[ĐỀ NLVH]: KHOẢNH KHẮC VĨNH CỬU CỦA THƠ

Đề bài:
Anh đâu có phép lạ làm cho các câu thơ nở ra rồi cứ còn nguyên sắc đỏ
Với để làm gì cái trò bất tử phù du – phù du bất tử?
Anh chỉ mong câu thơ anh sống khỏi một đêm, có ích quá một ngày
Đúng cái đêm bà mẹ chết con cần một câu thơ cho đỡ khổ
Đúng cái ngày người chiến sĩ trên chiến hào ôm xác bạn ngả vào tay.
(Chế Lan Viên, Thơ bình phương – Đời lập phương)
Từ đoạn thơ trên, anh/chị hãy viết một bài nghị luận với chủ đề:

Khoảnh khắc vĩnh cửu của thơ.


Bài làm


Loài hoa kia chỉ đẹp và khoe sắc đỏ, hương thơm lan tỏa giữa cuộc đời, vẻ đẹp ấy không còn nữa nếu thi sĩ chia lìa nó với sự sống. Chẳng ai yêu nổi một cành hoa ép khô trên trang giấy trắng nếu thiếu vắng hương thơm và ánh mặt trời rực rỡ, cái mà ta cần trong thi ca là sự đóng khung bất tử những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của cuộc sống. Nhà thơ không thể bắt lấy cánh chim đang sải cánh đứng yên bất động trong tác phẩm của mình, trái lại những khoảnh khắc đong đầy hơi thở của cuộc sống, của tình cảm nồng cháy mãnh liệt mà thi nhân đang cảm nhận mới được xem là khoảnh khắc vĩnh cửu của thơ. Như nhà thơ Chế Lan Viên đã nhận định trong bài “Thơ bình phương – Đời lập phương”: (Trích thơ)

Trong một bài thơ hay, tất nhiên những hình ảnh, ngôn từ được gợi ra trong tác phẩm đều phải sống dậy một cách sinh động trước mắt người đọc. Đọc một bài thơ, giá trị đích thực mà tác giả muốn gửi gắm và tâm tình người đọc không nằm trên từng câu chữ, mà chính những điều đọng lại trong lòng bạn đọc mới là thứ làm nên khoảnh khắc vĩnh cửu của thơ. Mã Giang Lân từng cho rằng: “Thơ là một thông báo chỉnh thế của bốn yếu tố: Ý – Tình – Hình và Nhạc”, và trong đó “cái ý”, “cái tình” chính là yếu tố cơ bản và cốt lõi quyết định sự tồn tại của một câu thơ. Với Chế Lan Viên, ông quan niệm làm thơ là phải: “Đúng cái đêm bà mẹ chết con cần một câu thơ cho đỡ khổ/ Đúng cái ngày người nghệ sĩ trên chiến hào ôm xác bạn ngả vào tay”. Câu thơ viết ra không phải chỉ là một hình thức nghệ thuật hoa mỹ mà thơ sinh ra là để chạm đến những cảm xúc ẩn sâu trong hồn người, có mặt kịp lúc để xoa dịu mọi nỗi đau, đồng cảm với nỗi buồn phiền của nhân loại. Người cầm bút sáng tác không phải lo nghĩ làm thế nào để có được tác phẩm vĩ đại, trường tồn với thời gian “bất tử phù du – phù du bất tử”, nếu câu thơ anh viết ra chẳng làm nước mắt ngừng chảy và trái tim vơi nỗi buồn. Nhà văn Thạch Thảo từng nhận xét: “Nhà thơ phải chạm đến những tầng sâu, chạm đến đáy những cảm xúc kín đáo nhất của con người”, chỉ cần thơ có thể nói lên được tiếng nói đồng với con người thì trong khoảnh khắc ấy thơ hóa thành bất tử.

Từ ngàn xưa cho đến nay, “Thơ vẫn là nhạc điệu tâm hồn, đi tìm những tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu). Chỉ có thơ mới diễn tả được hết tận cùng mọi nỗi đau, mọi niềm sung sướng của con người mà từ đó cất lên âm thanh của sự đồng điệu. Với Chế Lan Viên, câu thơ viết ra phải thấm nhuần nỗi đau của một “bà mẹ chết con”, phải làm bật lên sự xót thương tận cùng trong khoảnh khắc “người chiên sĩ ôm xác bạn ngả vào tay”, nhưng thơ ca không ca tụng điều đó mà thơ cất lên những âm điệu của riêng mình để xoa dịu những người cùng khổ. “Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống thật tràn đầy” (Tố Hữu), những cảm xúc mà người nghệ sĩ đưa vào trong tác phẩm phải là những gì nhà thơ đã cảm nhận, đã từng trải và sống thật trong tim mình như Aimatov từng nói: “Thơ là sự sáng tạo khôngngừng nhưng đừng có nói dối, đừng viết những gì mà mắt anh không thấy và tim anh không cảm được”. Nếu nhà thơ viết vì một niềm hạnh phúc không rõ nguyên do, một nỗi đau tột cùng nhưng không có chủ đích, thì trong tâm hồn người đọc nhận được chỉ là sự mơ hồ, trống rỗng. Tác phẩm thơ sẽ chỉ là một sự tồn tại “phù du”, chẳng có giá trị gì trong cuộc sống nếu người nghệ sĩ viết không vì nhiệm vụ “nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ” (Nguyễn Minh Châu). Đôi mắt của nhà thơ không thể bất định nhìn về một hướng, trong đôi mắt ấy phải có sự linh hoạt đi tìm kiến những giá trị thầm kín trong cuộc sống, phải đong đầ cảm xúc mãnh liệt nhất để tạo nên những câu thơ làm lay động lòng người, như Ngô Thì Nhậm đã từng nói: “Phải có xúc động hồn thơ thì ngòi bút mới có thần được”. Chính sự ở xuất thần trong lời thơ, đẩy cảm xúc người đọc lên đỉnh điểm thì khi ấy khoảnh khắc vĩnh cửu của thơ được tạo lập. Thơ sống những giây phút bất tử của mình trong chính tâm hồn bạn đọc và chẳng có gì tồn tại được trong cõi sâu thẳm của tâm hồn con người ngoài tình cảm và cảm xúc. Chế Lan Viên từng nói:

“Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh
Không chỉ “ơ hời” mà còn đập bàn, quát tháo, lo toan”

Từ chính sự đồng cảm và xoa dịu nỗi đau của con người, thơ còn phải gọi thức “phần người” tỏng mỗi tâm hồn và để cho “con người hiểu được chính bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý” (M. Gorki). Khoảnh khắc vĩnh cửu trong thơ không nằm trên những câu từ hoa mỹ vô vị, nên một người nghệ sĩ chân chính không cần quan tâm đến sự bất tử “phù du” đó nếu bài thơ không có mặt kịp lúc để chia sẻ, an ủi và xoa dịu nỗi cay cực cho những tâm hồn nơi: “ngoài kia, biên giới đang chảy  máu, nơi những nhà thiếu gạo… Khác nơi đây anh yên ổn giữa gia đình” (Chế Lan Viên).

Giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống, người thi sĩ tìm thấy ở đó khoảnh khắc vĩnh của của thơ. Vẻ đẹp tuyệt đích của sự sống qua đôi tay nghệ thuật trở thành một vẻ đẹp vĩnh cửu. Mùa xuân trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu như trở thành một mùa xuân vĩnh cửu, vì ở đó mùa xuân trở thành mùa xuân của tuổi trẻ, mùa của những gì đẹp đẽ nhất của cuộc đời và chất chứa tình yêu đời tha thiết đến say đắm của tác giả:

“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi:
-Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào người!”

Điệp từ “Ta muốn” được lặp đi lặp lại nhiều lần trong đoạn thơ như một lời khẳng định, một tuyên ngôn sống mạnh mẽ của nhà thơ trước cuộc đời. Một cảm xúc như lửa cuồng nhiệt, dâng trào trong tâm hồn ta như chính quan niệm sống vội vàng, sống tận hiến và tận hưởng hết mình cho cuộc đời mà tác giả gửi gắm. Cuộc sống con người vốn ngắn ngủi và trôi qua nhanh chóng, sống trọn vẹn từng khoảnh khắc mà ta có là cách mà con người có thể thoát khỏi tính hữu hạn của thời gian và biến mỗi giây phút mà ta đang sống có ý nghĩa trở thành bất tử. Chính tình yêu đời sa mê, tha thiết của tác giả, kháo khát được sống và được lưu lại dấu ấn của cuộc đời nhà thơ Xuân Diệu đã biến thành khoảnh khắc vĩnh cửu của thơ. Ở đó con người tìm thấy mục đích sống của mình và những giá trị tốt đẹp của bản thân mình.

Khác với sự bồng bột, say đắm của tình yêu, của tuổi trẻ, cảm xúc mà nhà thơ Hàn Mặc Tử mang đến trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” có màu sắc u tối, đau đớn đến tận cùng của một người trẻ tuổi bị đẩy tách biệt ra khỏi thế giới tươi đẹp của con người. Câu thơ cất lên như một lời nguyền nghiệt ngã của số phận, những chính là tiếng nói yêu đời, khát vọng được tồn tại mạnh mẽ nhất:

“Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

Nhà thơ như đưa tay chạm đến khát vọng vào giữa cuộc sống tươi đẹp, cố vươn tới những vẻ đẹp tuyệt đích mà mình từng có nhưng dường như càng hy vọng lại càng thất vọng, càng khao khát lại càng đau khổ và càng mong mỏi hạnh phúc lại rơi vào sự bế tắc tột cùng. Cũng từ đó ta có thể nói, nỗi đau về thể xác, về thân phận đã nhấn chìm nhà thơ vào vực thẳm, nhưng cũng từ đó nguồn cảm hứng sáng tác lại đến với nhà thơ như một sự cứu chuộc linh hồn. Những câu thơ của cái chết đã cất lên tiếng nói của sự sống, câu hỏi “Ai biết tình ai có đậm đà?” như một nỗi băn khoăn trăn trở nhưng cũng là sự hy vọng, mong chờ của nhà thơ vào cuộc sống này. Đặt tâm trạng mình vào tâm trạng tác giả lúc bấy giờ, ta nhận ra bài thơ chính là tiếng nói yêu đời và khát khao được sống với đời mãnh liệt nhất. Bài thơ để lại trong tâm hồn người đọc những cảm xúc mãnh liệt nhất. Cả sự đau đớn và tình yêu đời tha thiết, khát vọng cháy bỏng của Hàn Mặc Tử biến thành “khoảnh khắc vĩnh cửu” trong tác phẩm. Đó là tiếng hát đau khổ cất lên từ sự giằng xé đau đớn cả thế xác lẫn tâm hồn tác giả và chính khoảnh khắc đó, con người nhận ra cuộc sống đang trân trọng và thiêng liêng như thế nào, ta như tìm thấy giá trị đích thực của sự sống và giữ tình cảm ấy trở thành “khoảnh khắc vĩnh cửu” trong tâm hồn mình, trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”.


Người nghệ sĩ không sống vì cuộc sống của chính mình mà tất cả họ đều sống vì cuộc sống của nhân loại. Mỗi khoảnh khắc nhà thơ nếm trải cuộc đời đều thấm đẫm mọi buồn vui, đau khổ của lời người và khi người nghệ sĩ cầm bút lên, anh phải viết vì chính điều đó. Nam Cao đã từng nói: “Sống đã rồi hãy viết, hãy hòa mình vào cuộc sống vĩ đại của nhân dân”, người thi sĩ đã viết nên những trang thơ làm đẹp cho đời và người đọc tìm thấy ở đó đôi cánh nâng đỡ linh hồn mình vượt qua tuyệt vọng. Sự bất tử trong thơ không thể hình thành được nếu nhà thơ chỉ giữ cảm xúc cho riêng mình mà không khiến chúng đong đầy trên trang giấy. Nghệ thuật không phải là tất cả để biến tác pahảm trở thành bất tử, nhưng sự “linh diệu” của nghệ thuật khiến cho cái ý, cái tình trong câu thơ được thoát mình khỏi trang giấy để sống dậy trong lòng người. Cái đẹp đẽ về hình thức chỉ thoáng qua tâm hồn người đọc những phút đầu, nhưng ẩn ý đằng sau từng câu chữ, những nỗi cay cực, băn khoăn mà con người cần được đồng cảm trở thành “khoảnh khắc vĩnh cửu của thơ” mà có lẽ với cả nền văn học nói chung.

Sự sống đa chiều được người nghệ sĩ vực dậy trên trang thơ hai mặt phẳng, ở đó người đọc tìm thấy những cảm xúc, tình cảm cô đọng và mãnh liệt nhất. Người nghệ sĩ có lẽ chẳng có phép thần thông để tạo nên một tác phẩm mãi mãi trường tồn với thời gian, người đọc không thể nhớ rõ từng lời từng chữ mà nhà thơ viết ra nhưng những tình cảm mạnh mẽ nhất được tác giả gửi gắm vào tác phẩm sẽ trở thành “khoảnh khắc vĩnh cửu của thơ”.

(Lê Xuân Yến, Lớp 11 CV trường THTH ĐHSP niên khóa 2015 - 2018)



EmoticonEmoticon