[NLVH]: LÀM THẾ NÀO PHÂN BIỆT DẠNG SO SÁNH VÀ DẠNG LIÊN HỆ?






Các bạn thân mến, Blog Chuyên Văn trở lại rồi đây.

Kể từ khi Bộ giáo dục công bố đề thi minh họa môn Ngữ văn 2018, dạng đề liên hệ với tác phẩm 11, nhiều bạn đã nhắn tin hỏi mình làm thế nào để phân biệt dạng bài so sánh (vốn đã quen thuộc với các kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng trước đây), và dạng bài liên hệ. Trong quá trình mình dạy luyện thi 9, cũng có nhiều học sinh gặp vướng mắc ở vấn đề này.

Làm thế nào để phân biệt dạng bài so sánh và dạng bài liên hệ? Mình nghĩ câu trả lời không khó, quan trọng nằm ở chỗ bạn có cảm nhận về độ để biết cái gì cần viết nhiều, cái gì cần viết lướt. Bài viết này sẽ giải thích rõ hơn về sự phân biệt giữa hai dạng bài này.

Trước khi vào những nội dung chính, bạn hãy đọc những đề văn sau đây và thử phân loại xem, đề nào thì sẽ được xếp vào dạng so sánh, còn đề nào thì sẽ được xếp vào dạng liên hệ?

Đề 1:
Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác (“Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân). Từ đó liên hệ với nhân vật Huấn Cao (“Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân) trong cảnh cho chữ để nhận xét về quan niệm của tác giả về con người.

Đề 2:

Phân tích hình ảnh bát cháo hành (“Chí Phèo”, Nam Cao) và hình ảnh ấm nước đun sôi (“Đời thừa”, Nam Cao) để làm bật lên quan niệm của nhà văn về nhân tính trong mỗi con người.

Đề 3:
Phân tích cảnh mùa xuân Tây Bắc (“Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài). Liên hệ với cảnh chiều tàn (“Hai đứa trẻ”, Thạch Lam) để làm bật lên chất thơ trong từng tác phẩm.

Đề 4: Cảm nhận về tình đồng chí qua qua hai đoạn thơ sau:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!
(Đồng chí – Chính Hữu)
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi
(Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)

Đề 5:
Cảm nhận về nhân vật ông Sáu trong đoạn trích sau:
Từ con đường mòn chạy lẫn trong rừng sâu, anh hớt hải chạy về, tay cầm khúc ngà đưa lên khoe với tôi. Mặt anh hớn hở như một đứa trẻ được quà.
Sau đó, anh lấy vỏ đạn hai mươi li của Mĩ, đập mỏng thành một cây cưa nhỏ, cứa khúc ngà thành từng miếng nhỏ. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như một người thợ bạc. Chẳng hiểu sao tôi thích ngồi nhìn anh làm và cảm thấy vui vui khi thấy bụi ngà rơi mỗi lúc một nhiều. Một ngày, anh cưa được một vài răng. Không bao lâu sau, cây lược được hoàn thành. Cây lược dài độ hơn một tấc, bề ngang độ ba phân rưỡi, cây lược cho con gái, cây lược dùng để chải mái tóc dài, cây lược chỉ có một hàng răng thưa. Trên sống lưng lược có khắc một hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Cây lược ngà ấy chưa chải được mái tóc của con, nhưng nó gỡ rối được phần nào tâm trạng của anh. Những đêm nhớ con, anh ít nhớ đến nỗi ân hận đánh con, nhớ con, anh lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt. Có cây lược, anh càng mong gặp lại con. Nhưng rồi một chuyện không may xảy ra. […] Anh bị viên đạn của Mĩ bắn vào ngực. Trong giờ phút cuối cùng, anh không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu.
(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà, SGK Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục, 2006)
Liên hệ với một tác phẩm viết về đề tài tình cha con để làm bật lên nét riêng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi viết về đề tài này.

Bạn đã nhận diện và phân loại được các đề trên chưa? Đáp án như sau:

DẠNG SO SÁNH
DẠNG LIÊN HỆ

Đề 2, Đề 4

Đề 1, Đề 3, Đề 5

Vậy bây giờ, hãy thử nghĩ xem, tại sao ta có thể phân loại các đề trên vào hai nhóm như thế? Giữa dạng đề so sánh và dạng đề liên hệ có gì giống và khác nhau?

1.     Điểm giống nhau giữa dạng đề so sánh và dạng đề liên hệ

Dễ thấy, có hai điểm giống nhau cơ bản giữa hai dạng đề.

Thứ nhất, cả hai dạng đề đều yêu cầu chúng ta phải làm việc với hai tác phẩm (Có thể yêu cầu phân tích toàn tác phẩm hoặc phân tích một khía cạnh nào đó trong tác phẩm). Khi làm việc với hai tác phẩm, tất nhiên ta phải so sánh chỉ ra sự giống nhau và khác nhau, tùy vào yêu cầu đề bài đưa ra.

Thứ hai, thực chất cả hai dạng đề đều chưa hai nhiệm vụ cần phải giải quyết. Nhiệm vụ chính là phân tích tác phẩm, chiếm số điểm nhiều hơn, đây là nhiệm vụ cơ bản để đạt mức điểm Trung bình, Khá. Bên cạnh đó, còn một nhiệm vụ nâng cao là so sánh, liên hệ, đây là nhiệm vụ đặt ra để phân hóa học sinh, bạn phải giải quyết nó để đạt mức điểm Giỏi.

Cụ thể như sau:

Đề
Nhiệm vụ chính
(Phân tích)
Nhiệm vụ phân hóa
(so sánh, liên hệ)
Đề 1
Cảm nhận hình tượng ông lái đò trong cảnh vượt thác
Liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ để làm bật lên quan niệm của nhà văn về con người
Đề 2
Phân tích hình ảnh bát cháo hành (Chí Phèo) và hình ảnh ấm nước đun sôi (Đời thừa)
So sánh hai hình ảnh báo cháo hành và hình ảnh ấm nước đun sôi, từ đó cho thấy quan niệm của nhà văn về nhân tính trong mỗi con người.
Đề 3
Phân tích cảnh mùa xuân Tây Bắc trong “Vợ chồng A Phủ”
Liên hệ với cảnh chiều tàn (Hai đứa trẻ) để làm bật lên chất thơ trong từng tác phẩm.
Đề 4
Cảm nhận về vẻ đẹp tình đồng chí trong từng đoạn thơ.
So sánh chỉ ra điểm giống nhau và khác nhau trong tình đồng chí ở hai đoạn thơ.
Đề 5
Cảm nhận về nhân vật ông Sáu trong đoạn trích.
Liên hệ với một tác phẩm về đề tài tình cha con để làm bật lên nét đặc sắc của nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi viết về đề tài này.

Chính những nét tương đồng trên khiến cho chúng ta bối rối khi xác định vấn đề. Nhưng thực ra, nguyên tắc rất đơn giản. Trong một khoảng thời gian hạn chế, để giải quyết tốt nhất đề bài, ta cần lưu ý:

Một là, nhiệm vụ chính cần được chú tâm dồn sức làm cho cẩn thận, chỉn chu, kĩ lưỡng, phân tích sâu và có điểm nhấn. Đây sẽ là phần chiếm dung lượng nhiều nhất trong bài viết.

Hai là, nhiệm vụ phân hóa viết ít hơn, dung lượng vừa phải, chủ yếu là chỉ ra những điểm nhấn quan trọng nhất, chỉ ra những nét đặc sắc nhất. Cần xây dựng hệ thống tiêu chí để các ý liên hệ, so sánh được rõ ràng và bài mạch lạc hơn.

2.     Điểm khác nhau giữa dạng đề so sánh và dạng đề liên hệ

Khi đã nắm rõ được hai nguyên tắc trên, ta cũng sẽ dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa hai dạng đề so sánh và liên hệ.

a.     Nhận diện đề

Có thể thấy, cả hai dạng đề đều yêu cầu chúng ta làm việc với 2 tác phẩm. Nhưng vai trò của 2 tác phẩm ấy ở hai dạng đề là khác nhau.

Dạng đề so sánh: 2 tác phẩm có vai trò tương đương nhau. Việc phân tích cả hai tác phẩm đều nằm ở nhiệm vụ chính. Ta phải phân tích kĩ lưỡng cả hai tác phẩm.

Dạng đề liên hệ: có 1 tác phẩm chính và 1 tác phẩm phụ. Tác phẩm nằm ở nhiệm vụ chính ta cần phân tích kĩ lưỡng. Tác phẩm nằm ở nhiệm vụ phân hóa (phần liên hệ) ta không cần phân tích kĩ lưỡng, chỉ giới thiệu sơ lược và điểm qua những nét đặc sắc nhất mà thôi.

b.     Dàn ý thân bài

Từ đó, ta có thể khái quát thành dàn ý thân bài như sau:

Thao tác
Dạng so sánh
Dạng liên hệ
1.Khái quát
-Giới thiệu lần lượt về phong cách tác giả, hoàn cảnh sáng tác và nét đặc sắc trong nội dung, nghệ thuật của cả hai tác phẩm đề yêu cầu.
-Chú ý: Sắp xếp trình tự bài theo trình tự đề. Đề nhắc đến tác phẩm nào trước, ta triển khai trước. Đề triển khai tác phẩm nào sau, ta triển khai sau.
-Giải thích và nêu biểu hiện các khái niệm quan trọng trong đề (nếu có)
-Giới thiệu về phong cách tác giả, hoàn cảnh sáng tác và nét đặc sắc trong nội dung, nghệ thuật chỉ của tác phẩm trong nhiệm vụ chính.
-Giải thích và nêu biểu hiện các khái niệm quan trọng trong đề (nếu có).
2.Phân tích (Nhiệm vụ chính)
Lần lượt phân tích kĩ từng tác phẩm trong đề theo trình tự của đề bài.
Phân tích kĩ tác phẩm trong nhiệm vụ chính.
3.So sánh, liên hệ (Nhiệm vụ nâng cao)
-So sánh: Chỉ ra sự giống nhau, khác nhau của hai tác phẩm để làm bật lên yêu cầu của đề.
-Đánh giá về hai tác giả, tác phẩm.
-Giới thiệu tác phẩm liên hệ, chỉ điểm qua những nét ấn tượng nhất, đặc sắc nhất.
-So sánh: Chỉ ra sự giống nhau, khác nhau của hai tác phẩm để làm bật yêu cầu đề.
-Đánh giá về hai tác giả, tác phẩm.

3.     Bài giải minh họa cho hai dạng đề

Ứng dụng dàn ý chung nêu ở trên, ta có thể giải quyết được các đề cụ thể. Sau đây là hai ví dụ.

a.     Dạng so sánh:



GỢI Ý THÂN BÀI
I.                  GIỚI THIỆU TÁC GIẢ, TÁC PHẨM, ĐOẠN TRÍCH
II.               NHIỆM VỤ CHÍNH: CẢM NHẬN VỀ BỨC TRANH MÙA XUÂN QUA HAI ĐOẠN THƠ
CLĐ1: Qua đoạn trích “Cảnh ngày xuân”, Nguyễn Du đã vẽ nên một bức tranh mùa xuân tươi tắn, tràn đầy sức sống trong một chuyến du xuân.
-         Hai câu thơ đầu báo hiệu mùa xuân đang ở thì đẹp nhất:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
+Ngày xuân được báo hiệu bởi hình ảnh những cánh én. Từ “đưa thoi” gợi lên dáng én chao liệng giữa bầu trời xuân lồng lộng thoáng đãng. Từng cánh én như dệt nên trời xuân. Câu thơ còn gợi đến nhịp thời gian trôi qua, “Thời gian thấm thoắt thoi đưa”, đồng thời cũng gợi lên sức sống mùa xuân mà từng cánh én chuyên chở, như câu hát “Rồi dập dìu mùa xuân theo én về” (Văn Cao).
+Không gian mùa xuân tràn ngập ánh sáng. “Thiều quang”  có nghĩa là  ánh sáng đẹp. Câu thơ thoáng gợn một niềm nuối tiếc khi ngày xuân sắp qua đi: “thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”.
-         Bức tranh mùa xuân được dựng lên tuyệt mỹ, hài hòa, trang nhã, đầy sức sống:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
+Những mảng màu xanh tươi tắn tràn ngập khắp không gian, màu xanh của cỏ, màu xanh của trời, trang nhã, tràn đầy sức sống. Điểm xuyết trên đó là những bông lê trắng, nhẹ nhàng, tinh tế càng làm cho cảnh xuân thêm tuyệt mỹ. Đây chính là bút pháp chấm phá đặc sắc, tinh tế của Nguyễn Du.
NHẬN XÉT: Bức tranh xuân của Nguyễn Du đạt đến độ hài hòa, mực thước, tuyệt mỹ của chủ nghĩa cổ điển. Ở đó có cả chiều cao của bầu trời lồng lộng, có bề rộng của những sóng cỏ mênh mông, có cả chiều sâu của cảm xúc con người, một niềm vui thích, say sưa trước bức tranh xuân non tơ, mơn mởn, gợi nhẹ chút tiếc nuối trước thời gian qua.
CLĐ2:  Qua khổ thơ đầu của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, Thanh Hải đã dùng chất liệu ngôn từ để họa nên bức tranh xuân tinh khôi, trong trẻo, đậm chất Huế.
(Trích thơ)
vHình ảnh dòng sông và bông hoa tím biếc
-         Bức tranh xuân hiện lên hài hòa, tinh khôi trong những màu sắc đậm chất Huế: “dòng sông xanh”, “tím biếc”. Những gam màu lạnh, nhã, được phối với nhau thật duyên dáng, thanh nhã, gợi vẻ đẹp phóng khoáng mà dịu dàng.
-         Giữa dòng sông ấy, hiện lên âm thầm, khiêm nhường, nhưng không kém phần nổi bật, chính là một “bông hoa tím biếc”:
o   Phép đảo ngữ và nhịp 1/4 chính là một nét chấm phá, điểm xuyết trong bức tranh xuân, khiến người đọc như hình dung ra được một bông hoa đang hé nở giữa dòng sông xanh lấp lánh, phản chiếu nắng xuân dịu dàng.
o   Chữ “một” nhấn mạnh sự lẻ loi, khiêm nhường, giản dị và thầm lặng.
o   Tuy nhỏ nhoi thầm lặng, nhưng sắc hoa khiến người ta không sao quên được. Không phải “tím ngắt”, “tim tím”, “tím chiều hoang biền biệt” (Hữu Loan) mà là “tím biếc”. “Tím biếc” là sắc tím trong trẻo, trang nhã, mang đậm cái hồn xứ Huế. Cũng một gam màu lạnh, nhưng sắc tím biếc của bông hoa nổi trội, đậm đà, nồng ấm cả dòng sông xanh.
vÂm thanh tiếng chim chiền chiện
-         Bức tranh xuân sống động hơn khi tiếng chim chiền chiện vang lừng, rộn rã khắp không gian:
o   Ba âm “ch” láy đi láy lại (“chim chiền chiện”) tạo một điệp khúc vui tươi, trẻ trung của mùa xuân.
o   Tác giả đã nhân hóa con chim chiền chiện như một người bạn, cất tiếng gọi “Ơi!” đầy thân thương, trìu mến, thể hiện niềm mê say trước tiếng chim lảnh lót.
o   Câu hỏi tu từ “hót chi mà vang trời” chính là cách diễn đạt ngọt ngào, gợi thương gợi nhớ của người dân xứ Huế, cho thấy một sự ngỡ ngàng, như một sự thích thú, như một sự say mê của tác giả trước vẻ đẹp đầy chất nhạc, chất họa, chất thơ của mùa xuân.
ĐÁNH GIÁ:
Đó là một mùa xuân dịu dàng tươi sáng bởi màu sắc, náo nức rộn ràng bởi âm thanh, không gian mở rộng cả chiều rộng, chiều cao và chiều sâu, lồng lộng, phóng khoáng, dịu dàng sắc xuân. Thiên nhiên tràn trề sức sống mãnh liệt và dâng hiến hết mình: sông hết mình xanh, bông hoa hết mình tím, và con chim nhỏ bé kia cũng đang căng hết sức lực của vòm ngực cất lên tiếng hót làm vang động cả bầu trời cao rộng.
èChính những thanh sắc tuyệt vời ấy của mùa xuân đã chạm vào trái tim tác giả, làm ngân vang những tiếng thơ thiết tha yêu đời, yêu cuộc sống.
vHình ảnh tác giả
-         Hình ảnh tác giả hiện ra trong mùa xuân ấy với tâm thái say sưa, đầy thương mến. Nhân vật trữ tình đã huy động toàn bộ giác quan để cảm nhận mùa xuân, tạo ra một hình ảnh thơ độc đáo: “từng giọt long lanh rơi”:
o   đó có thể là những giọt mưa xuân, là giọt sương đọng trên cành non lá biếc (nghĩa tả thực);
o   đó có thể là phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: có thể là “giọt tiếng chim” (chuyển từ thính giác sang thị giác, xúc giác).
ĐÁNH GIÁ:
Phải yêu thiên nhiên sâu đậm, phải thiết tha biết bao với cuộc sống này, nhà thơ mới có thể mở rộng tâm hồn mình đón nhận tất cả mọi vang vọng và vẻ đẹp của mùa xuân, khiến mùa xuân, tiếng chim “kết tinh lại”, trở nên hữu hình, cụ thể, và có thể cảm nhận bằng tất cả giác quan.
-         Câu thơ “Tôi đưa tay tôi hứng” gói gọn tất cả niềm trìu mến, trân trọng. Nó miêu tả hai hành động liên tiếp: nhà thơ như dang rộng vòng tay để ôm trọn lấy mùa xuân, ôm trọn lấy cuộc đời yêu quý; và rồi nâng niu, trân trọng, cẩn thận hứng lấy từng giọt mưa xuân, từng giọt tiếng chim mùa xuân như nâng niu, cất giữ những vẻ đẹp bình dị của cuộc đời.
NHẬN XÉT:
ØCâu thơ tha thiết, sâu đậm một tình yêu cuộc sống. Đặt trong hoàn cảnh nhà thơ đang bệnh nặng, ta mới thấy tình yêu cuộc đời và thiên nhiên trong ông mãnh liệt biết nhường nào.
Ngoài ra, có thể thấy khổ thơ mang đậm phong vị Huế: sắc màu Huế (“xanh”, “tím biếc” thanh nhã, mộng mơ); âm hưởng dân ca Huế, và tiếng nói thân thương của người Huế (“chi mà” – cách nói ngọt diu của người dân sông Hương núi Ngự).
III.           NHIỆM VỤ PHÂN HÓA: TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ
CLĐ3: Cùng viết về mùa xuân, cả hai nhà thơ đã có những nét gặp gỡ và những điểm sáng tạo của riêng mình.
1.     Giống
-         Mùa xuân luôn được họa nên bởi những sự vật, màu sắc tươi đẹp nhất, tràn đầy sức sống trong một không gian mênh mông, khoáng đạt. Cả hai nhà thơ đều dùng những gam màu lạnh (màu xanh của cỏ, màu xanh của dòng sông, màu tím biếc của bông hoa) để dựng nên bức tranh xuân, thế nhưng bức tranh ấy đi vào lòng người lại tạo cảm giác ấm áp, gần gũi, thân thuộc.
-         Qua hai bức tranh xuân, ta nhận ra thi sĩ có tâm hồn nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo vật và tình yêu thiên nhiên tha thiết, chỉ như thế mới có thể thổi hồn của mùa xuân vào trong thơ, tạo nên những bức tranh xuân ngây ngất lòng người.
2.     Khác

Cảnh ngày xuân
Mùa xuân nho nhỏ
Giác quan
Chủ yếu cảm nhận bằng thị giác, tạo ra những bức tranh trong thơ bằng việc nắm bắt đường nét, màu sắc…
Mở rộng mọi giác quan để cảm nhận bức tranh xuân: thị giác, thính giác, xúc giác
Nghệ thuật
-Sử dụng các bút pháp nghệ thuật của văn học trung đại: bút pháp chấm phá, bút pháp lấy điểm tả diện…
-Hình ảnh thơ có tính chất ước lệ, quen thuộc: nói đến mùa xuân là nói đến chim én, cỏ non, hoa lê…
- Sử dụng bút pháp nghệ thuật hiện đại: Chuyển đổi cảm giác thần tình để cảm nhận hết sự vận động tế vi của thiên nhiên cảnh vật, nhịp thơ biến đổi linh hoạt tạo âm hưởng du dương, tha thiết.
-Hình ảnh thơ mới mẻ, mang đậm màu sắc xứ Huế: một bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện…
Cảm xúc
Cảnh được nhìn qua đôi mắt của khách du xuân, man mác nỗi tiếc nuối vì mùa xuân sắp qua đi.
Cảnh được nhìn qua đôi mắt của thi nhân, một người sắp từ giã cõi đời, cho nên hình ảnh thơ ngời sáng lên tình yêu tha thiết, sự nâng niu, trân trọng vô bờ đối với cuộc sống.
3.     Đánh giá: Từ lâu thiên nhiên đã trở thành người bạn tâm tình của con người, qua hai bức tranh xuân, ta nhận ra tài năng nghệ thuật tuyệt vời của thi nhân trong việc miêu tả, nắm bắt từng khoảnh khắc mùa xuân và biến chúng thành  bất tử trong thơ ca của mình. Đồng thời, ta cũng nhận ra một tâm hồn tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống, một trái tim nhạy cảm với những vẻ đẹp của cuộc đời.

b.    Dạng liên hệ

Đề bài: Cảm nhận khổ thơ 2 và 3 bài thơ “Sang thu” (Hữu Thỉnh). Liên hệ với bài “Thu điếu” (Nguyễn Khuyến) để làm bật lên nét đặc sắc của từng tác giả:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợi tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

GỢI Ý THÂN BÀI
I.                  GIỚI THIỆU NHÀ THƠ HỮU THỈNH VÀ BÀI THƠ SANG THU
II.               YÊU CẦU ĐỀ BÀI 1: CẢM NHẬN VỀ 2 KHỔ THƠ BÀI “SANG THU” (3,0 điểm)
1.     Khổ 2: Bức tranh giao mùa
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
-         Nếu khổ thơ đầu tiên phác họa chân dung mùa thu qua những đường nét mờ ảo, bảng lảng, trong một không gian hẹp (ngõ), thì ở khổ thơ thứ hai, mùa thu hiện ra qua những hình ảnh cụ thể, trong một không gian rộng lớn hơn.
-         Khổ thơ có cái lồng lộng của bầu trời nơi những cánh chim thiên di bắt đầu cuộc hành trình mới, có cái mênh mông của dòng sông trôi chầm chậm. Người đọc như cảm nhận được cái trong trẻo vô cùng của mùa thu trong không gian ấy.
-         Sự vận động ở bức tranh giao mùa diễn ra theo chiều hướng đối lập: dòng sông thì “dềnh dàng”, nhưng những bầy chim thì bắt đầu “vội vã”.
o   Từ láy “dềnh dàng” gợi liên tưởng đến dòng chảy chậm rãi, êm đềm, đồng thời khắc họa sự mênh mông, rộng lớn của dòng sông. Khi sông đã qua mùa mưa lũ, dềnh dàng chảy, cũng là lúc những cánh chim thiên di bắt đầu chuẩn bị cho cuộc di trú mới để tránh rét.
o   Hình ảnh “chim bắt đầu vội vã” sinh động, có tính hiện đại. Nếu trong thơ Lí Bạch:“Chúng điểu cao phi tận/Cô vân độc khứ nhàn”, cánh chim Đường thi như vút bay vào cõi vĩnh hằng mênh mông, thì hình ảnh cánh chim thiên di trong thơ Hữu Thỉnh gợi đến vòng tuần hoàn của cuộc sống.
-         Tuy nhiên, hai hình ảnh ấy lại rất thống nhất, đó đều là những trạng thái của buổi giao thời: Trước khi “dềnh dàng”, êm đềm trôi, dòng sông phải trải qua những tháng ngày mưa lũ cuộn chảy, phải ầm ào dữ dội nơi những ngọn thác nơi thượng nguồn. Trước khi “vội vã” tìm nơi di trú, những bầy chim kia đã có được tháng ngày êm đềm, ấm áp của mùa hạ. Đó chính là quy luật biến đổi của đời sống, có những lúc chậm chạp, êm đềm, sẽ có những lúc vội vã, gấp gáp. Tính giao mùa được thể hiện qua những từ chỉ thời gian gian: “được lúc”, “bắt đầu”
.è Bằng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, bằng vốn sống dày dặn, nhà thơ đã phát hiện ra từ những sự vật tưởng như bình thường, giản dị những triết lý thật sâu sắc.
èỞ đây, sự vận động tương phản, trái chiều của cảnh vật đã tạo nên một thế cân bằng, đan dệt với nhau khá nhuần nhuyễn làm nên bản giao hưởng gợi cảm của trời thu.
-         Hình ảnh “đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu”là sự sáng tạo độc đáo, đặc sắc của nhà thơ. Mây không phải “trôi”, “bay”, mà là “vắt”, đám mây trở thành chiếc cầu nối giữa hai mùa, biến thành chiếc khăn của thiếu nữ bay giữa bầu trời nửa thu, nửa hạ. Hữu Thỉnh đã thể hiện sức sáng tạo dồi dào và mãnh liệt của mình, khi dùng hình ảnh cụ thể để diễn tả khái niệm trừu tượng, dùng hình tượng không gian để miêu tả thời gian. Đám mây như nối liền thu và hạ, nối liền quá khứ và hiện tại, nối liền hư và thực. Từ “nửa” được sử dụng thật tinh tế, đó là trạng thái lưng chừng, bất định, miên man của không gian và thời gian trong tiết giao mùa, tạo cảm giác bâng khuâng, lâng lâng trong lòng người đọc.
*    NHẬN XÉT:
Qua khổ thơ thứ hai, bức tranh mùa thu được khắc họa bởi những đường nét cụ thể, với sự vận động đa dạng, sinh động, nhiều sắc thái của thiên nhiên tạo vật trong buổi giao thời. Tâm hồn nghệ sĩ của nhà thơ như hòa quyện cùng thiên nhiên, bay bổng, thăng hoa, để tạo nên hình ảnh thơ thật độc đáo, đặc sắc, thể hiện sức tưởng tượng dồi dào, mạnh mẽ.
2.     Khổ 3: Triết lý mùa thu
“Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.”
-         Những dấu hiệu của mùa hè vẫn còn trong tiết thu: “nắng”, “mưa”, “sấm”, nhưng khi gắn với các từ định lượng “vẫn còn bao nhiêu”, “đã vơi dần”, thì dường như mùa hè rực rỡ đang dịu dần, dịu dần để nhường chỗ cho mùa thu tĩnh lặng.
-         Những từ “vẫn còn bao nhiêu”, “đã vơi dần” không phải là một sự đong đếm chính xác, mà là cảm nhận tinh tế, đầy ngẫu hứng của tâm hồn người nghệ sĩ. Mùa hè như tiếc nuối đất trời, tiếc nuối con người và muốn lưu lại cùng thiên nhiên tạo vật, và nhà thơ bằng tâm hồn nhạy cảm, tinh tế đã cảm nhận được điều ấy.
-         Kết thúc lại một bức tranh mùa thu là hình ảnh “hàng cây đứng tuổi”. Đây là hình ảnh đa nghĩa, giàu tính biểu tượng:
o   Đó có thể là hàng cây cổ thụ lâu năm được nhân hóa, trở thành chứng nhân của biết bao đổi thay trong đời sống, trở nên vững vàng, kiên định.
o   Hàng cây ấy cũng có thể là một con người, một người trưởng thành đang bước vào mùa thu của cuộc đời. Tầng nghĩa này giàu chất triết lý, suy tưởng. “Mưa”, “nắng”, “sấm” không chỉ còn là những hiện tượng tự nhiên, mà nó tượng trưng cho những thăng trầm của cuộc sống, những khổ đau và hạnh phúc, những được và mất có thể xảy ra trong cuộc đời mỗi người. Nhà thơ đã đúc kết được quy luật của đời sống: khi con người bước vào mùa thu của cuộc đời, kinh nghiệm sống, những trải nghiệm khiến họ trở nên cứng cỏi, trưởng thành, trước khó khăn, thử thách họ trở nên bình thản và sẵn sàng đối mặt.
o   Nhà thơ sử dụng từ “bớt”, chứ không phải từ “hết”, bởi cuộc sống chính là như vậy, sẽ luôn biến đổi, luôn vận động, thăng trầm là quy luật tất yếu, và con người cần sự từng trải của tuổi đời để tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, để “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.
*    NHẬN XÉT:
ØKhổ thơ là sự đúc kết, chiêm nghiệm của nhà thơ về những triết lý nhân sinh sâu sắc, được gợi lên từ những sự vật thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa. Tính triết lý của câu thơ như mở ra một khung trời của suy tưởng và trải nghiệm, giúp ta có được chìa khóa để hiểu toàn bộ bài thơ.
Ø“Sang thu”, đâu chỉ là sự biến chuyển của thiên nhiên, mà đó là còn là sự biến chuyển của cuộc đời, là mùa thu của đất trời, mà cũng là mùa thu của đời người. Cũng chính vì thế, nhà thơ có thể cảm nhận được những quy luật vận động của vũ trụ và của đời người qua các hình ảnh tưởng như bình dị nhất như cánh chim, dòng sông.
Ø Để rồi, nhà thơ khẳng định một chân lý giản dị mà sâu sắc: Trải nghiệm cuộc sống với tất cả cung bậc của nó, con người sẽ dần cứng cỏi, vững vàng và trưởng thành hơn, để có thể đương đầu với mọi khó khăn, bất trắc.
3.     Tổng kết
a.     Về nội dung:
-         Bài thơ “Sang thu” là bức tranh tuyệt đẹp, trong trẻo và sinh động của thiên nhiên, đất trời trong tiết giao mùa, từ cuối hạ sang thu. Mùa thu được cảm nhận bằng nhiều giác quan, và bằng cả những suy nghiệm sâu sắc về cuộc đời, về con người.
-         Ra đời năm 1977, thời kì đất nước đã có được hòa bình nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bài thơ thể hiện niềm tin của nhà thơ vào dân tộc, vào con người. Bằng những trải nghiệm gian lao,  thử thách và đầy hào hùng, oanh liệt của cuộc chiến vừa qua, dân tộc Việt Nam sẽ mạnh mẽ, kiên cường đối mặt và vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
b.     Về nghệ thuật:
-         Bài thơ đặc sắc nhờ những hình ảnh thơ tinh tế, giàu sức biểu cảm, thể hiện sức sáng tạo dồi dào và trí tưởng tượng bay bổng, độc đáo của nhà thơ. Ngoài ra, bài thơ “Sang thu” còn là sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và lý trí, vừa gợi cảm, tinh tế vừa triết lý, sâu sắc.
-         Bài thơ là sự vận động tinh tế của mùa thu, kết cấu bài thơ cũng nhằm tái hiện những biến chuyển ấy. Cảnh thu đi từ tín hiệu báo mùa, đến trời đất chuyển mình, đến những biến chuyển âm thầm. Và lòng người cũng xúc cảm theo nhịp vận động ấy: từ bất giác, đến tri giác, đến suy ngẫm.

III.           NHIỆM VỤ PHÂN HÓA: LIÊN HỆ VỚI BÀI THƠ “THU ĐIẾU” (1,0 điểm)


Thu điếu
Sang thu
Giống nhau
-Cả hai bài thơ đều làm bật vẻ đẹp của hồn thu Bắc Bộ: trong trẻo, tĩnh lặng với những biến chuyển tinh tế, nhẹ nhàng.
-Cả hai bài thơ đều mượn cảnh thiên nhiên để gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình.
Khác nhau
(Nét đặc sắc của từng nhà thơ)
+Vị trí quan sát: Bài thơ “Thu điếu” chọn vị trí quan sát ở một ao thu – đặc trưng của vùng chiêm trũng Bình Lục. Từ điểm nhìn là giữa ao, không gian càng lúc càng mở rộng ra vô cùng, còn con người càng lúc càng đơn côi, bé nhỏ.
+Sắc thái cảnh vật: Đặc trưng cho vùng nông thôn Bắc Bộ với ao thu, thuyền câu, ngõ trúc... Cảm nhận của nhà thơ thiên về những biến chuyển vi tế trong từng sự vận động của cảnh vật.
+Tâm trạng nhân vật trữ tình: Tâm trạng lẻ loi, cô đơn của một người mang mặc cảm “con người thừa”, đau đớn mà đành bất lực trước tình cảnh đất nước lầm than.
+Nghệ thuật: Từ “thi liệu đời thường
 tạo ra những “thi tứ bất thường”, tập trung vào độ trong và tĩnh của hồn thu với âm “eo” giàu sức biểu hiện.
+Vị trí quan sát: Bài thơ “Sang thu” chọn vị trí quan sát trong một buổi chiều ở ngoại ô, tất cả cảnh vật đều được nắm bắt ở trạng thái giao mùa, giao thời.
+Sắc thái cảnh vật: Những hình ảnh quen thuộc được làm mới dựa vào trí tưởng tượng dồi dào của nhà thơ, đặc sắc nhất là hình ảnh “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”.
+Tâm trạng nhân vật trữ tình: Tâm trạng của một người lính vừa bước ra khỏi cuộc chiến, tâm trạng của một người đàn ông đã ở “mùa thu của cuộc đời”, với nhiều suy tư, trăn trở, triết lý về cuộc sống.
+Nghệ thuật: Chủ yếu xây dựng những hình ảnh thơ đầy tính ẩn dụ để gởi gắm triết lý nhân sinh.
Đánh giá
Đánh giá cái tâm, cái tài của từng tác giả, đánh giá giá trị của từng tác phẩm.











EmoticonEmoticon