Ngôn từ nghệ thuật chính là chất liệu của văn học. Ngôn từ nghệ thuật với tính phi vật thế, tính hình tượng tác động vào người đọc thông qua trí tưởng tượng. Chính nhờ trí tưởng tượng và khả năng tác động vào trí tưởng tượng mà ngôn từ nghệ thuật cho phép người đọc có thể tái tạo được cả không gian và thời gian, có thể có được những cảm nhận đa dạng nhiều chiều về thời gian, không chỉ là thời gian thực tại mà còn là thời gian quá khứ, thời gian tương lai, không chỉ thời gian thật, mà còn có thể là thời gian trong tâm tưởng. Ngôn từ nghệ thuật cũng có thể giúp con người vượt mọi giới hạn để chinh phục không gian, bất kể xa hay gần, bất kể không gian thực hay không gian trong mơ ước.
Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là một trong những bài thơ mang những đặc diểm đa dạng về thời gian không gian. Xuyên suốt mạch thơ là những mốc thời gian rất khác nhau, và thời gian dường như ngắt quãng, không liền mạch, từng mốc thời gian hiện lên chập chờn như những thước phim quay chậm của hoài niệm, cảm giác về thời gian bị chi phối mạnh mẽ bởi xúc cảm của nhà thơ. Thời gian trong Đây thôn Vĩ Dạ có thể là một buổi sáng sớm, “nắng hàng cau”. Hình ảnh “nắng mới” gợi đến những khoảnh khắc đầu tiên của ngày mới. Chính cái thời gian của buổi sớm mai ấy, chính những khoảnh khắc đầu tiên tươi mới ấy đã góp phần tạo nên khung cảnh tinh khôi thanh nhã của bức tranh vườn ở khổ thơ đầu.
Thời gian trong đây thôn Vĩ Dạ cũng có thể là một buổi trưa tĩnh lặng đầy gió. Đó là hai câu thơ: “Gió theo lối gió, mây đường mây/ Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”. Không nói gì đến thời gian, nhưng tại sao ta lại có cảm giác oi ả tĩnh mịch của một buổi trưa vắng? Chính chữ “lay” đã mang lại cho ta cái cảm giác kì lạ ấy. Ngôn từ nghệ thuật , nhất là những từ gợi tả có thể cho chúng ta liên tưởng cùng lúc đến nhiều sự vật, hiện tượng khác nhau. Ví như câu thơ trong Tây Tiến:
“Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
Nhịp thơ bốn ba với chữ “HỊch” mang vần “ịch” một vần nặng ở ngay quãng ngắt là một sáng tạo đắt giá của nhà thơ. Giờ đây chữ “Hịch” không còn là một phần của địa danh “Mường Hịch” mà nó còn có giá trị gợi tả rất cao, nó cho người đọc liên tưởng về những bước chân của cọp trong rừng thẳm Tây Tiến, từ đó câu thơ tăng thêm sức nặng, và thiên nhiên dữ dội hiện lên có hồn hơn, sống động hơn, sự dữ dội của nó tác động trực tiếp vào giác quan và liên tưởng, khiến người đọc không thoáng khỏi chút rùng mình. Với chữ “lay” trong đây thôn Vĩ Dạ cũng vậy. Chữ “lay” là sự chuyển động liên tục của hoa bắp, hoa bắp tĩnh tại bị những sự vật vận động là mây và gió bỏ lại, chữ “lay” gợi lên cái buồn hiu hắt vì nỗi cô đơn, vì sự bất lực phảng phất trong dáng vẻ ấy. Tuy vậy, chữ “lay” còn gợi lên cái chập chờn của những bóng nắng lay động không ngừng, chữ “lay” cũng gội đến những giọt nắng lung linh lấp lánh trên mặt sông. Tức ở đây chữ “lay” gieo vào cảm giác người đọc ý niệm về sự tồn tại của nắng, không phải là nắng nhẹ, “nắng mới”, mà là cái nắng oi ả, cái nắng chói chang, cái nắng phủ khắp, cái nắng của ban trưa!
Thời gian ấy cũng có thể là một đêm trăng nơi bến sông trăng kì ảo trong tâm tưởng con người: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó”.
Sự vận động của thời gian gắn chặt với cảm xúc của nhà thơ và song song với sự biến chuyển của các hình tượng thơ. Có những lúc thời gian trôi rất chậm. Chậm trong cái nhìn tỉ mỉ miêu tả những chi tiết đẹp của khu vườn, từ ánh sáng màu sắc đến các chi tiết. Ở khổ thơ thứ nhất trong cái nhìn tương đối vui tươi về cuộc đời thời gian trôi cũng khá bình thản và chậm rãi. Nhưng đến những khổ thơ sau, khi những hình tượng dần chuyển đổi với tốc độ nhanh hơn, chỉ một khổ thơ mà liên tục là những hình ảnh khác nhau ở những không gian và thời gian khác nhau như “mây”, “gió”, “hoa bắp”, “thuyền”, “bến sông trăng” thì thời gian, trong cái tâm trạng chia phôi đau buồn, trong cái tâm trạng ủ ê cô đơn, dường như cũng gấp gáp hơn. Đến đây không thể không nhắc đến chữ “kịp”, đó là một biểu hiện gấp gáp của thời gian. Ẩn chứa trong chữ “kịp” ấy là một thái độ gấp gáp, gấp gáp với quỹ thời gian sống ít ỏi, gấp gáp để tậm hưởng những gì tối thiểu nhất của cuộc đời tươi đẹp, thứ tình yêu to lớn của thi nhân mà số phận đã lạnh lùng cướp mất.
Trong Đây thôn Vĩ Dạ, thời gian luôn gắn liền với không gian. Cả bài thơ là bốn bức tranh, bốn khung cảnh, bốn tâm trạng,và để dựng nên những bức tranh ấy, không thể không gắn yếu tố thời gian với yếu tố không gian. Không gian trong “Đây thôn Vĩ Dạ” là không gian ảo, không gian trong tâm tưởng của thi nhân, điều này là dễ hiểu, bởi bài thơ ra đời trong hoàn cảnh ngặt nghèo của chính bản thân thi sĩ, bệnh phong đau đớn đã đẩy thi sĩ ra khỏi cuộc đời mà người hằng yêu quý, đẩy người vào bóng tối, đoạn tuyệt người với thế giới đầy ánh sáng mà người luôn lưu giữ một vị trí to lớn trong trái tim mình. Điều này lí giải tại sao các không gian đều là những không gian mờ nhòa sương khói, là những không gian gắn với từ phiếm chỉ “ai”, không rõ ràng, hoàn toàn mơ hồ, mênh mang như bị che phủ bởi một màn sương khói. Nhưng vấn đề đặt ra là, ở những không gian ấy, phần thực, chất liệu thực, chiếm tỉ lệ như thế nào. Đi vào mạch cảm xúc của nhà thơ xuyên suốt tác phẩm, ta có thể nhận thấy phần thực của không gian giảm dần theo từng khổ thơ, các không gian biến chuyển từ không gian thực dựng lại bằng hồi tưởng, đến những không gian hư ảo là sản phẩm của trí tưởng tượng, đến không gian của cõi riêng, của cõi đau thương, là không gian có được do trạng thái sáng tạo đặc biệt của Hàn Mặc Tử.
Không gian vườn tược nơi thôn Vĩ ở khổ thơ đầu tiên mang phần thực nhiều hơn cả. Các chi tiết không gian được gợi lên khá rõ nét và chi tiết. “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Màu sắc, ánh sáng, bối cảnh xa gần được hiện lên khá chi tiết và gợi cảm. Khổ thơ có nét tươi sáng trong trẻo. Có thể hiểu rằng những đường nét màu sắc mà thi nhân dùng để họa lên bức tranh ấy chính là những đường nét màu sắc trong hồi tưởng. Những cảnh vật mà thi nhân đã bắt gặp trong quá khứ, nay hiện về từ những khao khát gần gũi cuộc đời, từ tình yêu tha thiết với cuộc đời. Khổ thơ mang khát vọng trở về, khát vọng được gặp lại những cảnh vật quá đỗi thân quen xứ Huế mà thi sĩ họ Hàn đã từng gặp, từng yêu thương, từng quyến luyến biết bao lúc trước. Khổ thơ là một nỗi nhớ dâng trào.
Không gian chia phôi của mây, gió bờ sông chắc chắn là không gian tưởng tượng, bởi lẽ sự vận động của các hình tượng thơ không tuân theo logic đời sống. Mây và gió trong thiên nhiên không thể cắt lìa, không thể “gió theo lối gió mây đường mây”, bởi mây trôi là do gió thổi, gió với mấy quấn lấy nhau không rời. Khung cảnh bị chi phối mạnh mẽ bởi logic tình cảm. Chính tâm trạng đau đớn khi phải rời xa cuộc sống, phải cách li với cuộc sống đã dây lên nỗi buồn vô hạn nhuốm vào cảnh vật làm nên trạng thái chia li của mây và gió. Tính thực ở không gian này dường như không còn, bởi cảm xúc đã lấn át lí trí, logic tình cảm chi phối sự vận động của hình tượng, đây không còn là không gian của thế giới thực, mà là không gian của thế giới cảm xúc, thế giới tâm tưởng. Cũng theo mạch cảm xúc ấy, không gian bến sông trăng cũng là không gian của thế giới tưởng tượng, thế giới tâm trạng. HÌnh tượng thơ cho ta cảm giác kì ảo và bàng bạc như thể bến sông trăng ấy là bến sông trăng của thế giới thần thoại thế giới cổ tích, của một cái gì đó huyền bí và diễm lệ, mơ hồ khó nắm bắt.
Không gian và thời gian của tác phẩm văn học có đặc tính chung đó là tính tư tưởng. Tái hiện không gian không phải để dựng nên một khung cảnh đơn thuần. Tái hiện thời gian không phải chỉ để nói về một diễn biến. Mà quan trọng hơn, từ không gian ấy, từ thời gian ấy, tác phẩm phải bộc lộ được một thông điệp, một tư tưởng, một tình cảm. Với thơ ca, thông điệp toát lên từ thời gian và không gian nghệ thuật không là gì khác hơn cảm xúc của thi nhân, nguồn cội của tác phẩm. Điều này rất dễ hiểu, bởi đặc trưng của thơ ca là cảm xúc, “Thơ ca là tiếng nói hồn nhiên nhất của con người”, thơ ca bắt nguồn từ muôn trùng cảm xúc và cũng kết thúc ở muôn trùng cảm xúc, đó là cầu nói giữa những trái tim cùng nhịp đập, của những tâm hồn đồng điệu. Điều đó giải thích được tại sao cả không gian và thời gian của “Đây thôn Vĩ Dạ” đều vận động trên sự chi phối của sự vận động của cảm xúc. Cả bài thơ là những hình ảnh rời rạc, không gian rời rạc, thời gian rời rạc, nhưng tất cả đều rất thống nhất, rời rạc nhưng không lạc lõng, không lạc điệu, bởi ẩn dưới bề mặt con chữ là sợi dây gắn kết tuy mảnh mai nhưng vồ cùng bền vững: Sợi dây cảm xúc. Bài thơ là một trong những bài hiếm hoi mang sắc màu tươi sáng của Hàn Mặc Tử. Tuy vậy nuỗi buồn và sự cô đơn, cái âm hưởng chia lìa vẫn tồn tại trong bài thơ, càng lúc càng nặng và khổ thơ cuối tăng đến đỉnh điểm. Từ cái nhìn trong sáng, có phần tươi vui, mạch thơ đột ngột chuyển thành tâm trạng bi sầu, chia li, thành cái lo âu gấp gáp, và đỉnh điểm là khổ thơ cuối, với những nỗi đau lên đến cực điểm, nghẹn lại thành từng tiếng nấc đau đớn!
Có thể nói khổ thơ cuối cùng, đỉnh điểm của cảm xúc đau thương bao trùm toàn bài thơ, chính là điểm hội tụ của không gian và thời gian. Cả không gian và thời gian ở đây đều mờ nhòa trong một cõi đau thương vô hình. “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”. Ở đây là nơi nào? Không biết. Ở đây là lúc nào? Cũng chẳng rõ. Chỉ có sương khói và nhân ảnh mờ ảo xa xôi. Dường như nhà thơ đã để tâm hồn mình lạc vào một chiều kích khác với sự vận động mơ hồ tưởng như không có của không gian và thời gian, nơi mà chỉ có nhà thơ,với nỗi đau, với hoài niệm , với sương khói và những ảo ảnh. Có người cho rằng đó là đỉnh điểm của đau thương, khi Hàn Mặc Tử, trước nỗi đau thể xác và linh hồn tan rã, đã để cho đau thương kéo đi, và những vần thơ cât lên vô thức như những hồi kí của đau thương. Đau đớn đến tột cùng cũng chính là lúc cảm hứng sáng tạo thăng hoa ở đỉnh điểm. Và ở đỉnh điểm đó, thơ là sản phẩm của vô thức, của cõi mơ, cõi đau. Ở cõi riêng ấy, sự tồn tại của không gian và thời gian hoàn toàn thoát ly mọi quy luật không gian thời gian mà ta thường thấy, sự vận động của toàn vũ trụ chi phối bởi sự vận động của xúc cảm.
EmoticonEmoticon