các bài tập trong SGK là được.

Riêng với nội dung các biện pháp tu từ, đề có thể sẽ yêu cầu em nêu tác dụng về nội dung và hình thức của biện pháp tu từ ấy. Tác dụng về hình thức, em đọc lại một lượt để nắm. Tác dụng về nội dung, chỉ cần bám vào nội dung văn bản trong đề là sẽ ra.

Về phần NLXH, em cần nắm vững các thao tác thân bài của dạng Tư tưởng đạo lý và HIện tượng đời sống. Đọc qua khoảng 5 – 10 dẫn chứng em thích nhất. Đọc lại các bài viết đã viết trong lớp, xem thật kĩ lời phê của thầy cô và rút kinh nghiệm các lỗi diễn đạt, vậy là được. NLXH thì vô cùng vô tận vấn đề, cho nên việc học tủ là không cần thiết. Nhưng chắc chắn, đề sẽ hỏi những vấn đề gần gũi với cuộc sống của em, nên em chỉ cần nắm vững thao tác làm bài, và bình tĩnh viết bằng kinh nghiệm, trải nghiệm của mình, như vậy là được.

Cuối cùng, hãy bình tĩnh và giữ gìn sức khỏe trong những ngày quan trọng này. Hãy ngủ sớm và ăn uống đầy đủ. Đừng quá căng thẳng, bởi vì quá trình học một năm qua ít nhiều cũng đọng lại trong em những ấn tượng, việc bây giờ là khơi lại những ấn tượng đó và bổ sung, mở rộng cho sâu sắc hơn. Chỉ cần cố gắng, mọi việc sẽ tốt đẹp thôi.

Thương chúc các em mọi sự may mắn và thành công.

THẦY DUY
(Blog Chuyên Văn)



EmoticonEmoticon